Người
dân phải chịu đựng sự lãnh đạo của họ đến bao giờ?!
Trúc
Nguyễn
11/01/2022
https://baotiengdan.com/2022/01/11/nguoi-dan-phai-chiu-dung-su-lanh-dao-cua-ho-den-bao-gio/
Dịch Covid-19 gây ra cái chết trên 3 vạn đồng
bào, tàn phá thành quả phát triển kinh tế hàng chục năm, công ăn việc làm, nhiều
tổ chức, cá nhân bị đình đốn, đánh đổ nồi cơm nhiều hộ gia đình…
Nhà nước đã khẳng định mạng sống con người là
trên hết, quân dân đồng lòng thắt lưng buộc bụng hy sinh một phần kinh tế để tập
trung cho công việc chống dịch.
Hưởng ứng chủ trương, có những mẹ liệt sĩ, cựu
chiến binh trích tiền dưỡng già đóng góp Quỹ Phòng Chống dịch, nông dân nghèo đạp
xe chục cây số mang đến khu cách ly vài cân gạo vài chục quả trứng, nhà bạn tôi
không phải hộ nghèo cũng phải tem tém tiền sữa của con đóng góp tiền triệu vào
Quỹ… Cho thấy trên bề mặt có phần đảo điên của xã hội thì tinh thần trách nhiệm,
lòng nhân ái như một nguồn mạch vẫn ngấm ngầm chảy vào cuộc sống. Nhưng trong
lúc ngặt nghèo này lại có cán bộ biến chất cấu kết gian thương để tham nhũng tiền
ngân sách việc mua sắm thiết bị y tế.
Năm ngoái báo chí khui ra nhiều bất thường ở
CDC các tỉnh nhưng rốt cuộc chỉ mỗi giám đốc CDC Hà Nội bị xử lý, khi ra tòa
thì có hơn 30 CDC gửi kiến nghị khoan hồng (1).
Theo đại tá Nguyễn Văn Long – Cục trưởng C03,
Bộ Công an, “hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập
về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng” (2).
Vụ việc vừa lắng xuống thì mới đây cơ quan Cảnh
sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định
về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á và các CDC Hải
Dương, Bình Dương, Nghệ An… Một cá nhân thôi số tiền tham nhũng đã trên 27 tỷ đồng.
Sự giả dối, tiền hậu bất nhất, giấu đầu lòi
đuôi… đã gặp sự phản biện trăm tay nghìn mắt của nhân dân, báo chí cơ quan điều
tra bóc tách những chân tơ kẽ tóc: đề tài khoa học vừa nghiên cứu tháng 2.2020,
thì đến tháng 3.2020 đã ra được ứng dụng sản phẩm và được Bộ Y tế cấp phép cho
lưu hành?
Đề án khoa học cấp nhà nước dùng tiền ngân
sách lại có đứng chân một công ty tư nhân rồi họ sử dụng thành phẩm nghiên cứu
trên để kinh doanh với giá cắt cổ!? Bộ KHCN ăn không nói có quyết định của tổ
chức y tế thế giới, củng cố uy tín cho sản phẩm Kit test lưu hành, doanh thu đến
4000 tỷ đồng (4)…
Hàng hóa có nhiều nhãn hiệu xuất xứ khác nhau,
tính năng, độ bền, tốt xấu cũng khác nên “tiền nào của nấy” là chuyện bình thường,
nhưng điều đó không phải là bảo bối chứng minh độ trong sạch cho các “chủ đầu
tư” xài tiền ngân sách.
Khi xảy ra vụ việc, nhiều cá nhân liên quan
lên tiếng thanh minh, có những lời giải thích ngây ngô, khôi hài, như là sự miệt
thị vào lòng tin của nhân dân. Nhưng không sao, pháp luật bảo vệ quyền giải
trình và cũng có trách nhiệm làm cho ai đó tâm phục, khẩu phục nếu tay họ nhúng
chàm.
Thông đồng nâng khống giá bán buôn để rút tiền
ngân sách đút túi là căn bệnh có tính “tái lại” của không ít quan chức, nhưng
trong thời buổi camera giám sát mọi ngõ, mạng internet phổ cập, mã hàng, giá cả
cập nhật hàng ngày, cái lò chống tham nhũng nóng ran mà họ vẫn làm ngang
nhiên!?
Có ý kiến cho rằng cái ghế họ ngồi đã mua với
giá đắt nên phải tranh thủ “ăn” cho nhanh hòa vốn, cũng có người đi lên bằng
năng lực chuyên môn nhưng ở trong quay cuồng của guồng máy bất minh giữa quyền
và tiền thì đánh mất lòng tự trọng, phẩm chất của người Cộng Sản!?
Ở công ty tư nhân chỉ cần một nhân viên kinh
doanh “thường thường bậc trung” có thể làm khảo sát A-Z các thông số kỹ thuật,
giá, chất lượng của sản phẩm, thậm chí cả ý kiến đánh giá của người tiêu dùng rồi
“scan” nhiều lần trước khi duyệt mua. Nhưng ở các CDC như Hà Nội, Hải Dương,
Bình Dương, Nghệ An… người đứng đầu là đảng viên với ekip gồm tiến sĩ, chuyên
gia thì bị một công ty tay ngang như Việt Á cầm tay chỉ việc!?
Nghiêm trọng hơn, hàng triệu bộ Kit test không
được WHO thừa nhận đã được đưa ra làm xét nghiệm đại trà cho nhân dân, điều trị
y khoa mà tính chính xác khoa học không bảo đảm sẽ gây ra hiểm họa, trả giá bằng
tính mạng.
***
Hồi còn làm ở một thương hiệu điện tử điện lạnh
nước ngoài ở TP. HCM, một hôm tôi tiếp vị khách “khó tính”, đi xe biển xanh,
tham quan phòng trưng bày sản phẩm. Ông hỏi vặn vẹo thông số kỹ thuật các loại
máy trên kệ hàng, khiến tôi toát mồ hôi trả lời, trong phòng họp ông trả giá
sát rạt: “Có gói thầu cạnh tranh công khai hàng điện máy điện lạnh cho nhà
khách tỉnh ủy, tỉnh tôi còn nghèo cho nên cái gì bền rẻ đẹp thì làm“… Công
ty tư vấn cho ông một gói hàng và dịch vụ hậu mãi phù hợp rồi tham gia đấu thầu
và đã được chọn.
Một năm sau tôi đi với giám đốc xuống quyết
toán thanh lý hợp đồng. Cám ơn sự hợp tác của khách, công ty có ý tặng ông cái
máy lạnh loại một khối, ông không nhận mà nói tôi dịch nguyên văn câu nói cho xếp
người nước ngoài nghe: “Nhà tao ở kế bên con rạch có hàng dừa che mát rượi
cho nên không xài máy lạnh“, rồi gọi người ra nhận làm tài sản cơ quan. Được
biết, ông là một người từng vào sinh ra tử ở chiến trường, làm Phó tư lệnh một
quân khu trước khi về làm Trưởng Ban TCQT một tỉnh.
Đó là câu chuyện hơn 20 năm trước, thời sơ
khai kinh tế thị trường của nước ta. Ngày nay, chiếc iPhone 13 Pro Max hôm trước
bán ở New York hôm sau có ở TP. HCM, cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh. Nhờ
chính sách đổi mới cơ chế thông thoáng mà kinh tế phát triển, đời sống vật chất
của nhân dân ngày càng tốt lên, nhưng đối mặt trước tiền tài vật chất, lòng người
dễ bị dao động làm lộ ra kẻ suy thoái, núp trong bộ máy lãnh đạo quan chức, “ăn
của dân không từ thứ gì”, ăn trên những xác người.
Để phục hồi lòng tin nhân dân, thiết lập trật
tự của pháp luật, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh… dư luận mong chờ nhà
chức trách trả lời câu hỏi: Còn hay không những cán bộ như Nguyễn Nhật Cảnh, Phạm
Duy Tiến, Nguyễn Văn Định… ? Nếu còn thì dân chúng phải “chịu đựng sự lãnh đạo”
của họ đến bao giờ!?
______
Chú thích:
No comments:
Post a Comment