The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch
13/01/2021
http://nghiencuuquocte.org/2022/01/13/the-gioi-hom-nay-13-01-2022/
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7%
trong năm tính đến tháng 12, đồng nghĩa lạm phát tính theo năm cao nhất kể từ
tháng 6 năm 1982 — dù tốc độ theo tháng có chậm lại nhờ giá năng lượng giảm.
Nếu không tính thực phẩm và năng lượng, lạm phát ở mức 5,5%, cao nhất kể từ
tháng 2 năm 1991. Nhiều nhà kinh tế dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi
suất vào tháng 3. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tái khẳng định quyết tâm này
trong cuộc điều trần hôm thứ Ba ở Thượng viện.
Boris Johnson thừa
nhận đã tham dự bữa tiệc ở phố Downing vào tháng 5 năm 2020, ngay giữa đợt
phong tỏa covid-19 đầu tiên. Ông ” chân thành xin lỗi” quốc hội về hành vi của
mình. Giữa những lời kêu gọi từ chức của lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer,
ông Johnson nói các nghị sĩ hãy chờ đến khi có bản điều tra chính thức
về việc ông vi phạm quy định phong tỏa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca nhiễm covid-19
mới trên toàn cầu đã tăng 55% lên hơn 15 triệu trong tuần qua, ghi nhận mức
cao kỷ lục. Ngoài ra còn có 43.000 ca tử vong được ghi nhận, phù hợp với con
số của một tuần trước đó. WHO cho biết tiếp cận xét nghiệm và cung cấp “công
cụ chữa bệnh đầy đủ” vẫn còn khó khăn trên toàn thế giới.
Một thẩm phán New York đã từ chối yêu cầu của Hoàng
tử Andrew, trong đó ông muốn bác vụ kiện ông lạm dụng tình dục
Virginia Giuffre, nghĩa là vụ kiện sẽ được tòa xét xử. Các luật sư của ông
cho rằng dàn xếp trước đó giữa cô này và Jeffrey Epstein xóa mọi trách
nhiệm pháp lý của Công tước xứ York. Cô Giuffre nói bị ông cưỡng hiếp khi
cô còn nhỏ; ông phủ nhận mọi cáo buộc.
Hôm thứ Ba, Triều Tiên cho biết đã tiến
hành thành công vụ thử tên lửa siêu thanh lần thứ ba. Loại vũ khí này nguy hiểm
hơn tên lửa đạn đạo thông thường vì chúng mất ít thời gian để tiếp cận mục tiêu
và khó bị phát hiện hơn. Nhà độc tài Kim Jong Un gần đây đã hứa cải thiện khả
năng quốc phòng của Triều Tiên.
Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh trong năm 2022 do các biến thể
mới của covid-19, cũng như lạm phát tăng và tâm lý không chắc chắn về
chính sách. Ngân hàng dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 4,1%, giảm từ 5,5%
trong năm 2021. Phải đến 2023 các nước giàu mới có thể về mức sản lượng
tiền đại dịch; và tiến triển sẽ chậm hơn nhiều đối với các nước nghèo.
Con số trong ngày: 152,8 triệu, là số người được dự đoán mắc chứng suy giảm trí nhớ
vào năm 2050. Ngày nay có khoảng 57 triệu người mắc chứng bệnh này.
TIÊU ĐIỂM
Lạm phát tiếp
tục đà tăng ở Ấn Độ
Không chỉ omicron mới gia tăng ở Ấn Độ. Hôm
thứ Tư, chính phủ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 12 tăng lên mức cao
nhất năm tháng, đạt 5,6% so với 4,9% của tháng 11 (nhưng thấp hơn một chút
so với dự báo 5,8% của các nhà phân tích). Trong hơn hai năm nay lạm phát liên
tục vượt mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương do chi phí nhiên liệu và thực phẩm
tăng. Song Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ không hề nao núng. Họ giữ nguyên lãi suất
qua chín cuộc họp liên tiếp, với lập luận ưu tiên lúc này là phục hồi kinh
tế.
Nhưng giờ đây lạm phát đã gần chạm đến mức
trần 6%. Chính phủ khá lo ngại. Họ đã giảm thuế xăng dầu để kiềm chế giá
nhiên liệu. Tháng trước họ cũng cấm luôn giao dịch hợp đồng nông sản tương
lai. Chính sách này chủ yếu chỉ tượng trưng, nhưng đặc biệt có ý nghĩa với
năm cuộc bầu cử bang quan trọng sắp đến.
Quý cuối năm ăn
nên làm ra của TSMC
TSMC, công ty Đài Loan đang thống trị ngành
sản xuất chip, sẽ công bố kết quả tài chính quý vào thứ Năm này. Dữ liệu
tháng 12 được công ty công bố trước đó vào ngày 10 tháng 1 cho thấy một bức
tranh tươi sáng, với tổng doanh thu quý đạt 438,2 tỷ tân đài tệ (15,8 tỷ đô
la). Doanh số ấn tượng của điện thoại và laptop Apple, mà TSMC độc quyền cung
cấp chip, thúc đẩy tăng trưởng kỷ lục. TSMC cũng đang hưởng lợi khi nhu cầu
chất bán dẫn tăng cao. Với thế thống trị về kỹ thuật sản xuất của mình,
họ hoàn toàn được quyền tăng giá, một điều hiếm hoi trong ngành chip.
Vì vậy năm 2022 có vẻ sáng sủa cho công ty.
Nhưng trong khi nhu cầu tăng, TSMC vẫn có thể đối mặt chi phí cao hơn.
Nếu chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận từ tăng giá của họ có thể bị
bão hòa.
Các cơ quan khí
hậu Mỹ công bố báo cáo năm
Vào thứ Năm, NASA và Cục Quản lý Khí quyển và
Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ sẽ công bố bản đánh giá hàng năm về nhiệt độ
toàn cầu. Tài liệu này chắc chắn cho thấy toàn cầu đang nóng lên. Một báo
cáo được NOAA công bố vào đầu tuần này cho thấy 2021 là năm ấm thứ tư ở Mỹ
(trừ Alaska và Hawaii) kể từ năm 1895. (Trong đó sáu năm ấm nhất đều sau
2012.)
Năm 2021, Mỹ đối mặt một số lượng lớn các hiện
tượng thời tiết cực đoan bao gồm bão mùa đông, cháy rừng, hạn hán và lốc xoáy.
Chúng đi kèm một cái giá đắt: với tổng thiệt hại 145 tỷ đô la, năm 2021
là năm các hiện tượng thời tiết gây ra thiệt hại cao thứ ba trong lịch
sử đất nước. Số lượng các sự kiện có thiệt hại cao hơn 1 tỷ đô la đã tăng
đều đặn trong nhiều thập niên qua. Điều này vừa do tần suất các hiện tượng thời
tiết cực đoan tăng, vừa do tài sản tăng giá. Mỹ, cũng như những nơi khác,
đứng trước các khoản thiệt hại thậm chí còn lớn hơn nhiều trong tương
lai.
Anh và EU tiếp
tục đàm phán về vấn đề Bắc Ireland
Ngoại trưởng Anh Liz Truss sẽ gặp Maros
Sefcovic của Ủy ban châu Âu để thảo luận về giao thức Bắc Ireland vào thứ Năm.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ kể từ khi bà Truss kế nhiệm Lord Frost ở
cương vị nhà đàm phán Brexit vào tháng 12. Quy chế cho phép Bắc Ireland ở
lại thị trường hàng hóa chung của EU, qua đó tránh việc có biên giới Bắc-Nam
ở Ireland. Nhưng làm vậy đòi hỏi phải có kiểm tra hải quan giữa Bắc Ireland
và Anh.
Bà Truss nói giao thức này đã không còn được
những người ủng hộ liên minh ở Bắc Ireland hậu thuẫn. EU đề nghị giảm kiểm tra
hải quan ở Biển Ireland, nhưng bà Truss muốn loại bỏ chúng hoàn toàn và chấm dứt
bất kỳ vai trò nào đối với Tòa án Công lý châu Âu. Bà cũng sẵn sàng viện dẫn
Điều 16, cho phép đơn phương đình chỉ một phần giao thức, mặc dù EU nói sẽ
trả đũa. Đàm phán có thể kéo dài, bao phủ lên các cuộc bầu cử vào tháng Năm
tới của Bắc Ireland, trong đó phe ủng hộ liên minh được cho là sẽ thất thế.
No comments:
Post a Comment