Tiến sĩ Sinh học phân tử
Thứ bảy, 22/1/2022, 13:35 (GMT+7
https://vnexpress.net/nghe-khoa-hoc-4419605.html
Năm hôm trước, tôi tình cờ nhận được yêu cầu kết
bạn trên trang cá nhân từ bà Katalin Karikó.
Trước đó, tôi viết một bài về cuộc đời làm
khoa học của bà. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh đã kết nối bà và tôi. Sau đó, chúng
tôi nhắn tin qua lại trong những ngày bà ở
Hà Nội tham dự giải thưởng VinFuture.
Tôi chia sẻ vài tấm hình và kỷ niệm trong thời
kỳ học tập và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học Szeged, Hungary năm
1984, khi bà cũng đang làm việc tại đó. Tôi đã rất quan tâm và theo dõi thông
tin liên quan đến vaccine mRNA, nhất là với bà, người có công đầu trong việc
xây dựng nền công nghệ mRNA.
Nhìn ảnh bà, tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc
khi chúng tôi cũng làm việc tại Hungary. Bà
Karikó làm việc ở Viện Hóa sinh trên tầng bốn, còn tôi ở tầng ba.
Cùng là người làm khoa học nhập cư vào Mỹ như
bà, tôi rất xúc động và đồng cảm về những đam mê cũng như khó khăn của những
người làm nghề nghiên cứu. Tôi đã theo dõi nhiều bài viết về bà Karikó và thấu
hiểu những chướng ngại vật trên con đường khoa học của bà. Vì trên phương diện
nào đó, tôi cũng từng trải qua.
Có khi là sự phân biệt, dù tế nhị, trong công
việc, đôi khi là cách đối xử, xưng hô. Karikó bị giáng cấp vào năm 1995 tại Đại
học Pennsylvania. Cũng trong thời gian đó, bà bị chẩn đoán bệnh ung thư. Đồng
thời, chồng bà bị giữ lại Hungary sáu tháng do vấn đề thị thực. Nhưng bà vẫn tiếp
tục theo đuổi nghiên cứu của mình. "Thông thường, vào thời điểm đó, mọi
người chỉ nói lời tạm biệt và bỏ đi, vì nó quá kinh khủng", bà nói,
"Tôi đã nghĩ đến việc đi một nơi khác, hoặc làm điều gì đó khác. Tôi cũng
nghĩ có lẽ tôi không đủ năng lực, không đủ thông minh".
Làm khoa học ở phương Tây chỉ trông chờ vào kinh
phí tài trợ. Karikó kể, mặc dù bà đã cố gắng sửa chữa đơn xin kinh phí nghiên cứu
nhiều lần, và đưa ra triển vọng ứng dụng của nó, nhưng tất cả đều bị bác bỏ. Bà
kể: "Tôi tiếp tục viết và cải tiến cách tiếp cận. Tôi đã đưa ra các ứng dụng,
cố gắng xin tài trợ của chính phủ, từ các nhà đầu tư, nhưng mọi người đều từ chối
nó".
Năm 2013, Đại học Pennsylvania đã kết luận rằng
bà "không đủ chất lượng để làm giảng viên". Sau khi quyết định gia nhập
BioNTech với tư cách là phó chủ tịch, bà còn bị giễu: "Khi tôi nói với họ
rằng tôi sẽ rời đi, họ đã cười nhạo tôi và nói, BioNTech thậm chí còn không có
trang web".
Karikó tâm sự với tôi rằng bà có lịch làm việc
dày đặc ở Hà Nội tuần này. Điều này không có gì lạ với bà, trước đó, bà cũng kể
với báo giới quốc tế mình thường bắt đầu làm việc từ sáu giờ sáng, nhiều khi kể
cả vào cuối tuần, thậm chí ngủ qua đêm tại phòng làm việc. "Nó có vẻ điên
rồ, vật lộn, nhưng tôi thấy hạnh phúc trong phòng thí nghiệm", bà nói.
Chính xác là như vậy. Tôi cũng đã trải qua
nhưng ngày như thế. Làm nghề nghiên cứu trong các đại học ở Mỹ, lương ba cọc ba
đồng, nhưng dường như những người đam mê khoa học chúng tôi không ai để ý đến
quyền lợi vật chất.
Tôi cũng từng đêm đêm nằm mơ thấy những đoạn
gene cắt nối và những vi khuẩn chuyển gene. Sáng sớm là vội bật dậy, lao đến
phòng thí nghiệm xem chúng đã mọc chưa. Nhiều ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, tôi
cũng ngồi lì trong phòng thí nghiệm.
Tôi đã nghiên cứu về hai căn bệnh liên quan đến
cơ và thần kinh vận động (DMD và SMA). Đề tài chính tôi theo đuổi trong nhiều
năm là tạo ra được mô hình động vật mang bệnh tương tự như ở người, dùng để thử
thuốc và thử các phương pháp điều trị, đặc biệt là về liệu pháp gene.
Những con chuột chuyển gene bệnh từ người của
tôi hiện được lưu trữ tại Jackson Laboratory, nơi giữ toàn bộ các mẫu động vật
chuyển gene lớn nhất của thế giới.
Cộng tác với một phòng thí nghiệm của bệnh viện
trẻ em, liệu pháp điều trị gene cho bệnh nhược cơ của chúng tôi đã thành công,
được công bố trên tạp chí Nature Biotechnolgy vào năm 2010, và sau đó liệu pháp
được Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) phê chuẩn. Công ty công
nghệ AveXis ra đời tại Illinois đã sử dụng công nghệ liệu pháp gene này, sau đó
đã trở thành công ty niêm yết thành công trên sàn chứng khoán của Mỹ.
Tôi và cộng sự đã làm ra mô hình đó nhưng
không liên quan đến việc kinh doanh. Chúng tôi hài lòng với công việc nghiên cứu
cơ bản và không đòi hỏi về quyền lợi. Trên cả đam mê, nghiên cứu còn là
"nghiệp" mà các nhà khoa học đã lựa chọn. Chúa đã phân cho mỗi người
một vai. Và tôi tự an bài với những gì mình đã có.
Sáng ngày 20/1 tại Mỹ, tôi dành trọn thời gian
theo dõi buổi tường thuật trực tuyến lễ trao giải thưởng tại Hà Nội cho các nhà
khoa học có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ mới. Đặc biệt với
ba người có công đầu trong việc đặt nền móng cho công nghệ vaccine mRNA lần đầu
tiên được ứng dụng, góp phần cứu sống hàng chục triệu sinh mạng và bảo vệ hàng
tỷ người trên hành tinh.
Đây là một cơ hội vàng để mời được những nhân
vật xuất chúng về khoa học thế giới đến Việt Nam. Nhân cơ hội này, tôi tự hỏi,
các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học nào có điều kiện để đến làm quen
hoặc trao đổi học thuật, đặt ra việc hợp tác với các chuyên gia hàng đầu này
không?
Tôi hy vọng các đơn vị ở Việt Nam có thể tận dụng
cơ hội này, mời các chuyên gia xuất sắc giúp một số lĩnh vực mà họ quan tâm và
muốn theo đuổi. Ví dụ, công nghệ mRNA không chỉ là vấn đề sản xuất vaccine chống
Covid-19 mà còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư và các
bệnh di truyền... Ngoài ra, còn các lĩnh vực mới đang là mối quan tâm hàng đầu
của thế giới hiện nay là công nghệ về vật liệu mới liên quan đến rất nhiều lĩnh
vực về AI (Trí tuệ nhân tạo), môi trường, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe...
Chúng rất khó và không đơn giản chút nào, chính vì thế nên mới phải thử. Cơ hội
và vận may chỉ đến nếu chúng ta dấn thân.
Nhiều nước trên thế giới cũng có giải thưởng
vinh danh các khoa học gia xuất sắc toàn cầu, như giải Hoàng tử Mahidol từ năm
1992 của Thái Lan, giải Tang của Trung Quốc từ năm 2014... Các công ty lớn nhất
thế giới như Microsoft, Google, Facebook... không lập giải thưởng, nhưng họ bỏ
ra hàng trăm triệu USD cho các nhà khoa học nghiên cứu thử nghiệm và thực hiện
các dự án thử nghiệm. Đó là các nghiên cứu sơ bộ, quy mô nhỏ được thực hiện để
đánh giá tính khả thi, thời gian, chi phí, các yếu tố ảnh hưởng để hình thành
nên một hướng nghiên cứu, hoặc một lĩnh vực công nghệ mới.
Các doanh nghiệp lớn sẵn sàng tài trợ hàng chục
đề án thăm dò, tốn cả trăm triệu USD mà kết quả nhiều khi là số không. Nhưng họ
biết, nếu may mắn, chỉ cần một đề án thành công là có "lãi".
Việc các bộ óc khoa học hàng đầu nhân loại đến
Hà Nội khiến tôi nghĩ, cần làm thêm nhiều việc để khơi dậy tình yêu khoa học,
hoài bão trong cuộc sống của thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng các cơ quan liên
quan trong nước sẽ nghĩ về điều đó và hành động nhiều hơn nữa.
Câu hỏi hôm nay là: Chúng ta sẽ làm gì và đứng
ở đâu trên bản đồ các nghiên cứu đột phá của thế giới?
Lê Thiết Thành
No comments:
Post a Comment