Nhớ Chợ Hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn
Trần Hoàng Vy
16 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/sai-gon-muon-neo/nho-cho-hoa-nguyen-hue-sai-gon/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/Nho-Mua-Xuan-Xua1-1024x1018.jpg
Trẻ em chơi múa
lân, Tết Sài Gòn 1961 (ảnh: Roger Viollet Collection/Getty Images)
Người miền Nam, đặc biệt là người Sài Gòn, mỗi năm
Tết đến Xuân về, không ai là không nhớ đến chợ hoa đường Nguyễn Huệ, nơi một
thuở nào xa lắm, luôn tấp nập, đông vui nam thanh nữ tú và người người đi sắm
hoa về chưng Tết…
Theo sách Sài Gòn xưa, đường Nguyễn Huệ, khởi
thủy là con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (còn gọi
thành Bát Quái) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790. Ban đầu, nó có
tên là Kinh Lớn (nghĩa là “con kênh to lớn”) vì là
con kênh trọng yếu giúp thuyền bè chạy thẳng vào thành. Thời Pháp
thuộc, người Pháp cũng gọi Kinh Lớn với tên tương tự trong tiếng
Pháp là Grand. Người Việt đôi khi còn gọi Kinh Lớn là Kinh
Chợ Vải vì nơi đây hoạt động buôn bán vải vóc khá nhộn nhịp của người
Ấn Độ (còn gọi là Chà Và). Sau đó, Kinh Lớn được đổi tên
thành kênh Charner theo tên đô đốc Charner – người ban
hành quy định giới hạn địa phận thành phố này. Hai đường xe chạy hai bên bờ
kênh mang tên Rigault de Genouilly và Charner (mặc
dù đường Charner cũng được gọi là Canton do
có nhiều người Hoa gốc Quảng Đông tập trung giao thương).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/Nho-Mua-Xuan-Xua2-1024x678.jpg
Chợ Bến Thành ngày
Tết, 1971 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)
Vì lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên
Kinh Lớn dần dần trở nên ô nhiễm nặng khiến người Pháp phải cho lấp kênh
đào này, cùng với con đường ở hai bờ để trở thành đại lộ rộng lớn mang
tên Đại lộ Charner vào năm 1887, Tuy nhiên, người
Sài Gòn khi đó lại thường gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp (nghĩa
là “con kênh bị lấp đất”). Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng
hòa đổi tên con đường này thành Đại lộ Nguyễn Huệ và
được sử dụng cho đến ngày nay.
Đại lộ Nguyễn Huệ là một trong những con đường
đẹp nhất của Sài Gòn, nằm trải dài từ trước trụ sở Tòa Đô chính (sảnh) trước
năm 1975, Dinh Xã Tây Dinh Đốc Lý thời thuộc Pháp – đến Bến Bạch Đằng, với nhiều
tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, thu hút rất nhiều
khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du
xuân. Theo những người dân sống lâu năm ở trung tâm quận I Sài Gòn thì chợ hoa Nguyễn
Huệ đã được hình thành từ thời thuộc Pháp. Hàng năm, theo phong tục của người
Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến, sau ngày đưa ông Táo về trời, khoảng 27, 28 Âm lịch,
thì chợ hoa được phép hoạt động cho đến ngày cúng rước ông bà và đón Tết.
Lúc này hoa ở Đà Lạt đã tấp nập theo các chuyến
xe đò, xe tải chở xuống. Hoa ở miền Tây, đặc biệt là ở Sa Đéc, cũng theo các
chuyến ghe, thuyền, ghé bến Bình Đông, Hậu Giang để vào nội thành. Thôi thì
trăm hoa, nghìn tía được bày bán dài hết một khúc đường, từ công viên bến Bạch
Đằng cho tới bùng binh gần thương xá Tax.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/Nho-Mua-Xuan-Xua3-1024x695.jpg
Sài Gòn rộn rịp những
ngày giáp Tết, 1970 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)
Khách du xuân, sắm Tết có thể kiếm cho mình từ
những loài hoa giản dị quen thuộc như hoa vạn thọ, hoa mào gà, hoa cúc, đến những
lòai hoa sang trọng như hồng nhung, lay-ơn, hoa ly, cùng những cành mai, gốc
mai, trĩu nụ, tượng trưng cho sự may mắn, an hòa hay những chậu tắc trĩu nặng
quả, tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy… Về giá cả cũng tùy theo loài hoa, tên
hoa và công trồng tỉa, chăm sóc, vừa với túi tiền của người mua lúc bấy giờ và
cũng chẳng hề có sự nói thách để phải kỳ kèo, tính toán. Người bán, người mua cốt
vui vẻ, hòa đồng, bởi câu nói rất bình dị là “Tết mà!” với nụ cười rạng rỡ và sởi
lởi trên môi.
Chợ hoa còn là nơi, nam thanh, nữ tú, gặp gỡ,
hẹn hò. Mua để tặng nhau một cành hoa, thậm chí… một bó hoa, chậu hoa, cùng
nhau chụp chung một kiểu hình để lưu niệm, hứa hẹn một cái Tết nào chung đôi,
chung… nhà và chung cả chậu hoa chưng Tết!
Chợ hoa Nguyễn Huệ đã ăn sâu vào tiềm thức của
người Sài Gòn và cả miền Nam mỗi lần xuân về Tết đến, nhìn ngắm những màu hoa
và nhớ. Cho dù sau này, đến năm 1990, chợ hoa Nguyễn Huệ đã biến thành “Đường
hoa Nguyễn Huệ”, du khách đến đó để… ngắm, chứ không mua chọn hoa như ngày trước,
và cái nhớ đã theo chân những người con xa xứ, tha hương. Bất chợt cuối năm,
nhìn ngắm một màu hoa trong các siêu thị quê người rồi nhớ…
No comments:
Post a Comment