Friday, 14 January 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/01/2022 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/01/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

14/01/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/01/14/the-gioi-hom-nay-14-01-2022/

 

Lệnh yêu cầu nhân viên của các doanh nghiệp trên 100 người phải xét nghiệm covid-19 hoặc xét nghiệm thường xuyên của chính quyền Biden đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác với tỉ lệ 6-3. Tuy nhiên tòa ủng hộ bắt buộc tiêm vắc-xin đối với nhân viên y tế của các cơ sở có nhận tài trợ liên bang. Trong phe ủng hộ có ba thẩm phán thiên hướng tự do và hai thẩm phán bảo thủ, John Roberts và Brett Kavanaugh.

 

Tòa án Đức kết án tù chung thân một cựu sĩ quan quân đội Syria vì tội ác chống lại loài người. Anwar Raslan, người trước đây xin tị nạn ở Đức, bị bắt vào năm 2019 và bị buộc tội tra tấn 4.000 người, giết 58 người, cũng như cưỡng hiếp và tấn công tình dục trong thời gian làm cán bộ nhà tù Al-Khatib ở Syria giai đoạn 2011 và 2012. Đây là vụ án hình sự đầu tiên trên thế giới nhắm vào các vụ tra tấn do nhà nước chỉ đạo ở Syria.

 

TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư 44 tỷ đô la trong năm nay để tăng năng lực sản xuất. Năm ngoái công ty cũng chi tới 30 tỷ đô. Thị trường chất bán dẫn cho các thiết bị điện tử tiêu dùng rồi ​​sẽ bão hòa. Nhưng TSMC đang đặt cược vào nhu cầu tăng từ các sản phẩm khác như ô tô hay máy móc nhà máy.

 

Hoàng tử Andrew từ bỏ quân hàm và tước hiệu của mình với sự “chuẩn thuận và đồng ý” của Nữ hoàng, chỉ một ngày sau khi thẩm phán New York cho phép mở vụ kiện tấn công tình dục đối với ông. Ông sẽ tiếp tục hạn chế các công việc công khi làm bị đơn trong vai trò một công dân bình thường trong quá trình vụ kiện diễn ra . Ông phủ nhận cưỡng hiếp Virginia Giuffre khi cô còn nhỏ.

 

Tổng thống Joe Biden hứa có thêm 500 triệu kit xét nghiệm covid-19 được phát miễn phí cho các hộ gia đình Mỹ, ngoài 500 triệu kit ông đã cam kết hồi tháng 12. Trong khi đó, WHO cho biết số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng 55% lên hơn 15 triệu trong tuần qua, cao kỷ lục. Ngoài ra có hơn 43.000 ca tử vong được ghi nhận.

 

Thượng viện Pháp thông qua luật thắt chặt quy định hộ chiếu vắc-xin nhằm kiềm chế covid-19. Cư dân sẽ phải xuất trình bằng chứng tiêm phòng nếu muốn vào một số địa điểm nhất định; và không còn chấp nhận giấy xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, các giáo viên của đất nước đã đình công vì chính phủ thiếu biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong trường học.

 

Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin, cho biết các cuộc đàm phán hôm thứ Tư với NATO xoay quanh áp lực quân sự của Nga lên Ukraine đã “không thành công”, mặc dù có “các yếu tố tích cực.” Hai bên không tìm thấy điểm chung về các vấn đề cơ bản, chẳng hạn việc Nga yêu cầu NATO không mở rộng. Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo “nguy cơ xung đột vũ trang mới ở châu Âu.”

 

Con số trong ngày: 18%, là tỷ trọng chi cho y tế tính trên GDP của Mỹ, tương đương 3,6 nghìn tỷ đô la một năm.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đàm phán mở quan hệ ngoại giao

Các phái viên Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia sẽ gặp nhau vào thứ Sáu để thảo luận về triển vọng bình thường hóa quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ đã công nhận Armenia sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng hai nước, với đường biên giới 300 km và kí ức in sâu về cuộc diệt chủng người Armenia trong Thế chiến thứ nhất, chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao. Tiến trình ngoại giao đã gần thành công vào năm 2009, để rồi đổ vỡ trước phản ứng dữ dội của phe dân tộc chủ nghĩa ở cả hai bên và Azerbaijan, nước từng tham chiến đẫm máu với Armenia xoay quanh lãnh thổ Nagorno-Karabakh vào những năm 1990.

 

Ngày nay thế sự đã khác. Armenia mất một phần Nagorno-Karabakh vào tay Azerbaijan trong năm 2020, và do đó đang đàm phán ở thế yếu. Mỹ và EU, trước đây từng coi việc hai nước này hòa hợp nhau là một cách làm loãng ảnh hưởng của Nga trong khu vực, giờ đây không còn can dự. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thân thiết hơn với Nga. Đặc biệt là trong khi đàm phán 2009 diễn ra ở Zurich, đàm phán mới đang được tổ chức tại Moscow.

 

Cánh tả Pháp chia rẽ trước thềm bầu cử

Phe tả Pháp từng có hai tổng thống thời hiện đại, François Mitterrand và François Hollande. Chỉ mười năm trước, họ nắm trong tay ghế tổng thống, cả hai viện quốc hội và hầu hết các khu vực lẫn thành phố lớn. Nhưng giờ đây, trước cuộc bầu cử tổng thống hai vòng vào tháng 4, họ chìm sâu trong khủng hoảng. Con số thăm dò của Anne Hidalgo, thị trưởng Paris và ứng viên của đảng Xã hội, chỉ là 4%. Điều này đồng nghĩa đảng sẽ không thể qua được vòng một, lần thứ hai liên tiếp.

 

Vấn đề chính của họ là chia rẽ. Ngoài bà Hidalgo còn có các ứng viên khác bao gồm Yannick Jadot của đảng Xanh và Jean-Luc Mélenchon, vị chính trị gia lâu năm đang lần thứ ba ra tranh cử. Mọi thứ còn có thể tệ hơn. Từ ngày 27 đến 30 tháng 1, hơn 100.000 cử tri cơ sở sẽ tham gia bỏ phiếu “sơ bộ” trực tuyến để chọn ra ứng viên yêu thích của mình. Christiane Taubira, một cựu bộ trưởng tư pháp từ Guiana thuộc Pháp, cho biết nếu thắng cũng sẽ ra tranh cử tổng thống.

 

Ngày công bố doanh thu quý của các ngân hàng Mỹ

Các ngân hàng nắm trong tay nhiều thứ: phát hành thẻ tín dụng và nhận thế chấp của công chúng; giao dịch cổ phiếu và trái phiếu; đồng thời hoàn thiện giao dịch cho các tập đoàn lớn. Do đó, báo cáo thu nhập của họ chính là bức tranh tổng thể cho thấy tình hình của nền kinh tế.

 

Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo, ba trong số các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đều báo cáo lợi nhuận quý tư vào thứ Sáu này. Kết quả sẽ không đồng nhất. Chi tiêu thẻ tín dụng giảm trong tháng 12 khi biến thể omicron lan rộng. Doanh thu từ giao dịch cổ phiếu, vốn đã bùng nổ trong giai đoạn đỉnh thị trường chứng khoán, dự kiến sẽ hạ nhiệt.

 

Nhưng có một tin tốt cho họ. Cục Dự trữ Liên bang dự kiến tăng lãi suất sớm và nhanh, qua đó giúp đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng. Cổ phiếu của họ đã tăng: chỉ số KBW của các ngân hàng hàng đầu tăng 10% kể từ giữa tháng 12.

 

Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Vào thứ Sáu, cơ quan thống kê Đức sẽ đưa ra số liệu sơ bộ về GDP năm ngoái, cũng như đánh giá chung cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hầu hết giới phân tích dự đoán tăng trưởng năm 2021 vào khoảng 2,5%. Đối với năm nay, biến thể Omicron lan rộng trong khi lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Điều này khiến các chuyên gia phải điều chỉnh lại dự báo 2022 từ hơn 5% xuống các con số thấp hơn nhiều.

 

Siegfried Russwurm, người đứng đầu nhóm vận động hành lang BDI, cho biết ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 50 tỷ euro (57 tỷ USD) trong năm 2021 vì khan hiếm vi mạch và nguyên liệu thô. Ông dự báo mức thiệt hại tương tự trong năm nay, với GDP chỉ tăng 3,5%. Những rắc rối kinh tế của đại dịch gây ra vẫn chưa qua đi.




No comments:

Post a Comment

View My Stats