Wednesday, 15 March 2023

200 HỌC SINH MỚI CÓ MỘT NHÀ VỆ SINH, SAO DẠY CÁC EM GIỮ GÌN VỆ SINH? (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



200 học sinh mới có một nhà vệ sinh, sao dạy các em giữ gìn vệ sinh?

An Vui  -  Saigon Nhỏ

15 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/200-hoc-sinh-moi-co-mot-nha-ve-sinh-sao-day-cac-em-giu-gin-ve-sinh/

 

Nhà vệ sinh trường học công là nỗi ám ảnh của các em học sinh, từ tiểu học đến trung học.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/15.3.23_Anh-2.jpg

Trường phổ thông dân tộc bán trú cấp 2 Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có 20 phòng vệ sinh tạm cho hơn 1,000 học sinh. Giờ ra chơi các em phải xếp hàng đợi, còn đâu chơi đùa – Ảnh: Vnexpress

 

Theo báo cáo Vệ sinh học đường của Quỹ Unilever Việt Nam công bố đầu năm 2022, có đến 97% trẻ em Việt xác nhận tình trạng nhà vệ sinh bẩn trong học đường (nhưng có đến 71% không chia sẻ với cha mẹ mà âm thầm chịu đựng), dẫn đến 71% trẻ em đã bị ảnh hưởng về tâm lý hoặc thể chất.

 

Theo số liệu của Cục cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến năm 2020 cả nước có hơn 180,000 nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, nhưng chỉ có 57.3% nhà vệ sinh đạt chuẩn, nghĩa là đang còn hơn 103,000 nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Ước tính của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy hiện 7.7 triệu học sinh Việt Nam chưa có đủ nước và xà bông ở trường học. Không phải ngẫu nhiên khi các em học sinh trường học công bị ám ảnh về nhà vệ sinh.

 

Nhân công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10 Tháng Ba 2023 của thủ tướng Việt Nam – ông Phạm Minh Chính, yêu cầu các địa phương khắc phục tình trạng thiếu trường học, cơ sở y tế, nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị,  trong đó có nhắc: “Về hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch, các tỉnh, thành khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu… Các cơ quan có chức năng lập kế hoạch sửa chữa, bảo đảm công năng, sử dụng thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành chậm nhất trong Quý III năm 2023…”, các báo đã nhắc lại nỗi ám ảnh của học sinh trong trường học.

 

Bài viết “Giáo dục học sinh về vệ sinh từ cái nhà vệ sinh trong trường học” của tác giả Lê Thanh Phong trên Lao Động ngày 14 Tháng Ba 2023 đã nhấn mạnh:  “Chúng ta không thể giáo dục con em về ý thức giữ gìn vệ sinh, nếp sống văn minh khi nhà vệ sinh trong trường học là “công trình phụ” với thực trạng tệ hại như hiện nay. Không một bài giáo dục công dân nào thuyết phục bằng chính thực tế mà các em đang tiếp cận, mắt thấy tai nghe. Các em tin gì vào sách vở khi phải sử dụng một nhà vệ sinh vô cùng lạc hậu?”. Ông Phong cũng khẳng định: “Tình trạng nhà vệ sinh công cộng dơ bẩn, đường phố đầy rác, là hậu quả của việc xem thường chất lượng nhà vệ sinh trong trường học. Giáo dục giữ gìn vệ sinh trên giấy mà thực tế thì ngược lại. Đào tạo thế hệ thanh thiếu niên trở thành công dân toàn cầu, hội nhập thế giới sao được khi cái nhà vệ sinh không đạt chuẩn vệ sinh?”.

