Tuesday 11 January 2022

KHỦNG HOẢNG KAZAKHSTAN : NGUYÊN NHÂN, DIỄN BIẾN và TRIỂN VỌNG (Die Welt)

 



Khủng hoảng Kazakhstan: Nguyên nhân, diễn biến và triển vọng

Die WELT

Nguyễn Xuân Hoài, biên dịch

10/01/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/01/10/khung-hoang-kazakhstan-nguyen-nhan-dien-bien-va-trien-vong/

 

Kazakhstan không yên tĩnh: Trong cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, quân đội đã hành động chống lại người biểu tình, hàng chục người đã thiệt mạng. Sau đây là một số hỏi đáp về tình hình ở quốc gia lớn thứ chín thế giới này.

 

Các sự kiện ở Cộng hòa Kazakhstan vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ diễn ra dày đặc và nhanh chóng: Biểu tình ở khắp nơi phản đối tăng giá khí đốt đã biến thành bạo loạn nghiêm trọng với nhiều người chết và bị thương. Nhiều người biểu tình xuống đường một cách ôn hòa chống lại sự lãnh đạo độc tài, nhưng các đám đông có vũ trang cũng lao vào các cuộc giao tranh với lực lượng an ninh.

 

Tổng thống Kassym-Schomart Tokayev đã giải tán chính phủ, triển khai quân đội và kêu gọi sự giúp đỡ của quân đội Nga, cùng một số nước khác. Hôm thứ Sáu, ông ta đã ra lệnh bắn vào những người biểu tình “mà không cần cảnh báo trước”. Điều đó đã gây bất bình trên bình diện quốc tế.

 

Sự phản đối đã phát triển như thế nào trong những ngày qua?

 

Trong nhiều năm qua, người dân Kazakhstan đã thất vọng vì nạn tham nhũng và lạm quyền ở đất nước họ. Theo các chuyên gia, giá nhiên liệu tăng chỉ là một cái cớ đối với nhiều người. Andrea Schmitz, chuyên gia về Trung Á tại Quỹ nghiên cứu Khoa học và Chính trị, cho biết: “Điều có thể nhận thấy là sự bất bình của người dân trước thực tế rằng quốc gia này có trữ lượng dầu và khí đốt cao, nhưng lợi nhuận thu được từ nguồn tài nguyên này lại chỉ tập trung vào một số ít người”.

 

Hiện tại, không còn xuất hiện hình ảnh của các cuộc biểu tình lớn. Theo số liệu chính thức, hơn 40 người đã chết trong vài ngày qua; có rất nhiều người bị thương và hơn 4.400 vụ bắt giữ. Nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó người ta có thể nghe thấy rất nhiều tiếng súng cũng như tiếng la hét.

 

Những người hiện nay còn biểu tình là ai?

 

Cho dù Tokayev và các phương tiện truyền thông nhà nước tiếp tục nói về “những kẻ khủng bố” có vũ trang, thì ở nhiều nơi, người ta vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành ôn hòa, nhỏ lẻ, theo các kênh tin tức độc lập. Vào tối thứ bảy, khoảng 1.000 người biểu tình ôn hòa đã tụ tập ở Shangaosen ở phía tây đất nước mà không xảy ra bạo lực, theo cổng thông tin Orda viết trên Telegram. Đã có các vụ bắt giữ tại các sự kiện như vậy trên khắp đất nước.

 

Đụng độ bạo lực đã xảy ra ở thủ đô kinh tế Almaty. Tại đây, trong nhiều ngày liền quân đội đã đàn áp thường dân. Nhưng vẫn không rõ ai được cho là những kẻ đã dùng vũ khí chống lại lực lượng an ninh tại đây. Hiện rất khó để nhận được các thông tin đáng tin cậy tại đất nước này.

 

Các nhà chức trách Kazakhstan nhiều lần cắt Internet ở nhiều nơi. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này cũng đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Ở Almaty, kết nối di động liên tục bị gián đoạn. Gần đây, hầu như không thể tiếp cận được các nhà báo và nhà quan sát độc lập ở trong nước.

 

Người ta chỉ nhận được thông tin từ đại diện của chính quyền, phương tiện truyền thông nhà nước và bản thân tổng thống . Nhưng ít nhất vẫn có những nghi ngờ đáng kể về các nguồn tin này. Ví dụ, Tokayev tuyên bố đã có 20.000 “tên cướp” tấn công Almaty. Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị người Kazakhstan Marat Baschimov tin rằng lực lượng khủng bố đông như vậy sẽ khó có thể hành động mà không bị các cơ quan an ninh của Kazskstan phát hiện từ trước.

