Bài bình luận của
blogger Tuấn Khanh
2022.01.02
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-faces-in-2021-01022022074622.html
Người lao động tại
các cửa ngõ ở TPHCM để về quê vào sáng sớm ngày 1/10/2021 khi lệnh phong toả được
gỡ bỏ. AFP
Con đường mà nhà tiên tri Moses đưa người Do
Thái đến miền đất bình an chỉ có duy nhất một nguy nan rượt đuổi, đó là đạo
quân điên cuồng của Ai Cập muốn sở hữu con người làm nô lệ; nhưng hành trình về
lại quê nhà của hàng trăm ngàn người lao động nghèo khổ, những giọng nói khác
nhau từ mọi miền đất Việt Nam thì gian nan hơn rất nhiều.
Ba lần chịu không nổi sự khó khăn, người lao động nghèo, lưu dân… đã phải rời bỏ
Sài Gòn. Mỗi một lần ra đi, họ đều phải chịu đựng sự chỉ trích đầy ác ý của
chính quyền. Mà thật ra, mục đích cuối cùng của những kẻ cầm quyền cũng không
khác các lãnh đạo Pharaoh Ai Cập cách đây 1.500 năm trước Công nguyên: Muốn duy
trì một lực lượng lao động nô lệ để mọi thứ không suy sụp.
Lần thứ nhất, ngày
15 tháng 8
Bị giam lỏng trong các ngôi nhà chật hẹp, mọi
thứ bế tắc vì không thấy một hứa hẹn thực thi nào về an sinh, trong khi tình
hình dịch bệnh lan nhanh theo cách hô hoán của nhà nước, họ khăn gói lên đường.
Các nhân vật như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hay Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
đều có những cảnh báo xám xịt về đại dịch, nhưng không đưa ra lời giải cụ thể
nào. Hàng ngàn người khăn gói về quê, và bị luận điệu truyền thông gọi một cách
khinh miệt là đám người “tự phát”, với sự mô tả như thể chuyện di chuyển về quê
nhà của họ là một thú vui và một hành động lạc loài trong một xã hội tuyệt đối
“sống và làm việc theo pháp luật”, chấp nhận sống và chết ở Sài Gòn, theo lệnh
Đảng, Nhà nước. Báo chí truyền hình và lực lượng tuyên truyền viên đã đấu tố họ
không ngừng.
Lần thứ hai, ngày
15 tháng 9
Trong vòng vây kẽm gai, quân đội rầm rập và
chính sách phong tỏa như thiết quân luật, khiến người dân bị lùa vào các chốt
chặn phạt tiền vô tội vạ, tịch thu tài sản, hàng đoàn người lại kéo nhau lên đường.
Tiếng kêu khóc và uất ức của người dân xuất hiện khắp nơi trên YouTube, TikTok,
Facebook… Đến đầu tháng 10, theo thống kê của báo chí Nhà nước, các cuộc chặn bắt,
cố phạt cho được như để tạo ngân sách nuôi chính trùng trùng lớp lớp lực lượng
kiểm tra – bắt đầu trở thành kiêu binh, dẫn đến chuyện chèn ép, lùng bắt, đánh
đập người dân ở khắp nơi – đạt được con số 20 tỷ đồng (khoảng $880,530).
Ở Sài Gòn, con số thu đó không lớn. Nhưng nếu
đối chiếu với cảnh những người lao động nghèo quỳ lạy và khóc cảm ơn khi được
giảm tiền nhà, được cho thêm ít tiền trợ giúp, thì có thể hiểu trong tình cảnh
khốn cùng đó, số thu tiền trên nước mắt và nỗi đau con người phải được tính bằng
chỉ số của sự man rợ. Và người khốn khó bị dồn đẩy đến tận bùn đen, một lần nữa,
vẫn bị chỉ trích bằng giọng điệu khinh miệt, bị gọi “những kẻ thiếu ý thức”
trong đại dịch. Các gói hỗ trợ được tuyên bố ầm ĩ mà không có. Những người đói
khổ vẫn mệt mỏi chờ đợi với những tiêu chuẩn xét duyệt đưa ra vào giờ cuối. Và
khi phản ứng lại thì họ bị ghép tội phản động hoặc quấy rối trật tự công cộng.
VIDEO :
Công nhân về
quê nói "quá sợ" và không có ý định quay lại làm việc #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=TJycULboOZc&t=5s
Lần thứ ba, ngày
30 tháng 9
Lúc này con số người đổ về quê còn nhiều hơn
hai đợt trước, bởi họ đã có đủ kinh nghiệm đau đớn và tươi mới về sự thật.
Không đơn giản là những người đi tìm đường sống, họ giống như những kẻ vượt
thoát khỏi nơi bị cầm tù, không chỉ bằng hàng rào kẽm gai phong tỏa mà còn bằng
những ngôn ngữ mị dân, bằng tình thương đồng loại được tô hồng rực rỡ nhưng
hoàn toàn vô nghĩa. Đó là lý do vì sao mà những cuộc xung đột ở các chốt chặn
đã xảy ra. Đoàn người rùng rùng ra đi không khác gì như một cuộc xuống đường vì
sự sống. Bất tín và phẫn nộ, vì không chỉ bấp bênh nơi đô thị, những kẻ khốn
cùng tội nghiệp còn bị rượt đuổi và bị phạt vạ vô lý lẽ. Cạnh đó, họ còn phải bỏ
tiền túi ra để phục vụ cho một chiến dịch xét nghiệm vô nghĩa, bị nạo tận đáy
túi tiền vốn đã cạn thủng của mình.
Dĩ nhiên, như luôn luôn, sự uyển chuyển của
ngành tuyên giáo và của những người lãnh đạo thật đáng nể. Lúc này họ dừng mọi
ngôn ngữ xúc xiểm, miệt thị để đổi thành một tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng “Trân
trọng mời người lao động ở lại để giúp sức cho thành phố”. Đáp trả cho sự trân
trọng muộn màng đó, 1.3 triệu người lao động đã tháo chạy về quê – nơi cùng cực
nhất mà từ đó họ ra đi, nhưng thà quay về, còn hơn nán lại để nuôi một niềm tin
vô vọng.
Họ, những con người vô danh đó, là phác họa rõ
nét đến vô cực về một đất nước đầy những quảng bá phồn vinh và sự kiêu hãnh của
kẻ cầm quyền. Họ là những sinh mệnh Việt Nam với nỗi cô quạnh của hiện tại lẫn
tương lai. Họ mang hình dáng của một đất nước Việt Nam lặng đứng trong mưa tầm
tã chịu đựng trước một thực tế hàng rào kẽm gai và trước một tương lai gai kẽm
đâm vào mắt. Họ mang nỗi niềm của một đất nước với cảnh quỳ lạy những kẻ nô bộc
mặc sắc phục hiển hiện gương mặt lạnh lùng tuân thủ răm rắp theo chỉ thị. Họ chỉ
ra viễn cảnh quê hương Việt Nam với tương lai u uất mang bóng tối của phận
mình: Sống không đủ no, đời không đủ đẹp nhưng phải tiếp tục cống hiến cho sự sống
của Đảng cai trị.
Hãy tưởng tượng, nếu đoàn quân Ai Cập của những
pharaoh chạy đến sát bờ Biển Đỏ, chỉ nhằm kêu gọi người Do Thái hãy “quay trở lại
với sự trân trọng” để cùng phục hồi và xây dựng nền kinh tế của vương quyền Ai
Cập, thì lịch sử nhân loại có thay đổi không, một khi những người Do Thái của
nhà tiên tri Moses chọn quay đầu? Tư thế của những người Do Thái lúc đó là một
lực lượng lao động thấp hèn. Nếu chọn quay trở lại, họ chỉ nhận được miếng cơm
với đòn roi và chấp nhận cuộc đời không thể hoán cải giai cấp của mình. Trong một
chế độ độc tài, mọi lời vuốt ve đẹp đẽ nhất, tha thiết nhất cũng chỉ ẩn chứa
thông điệp như vậy mà thôi. Giả như Biển Đỏ không tách làm đôi, những người Do
Thái chắc cũng sẽ lao mình về hướng tự do để chứng minh phẩm giá của họ.
Trải qua đại dịch, những con người cần lao Việt
Nam mới thực sự thấy được số phận và tương lai ở đâu, trong một đất nước đầy
pháo hoa rực rỡ và tượng đài kiêu hãnh. Hành trình của những con người vô danh
Việt Nam cùng nhau chạy về quê nhà là tiếng sấm chớp trong màn đêm u tối, là những
đường vạch sáng lòa soi rõ con người Việt Nam đang cần sự thật, và đất nước
ngàn năm này đang khao khát tận cùng một tương lai cho dân tộc chứ không phải
riêng cho một chế độ cầm quyền. Những gương mặt vô danh ấy đã giúp mở ra một
bài học đắt giá cho con người Việt Nam hôm nay – những bài học được chứng thực
bằng nước mắt, cái chết, đói nghèo và vô vọng.
Những con người ấy – tương tự người Do Thái –
đã không chọn niềm tin viển vông hay thỏa hiệp và dễ dàng quay trở lại. Họ – những
con người vô danh ấy – mang theo sự khắc khoải trên vạn trùng nẻo đường quê
hương. Họ là những gương mặt đáng nhớ nhất của năm.
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
VIDEO :
TPHCM: Hàng
ngàn công nhân đối đầu với CSCĐ thông chốt về quê #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=5PH1WkpmMVc&t=2s
No comments:
Post a Comment