 

Khảo sát nhà vệ sinh trường học công ở một số tỉnh phía Bắc của Việt Báo ngày 14 Tháng Ba cho biết: nhiều em học sinh phải bỏ dở việc học, chạy về nhà giải quyết “bầu tâm sự” hoặc sau giờ học về đến nhà là chạy vội vào nhà vệ sinh, đến tội nghiệp. Em Nguyễn Thu H., học sinh cấp 2 ở tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự nhà vệ sinh ở trường rất mất vệ sinh, nên em thường hạn chế ăn uống khi đi học, ráng “nhịn” cho hết giờ chạy về nhà. H. mô tả trường học có 5 khối nhà, mỗi khối có 2- 3 tầng nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh, chia cho nam và nữ, mỗi bên chỉ có một phòng riêng có bệ xí, còn lại là các hố ngồi…. trên sàn. Cửa nhà vệ sinh thường bị kẹt, khó đóng/mở, hoặc bung ra, còn trên nền nhà bốc mùi hôi thối, giấy vệ sinh đã sử dụng xong vất thành đống vì thiếu người dọn dẹp (trường không có nhân viên dọn nhà vệ sinh mà giao cho học sinh chia thành đội phụ trách).  Có em không chờ đợi được, cũng không chịu được bẩn đã phải xin “đi” nhờ nhà người dân cạnh trường, thậm chí bỏ học để về nhà.

 

Bà Bùi Thị T. (tỉnh Thái Bình) phản ảnh con gái từ lúc lên cấp hai mỗi lần về nhà là vội vã chạy vào nhà vệ sinh. Lý do con gái bà cho biết là nhà vệ sinh ở trường bẩn lắm.

 

Khi đến trường học của con, bà thấy chỉ có hai nhà vệ sinh, một bên cho nam, một bên cho nữ, nhưng mỗi bên đều không có phòng riêng mà chỉ có ba bệ xí đặt gần nhau, không có sự ngăn cách hay riêng tư.  Khi đi vệ sinh xong, các em phải ra sân rửa tay vì ở đó mới có vòi nước, còn giấy lau phải mang đi từ nhà. Nhà trường này cũng không thuê nhân viên dọn nhà vệ sinh mà buộc học sinh vi phạm nội quy dọn! Theo bà T., bực bội ở chỗ, dù phụ huynh có đóng tiền cơ sở vật hàng năm, có góp ý với nhà trường nhưng trường không hề thay đổi.

 

Ở một trường cấp 2 công lập tỉnh Ninh Bình cũng chả khá hơn. Em Nguyễn Minh L. – học sinh cấp 2 tại tỉnh này cho biết toàn trường chỉ có hai nhà vệ sinh dành cho nam và nữ, mỗi bên đều không có phòng riêng mà chỉ có 4 bệ xí đã ố vàng và bốc mùi, cửa phòng vệ sinh lại không kín đáo. Chiếc bồn rửa tay chỉ mới được lắp đặt trong học kỳ 1 năm nay, nhưng không có xà bông để rửa tay.

 

Trường này cũng giao học sinh dọn nhà vệ sinh và các em chỉ làm qua loa cho xong.

 

Ngày 8 Tháng Chín 2022, khảo sát của Tuổi Trẻ tại một số trường học công ở Hà Nội cho thấy có trường 1,500 – 2,000 học sinh nhưng chỉ có 6-7 nhà vệ sinh, mỗi ca học, một nhà vệ sinh phải đón…. 200 học sinh! Đa số bồn rửa trong nhà vệ sinh của trường đều không sử dụng được từ lâu do tắc nghẽn hoặc thiếu nước, còn xà bông là thứ xa xỉ, không nơi nào có.  Có những nhà vệ sinh có bốn bệ xí thì hai cái bị hỏng. Một số nơi phải xây thêm các bệ có rãnh thoát nước bên ngoài để nhiều em học sinh đi tiểu cùng lúc. Điều lạ là các em đều sử dụng chỗ này hoặc đi ra sàn… chứ không vào các bệ xí, có khi lềnh bềnh chất thải chưa dội, chung quanh toàn rác.