 

Tokayev theo đuổi mục đích gì?

 

Tokayev tuy là nguyên thủ quốc gia kể từ khi Tổng thống Kazakhstan đầu tiên Nursultan Nazarbayev từ chức. Tuy nhiên, các quyền lực thiết yếu vẫn nằm trong tay Nazarbayev, 81 tuổi. Đây là lý do tại sao về cơ bản có hai trung tâm quyền lực ở nước này. Tokayev nổi tiếng là người đã trì hoãn những cải cách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu từ người bảo trợ chính trị của mình.

 

Tình trạng bất ổn đẫm máu chưa từng có ở Almaty hiện đang tạo ra một hệ thống mới với Tokayev là trung tâm. Nhà cựu ngoại giao này về cơ bản đã tiến hành một cuộc cách mạng cung đình song song với các cuộc biểu tình bằng cách phá hủy phần lớn cơ sở quyền lực của Nazarbayev. Tokayev, 68 tuổi, không chỉ sa thải chính phủ của Askar Mamin, một trợ thủ thân tín của Nazarbayev. Vị tổng thống cũng đã tiếp nhận chức chủ tịch Hội đồng An ninh, một cơ quan đầy quyền lực, từ tay Nazarbayev. Và ông cũng đã thay thế ban lãnh đạo cơ quan mật vụ đầy quyền lực bằng những người thân tín của mình.

 

Cựu lãnh đạo cơ quan mật vụ Karim Massimov đã bị bắt vì tội phản quốc. Chỉ trong vài ngày, Tokayev đã kết thúc kỷ nguyên Nazarbayev, theo phân tích của các chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu chính sách Trung tâm Carnegie Moskva. Tokayev có lẽ là người giành được nhiều lợi ích nhất từ ​​cuộc khủng hoảng này.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin được lợi gì từ cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan?

 

Kazakhstan, quốc gia giàu dầu khí và án ngữ lối vào Biển Caspi, là đồng minh quan trọng nhất của Nga ở Trung Á. Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga, một tài sản chiến lược quan trọng, cũng nằm trên vùng thảo nguyên Kazakhstan. Nga đã tham gia vào nhiều cuộc khủng hoảng, ví dụ như ở Syria. Nhưng Kazakhstan vẫn là một cơ hội nữa để Putin phô trương sức mạnh.

 

Qua đây, Putin cũng có dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga chi phối. Tổ chức này, vốn là một phản ứng yếu ớt trước đây đối với khối NATO, nhưng hiện đang dẫn đầu các hoạt động quân sự ở Kazakhstan. Putin có dịp thể hiện mình là người bảo đảm cho sự ổn định ở Trung Á. Với sự ủng hộ dành cho Tokayev, Putin duy trì một chế độ thân thiện với Nga ở Kazakhstan.

 

Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong sự giúp đỡ mà Putin dành cho Alexander Lukashenko, kẻ bị chỉ trích là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” ở Belarus. Những người chỉ trích Điện Kremlin ở Moskva nhấn mạnh rằng hoạt động quân sự của Putin gửi đi một tín hiệu tới các đối thủ ở nước Nga, rằng ông ta sẽ không buông bỏ quyền lực bằng bất kỳ giá nào, và nếu cần, sẽ thực hiện điều đó bằng vũ lực, như đã làm ở Belarus và Kazakhstan.

 

Tình hình sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào ở Kazakhstan?

 

Thông qua hành động đàn áp quyết liệt đối với sự kiện hiện nay, nhà cựu ngoại giao Tokayev giờ đây đã thể hiện ông ta là một chính trị gia cứng rắn và quyết liệt. Các chuyên gia tại Trung tâm Carnegie không mong đợi sẽ có bất kỳ một cải cách cơ bản nào, mà thay vào đó, như tình hình ở Belarus gần đây cho thấy, một “chế độ cứng rắn” sẽ hình thành, gây áp lực mạnh mẽ lên những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, tất cả các sự kiện này đều không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, vốn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch.

 

.

Nguồn:

 

Kasachstan: Was steckt hinter den Protesten – und wie geht es weiter?” WELT, 08/01/2022.

 

-------------------------

 

Nurultan Nazarbayev: Nhà lãnh đạo thời kỳ Xô-viết cuối cùng

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats