Sunday, 23 January 2022

VIỆT NAM : BÁO CHÍ ĐỘC LẬP ĐƯỢC KHÔNG? (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 



Việt Nam: Báo chí độc lập được không? 

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
23 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/viet-nam-bao-chi-doc-lap-duoc-khong/

 

Truyền thông trong nước đưa tin, tại cuộc họp mặt mừng Xuân sáng ngày 19 Tháng Một 2022 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thành phố Sài Gòn Nguyễn Văn Nên nói với báo chí: “Báo chí phải có tính độc lập, nghĩa là đối kháng với bốn đặc điểm: bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại, đổ lỗi”. Khi phát biểu như vậy, ông Nên đưa ra một chỉ thị mà báo chí thành phố phải thực hiện hay chỉ là một cách phê bình chỉ để chứng tỏ ông là quan chức có quan tâm tới hiện tình đất nước?

 

Bốn đặc điểm mà ông Nên yêu cầu phải “đối kháng” chưa hẳn là chỗ yếu chết người của báo chí trong nước nhưng cũng khái quát phần nào thực trạng của cái gọi là báo chí cách mạng (!) Khổ nỗi, những đặc điểm “bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại, đổ lỗi” đó lại thoát thai từ một nguyên tắc lớn hơn, bao trùm là “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN” được ví như “vòng kim cô” trên đầu Tề Thiên Đại Thánh.

 

Việt Nam có gần 1,000 tờ báo (kể cả báo in, tạp chí, báo mạng, đài phát thanh truyền hình) nhưng như nhiều người đã nói, chỉ có một “tổng biên tập” duy nhất nên tính chất “bầy đàn, khuôn mẫu” là không thể tránh khỏi. 

 

Theo một luật bất thành văn, tất cả những chức vụ phụ trách cơ quan báo chí (tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng ban trưởng phòng) đều phải là đảng viên lâu năm của ĐCSVN; người ngoài đảng, dù có thực tài, có trình độ, cũng chỉ có thể đảm nhiệm những công việc chuyên môn, giỏi lắm là làm phụ tá, trợ lý, không có quyền quyết định gì cả. Các “quan báo” hàng tuần đều phải họp “giao ban” với ban tuyên giáo của đảng để nghe nhận xét đánh giá về báo chí trong tuần và chỉ đạo những nội dung phải làm trong tuần kế tiếp. Chuyện đó không có gì lạ trong một chế độ mà báo chí truyền thông được coi là một “mặt trận”, người làm báo là “chiến sĩ” trên mặt trận đó; hoạt động dưới sự chỉ huy của đảng từ trung ương xuống địa phương. Trong một cơ chế như vậy, báo chí không có tính “bầy đàn”, “khuôn mẫu” mới là chuyện lạ. 

 

Khi đảng muốn “biểu dương” cái gì thì cả dàn đồng ca báo chí tranh nhau cất cao giọng xem ai ca giỏi nhất, vang nhất. Khi đảng muốn toàn dân tin tưởng bộ xét nghiệm (test-kit) của Công ty Việt Á mà ngoan ngoãn để cho người ta “ngoáy mũi” thì cả “bầy đàn” báo chí xúm vào bốc thơm cái test-kit ấy “đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn, cho phép sử dụng khẩn cấp”. Có báo “sáng chế” thêm test-kit Việt Á đã được Cơ quan Y tế và Phúc lợi Vương quốc Anh chấp nhận, đặt mua. Bây giờ thì đã lộ ra rằng đó là sản phẩm của Trung Quốc nhập lậu, phẩm chất và độ an toàn rất đáng ngờ và chưa hề được cơ quan khoa học quốc tế nào phê chuẩn thì cả “bầy đàn” báo chí lặng lẽ rút bài, xóa thông tin, không ai làm cái công việc đơn giản nhất là đăng đính chính, cáo lỗi với người đọc.

 

Ngược lại, khi đảng muốn “đánh” ai thì cả “bầy đàn” báo chí lại vào cuộc tả xung hữu đột, bới móc và bịa đặt đủ kiểu để lập công với đảng. Ai muốn chứng kiến báo chí “đánh hội đồng” thì chỉ cần theo dõi vụ Tịnh thất Bồng Lai, tức Thiền am Bên bờ Vũ trụ, đang bị báo chí kết án những tội trạng khủng khiếp như “lừa đảo”, “loạn luân” dù chưa có cuộc điều tra độc lập nào xác nhận những tội lỗi đó. Các nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến khi bị đảng ra lệnh bắt, cũng bị báo chí xúm vào đánh bầm dập mà không có cơ sở hay bằng chứng gì, ngay cả khi người bị đánh là đồng đội, đồng nghiệp một thời, như vụ đánh các cây bút của Hội Nhà báo Độc lập, vụ năm nhà báo của nhóm Báo Sạch hay nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang.

 

Trong những vụ việc vừa kể, dù khen hay đánh, tất cả các tờ báo đều nói cùng một giọng, một khuôn mẫu, không hề có tiếng nói khác. Họ “ỷ lại” nguồn thông tin mà đảng và các cơ quan công quyền của đảng đưa ra, coi đó là sự thật hiển nhiên không cần kiểm chứng mà đưa thẳng lên trang báo, thậm chí không cần gia công “biên tập” để biến ngôn ngữ hành chính thành ngôn ngữ báo chí. 

 

                                                        ***

Đòi hỏi báo chí phải “độc lập”, ông Bí thư Nên muốn gì? Ông muốn báo chí phải “đối kháng” với bốn đặc điểm kể trên, nhưng chắc hẳn không không dám yêu cầu báo chí phải xa rời cái vòng kim cô của đảng. Mà khi vẫn phải đội cái vòng kim cô, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát thì “độc lập” chỉ là một khái niệm xa xỉ, không có trong thực tế. Bởi vậy, phản ứng của nhiều người viết báo trong nước khi nghe ý kiến chỉ đạo của ông Bí thư thành ủy là “cười mỉa”, “cười khinh mạn” và “chúc ông năm mới tiếp tục thành công trong nghề nghiệp mị dân”.

 

Khách quan mà nói, cùng trong một chế độ nhưng báo chí ở Sài Gòn có nhiều nỗ lực cạnh tranh và cải tiến để thu hút độc giả, tăng số lượng phát hành và doanh thu, nhất là những tờ báo không được chính phủ “bao cấp” về tài chính. Sự năng động của báo chí Sài Gòn so với đồng nghiệp ở miền Bắc có phần do ảnh hưởng nền báo chí tự do của miền Nam trước năm 1975 còn lại, do tính cách phóng khoáng của độc giả miền Nam. Tôi nhớ năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình qua đời, báo chí Việt Nam theo chỉ thị của tuyên giáo, đồng loạt đăng bài ngợi ca nhà lãnh đạo cải cách của Trung Quốc là một “trí tuệ siêu việt”, chỉ có một tờ báo dám chỉ mặt đặt tên Đặng Tiểu Bình là người chủ mưu và phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, là một tội đồ của dân tộc Việt. Và đó là một tờ báo uy tín ở Sài Gòn. Nhưng tiếc là những hiện tượng “xé rào” như vậy vẫn rất hiếm hoi.

 

Nếu ông Bí thư Nên muốn khuyến khích Sài Gòn có một nền báo chí khác biệt chứ không phải là công cụ tuyên truyền thì đó là điều tốt, nhưng e rằng chủ ý ông không phải là như vậy. Là cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng, ông Nên thừa hiểu chừng nào còn có đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối thì không thể có báo chí tự do, độc lập. Vì vậy, “giới truyền thông, một số Facebooker và nhà hoạt động cho rằng đây là lời răn đe của ông Nguyễn Văn Nên hơn là một sự khích lệ”, theo đài RFA.

 

Trong quá khứ, đã từng có thời ĐCSVN dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cuối những năm 1980, chủ trương “mở cửa”, “cởi trói”, khuyến khích văn nghệ sĩ “nói thẳng, nói thật”, giống như ông Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng “trăm hoa đua nở” ở miền Bắc những năm 1956-1958. Nhưng khi văn nghệ, báo chí bắt đầu phơi bày những tệ nạn của xã hội, của chế độ cho công chúng thấy thì đảng lập tức “đóng cửa” và gia tăng đàn áp làm cho một số cây bút nhẹ dạ bị vùi dập, bị ngược đãi. 

 

Con chim bị thương chỉ cần nhìn thấy cung tên đã run sợ. Có lẽ vì kinh nghiệm quá khứ đó mà giới cầm bút trong nước chẳng những không vui với yêu cầu báo chí độc lập của ông Bí thư Sài Gòn mà còn thấy đây có thể là dấu hiệu của những ngày khó khăn gian khổ sắp tới.

 

--------------

Đọc thêm:

 

Báo chí Việt: Giỏi nhất là chửi dân!

 

Xã hội Việt Nam đang cần một nền công lý không bị thao túng

 

Bài học từ cái chết của nền dân chủ Hong Kong

 

Thị trường chứng khoán CSVN: Gian thương lộng hành!





No comments:

Post a Comment

View My Stats