Trần
Minh Thảo
Posted on 23/01/2022 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=78815
Kính gửi Tòa soạn Bauxite Việt Nam
Tôi có bài viết cách đây gần 20 năm, đã lên một
số trang trong ngoài nước. Bài viết nhân khi Thiền sư Nhất Hạnh lên Bảo Lộc lập
thiền viện Bát nhã – một “Làng Mai” kỳ vọng tái hiện giữa địa bàn XHCN –
và cũng nhân khi Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan vừa mất.
Nay Thiền Sư Nhất Hạnh qua đời. Tôi mạo muội gửi
lại các anh, nếu trang bauxite Việt Nam thấy có thể đăng lại thì theo
tôi, cũng gợi lên một đôi điều giúp độc giả nhớ lại.
Xin tùy các anh quyết định.
Thân Kính
TMT
*****
Bài viết là những cảm nhận của cá nhân về vị
thiền sư đang hành cước và vị linh mục vừa qua đời.
Đó là thiền sư Nhất Hạnh, người đang đi giải
oan khổ do cuộc chiến chấm dứt năm 1975 và hậu quả của nó gây ra.
Và đó là linh mục Nguyễn ngọc Lan vừa qua
đời, người đã sống suốt đời với thứ đức tin giải phóng, làm vị ngôn sứ của
Thiên chúa rao giảng tự do, công bằng, bác ái cho dân tộc mình kể cả khi không
còn ở vị thế người chăn chiên của Chúa.
1. Vị ngôn sứ của
Đức Chúa Trời cả khi không còn là Linh mục
Tôi đã biết ông là Linh mục đạo Thiên chúa và
cũng biết ông đã xin phép Toà Thánh thôi chức linh mục để lập gia đình.
Nhưng với tôi, ông vẫn là một linh mục cho đến
khi từ trần vì lẽ ông đã sống thứ đức tin phúc âm, một thứ phúc âm giải phóng
như ông đã rao giảng và thực hành và do đó mà ông ‘bị đóng đinh’ cho đến cuối đời.
Ông không công khai tự nhận nhưng nhiều ý kiến
cho ông là vị “linh mục đỏ” cùng với Chân Tín, Nguyễn Nghị…đi rao giảng thứ thần
học cho người cùng khổ, đứng về phía người cùng khổ, bị áp bức như các Linh mục
đỏ (khuynh tả) ở một số nước Nam Mỹ hay các ‘linh mục tuyên úy công nhân’ trong
các nghiệp đoàn thợ thuyền hầm mỏ phương Tây.
Bài viết này ban đầu là để nói về một chuyến
tham gia buổi thuyết pháp chủ đề ‘Bông hồng cài áo’của Thiền sư Nhất Hạnh tại
thiền viện Bát nhã (Đam ri, Bảo lộc, Lâm đồng) nhưng do tôi được biết đến Thiền
sư Nhất Hạnh qua các bài viết của Linh mục Nguyễn Ngọc lan trước khi được đọc,
nghe ‘Bông hồng cài áo’, ’Nói với tuổi hai mươi’. Vì vậy, với tôi, nói về vị
thiền sư này thì phải nói về vị linh mục kia.
Vì vậy trước khi nói về buổi thuyết pháp của
tăng đoàn làng Mai, tôi thấy không thể không nói về vị linh mục không còn là
linh mục nhưng vẫn là linh mục cho đến khi chết do thái độ sống đức tin tích cực
của ông.
Trên một số trang mạng, một số người viết mỉa
mai về ông linh mục ‘giải phóng’, cho là đã có một giai đoạn ông đi không đúng
đường.
Có lẽ ở đâu đó trên thiên đường,biết đuợc điều
đó, ông sẽ mỉm cười và nếu Chúa trời hỏi nguyện ước riêng tư của ông thì tôi
tin rằng ông lại muốn trở lại thế gian, lại tiếp tục làm vị ngôn sứ đi rao giảng
thứ đức tin giải phóng cho loài người, cho dân tộc mình, vẫn đứng về phía những
người cùng khổ đòi công lý, tự do, bình đẳng cho họ. Tôi tin như thế.
Mong bạn nào đọc đến bài này thì cứ cho là tôi
không nói đến vị Linh mục như phần mào đầu bài viết, phần dẫn nhập mà là một phần
chính của bài viết.
Vị Linh mục và vị thiền sư là hai mặt của vấn
đề sống đức tin, thực hành đức tin, là hai mặt của vấn đề tôn giáo ở Việt nam,
là hai mặt của vấn đề đạo đức, xã hội của Việt nam ngày nay.
2. vị thiền sư của
tông phái Thiền Phật giáo làng Mai
Sự thể là tôi chỉ được biết về Thích Nhất Hạnh
qua những bài viết của Nguyễn ngọc Lan cho đến khi đi dự buổi thuyết pháp ở thiền
viện Bát Nhã.
Thiền viện Bát Nhã hay chùa Bát Nhã mà có vị
tín đồ người Huế hôm ấy đã cho là đẹp hơn cả chùa Từ Hiếu ở Huế.
Ai đó đã nói, một ngôi chùa đẹp thì có thể lớn
mà không vĩ đại, rất Phật, u trầm, thanh nhã, thoát tục, dung nạp, hòa tan, an
lạc…Nhìn vào hiện tại thì ngôi chùa ấy sẽ trở thành ngôi chùa như vậy.
Nghe nói đó là ngôi chùa xây bằng sức của thiền
viện làng Mai. Ngôi chùa tự nó không làm được những điều đã nói, chính các vị
chân tu làm cho các ngôi chùa trở nên như vậy.
Suy nghĩ rộng ra, tôi thấy thiền sư Nhất Hạnh
đang định xây những chùa Phật tại Việt nam đạt đến những điều nói trên.
Về việc giải oan,tôi được đọc trên
nguoi-viet.com bài viết ‘Giải oan và hoà giải’ của của tiến sĩ Lê xuân Khoa.
Xin trích một vài đoạn: “…trai đàn giải oan
không chỉ cầu nguyện cho sự siêu thoát của vong linh những nạn nhân đã bị chết
oan uổng trong cuộc chiến, do bom đạn hay do những chính sách sai lầm, mà còn
có hiệu lực hóa giải nỗi oán thù trong lòng người còn sống, không phân biệt
thành phần quốc gia hay cộng sản. Về điểm này, thông báo của Ðạo Tràng Mai Thôn
cho biết rằng “Ðại Trai đàn Giải oan được thực hiện trong tình huynh đệ, xóa bỏ
hận thù, không oán hờn, không trách móc, không buộc tội, chấp nhận nhau và tha
thứ cho nhau.” Mục đích này phù hợp với tinh thần nhân ái, từ bi của bất cứ tôn
giáo nào và thể hiện đầy đủ ý nghĩa của chữ “oan” (oan ức và oan cừu) trong từ
ngữ Hán-Việt. Mục đích và ý nghĩa cao đẹp ấy của tôn giáo rất đáng được trân trọng…Mong
rằng trai đàn giải oan của tôn giáo sẽ sớm được nối tiếp bằng hành động hòa giải
chính trị. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=56467&z=12
)
Bài viết nói lên được tâm tư, suy nghĩ của nhiều
người về trai đàn giải oan của tăng đoàn làng Mai nhưng chưa đụng đến điều mà
tôi cảm nhận được hôm đi lễ chùa. Có lẽ ông viết bài ấy ở nước ngoài.
Đối chiếu với những gì tôi nghe, thấy ở buổi
giảng pháp ‘Bông hồng cài áo’, những gì tôi được chiêm ngưỡng từ cảnh chùa Bát
nhã văng vẳng tiếng sáo trúc bài hát của Phạm thế Mỹ, sẽ ‘đẹp hơn cả Từ hiếu ở
Huế’, thì mục đích chuyến đi của tăng đoàn làng Mai không chỉ là lập trai đàn
giải oan-rất cần thiết cho Việt nam trên quan điểm Tôn giáo.
Chuyến đi này theo tôi là bước khôi phục cái gọi
là ‘bản lai diện mục’ của đạo Phật ở Việt nam nói riêng, thứ Phật giáo uyên
thâm mà thôn dã và nghèo nàn, thứ ‘bản lai diện mục’ cứu khổ cứu nạn tùy duyên
trên cơ sở giác ngộ lời Phật, là thứ Đạo Phật của các tổ đình, môn phái gắn với
làng xã, một thứ đạo không giáo hội, không quyền lực, không thế giá, không vào
chùa cũng thành Phật, không lộng lẫy sắc màu mà buông thả hồn người đến cõi an
nhiên.
Và như Đạo thiên chúa của vị linh mục vừa qua
đời, Đạo Phật mà vị thiền sư đang rao giảng và phục hưng là thứ đạo của người
cùng khổ, bị áp bức, bị lăng nhục, bị nhân danh và bị hy sinh cho những gì mình
không được hưởng thụ.
Là linh mục hay thiền sư thì đều chứng tỏ các
vị (và những linh mục, thiền sư, tu sĩ khác…đang sống đạo với và cho dân tộc
mình không còn oan khổ) đã và đang sống với đức tin giải phóng, đức tin hể có
duyên lành thì ắt là có nghiệp tốt, tuy đường đi có khác nhau.
Giải oan là bước trước mắt, phục hồi bản lai
diện mục của Phật giáo là việc lâu dài, khó khăn.
Dùng bước ngắn để mở lối cho bước dài. Vị thiền
sư mà linh mục Nguyễn ngọc Lan từng trân trọng là xứng đáng với sự trân trọng của
vị linh mục.
Nếu phải chăng Phật giáo tồn tại và phát triển
trên cơ sở tổ chức môn phái và tổ đình là đúng với truyền thống Phật giáo đông
Á, vị sư trụ trì được ‘mời’ vì đạo hạnh mà không phải được ‘cử’ vì chức vụ là
cách làm cho Phật giáo hưng vượng lên, thân dân hơn thì tôi chân tâm nguyện cho
Thiền sư Nhất Hạnh của Thiền phái làng Mai tròn được quả duyên, lại có nhiều
thiền viện kiểu Bát nhã ra đời ở Việt Nam.
Thay lời kết
Vị linh mục cứ ngang nhiên sống đức tin của
linh mục khi không còn là linh mục sẽ trở lại thế gian tiếp tục rao giảng thứ
thần học giải phóng vì người nghèo, người bị áp bức vẫn còn gặp nhiều khó khăn
khi bước vào thiên đường trần gian.
Vị thiền sư ưu tư cho thế đạo nhân tình bằng sức
tu trì sẽ khai mở được Phật tính nơi những tâm hồn tăm tối, làm cho ngôi chùa
Phật trở thành chốn an lạc cho con người Việt nam nghèo hèn và những người Việt
nam không còn nghèo hèn thoát khỏi kiếp trầm luân trong bể khổ.
Theo tôi, những vị linh mục như Linh mục Nguyễn
ngọc Lan, những vị thiền sư như Thiền sư Nhất Hạnh với việc rao giảng sự mầu
nhiệm của Chúa, của Phật, thái độ sống đạo tích cực đó chính là những gì mà Việt
Nam cần có để chận đứng, đẩy lùi sự suy thoái, tuột dốc, rơi tự do của đạo đức,
nhân cách trong xã hội Việt nam ngày nay.
Và nếu đảng Cộng sản và nhà nước Việt nam cũng
biết ‘sống đạo’ như vậy thì ‘oan oan sẽ không còn tương báo’. Đấy mới là cách mạng,
giải phóng đích thực, thứ cách mạng, giải phóng vì người trước, cho mình sau.
T.M.T.
No comments:
Post a Comment