Monday 24 January 2022

NGOẠI GIAO MỸ : BIDEN NÓI NHƯ OBAMA NHƯNG ĐI GIỐNG TRUMP (Chi Phương - RFI)

 



Ngoại giao Mỹ: Biden nói như Obama nhưng đi giống Trump 

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 22/01/2022 - 15:21

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220122-ngo%E1%BA%A1i-giao-biden-n%C3%B3i-nh%C6%B0-obama-nh%C6%B0ng-%C4%91i-gi%E1%BB%91ng-trump

 

Chính sách đối ngoại của Biden sau một năm nhậm chức. Nga rút quân khỏi Kazakhstan nhưng những đánh đổi mà nước này phải trả lại khiến công luận trong nước lo ngại. Pháp nới lỏng các hạn chế dịch tễ mặc dù số ca nhiễm vẫn cao. Con số kỷ lục số người tham gia các hoạt động thể thao mùa đông tại Trung Quốc trước thềm Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022. Trên đây là những chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này. 

 

Trong tuần vừa qua, báo chí quốc tế chú ý đến sự kiện ngày 20/01 đánh dấu một năm sau khi Joe Biden lên làm tổng thống thứ 46 của Mỹ. Về chính sách ngoại giao của Biden, hãng thông tấn Aljazeera nhận định “Biden nói như Obama nhưng lại bước đi giống Trump”.

 

Một năm trước, Biden đã chỉ trích nặng nề các chính sách của Trump, nhưng cho đến nay, phần lớn các chính sách này vẫn giữ nguyên. Chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu của Biden hoá ra lại giống như của Trump : theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Những cam kết của ông để làm cho nước Mỹ trở nên đáng tin cậy và được tôn trọng trên toàn thế giới đã thất bại thảm hại, giống như cam kết của Trump “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng dẫu sao, dù ở mức tối thiểu, Biden đã đảm bảo khôi phục lại trật tự cho bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại – bị hỗn loạn sau chính quyền của Trump.

 

Có một điểm son trong năm đầu nhiệm kỳ Biden, đó là việc Mỹ quay trở lại Hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế Giới mà Donald Trump đã rút khỏi. 

 

Về đối ngoại, trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Biden hứa sẽ đảo ngược “sự thờ ơ” của Trump đối với châu Âu và sự “thiếu tôn trọng” của cựu tổng thống với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng lại tỏ ra xa cách với lục địa này, Aljazeera cho hay. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan được đưa ra mà không có bất cứ phối hợp nào với đồng minh châu Âu. Thế giới chứng kiến một cuộc rút quân hoàn toàn thảm hoạ, buộc binh lính và nhân viên Mỹ phải nói là “chạy trốn khỏi đất nước trong nhục nhã”. Giáo sư Andrew Smith, khoa chính trị tại đại học New Hampshire của Hoa Kỳ nhận định với Reuters như sau :   

 

Tôi nghĩ rằng điều này khiến các đồng minh của chúng ta bối rối. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do mà Đức và những nước châu Âu khác đã quyết định làm việc với Nga trong dự án Nord Stream. Bởi vì, các nước này không tin rằng Hoa Kỳ có mặt để hỗ trợ họ khi cần. Chắc chắn là điều này làm kẻ thù của Hoa Kỳ “bạo dạn hơn”. Các hoạt động của Putin ở Ukraina và Trung Âu đang rất phức tạp. Và đối với Trung Quốc cũng vậy, quốc gia này sẽ mạnh bạo hơn về ý đồ tấn công Đài Loan. 

 

Một động thái “bẽ bàng” khác mà chính quyền Biden đã làm trong năm qua, đó là lập liên minh tay ba AUKUS (Mỹ, Anh, Úc), dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng Pháp cung cấp tàu ngầm cho Úc, trị giá 40 tỷ đô la. Biden cũng thất bại trong việc lôi kéo các cường quốc châu Âu như Pháp và Đức đứng về phía Mỹ chống lại một nước Nga đang trở lên mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh Nga điều quân đến biên giới chung với Ukraina. Liên Hiệp Châu Âu đứng ngoài cuộc đàm phán diễn ra vào tuần trước giữa Nga và Mỹ bàn về cấu trúc an ninh châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng Liên Âu “phải mở cuộc đàm phán riêng với Nga thay vì chỉ dựa vào Washington”.  

 

Tại châu Á Thái Bình Dương, tạp chí Foreign policy cho biết, Biden phải điều hành với 3 chính sách riêng rẽ cùng một lúc nhưng mỗi chính sách lại thiếu căn bản. Một là tập trung vào Trung Quốc - mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Biden. Trong khi chính quyền Biden tránh gọi Trung Quốc là kẻ thù, các chính sách của Hoa Kỳ rõ ràng là tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở những nơi khác. Hầu hết các chính sách hạn chế kinh tế với Trung Quốc do Trump đưa ra vẫn không thay đổi. Hai là tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực, với mục đích gián tiếp tạo đối trọng với Trung Quốc. Phải kể đến đối thoại an ninh chiến lược (Bộ Tứ - Quad) giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ và các liên minh truyền thống với Hàn Quốc và Philippines đã được nối lại, thông qua các hiệp ước song phương và ba bên mới được phát triển. 

 

Thứ ba là tập trung vào các quốc gia không có liên minh cụ thể, nhất là khu vực Đông Nam Á. Biden đã nhiều lần cử quan chức cấp cao đến khu vực này, trong đó có cả phó tổng thống Haris Kamala, rồi đến việc tham gia vào cuộc họp trực tuyến của ASEAN. Tuy nhiên, theo báo The Diplomat, trong khi chính quyền Biden duy trì và nâng cao vai trò của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các quyền hàng hải ở Biển Đông, nhưng lại không đưa ra đường lối ngoại giao khả thi nào để đối phó với các yêu sách tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. 

 

Nhìn chung, theo nhận định của tạp chí Foreign Policy, hồ sơ đối ngoại với châu Á đã đạt được một số tiến bộ tuy còn “khiêm tốn” trong năm đầu tiên. Câu hỏi đặt ra cho năm thứ hai của Biden đó là “cạnh tranh song song với các hàng rào bảo vệ” có nghĩa lý với Trung Quốc không và những cam kết với đồng minh và đối tác có thể mang lại gì ? Nhất là khi đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn đáng báo động từ Trung Quốc liên quan đến Đài Loan và biên giới chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ  

 

*

Người dân Kazakstan lo ngại về những đánh đổi phải trả lại Nga 

 

Khoảng 2000 lính thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã rời khỏi lãnh thổ của Kazakhstan vào hôm 19/01/2022. Sự can thiệp nhanh chóng của CSTO, được điều động theo yêu cầu của tổng thống Kazkhstan để giữ ổn định đất nước sau cuộc bạo loạn làm rung chuyển quốc gia Trung Á này vào ngày 6/1, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tuy nhiên sự can thiệp của lực lượng Nga và nhất là những đánh đổi mà tổng thống Kazakhstan phải trả cho Nga khiến công luận Kazakhstan xôn xao. Thêm nữa là quốc gia này có một cộng đồng thiểu số người Slav, chủ yếu là người Nga, cộng đồng thiểu số này tập trung chủ yếu ở phía bắc của đất nước, giáp ranh với biên giới chung với Nga. Theo các nhà quan sát, vai trò của Nga trong những năm tới tại quốc này có thể tạo ra các căng thẳng trong nội bộ quốc gia này. 

 

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình :  

 

Đối với chủ đề nhạy cảm này, chúng ta hãy gọi cô là Maria vì cô không muốn cho biết tên thật. 31 tuổi, sinh ra ở Sibéria với bố là người Ukraina mẹ là người Nga, họ đến Kazakhstan từ khi cô còn nhỏ. Cô tự thấy mình là người Kazakhstan và cũng giống như những người Kazakhstan khác, cô đánh giá thái độ của Nga một cách nghiêm trọng.

 

Cô nói : “Đối với tôi Nga luôn coi Kazakhstan như một loại thuộc địa. Tôi xin lỗi vì ngôn từ của mình, nhưng thực sự rất nhiều người Nga nghĩ rằng Trung Á chỉ toàn những kẻ tạp nham. Họ tự cho là mình thượng đẳng, tài giỏi hơn các dân tộc khác từng thuộc Liên Xô”.

Trong bầu không khí này, việc lính của OTSC chủ yếu là người Nga có mặt ở Kazakhstan không được nhìn nhận một cách tốt đẹp.

 

Maria đặt câu hỏi : “Tại sao họ lại can thiệp vào việc nội bộ của một quốc gia độc lập ? Họ không có quyền này. Chuyện xảy ra ở Kazakhstan là việc nội bộ của chúng tôi. Tôi rất sốc và phẫn nộ.”

 

Nhận thức được những rủi ro, ngay khi giúp đỡ tổng thống Tokayev “dẹp loạn”, Nga có thể sẽ không yêu cầu những bù đắp lộ liễu và ngay lập tức.

 

*

Pháp nới lỏng hạn chế mặc dù số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao kỷ lục

Tại Pháp, số ca nhiễm mới ghi nhận trong tuần vừa qua vẫn ở mức vài trăm nghìn. Cụ thể hôm thứ Năm, 20/1/2022, Pháp ghi nhận hơn 425 000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên tại cuộc họp báo tối cùng ngày, chính phủ Pháp đưa ra thông báo về việc nới lỏng các hạn chế vào những tuần sắp tới. Nguyên do được đưa ra là vì số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì nhiễm Covid-19 và cần được chăm sóc đặc biệt đã ổn định, khoảng hơn 3000 bệnh nhân từ đầu tháng Một. Hội đồng tư vấn khoa học của chính phủ cho biết, làn sóng dịch thứ năm của đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng có thể kiểm soát được cho đến giữa tháng Ba.

 

Tại cuộc họp báo, thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết :    

 

Diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay cho phép chúng ta cân nhắc việc nới lỏng các hạn chế kể từ tháng Hai. Chúng tôi có thể xem xét điều này bởi vì chúng ta sẽ sớm có thêm một công cụ mới đó là Giấy chứng nhận tiêm chủng mà Quốc Hội đã thông qua. Giấy chứng nhận này sẽ có hiệu lực kể từ thứ Hai tới, 24/1. Điều này dĩ nhiên còn tuỳ thuộc vào quyết định của Hội Đồng Bảo Hiến dự kiến vào ngày thứ Sáu (25/01). 

 

Về chứng nhận tiêm chủng, cụ thể là tất cả những người trên 16 tuổi sẽ cần phải xuất trình chứng nhận này để có thể đi nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, trên các phương tiện giao thông công cộng liên vùng và các nơi công cộng khác. Chứng nhận tiêm chủng sẽ thay cho chứng nhận y tế trước đây, cho phép những người không tiêm chủng chỉ cần xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 để có thể tham gia vào các hoạt động nói trên. Theo France Info, thay đổi này, thực chất là để khuyến khích những người cuối cùng vẫn còn do dự chưa đi tiêm. Thủ tướng Pháp cho biết thêm, nếu tình hình Covid-19 được cải thiện đáng kể, quy định về chứng nhận tiêm chủng có thể được tạm ngưng. Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng sẽ dỡ bỏ quy định làm việc bắt buộc từ xa. Kể từ đầu tháng Hai, việc đeo khẩu trang ngoài trời sẽ không còn bắt buộc nữa.  

 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron ít nguy hiểm hơn các biến thể khác. Các nhà chức trách hy vọng rằng điều này có thể làm giảm bớt các hạn chế về giãn cách xã hội, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, lãnh đạo của Tổ Chức Y tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này khẳng định rằng đại dịch vẫn "chưa thể kết thúc", đồng thời cảnh báo rằng các biến thể mới vẫn có khả năng xuất hiện.  

 

*

Trung Quốc tích cực tham gia thể thao mùa đông trước thềm Thế Vận Hội 2022 

Vào đầu tháng Hai tới, Thế Vận Hội Mùa Đông lần thứ 24 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Bắc kinh có thể tự hào vì là thành phố duy nhất trên thế giới đăng cai tổ chức cả Thế Vận Hội mùa đông và mùa hè. Theo số liệu chính thức được đưa ra, ước tính 346 triệu người tham gia vào các hoạt động thể thao mùa đông kể từ nước này giành được quyền đăng cai tổ chức Thế Vận Hội.

 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình về xu hướng « thể thao »tại Trung Quốc, trước thềm Olympic 2022 : 

 

Thế Vận Hội khiến càng ngày càng nhiều người luyện tập các môn thể thao mùa đông. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng ở phía bắc của Bắc Kinh, nhưng thời gian gần đây, cơn sốt này đã lan xuống cả phía nam của Trung Quốc, thậm chí nhiều người còn đam mê chơi các môn thể thao này. Các môn thể thao như trượt tuyết, lướt ván ở mọi độ cao bằng tuyết nhân tạo, các đường trượt băng dài ở bên trong các tòa nhà đông lạnh khổng lồ, như trường hợp ở tỉnh Quảng Đông, vốn có khí hậu nhiệt đới. ‘Cơn sốt’ thể thao mùa đông này cũng khiến nhiều người trở nên đam mê với băng. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi cho biết. Tôi rất muốn xem các cuộc thi đấu trượt tuyết Alpine. Người mẹ này mang con gái đến sân trượt băng tạm thời, vừa mới xuất hiện gần đây tại Bắc Kinh.‘Tôi đã xem các cuộc thi đấu ở trên TV, thật sự rất thú vị, nhưng tôi không chắc là có thể đến xem trực tiếp’. Cơn sốt thể thao này sẽ bị dịu đi bởi các hạn chế dịch tễ. Nếu như gần 350 triệu người Trung Quốc chơi các môn thể thao với tuyết hoặc băng, theo số liệu của văn phòng thống kê công bố, thì số người trượt tuyết lại giảm từ 20 triệu người vào năm 2019 xuống còn 13 triệu người vào năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu.   

 

Cuối cùng thì hôm 17/1, Ủy ban Olympic Bắc Kinh 2022 đã thông báo không mở bán vé xem thi đấu tại Thế Vận Hội. Chỉ có những khán giả Trung Quốc, đã được mời tham dự trước đó có thể đến xem. Còn về số lượng bao nhiêu, dưới điều kiện nào thì vẫn chưa rõ, nhận định báo Le Monde. Các vận động viên quốc tế đầu tiên đã đến Bắc Kinh để tham dự Thế Vận Hội và lập tức bị đưa vào trong một “bong bóng y tế – cách ly” kiểm tra chặt chẽ ở Trung Quốc. Họ bị ngăn cách, không được tiếp xúc với phần còn lại của Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi rời khỏi thành phố và thêm một xét nghiệm theo dõi sau khi đã đến nơi. Dân chúng được yêu cầu không rời khỏi Bắc Kinh trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán.   

 

Hiện số ca nhiễm của Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “Zero Covid” từ đầu dịch. Đối mặt với các biến thể mới của virus corona, nhiều nhà quan sát lo ngại khó có thể tiếp tục chính sách này.

 

--------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

HOA KỲ

TT Mỹ Joe Biden công nhận những khó khăn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ

 

KHỦNG HOẢNG UKRAINA - NGA - MỸ

Ukraina "trung lập" : Giải pháp tháo gỡ nguy cơ xung đột Nga - phương Tây ?

 

ĐIỂM BÁO

Một năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Biden sa lầy, dân Mỹ thất vọng





No comments:

Post a Comment

View My Stats