Thursday 13 January 2022

NGƯỜI VIỆT Ở MỸ CHIA RẼ về QUYỀN BẦU CỬ : NÊN DỄ HAY KHÓ? (VOA Tiếng Việt)

 



Ngườì Việt ở Mỹ chia rẽ về quyền bầu cử: Nên dễ hay khó?

VOA Tiếng Việt

14/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9D%C3%AC-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-chia-r%E1%BA%BD-v%E1%BB%81-quy%E1%BB%81n-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-n%C3%AAn-d%E1%BB%85-hay-kh%C3%B3-/6396531.html

 

https://gdb.voanews.com/6A265F80-B316-4584-86E2-56EB9D6EA892_w650_r1_s.png

Nhân viên bầu cử đang đổ thùng phiếu ra để đếm trong cuộc bầu cử năm 2020 ở hạt Multnomah, bang Oregon

 

Tranh cãi về quyền bầu cử đã trở thành vấn đề mang tính đảng phái ở Mỹ, trong đó có người Mỹ gốc Việt, với cử tri Cộng hòa yêu cầu phải đảm bảo ‘tính liêm chính’ trong khi cử tri Dân chủ đòi hỏi phải tạo điều kiện cho người dân ‘thực hiện quyền bầu cử’.

 

Tổ chức bầu cử thế nào đã nổi lên thành vấn đề lớn ở Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử năm 2020 khi mà cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump thất cử trước ông Joe Biden của Đảng Dân chủ. Kể từ đó, ông Trump liên tục cáo buộc không có bằng chứng rằng ông Biden ‘đã đánh cắp chiến thắng của ông bằng cách gian lận’.

 

Trong bối cảnh đó, các bang mà Đảng Cộng hòa đang nắm giữ quyền lập pháp như Texas hay Georgia đã tìm cách sửa đổi luật bầu cử - một động thái mà bên Đảng Dân chủ cho là ‘tấn công quyền dân chủ của người dân’.

 

Trong lúc này, Tổng thống Joe Biden đã đưa việc thông qua các đạo luật mới nhằm vô hiệu hóa những thay đổi bầu cử ở các bang là ưu tiên hàng đầu trong chính quyền của ông. Hôm 11/1, cùng với phó Tổng thống Kamala Harris, ông Biden đã có mặt ở Atlanta, thủ phủ Georgia, và có bài phát biểu nảy lửa lên án phe Cộng hòa cũng như vận động cho hai dự luật của Đảng Dân chủ.

 

‘Lời nói dối khủng khiếp’

 

Tổng thống Joe Biden nói ông ‘chống lại các thế lực ở Mỹ coi trọng quyền lực hơn nguyên tắc, các thế lực đã tìm cách đảo chính chống lại nguyện vọng người dân được thể hiện một cách hợp pháp bằng cách gieo rắc nghi ngờ, bịa đặt cáo buộc gian lận và tìm cách đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020 từ người dân’.

 

“Không một thành viên Cộng hòa nào (ở Thượng viện) thể hiện lòng can đảm để đứng lên chống lại một tổng thống đã thất bại để bảo vệ quyền bầu cử của người dân Mỹ. Không một ai cả,” ông lên án.

 

Tổng thống chỉ trích các bang ban hành luật mới về bầu cử, bao gồm Georgia. Ông cáo buộc luật bầu cử mới của bang này được thúc đẩy bởi ‘lời nói dối khủng khiếp’ và ‘được chế định để trấn áp quyền bầu cử của quý vị và lật đổ các cuộc bầu cử của chúng ta’.

 

Trong 9 tháng kể từ khi Đảng Cộng hòa ở Georgia áp đặt một loạt các hạn chế bỏ phiếu mới, 18 bang khác cũng ban hành 33 đạo luật. Hơn 30 bang cũng kết thúc quá trình vẽ lại địa hạt bầu cử có lợi cho Đảng Cộng hòa, giúp đảm bảo cho họ nắm giữ cơ quan lập pháp ở các bang chiến địa bầu cử như Georgia, North Carolina, Ohio và Texas thêm 10 năm nữa.

 

Những điều khó hiểu về những thay đổi trong luật bầu cử, về quyền bỏ phiếu, địa điểm và thời gian bỏ phiếu có thể khiến nhiều cử tri không thể đi bầu, các chuyên gia nhận định. Sự trừng phạt hà khắc có thể khiến một số cử tri không dám đi bầu vì sợ sẽ bị truy tố nếu phạm sai lầm mặc dù họ không hề có ý gian dối.

 

Hai dự luật của Đảng Dân chủ mà ông Joe Biden đang vận động – Luật Tự do Bỏ phiếu và Luật John Lewis về Thúc đẩy Quyền bỏ phiếu – sẽ vô hiệu hóa những đòi hỏi nặng nề của các bang bằng cách đưa ra các yêu cầu ở mức tối thiểu về bỏ phiếu sớm, quy định những loại giấy tờ tùy thân nào được chấp nhận tại các điểm bỏ phiếu và nới lỏng quy trình đăng ký cử tri.

 

Hai đạo luật này sẽ quy định việc vẽ lại địa hạt bầu cử theo mục đích đảng phái là bất hợp pháp, cho Bộ Tư pháp nhiều công cụ pháp lý hơn để thách thức các bản đồ hoàn toàn lệch sang cho một đảng.

 

Để hai dự luật này được thông qua, ông Biden kêu gọi Đảng Dân chủ bỏ phiếu để thay đổi quy tắc ở Thượng viện. Quy tắc filibuster – tức yêu cầu phải có 60 phiếu thuận mới chấm dứt tranh luận một dự luật và đưa nó ra bỏ phiếu – đang đe dọa bóp chết hai dự luật bầu cử của Đảng Dân chủ vì họ hiện chỉ nắm đa số mong manh là 50 ghế ở Thượng viện.

 

‘Bầu cử cần trung thực’

 

Ngay trước bài phát biểu của ông Biden, Thống đốc Georgia Brian Kemp cáo buộc chính quyền Biden đã ‘dối trá về luật bỏ phiếu mới của bang’. Ông cho rằng luật này thực sự ‘giúp bỏ phiếu được dễ dàng hơn và khó gian lận hơn’.

 

“Georgia là mặt trận đầu tiên để Biden-Harris tấn công vào tính trung thực bầu cử,” ông Kemp tuyên bố được CNN dẫn lại. “Bỏ qua sự thật và bằng chứng, chính quyền này đã nói dối về Đạo luật Liêm chính Bầu cử của Georgia ngay từ đầu trong nỗ lực ép thông qua việc tiếp quản của liên bang đối với các các cuộc bầu cử - một hành động vi hiến.”

 

Từ Atlanta, ông Lê Chí Hiếu, nhân viên kế toán, nói ông có xem ông Biden phát biểu nhưng ‘không ấn tượng gì’. Bản thân ông chống lại việc chính quyền liên bang ra luật khống chế việc bầu cử ở các tiểu bang.

 

“Tôi ủng hộ hoàn toàn bang Georgia thay đổi luật bầu cử vì bầu cử cần phải công bằng,” ông Hiếu giải thích.

 

Ông dẫn ra một số thay đổi trong luật mới là ‘thỏa đáng’, chẳng hạn như ‘đi bầu phải trình giấy tờ tùy thân hợp lệ, ai muốn bầu vắng mặt phải có lý do chính đáng’…

 

“Nếu không trình giấy tờ thì làm sao biết có đúng cử tri đó không hay nhờ người khác đi bầu giùm,” ông Hiếu lập luận.

 

Riêng về việc tiếp tế đồ ăn thức uống cho những ai đang xếp hàng chờ đợi đến lượt bỏ phiếu mà Georgia cấm, ông nói: “Việc đó là bình thường không có gì phạm pháp, trừ phi anh tới đưa đồ để vận động gì đó hay mặc áo, mang cờ của ứng cử viên nào đó thì không thể chấp nhận được.”

 

Về việc Georgia dẹp phần lớn các thùng thư nhận phiếu qua thư, trái lại yêu cầu của bên Dân chủ là phải mở rộng thêm càng nhiều thùng thư càng tốt, ông Hiếu lập luận: “Nếu đặt thùng thư ở bất kỳ chỗ nào, ở bất kỳ góc đường nào thì không an toàn cho lá phiếu, nên tôi ủng hộ chỉ đặt thùng thư ở những chỗ có camera giám sát.”

 

Ông nói ông ủng hộ việc bỏ phiếu qua thư nhưng chống lại việc ‘ai cũng tự động nhận được một phiếu bầu qua thư’.

 

“Chỉ có những người đau bệnh có lý do chính đáng thì mới có thể nộp đơn xin phiếu bầu qua thư,” ông giải thích và chỉ ra ‘có những trường hợp những người đã qua đời, hay không còn ở địa chỉ đó nữa những người nhà họ vẫn nhận được phiếu bầu qua thư’ nhưng thừa nhận đây chỉ là ‘sai sót’.

 

“Tôi chưa dám nói là gian lận nhưng rõ ràng những sai sót đó là không đúng mà bây giờ bên Dân chủ cứ muốn thực hiện theo kiểu có sai sót thì rõ ràng là có chủ ý,” ông nói.

 

Theo lời ông thì cuộc bầu cử năm 2020 càng làm việc thay đổi luật bầu cử trở nên cần thiết vì nếu những sai sót như vậy xảy ra ở quy mô lớn thì ‘có thể đủ để làm thay đổi kết quả bầu cử’.

 

Mặc dù một số thượng nghị sỹ trong Đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo khối thiểu số Mitch McConnell, mới đây đều lên tiếng khẳng định cuộc bầu năm 2020 đã ‘diễn ra công bằng’ với kết quả ông Biden thắng ‘là chính xác’, ông Hiếu nói ‘đó chỉ là ý kiến cá nhân của các ông đó vì hàng triệu cử tri Cộng hòa vẫn đặt câu hỏi về cuộc bầu cử năm 2020’.

 

Trả lời câu hỏi của VOA rằng nếu hệ thống bầu cử không công bằng thì tại sao Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ luân phiên nhau giành thắng lợi hay như mới đây tại bang Virginia, vốn trước giờ chỉ bầu cho Dân chủ, ứng viên Cộng hòa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử thống đốc sau khi bang này mở rộng quyền bầu cử cho người dân, ông Hiếu lập luận: “Vì người dân đã bắt đầu cảnh giác với việc gian lận nên không phải họ muốn ăn gian là ăn gian được. Và cũng nhờ những nỗ lực ngăn chặn gian lận bầu cử nữa.”

 

Ông bác bỏ việc hạn chế quyền bầu cử là ‘hành động phản dân chủ’ vì theo ông, ‘nếu muốn thể hiện quyền công dân thì cũng cần thực hiện một cách đúng đắn’.

 

“Luật bầu cử không hạn chế quyền đi bầu, những ai trên 18 tuổi, đủ quyền công dân thì được đi bầu, chỉ là luật quy định cách thức đi bầu,” ông giải thích.

 

Về cáo buộc Đảng Cộng hòa đang ‘làm khó cho cử tri Dân chủ’ với quy định mới, ông Hiếu nói ‘khó khăn trong việc đi bầu thì cử tri bên đảng nào cũng có cả’.

 

‘Tấn công vào nền dân chủ’

 

Trái ngược với ông Hiếu, từ San Jose, bang California, ông Nguyễn Nam, vốn có bằng thạc sỹ về tài chính ở Đại học Chicago và hiện đã nghỉ hưu, nói với VOA rằng việc Đảng Cộng hòa thay đổi luật bầu cử là nỗ lực có hệ thống nhằm tước đoạt lá phiếu của các cử tri Dân chủ.

 

“Bên Đảng Dân chủ, những người thuộc thành phần da màu hay da vàng không có nhiều điều kiện dễ dàng như người da trắng. Họ đi làm ngày đêm nên cần thời gian đi bỏ phiếu sớm, họ cần bỏ phiếu qua thư và phải có chỗ bỏ thư rất dễ,” ông Nam phân tích.

 

Ông lên án những điều luật của phía Cộng hòa như ‘rất khắc nghiệt về giấy tờ tùy thân’, ‘giới hạn bỏ phiếu bằng thư’, ‘rút ngắn thời gian đi bầu sớm’. ‘giảm số điểm bỏ phiếu’ hay ‘xem việc tiếp tế cho người xếp hàng bỏ phiếu là phạm pháp’, ‘không cho đi bầu vào ngày Chủ nhật sau lễ nhà thờ’…

 

“Có những quận hạt (county) có cả trăm ngàn dân mà họ chỉ cho để có một thùng phiếu,” ông Nam bức xúc.

 

Ông chỉ ra bang New Hampshire quy định chỉ những ai cư trú trong tiểu bang mới được đi bầu ‘thoạt nghe có lý, nhưng bang này nhỏ, có rất nhiều sinh viên đi sang tiểu bang khác đi học, nhưng theo luật không thể trở về nhà để đi bầu được mà đa số sinh viên bầu cho Dân chủ’.

 

“Họ còn nhắm vào những người mới thành công dân vốn thường bầu cho Dân chủ và chưa có tên trong danh sách cử tri,” ông cho biết.

 

Ngoài ra, luật mới cũng quy định trong trường hợp có tranh cãi thì cơ quan lập pháp của bang, vốn do Đảng Cộng hòa nắm, có thể tiếm quyền của ủy ban bầu cử phi đảng phái để chấp thuận phiếu thắng cho Đảng Cộng hòa, ông Nam nói thêm.

 

Những luật như vậy, theo ông Nam, là để ‘loại bớt phiếu của Đảng Dân chủ’, và nếu được thực thi thì ‘sẽ giúp Đảng Cộng hòa giành lại Thượng viện và Hạ viện’ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

 

Do đó, ông Nam cho rằng mục đích của Đảng Cộng hòa khi sửa lại luật bầu cử chỉ là ‘để làm lợi cho đảng phái’ chứ không phải vì tính công bằng của bầu cử như họ nói.