 

Cụ thể tại trường tiểu học B thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) có khoảng 6 nhà vệ sinh cho cả nam và nữ đều đã cũ kỹ và nhếch nhác, trong khi đó sĩ số học sinh toàn trường trên 1,200 em. Trường này buộc các em học bán trú cả ngày, ăn trưa tại trường, đến khổ cho bọn trẻ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/15.3.23_Anh-1.jpg

Suốt 26 năm qua, điểm trường xóm Đồng, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không có nhà vệ sinh. Học sinh mầm non khi có nhu cầu phải chạy lên núi phía sau trường, thật quá tội nghiệp – Ảnh: Lao Động

 

Theo điều tra của UNICEF tại Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh đều bắt nguồn từ trường học. Nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày, làm cơ thể mất nước và nhiễm trùng hệ tiết niệu, tạo sỏi trong thận. Những đứa trẻ bị nhiễm trùng đường ruột (tiêu chảy, tả, thương hàn…) thường bị giảm khả năng nhận thức. Cùng một độ tuổi được tiếp nhận dinh dưỡng như nhau thì các trẻ bị tiêu chảy càng nhiều thì sau 24 tháng, sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng sẽ kém hơn trẻ bình thường.

 

Việc trẻ không dám đi vệ sinh còn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, nhất là khi trẻ “nhịn” quá lâu phải tuôn ra quần, hoặc bị chứng táo bón, dẫn đến trĩ, rách hậu môn và có thể dẫn đến việc đại/tiểu tiện không tự chủ.

 

Chưa kể, các bé còn có thể nhiễm bệnh tay – chân – miệng; dịch tả; tiêu chảy; viêm đường ruột; viêm gan A; nhiễm giun sán… từ nhà vệ sinh bẩn ở trường và đem về nhà lây cho gia đình.

 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Bệnh truyền nhiễm thành phố (Sài Gòn) khi trả lời báo Tuổi Trẻ đã cho biết nhà vệ sinh bẩn ở trường học khó có thể hình thành cho trẻ những thói quen tốt. Ông đặt vấn đề: Làm sao trẻ em, trong hơn 12 năm, có thể ý thức giữ gìn một nhà vệ sinh sạch sẽ trong khi nhà vệ sinh trường lúc nào cũng dơ bẩn đến nỗi các em không muốn đặt chân đến? Nhìn rộng ra đó còn là văn hóa giữ gìn vệ sinh chung, coi trọng các tài sản công cộng. “Tôi nghĩ đây là một bài học thiết thực mà trước nay nhiều trường học chưa để ý đến. Không có một toilet đàng hoàng thì làm sao dạy trẻ khi đi đến nơi công cộng thì phải giữ vệ sinh? Chưa kể, nhà trường là nơi trẻ đi học, là nơi lẽ ra trẻ phải được xây dựng những văn hóa đẹp từ các thói quen nhỏ nhất như thế”, ông đặt câu hỏi.

 

Không phải chỉ có các trường ở nông thôn hay vùng sâu mới thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh dơ bẩn, mà ngay cả các trường học công ở Hà Nội và Sài Gòn cũng chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh sao cho sạch và đẹp. Điều nghịch lý là nhiều trường xây dựng nhà vệ sinh cho giáo viên thì tử tế, vừa sạch vừa đẹp, còn nhà vệ sinh cho học sinh thì mặc kệ. Cũng giống như tình trạng tại các bệnh viện công: Chỉ có nhà vệ sinh dành riêng cho y tá và bác sĩ thì mới sạch, mới đẹp.

 

Khi nhìn thấy lỗ hổng này, vì quá thương bọn trẻ, có những chương trình từ thiện ở Việt Nam (của cá nhân hay tổ chức) chú tâm vào việc xây dựng nhà vệ sinh sạch và đẹp cho các em học sinh. Tiêu biểu như chương trình Vệ sinh học đường của Vnexpress ra mắt Tháng Sáu 2022, đã vận động bạn đọc chung tay đóng góp, hiện đã xây được 20 nhà vệ sinh mới sạch – đẹp dành cho học sinh ở nhiều trường thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

 

Đây là “vốn xã hội hóa” mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn kêu gọi người dân đóng góp. Ở Việt Nam, cứ đụng đến vấn đề nhân sinh (hữu ích cho cộng đồng như giáo dục, y tế…) thì phải có nguồn vốn từ “xã hội hóa” thì mới xong.






No comments:

Post a Comment

View My Stats