Saturday 22 January 2022

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH - NGƯỜI KHỞI XƯỚNG 'PHẬT GIÁO DẤN THÂN' (BBC News Tiếng Việt)

 



Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người khởi xướng 'Phật giáo dấn thân'

BBC News Tiếng Việt

22 tháng 1 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60067150

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - tang lễ tĩnh lặng của người khởi xướng 'Phật giáo dấn thân'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/35F6/production/_122941831_gettyimages-169361262.jpg.webp

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Theo thông tin từ Làng Mai, lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra vào sáng 23/1.

 

Tang lễ sẽ diễn ra trong 7 ngày theo hình thức một khóa tu im lặng.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 00:00 giờ ngày 22/01, năm 2022, ở tuổi 95, theo giờ Việt Nam, ở chùa Từ Hiếu, Huế, theo thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế, thọ 95 tuổi

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam

 

"Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi - tâm niệm cúng dường - để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng"- theo Tu viện Vườn Ươm - Làng Mai.

 

"Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp," vẫn theo thông báo của Làng Mai.

Phật từ chùa Từ Hiếu tại Huế, Việt Nam và tăng thân Làng Mai trên khắp thế giới hiện đang chuẩn bị cho tang lễ thiền sư

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16A8E/production/_122941829_gettyimages-1081645600.jpg.webp

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới thuyết giảng tại Sydney, Úc tháng 10/1966

 

Ngày 22/1, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gửi 'lời chia buồn sâu sắc trước sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh'.

 

Thông cáo viết: "Trong hơn 60 năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. Những lời giảng dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ.

 

"Nhiều quan chức Hoa Kỳ, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, đã vinh dự được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lòng từ bi và tâm huyết của ông đối với đa nguyên tôn giáo đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người ông từng gặp.

 

"Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Thông qua những lời dạy và tác phẩm văn chương của ông, di sản của ông sẽ còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau."

 

Người khởi xướng 'Phật giáo dấn thân'

 

Truyền thông quốc tế ngày 22/1 tràn ngập thông tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng những đóng góp quý báu của ông cho Phật giáo và hòa bình thế giới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5C3E/production/_122941632_gettyimages-180884329.jpg.webp

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn ngồi thiền trước Nhà thờ Trinity ở Quảng trường Copley, Mỹ ngày 15/9/2013. Khi gió tạt vào micro lúc thiền sư đang giảng, Sư huynh Pháp Nguyên giơ chiếc nón lá lên để che chắn

 

Trang New York Times viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh:

 

"Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lưu vong khỏi Việt Nam sau khi phản đối chiến tranh vào những năm 1960 và trở thành một tiếng nói hàng đầu trong phong trào mà ông gọi là "Phật giáo dấn thân", áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào cải cách chính trị và xã hội."

 

Vào thập niên 1960, trong cuốn sách "Hoa sen trong biển lửa", thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra khái niệm 'Phật giáo dấn thân'. Theo đó, ông áp dụng những lời dạy của đức Phật cùng thiền định để làm vơi bớt những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường, theo trang Phật giáo.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích:

 

"Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy. Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời.

 

"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền," vẫn theo trang Phật giáo.

 

Triết lý này được thể hiện sâu sắc qua cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 

Lên tiếng phản đối chiến tranh

 

Từ đầu thập niên 60, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bắt đầu viết và lên tiếng phản đối chiến tranh, theo New York Times.

 

Năm 1964, ông xuất bản bài thơ 'Lên án' (Condemnation) - (tạm dịch) - trên một tuần báo Phật giáo. Bài thơ có đoạn:

 

"Bất cứ ai đang nghe, hãy là nhân chứng của tôi:

Tôi không thể chấp nhận cuộc chiến này.

Tôi không bao giờ có thể, tôi sẽ không bao giờ.

Tôi phải nói điều này một nghìn lần trước khi tôi bị giết.

Tôi giống như con chim chết vì người bạn đời của nó,

rỉ máu từ chiếc mỏ gãy của nó và kêu lên:

"Hãy coi chừng! Quay lại và đối mặt với kẻ thù thực sự của bạn

- tham vọng, bạo lực hận thù và tham lam."

 

Bài thơ khiến ông được gọi là "nhà thơ phản chiến", và ông bị tố là một nhà tuyên truyền thân Cộng sản.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lưu trú tại Pháp khi chính quyền miền Nam Việt Nam không cho phép ông trở về sau khi ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973.

 

Mãi đến năm 2005, chính quyền Cộng sản Việt Nam mới cho phép ông về giảng dạy, thực hành và đi du lịch.

 

VIDEO : Thăm tịnh thất 'Ngồi yên' của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

                 https://www.youtube.com/watch?v=3KDOUsspIpA

 

Trong một cuộc nói chuyện tại Hà Nội năm 2008, ông nói rằng cuộc chiến tranh Iraq là kết quả của sự sợ hãi và hiểu lầm, trong đó bạo lực sinh ra bạo lực.

 

Ông nói: "Chúng ta biết rất rõ rằng máy bay, súng và bom không thể xóa bỏ những nhận thức sai lầm. Chỉ có lời yêu thương và sự lắng nghe từ bi mới có thể giúp mọi người sửa chữa những nhận thức sai lầm. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta không được đào tạo theo kỷ luật đó, và họ chỉ dựa vào lực lượng vũ trang để loại bỏ khủng bố."

 

Nhà đấu tranh dân quyền, Mục sư Martin Luther King Jr. đã đề cử thiền sư Thích Nhât Hạnh cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, nhưng giải thưởng không được trao cho bất kỳ ai vào năm đó.

 

"Cá nhân tôi không biết có ai xứng đáng hơn vị sư hiền lành đến từ Việt Nam này," Mục sư King viết cho Viện Nobel ở Na Uy. "Những ý tưởng của ông ấy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ xây một tượng đài cho chủ nghĩa đại đoàn kết, cho tình anh em thế giới, cho nhân loại."

 

'Cái chết không có thật'

 

Năm 2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Huế, miền Trung Việt Nam, sống những ngày cuối cùng tại chùa Từ Hiếu, nơi ông xuất gia khi còn là một thiếu niên.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bác bỏ khái niệm về cái chết. Ông viết trong cuốn sách 'Không diệt, không sinh. Đừng sợ hãi: "Chúng không có thật".

 

"Đức Phật dạy rằng không có sinh; không có diệt; không có tới; không có đi; không có giống nhau; không có khác biệt; không có bản ngã vĩnh cửu; không có sự hư vô. Chúng ta thì chỉ nghĩ là có mọi điều này."

 

Ông viết, sự hiểu biết đó có thể giải phóng mọi người khỏi nỗi sợ hãi và cho phép họ "an hưởng cuộc sống và trân trọng cuộc sống theo một cách mới".

 

VIDEO : Để thở có chính niệm - câu chuyện tu tập tại Làng Mai ở Thái Lan

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60067150

 

-------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Thăm trung tâm thiền Làng Mai ở vùng núi Thái Lan

12 tháng 5 năm 2018

.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại chùa Từ Hiếu ở Huế, thọ 95 tuổi

22 tháng 1 năm 2022

.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại Việt Nam

30 tháng 8 năm 2017

.

Phật giáo Làng Mai và cơ hội trở lại

6 tháng 9 năm 2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats