Thursday, 13 January 2022

TẠI SAO NƯỚC MỸ THIẾU HỤT NHÂN CÔNG? (Nhã Duy)

 



Tại sao Mỹ thiếu hụt nhân công?

Nhã Duy

13/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/13/tai-sao-my-thieu-hut-nhan-cong/

 

Cuối tuần trời lạnh và mưa, tôi gọi đặt vài món ăn mang về. Ghé nhà hàng thì nhà bếp làm thiếu mất một phần. Người chủ xởi lởi, “Làm nhanh lắm, anh đợi tí là có liền”. Tôi hơi ngần ngừ nhưng cũng gật đầu. Thấy chủ vui vẻ, tôi bắt chuyện:

 

– Nhà hàng đang đông khách, tại sao không tiếp khách mà chỉ bán mang về vậy anh?

 

– Không có thợ anh ơi, kiếm không ra. Không biết tụi Mễ làm gì mà nghỉ hết, giờ kiếm không ra – Người chủ trả lời.

 

Có lẽ ông là một người Hoa Chợ Lớn, cách trò chuyện cũng chân chất nên tôi dạm thêm một câu cầu may mà không chắc ai cũng sẽ trả lời.

 

– Chắc cũng có thợ không đủ giấy tờ hả? – Tôi tránh từ “ở lậu” để ông thoải mái hơn.

 

– Đủ thứ anh ơi. Có giấy tờ, có giấy tạm hay nó mượn giấy tờ của ai đó mình không biết, miễn tụi nó làm được việc cho mình thì thôi – Ông cũng trả lời, dù không trực tiếp.

 

Người chủ kể nhà hàng có gần cả chục thợ. Bây giờ nhân viên Mễ nghỉ hết nên chỉ còn ba người trong gia đình, bây giờ nhà hàng kê hết bàn ghế lên, chỉ bán đồ mang về, cầm cự tạm cho đến khi tình trạng khá hơn.

 

Đây là người chủ nhà hàng thứ nhì kể về tình trạng không kiếm ra nhân viên. Hỏi họ tại sao không mướn người Việt thì người nào cũng bảo thợ Việt không có sức bằng thợ Mễ, người còn sức hay trẻ thì kiếm các công việc khác nhàn và có tiền hơn. Mặt khác thì thợ Mễ đơn giản, không than phiền và làm việc cũng chăm chỉ.

 

Tình trạng này đang xảy ra khắp nơi trên nước Mỹ, trong mọi lãnh vực. Nguồn di dân lậu luôn thay đổi và biến động, các số liệu cho biết có khoảng 10-10.5 triệu di dân lậu đang sống tại Mỹ hiện nay. Theo Pew Research Center, năm 2017 là năm đầu tiên số di dân lậu sinh ra tại Mexico lần đầu tụt giảm và thấp hơn tổng số các nhóm di dân lậu khác, so với nhóm từ Trung Mỹ và Á Châu tăng cao.

 

Trong khi làn sóng di dân lậu từ Trung Mỹ vẫn nhắm vào Mỹ, các biên giới Mỹ-Mexico được canh phòng gắt gao hơn, nhóm mang ý định vào Mỹ qua đường du lịch và ở lại sau khi visa quá hạn cũng giảm, những di dân lậu gốc Mexico này ít đi nhiều hơn. Không có nội các hay tổng thống Mỹ nào “mở toang biên giới” như cách nói thậm xưng đến phi lý của một số người. Các chính khách chỉ sử dụng như một chiêu bài mị dân mỗi khi ra tranh cử.

 

Di dân lậu là bài toán hai mặt trong chính sách di dân, có những lợi hại khác nhau cần cân nhắc . Người di dân lậu có thể lập gia đình, sinh con trên đất Mỹ, buộc hệ thống giáo dục và y tế gánh thêm chi phí cho con cái họ là công dân Mỹ khi sinh ra trên đất Mỹ. Họ bị ép giá và chấp nhận làm ở mức lương thấp nên cạnh tranh mức lương với người dân trong một số lãnh vực và vài tiểu bang. Phần lớn nhóm này không có đủ khả năng mua bảo hiểm xe nên rốt cuộc góp phần gia tăng chi phí bảo hiểm của người hợp pháp. Cũng không tránh khỏi việc có những thành phần bất hảo như bất cứ sắc dân nào khác nên sự hiện diện của họ cũng buộc phải gia tăng nguồn nhân lực, phí tổn cho nhân viên công lực, chính phủ.

 

Ngược lại, đây là nhóm có tỉ lệ làm việc cao nhất, ước tính đến 75% di dân lậu tham gia vào nhóm nhân công nước Mỹ. Họ đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của nước Mỹ khi là nhóm chủ chốt trong nhiều lãnh vực tay chân nặng nhọc khó tìm nhân công như canh nông, chế biến thực phẩm, xây dựng, cầu đường, dịch vụ… Tiêu xài nhiều, họ góp một phần không nhỏ vào nguồn thuế tiêu thụ của các tiểu bang. Đây là nhóm nhân công khá cần mẫn, phần lớn cũng mong có được một đời sống ổn định và lương thiện, vươn lên và lo cho con cái nếu có dịp tiếp xúc nhiều với họ. Các nghiên cứu cho thấy cái lợi lớn hơn những phí tổn dành cho họ. Không phải là một chính sách chính thức của nước Mỹ nhưng nhiều đời tổng thống Mỹ cho đến nhiều tiểu bang đã ngấm ngầm tận dụng nguồn nhân công rẻ tiền này cho sự vận hành của nước Mỹ lâu nay khi cân nhắc giữa sự lợi hại, không chỉ lòng nhân đạo.

 

Dưới thời nội các tiền nhiệm và khi đại dịch xảy ra, đây là nhóm nhân công bị gạt qua bên lề và thiệt thòi nhất. Khi hàng quán đóng cửa hay mở cửa giới hạn, họ không nhận được bất cứ chương trình trợ giúp nào cùng nỗi lo canh cánh bị bắt giữ và trục xuất. Nếu bị nhiễm Covid, họ chỉ cầu may có thể sống sót vì không có giấy tờ, bảo hiểm và lo sợ việc vào bịnh viện sẽ gặp rủi ro. Có thể đây là lý do họ chọn cách quay về nước, tạm thời hay lâu dài.

 

Trong khi đó, số người đến tuổi về hưu hay hưu non vẫn cứ tiếp tục gia tăng. Số người bỏ việc trong năm qua tăng cao ở mức ngạc nhiên, như tháng 11 vừa qua có đến 4.5 triệu người bỏ công việc vì nhiều lý do, theo công bố mới nhất từ Bộ Lao Động. Những việc này đồng lúc diễn ra, nước Mỹ chưa bao giờ thiếu hụt nhân công nặng nề như hiện nay. Cả nhân công chính thức và nguồn nhân công lậu. Hậu quả là kinh tế đình trệ và phí tổn tăng cao. Và ai là người gánh chịu trực tiếp? Chắc chắn đầu tiên phải là người tiêu dùng, người dân Mỹ. Trước dịch, một anh bạn được tính giá 30 ngàn đô la để xây một hồ bơi nhỏ sau vườn, chưa làm, bây giờ cũng cùng hãng thầu cũ tính đến 90 ngàn. Họ giải thích là do chi phí nhân công và vật liệu tăng quá cao, một phần cũng gánh chịu từ cuộc thương chiến nửa vời.

 

Bài toán di dân chưa bao giờ có câu trả lời dễ dàng, đúng sai rõ ràng vì có cái được mất như nói trên. Chỉ dễ dàng là một số người có thể vỗ tay khi tổng thống này giới hạn hay cấm di dân, cả lậu và chính thức; hoặc chỉ trích tổng thống kia “mở cửa” cho di dân theo cách hiểu đơn giản của họ. . Và rồi bây giờ gánh chịu vật giá đắt đỏ bởi chọn lựa của mình.

 

Vậy còn đổ lỗi cho ai?

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats