Tối
cao Pháp viện ngăn chặn quy định bắt buộc tiêm chủng
Bình Phương
13 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/toi-cao-phap-vien-ngan-chan-quy-dinh-bat-buoc-tiem-chung/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/09/GettyImages-1235003706.jpg
Tiêm chủng hay
không tiêm chủng đã trở thành vấn đề chính trị, chia rẽ cả cơ quan pháp luật tối
cao của nước Mỹ, Ảnh minh họa: Keith Birmingham/MediaNews Group/Pasadena
Star-News/Getty Images
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm 13 Tháng Giêng
đã ngăn chặn việc thực thi một quy định của chính phủ liên bang bắt buộc các
công nhân trong công ty có nhiều người lao động phải tiêm vaccine ngừa COVID-19
hoặc xét nghiệm hàng tuần, giáng một đòn nặng nề vào kế hoạch của chính phủ nhằm
kiểm soát đại dịch khi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện lại cho phép
chính phủ bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên chăm sóc sức khỏe của các cơ sở
y tế liên kết với các chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ liên bang.
***
Tháng Mười Một năm ngoái, chính phủ liên bang
của Tổng thống Joe Biden, thông qua Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề
nghiệp của Bộ Lao động (Occupational Safety and Health Administration) đã ban
hành lệnh bắt buộc các chủ sử dụng lao động tại các công ty có từ 100 nhân viên
trở lên phải tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên, những người không tiêm
chủng sẽ phải xét nghiệm COVID-19 hằng tuần, nhằm bảo đảm một môi trường làm việc
an toàn, không bị truyền nhiễm.
Người lao động cũng như chủ công ty không phải
trả tiền cho việc tiêm chủng hoặc xét nghiệm nhưng sau ngày 9 Tháng Hai 2022,
những người lao động không tiêm chủng – trừ khi có lý do chính đáng và được
ngành y tế chấp thuận – sẽ bị phạt và phải thực hiện xét nghiệm hằng tuần. OSHA
cho biết quy định sẽ được áp dụng cho hơn 84 triệu công nhân và ước tính nó sẽ
làm cho 22 triệu người phải tiêm chủng, ngăn ngừa 250,000 ca vào bệnh viện điều
trị do bị nhiễm bệnh nặng.
Sáng nay thứ Năm, Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu
6 (thuận) và 3 (chống) ngăn chặn quy định này; sáu phiếu thuận là của các thẩm
phán bảo thủ và ba phiếu chống thuộc về các thẩm phán có quan điểm tự do. Các
thẩm phán bảo thủ chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện cho rằng, “[quy định]
là một sự xâm phạm nghiêm trọng tới cuộc sống – và sức khỏe – của một số lượng
lớn những người lao động”, và việc thực thi quy định đó có nghĩa là “mở
rộng đáng kể thẩm quyền điều hành của OSHA mà không có sự ủy quyền rõ ràng của
Quốc Hội”.
Vào lúc COVID-19 đã làm cho hơn 845,000 người
Mỹ thiệt mạng, các thẩm phán bảo thủ vẫn coi nhẹ (downplay) đại dịch và
cho rằng mối nguy của COVID chỉ ngang với các rủi ro “hằng ngày” như tội phạm,
tai nạn giao thông và ô nhiễm không khí mà người Mỹ khắp nơi phải đối mặt!
Để phản đối, Thẩm phán Stephen Breyer thay mặt
các thẩm phán cấp tiến, nói rằng quyết định của Tối cao Pháp viện “đặt chính
quyền liên bang vào thế khó xử, ngăn cản năng lực của chính phủ trong việc đối
phó với mối đe dọa có một không hai mà COVID-19 đặt ra cho người lao động của đất
nước”.
Tổng thống Joe Biden bày tỏ thất vọng với quyết
định của Tối cao Pháp viện và nói rằng, bây giờ các tiểu bang và chủ sử dụng
lao động phải quyết định xem có đòi hỏi công nhân “thực hiện bước đi đơn giản
và hiệu quả là tiêm vaccine” hay không.
***
Trong một cuộc bỏ phiếu khác có liên quan, Tối
cao Pháp viện chấp thuận quy định bắt buộc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho
tất cả nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe có nhận tiền từ
các quỹ Medicaid và Medicare – tức là các chương trình bảo hiểm sức khỏe cho
người cao niên, người tàn tật và người có thu nhập thấp được chính phủ liên
bang tài trợ hoặc trợ cấp.
Quy định bắt buộc nhân viên y tế – nhất là những
người làm việc ở bệnh viện và nhà dưỡng lão – phải tiêm chủng được bỏ phiếu 5 –
4; trong đó hai thẩm phán bảo thủ gồm Chánh thẩm John Roberts và Thẩm phán
Brett Kavanaugh bỏ phiếu thuận cùng với ba thẩm phán cấp tiến.
Các thẩm phán bỏ phiếu thuận cho rằng quy định
này “phù hợp” với thẩm quyền mà Quốc Hội trao cho chính phủ trong việc đặt
ra những điều kiện để được nhận tiền từ chương trình Medicaid và Medicare, bao
gồm những chính sách bảo vệ sức khỏe và an toàn. “Suy cho cùng, việc bắt buộc
những người cung cấp [dịch vụ y tế] có biện pháp tránh truyền nhiễm virus độc hại
cho bệnh nhân là phù hợp với nguyên tắc căn bản của nghề y: trước tiên là không
gây hại”, văn bản của tòa viết.
Bốn thẩm phán bảo thủ phản đối quy định tiêm
chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế nói rằng Quốc Hội chưa trao cho chính quyền
liên bang thẩm quyền bắt buộc tiêm chủng hàng chục triệu nhân viên chăm sóc sức
khỏe và “đặt hơn 10 triệu nhân viên vào việc lựa chọn hoặc có việc làm hoặc
phải chịu một sự chữa trị y tế không đảo ngược được,” Thẩm phán Samuel
Alito nói.
Quy định này sẽ ảnh hưởng tới 10.3 triệu nhân
viên y tế ở 76,000 cơ sở chăm sóc y tế toàn quốc.
Tổng thống Biden ra tuyên bố nói rằng quyết định
của Tối cao Pháp viện ủng hộ quy định bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế
“sẽ cứu được nhiều sinh mạng” và chính phủ sẽ thực thi quy định này.
Nhân viên y tế phải tiêm chủng đầy đủ trước cuối Tháng Hai 2022.
--------------
Đọc thêm:
·
Tòa
chặn quy định bắt buộc người lao động tiêm chủng
·
Hoa
Kỳ: Tranh cãi hỗn loạn trong cảnh sát về lệnh buộc tiêm chủng
·
Los
Angeles sẵn sàng ban hành quy định nghiêm ngặt về tiêm chủng
No comments:
Post a Comment