 

Ông phản bác lập luận của Đảng Cộng hòa rằng cuộc bầu cử 2020 ‘có vấn đề’ để làm cớ sửa đổi luật bầu cử. “Tất cả những người trong Đảng Cộng hòa, như Mitch McConnell và Kevin McCarthy (lãnh đạo khối Cộng hòa ở Hạ viện), đều đã tuyên bố ngay từ đầu rằng kết quả bầu cử là công bằng,” ông chỉ ra.

 

Ông Nam cho rằng chính vì ‘lời nói dối lớn của ông Trump cứ lặp đi lặp lại khiến lâu ngày cử tri của ông cũng tin’ đến nỗi giờ lãnh đạo Cộng hòa phải nghe theo để thay đổi luật trong khi ‘họ biết rõ là ông Trump nói dối’.

 

“Ngay cả ở những bang Đảng Cộng hòa nắm quyền như Arizona, họ đếm đi đếm lại 4-5 lần, có cả một nhóm riêng của Đảng Cộng hòa đếm phiếu, kiểm tra rất kỹ từng chữ ký trên phiếu bầu qua thư mà không tìm ra bất cứ bằng chứng gian lận nào,” ông Nam chỉ ra.

 

Trong khi đó, tất cả các vụ kiện tụng của ông Trump về bầu cử, trong đó có bầu qua thư, ‘hoàn toàn bị tòa bác bỏ hay gạt ra’, ông nói thêm. “Ngay cả việc ông Trump nói ở Georgia có 5 ngàn người chết đi bầu, mà sau khi xác minh thì thật sự chỉ có 4 người đã chết mà người nhà bỏ phiếu qua thư cho họ mà thôi, mà chưa rõ là họ bầu cho Cộng hòa hay Dân chủ.”

 

Ông dẫn ra ‘có đến 99,99% các trường hợp mà ông Trump đưa ra kiện tụng ở tòa về gian lận bầu cử thì đều không phát hiện gian lận’. “Còn trong các trường hợp hiếm hoi có gian lận, thì đó lại là cử tri của phía ông Trump,” ông nói thêm và chỉ ra mặc dù ông Trump lớn tiếng về gian lận bầu cử nhưng chính ông lại ‘áp lực quan chức bầu cử Georgia kiếm thêm cho ông 11.000 phiếu’.

 

“Mặc dù thách thức kết quả bầu cử ông Trump thua nhưng phía Cộng hòa chưa bao giờ thách thức các kết quả bầu cử Thượng viện, Hạ viện hay thống đốc mà họ thắng mặc dù tất cả cùng trên một lá phiếu, và họ chỉ thách thức ở những bang ông Trump thua, chứ không cho là có gian lận ở những bang ông Trump thắng,” ông bức xúc.

 

Trước câu hỏi của VOA rằng tại sao khuyến khích bầu qua thư trong bầu cử trực tiếp vẫn đảm bảo tính minh bạch hơn, ông Nam nói: “Đi bầu trực tiếp dĩ nhiên là tốt vì có sử dụng quyền công dân trực tiếp, nhưng tôi không thấy sự khác biệt giữa bầu bằng thư và bầu trực tiếp.”

 

“Khác với cử tri da trắng, các cử tri da màu nếu đến ngày bầu cử họ bỏ thời gian ra xếp hàng chờ chực bỏ phiếu thì họ có thể mất miếng cơm manh áo,” ông giải thích và nói ông ủng hộ đề xuất của Đảng Dân chủ biến ngày bầu cử thành ngày nghỉ phép có lương hoặc chuyển sang ngày cuối tuần thay vì thứ Ba như hiện nay.

 

Ông nói bản thân ông và Đảng Dân chủ cũng chia sẻ quan điểm của Đảng Cộng hòa là ‘bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ của người dân’. Nhưng điểm khác biệt là Đảng Dân chủ ‘muốn làm cho việc bỏ phiếu của người dân được dễ dàng’.

 

Ông phản bác lập luận so sánh Đảng Dân chủ khuyến khích đi bầu cũng giống như Đảng Cộng sản Việt Nam thúc ép người dân đi bầu. “Đi bầu hay không là quyền của người dân, ở Mỹ này không ai ép buộc được hết,” ông nói.

 

-------------------

 

Liên quan

TT Biden: 'Mạng lưới dối trá' của ông Trump không ngừng đe dọa nền dân chủ Mỹ

Một năm sau vụ bạo loạn Điện Capitol: Nhiều người Mỹ thấy nền dân chủ đang gặp nguy

Tổng thống Biden sẽ phát biểu kỷ niệm một năm vụ tấn công 6/1

Một năm sự kiện 6/1: Nhiều lo lắng về nền dân chủ Mỹ; TT Biden đối mặt câu hỏi khó





No comments:

Post a Comment

View My Stats