Tuesday, 4 January 2022

VÌ SAO VI PHẠM NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM TỒI TỆ và NGÀY CÀNG TỒI TỆ HƠN? (Thiện Ý)

 


Vì sao vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn?

Thiện Ý

05/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/vi-pham-nhan-quyen-viet-nam-ngay-cang-toi-te/6382586.html

 

https://gdb.voanews.com/0B300BA1-0BCB-4F91-90D9-BAD6DD3DEF54_w650_r1_s.png

Phiên tòa xử nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang tại Hà Nội.

 

Năm 2021, theo ghi nhận của các cơ quan truyền thông, các tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền quốc tế, thì số người bất đồng chính kiến bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt cầm tù đạt con số kỷ lục, cao hơn nhiều các năm trước đây.

 

Thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền và Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 5 năm 2021, có 288 tù nhân lương tâm bị giam giữ trong các điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam dù Hà Nội luôn phủ nhận rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở đây. Trong bức thư gửi tới Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, trước chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8, hai tổ chức này nói rằng từ năm 2020 đến 2021, chính phủ Việt nam tiếp tục vi phạm các quyền cơ bản của con người, từ phân biệt đối xử, bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm công bằng xét xử đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do ý kiến và biểu đạt, tự do lập hội.

 

Các tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền này đánh giá rằng “Năm 2021 chứng kiến sự đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với giới bất đồng chính kiến mà giới hoạt động và theo dõi nhân quyền quốc tế cho là tồi tệ nhất trong những năm gần đây trong bối cảnh đại dịch và sự làm ngơ của phương Tây”.

 

Thực ra, đánh giá này không có gì mới, không làm ai ngạc nhiên; chỉ có câu hỏi được nhiều người đặt ra từ lâu là “Vì sao vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn?”

 

Câu trả lời thì đã có. Nhưng cách thức giải đề hiệu quả thực tế thì chưa.

 

1. Câu trả lời thì đã có, là vì tương quan không cân sức giữa những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam.

 

- Những người bất đồng chính kiến thì không có vũ khí gì trong tay, chỉ có lương tâm và hành động đấu tranh ôn hòa cho chính nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền. Trong khi nhà cầm quyền trong thể chế độc tài toàn trị, có quyền đẻ ra luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường và các công cụ chuyên chính khác như công an, quân đội… để đàn áp mọi phản kháng, chống đối của người dân.

 

-Vì tương quan không cân sức như thế, các nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền… cần sức hậu thuẫn quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, chính quyền các quốc gia dân chủ, các tổ chức quốc tế theo dõi và bảo vệ nhân quyền quốc tế. Nhưng sức hậu thuẫn nay thường chỉ là những lời tố cáo, lên án kèm theo những biện pháp gây áp lưc với nhà cầm quyền Việt Nam; hay những biện pháp chế tài một số cá nhân viên chức chính quyền có hành vi vi phạm nhân quyền như là các biện pháp trừng phạt theo kiểu (Đạo luật) Magnitsky đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu…). Thế nhưng tất cả các biện pháp đối phó này chỉ có hiệu quả giới hạn hoặc chẳng có tác dụng gì ngăn chặn, đẩy lùi được các hành động đàn áp của nhà đương quyền Việt Nam. Thực tế hiệu quả cụ thể thấy được chỉ là sự can thiệp để nhà cầm quyền thả một số tù nhân lương tâm đưa ra nước ngoài. Nhưng sau đó, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng bắt bớ bỏ tù số tù nhân lương tâm nhiều hơn, với những bản án nặng nề hơn. Vì sao?

 

2. Vì cách thức giải đề hiệu quả thực tế thì chưa.

 

Theo nhận định của nhiều người hệ quả thực tế tồi tệ trên là vì:

 

(1) Các biện pháp chế tài bao lâu nay không có tác động trực tiếp vào quyền lợi thiết thân của hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà cầm quyền Việt Nam.

 

(2) Về đối nội đảng và nhà đương quyền Việt Nam tự mãn rằng vị thế cầm quyền của họ vững như bàn thạch. Trong nước không một thế lực chính trị hay quân sự nào có thể đe dọa lật đổ, thay thế vị thế lãnh đạo độc tôn, độc quyền, độc tài của một tập đoàn thống trị dày kinh nghiệm trấn áp nhân dân bằng bạo lực.

 

(3) Về đối ngoại, dựa vào tư thế chủ quyền của một quốc gia độc lập, theo công pháp quốc tế, đảng và nhà đương quyền Việt Nam biết được giới hạn của các biện pháp trừng phạt khả thi của quốc tế hay các quốc gia khác không thể vượt qua. Trong khi họ biết rằng quốc tế nói chung, Hoa Kỳ và các cường quốc có ảnh hưởng nói riêng, đang rất cần đến vị thế địa chính trị của Việt Nam trong thế chiến lược bao vây gián chỉ sự bành trướng thế lực trong vùng của Trung Quốc. Vì thế, đảng và nhà đương quyền Việt Nam bất chấp mọi áp lực, vì biết rằng liên minh các cường quốc, đứng đầu là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không vì nhân quyền cho nhân dân Việt Nam mà hy sinh những lợi ích quốc gia trong đó có lợi ích chiến lược quân sự, kinh tế trong vùng của họ.

 

Đúng như ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với VOA, rằng ‘“Quốc tế và các nước phương Tây cũng có một số phản ứng yếu ớt về việc đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản nhưng đối với phương Tây họ vẫn coi trọng quyền lợi kinh tế hơn. Như Hoa Kỳ, bên cạnh kinh tế, cũng muốn lợi dụng Việt Nam để làm tiền đồn chống Trung Quốc”.

 

Hệ quả thực tế là, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và cả các thành viên của Liên minh châu Âu, EU vẫn đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và đối tác đầu tư (EVIPA) với Việt Nam. Còn chính quyền Mỹ trong năm qua cũng đã tăng cường quan hệ an ninh và thương mại với Việt Nam bằng hai chuyến thăm cấp cao của Phó Tổng thống Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Sau các chuyến thăm này, Đảng Cộng sản vẫn không ngừng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và những người lên tiếng cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

 

Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) nhận định với VOA về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm nay:

 

Thật không may, tình hình an ninh ở Biển Đông và vai trò mới của Việt Nam với tư cách là quốc gia thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng, đã đẩy các vấn đề nhân quyền ra ngoài lề”, ông Robertson nói. “Mỹ và các đồng minh đang cho phép Việt Nam thoát khỏi những vi phạm nhân quyền đáng kể và có hệ thống, và điều này cần phải dừng lại”.

 

Theo ông Robertson và ông Ngữ, điều đó có nghĩa nhân quyền cho Việt Nam sẽ là thứ yếu.

 

“Tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ hơn theo đúng nghĩa đen từng ngày (ở Việt Nam)”, ông Robertson nói. “Và chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ truy tố vào năm 2022”.

 

Đồng ý kiến, ông Ngữ cho rằng giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn hơn trong hoạt động nếu chính quyền Hà Nội được phương Tây o bế vì các lợi ích an ninh và thương mại. Theo ông Ngữ, việc bắt giữ, đàn áp có lẽ sẽ tương tự hoặc nhiều hơn so với hai ba năm gần đây.

 

3. Thay lời kết

 

Đến đây có thể kết luận rằng, dù hậu thuẫn quốc tế cho các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền hiệu quả đến đâu; dù nhà đương quyền Việt Nam có tiếp tục đàn áp bắt bớ, tù đầy ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến trong các năm tới… điều chắc chắn là, thực tế cũng không thể, không bao giờ dập tắt được ngọn lửa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều nhà dân chủ sẽ nối tiếp, chấp nhận tù đầy, hy sinh, gian khổ cho đến ngày Việt Nam có dân chủ và nhất định sẽ có dân chủ.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats