Không nên đổ lỗi cho dân trí
Việt Nam thấp mà hãy lương thiện nhìn nhận là trí thức Việt Nam kém
https://www.facebook.com/thong.luan.1/posts/7031459506864097
Sự kéo dài của chế độ cộng sản, trong đó một đảng
vừa thiếu trí tuệ vừa không lương thiện lại đã mất hết tính chính đáng đã cầm
quyền một cách độc đoán quá lâu và còn ngang ngược khẳng định sẽ tiếp tục thống
trị đất nước một cách độc đoán trong thời gian vô hạn định mà không gặp chống đối
nào đáng kể, được nhiều người giải thích là vì dân trí ta còn kém. Như thế phải
chăng hệ luận tự nhiên là tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay chỉ là một
cố gắng văn hóa nhằm nâng cao dân trí ? Không gì sai hơn nhận định này. Hoa Kỳ
và các nước Châu Âu đã thiết lập được dân chủ vào lúc dân trí của họ còn ở một
mức độ rất thấp so với chúng ta hiện nay. Và họ không có PC, Internet và điện
thoại di động; chung quanh họ cũng chỉ có những chế độ quân chủ tuyệt đối. Và cả
thế kỷ sau khi đã bước vào kỷ nguyên dân chủ tuyệt đại đa số vẫn không biết đọc,
biết viết!
Họ đã có dân chủ vì may mắn có được những trí
thức đúng nghĩa, những trí thức có tư tưởng dân chủ và dám giành quyền lãnh đạo
xã hội thay vì chấp nhận thân phận dụng cụ của kẻ cầm quyền. Như vậy không nên
đổ lỗi cho dân trí Việt Nam thấp mà hãy lương thiện nhìn nhận là trí thức Việt
Nam kém. Kém về hiểu biết, do chỉ học để lấy bằng cấp và đi làm chứ không đầu
tư vào tư tưởng và chính trị. Các trí thức Việt Nam có thể chủ quan mà tưởng rằng
họ hiểu biết về chính trị khi họ đã có bằng kỹ sư cơ khí hay tiến sĩ luật nhưng
thực ra họ không biết. Và càng kém vì không dám. Có lẽ chính vì không dám mà họ
không tìm hiểu phải đấu tranh chính trị như thế nào, rồi không biết.
Trong mọi xã hội cần thay đổi người ta thường
phân biệt những người không muốn và những người không thể. Thảm kịch của Việt
Nam là vấn đề không đặt ra như thế, đại đa số trí thức vừa không biết vừa không
dám. Có bao nhiêu người dám chấp nhận mất thẻ đảng và những quyền lợi mà nó bao
hàm? Và trong số những người dũng cảm này có bao nhiêu người biết đấu tranh
đúng phương thức? Cũng không thể trốn tránh sau cái lý cớ "không làm chính
trị". Dấn thân chính trị trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là một mệnh lệnh
của lương tâm và lòng yêu nước. Chính trị không phải là tất cả, nhưng nếu chính
quyền tồi tệ thì tất cả đều bế tắc.
Nguyễn Gia Kiểng
===================================================
TRÍ
THỨC VIỆT NAM MUỐN ĐỂ LẠI DI CHÚC NÀO ?
Nguyễn
Gia Kiểng
Không một người Việt Nam có lương tri nào lại
không phẫn nộ về cách hành xử của chính quyền cộng sản trong sự kiện Đồng Tâm vừa
qua, nhưng nó không mới, chính quyền cộng sản đã hành xử như vậy trong hơn 75
năm qua. Tại sao ? Tại sao sự thô bỉ và xảo trá lại có thể ngự trị trên chính
quyền lâu tới như vậy ? Danh dự và ý chí của dân tộc Việt Nam còn đâu ? Có lẽ
trước hết giới trí thức Việt Nam, tầng lớp có trách nhiệm lãnh đạo xã hội, phải
trả lời câu hỏi này, vì ít nhất, chế độ này đã tồn tại được tới nay bởi những
đóng góp không nhỏ của giới trí thức Việt Nam.
Một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng về những
góp ý của giới trí thức Việt Nam cho các văn kiện chuẩn bị cho Đại Hội XI (năm
2010) sẽ giải thích phần nào thực tại vô lý này.
(https://www.danluan.org/…/nguyen-gia-kieng-tri-thuc-viet-na…)
______________
[...] Chủ nghĩa cộng sản phủ nhận vai trò lãnh
đạo của trí thức. Những trí thức nổi tiếng đã ủng hộ đảng cộng sản trước đây hoặc
trong thâm tâm không đánh giá cao chính mình hoặc không thực sự là những trí thức
lớn như nhiều người nghĩ. Nhưng ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã được cả thế giới,
và chính các trí thức Việt Nam, nhìn nhận là một sai lầm thì quan điểm trí thức
lãnh đạo xã hội phải lấy lại chỗ đứng của nó, chỗ đứng của một sự thực phải được
tôn trọng. Thảm kịch lớn nhất của đất nước hiện nay là trí thức không lãnh đạo
mà còn bị lãnh đạo, trí tuệ phải phục tùng bạo lực, quả đấm nghĩ thay cho cái đầu.
Các phát biểu của hội nghị vẽ ra chân dung của
một chế độ cực kỳ vô lý, nhưng tại sao nó vẫn kéo dài? Đây phải là câu hỏi mà
trí thức Việt Nam phải đặt ra cho mình và cố gắng trả lời. Trong tinh thần đó kẻ
viết bài này, vì cũng tự coi là một thành phần của khối trí thức Việt Nam, xin
mạo muội đóng góp một vài ý kiến. Nếu những phân tích sau đây có làm phiền lòng
một số trí thức thì tác giả xin được thứ lỗi và xin hiểu cho rằng những khuyết
tật được nêu ra sau đây đã hiện diện nơi chính người viết.
Lý do thứ nhất của thảm kịch này là tư tưởng
chính trị của chúng ta quá kém. Chúng ta tự hào là có bốn ngàn năm văn hiến
nhưng chúng ta không có một nhà tư tưởng nào, chưa nói tới tư tưởng chính trị.
Khuyết tật này không khó khắc phục nếu chúng ta thực sự muốn khắc phục. Trí thức
Việt Nam có thừa khả năng để đạt tới một tư tưởng chính trị, nhưng hình như
chúng ta có một đồng thuận là chính trị không cần học, chính trị là thực hành,
không cần lý thuyết, và không chịu hiểu rằng không có gì thực dụng hơn một lý
thuyết đúng. Một trong những hậu quả là chúng ta chỉ nhìn dân chủ dưới những thể
hiện hình thức của nó: bầu cử tự do, tam quyền phân lập v.v... Sự hời hợt đó
khiến chúng ta không có thâm tín về dân chủ, vì thế nếu có cổ võ cho dân chủ
cũng không có sức thuyết phục. Làm sao có thể có thâm tín về dân chủ khi chỉ biết
về nó một cách sơ sài như vậy? Mà khi chính mình đã không thực sự tin thì làm
sao có thể thuyết phục được người khác? Chỉ có sự hiểu biết thấu đáo mới có thể
đem lại thâm tín, quyết tâm và sức thuyết phục. Dân chủ không giản dị như vậy.
Nó là thành quả không ngừng được bổ túc của một cuộc thảo luận lớn kéo dài từ
nhiều thế kỷ nay và vẫn còn tiếp tục (sẽ không có cái gọi là the end of
history!).
Sự hụt hẫng về tư tưởng của trí thức Việt Nam
có thể thấy được dễ dàng. Vẫn có những trí thức dân chủ gạt phăng chủ nghĩa cá
nhân như là đồng nghĩa với chủ nghĩa ích kỷ mà không làm phiền lòng ai, trong
khi chủ nghĩa cá nhân chính là nền tảng của dân chủ. Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về
Quyền Con Người (hay Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) không khác gì hơn là tuyên
cáo của chủ nghĩa cá nhân. Nó lấy con người làm cứu cánh và qui định một không
gian cá nhân mà nhà nước không thể xâm phạm.
Một thí dụ khác là kinh tế thị trường. Đa số
trí thức Việt Nam coi chủ thuyết kinh tế thị trường, mà Adam Smith là người cổ
võ nổi tiếng nhất, như là một lý thuyết kinh tế theo đó nhà nước không nên can
thiệp mà cứ để cho các tác nhân kinh tế trao đổi với nhau qua thị trường rồi tự
nhiên sẽ có một bàn tay vô hình an bài tất cả một cách thỏa đáng. Nếu quả thực
như thế thì nó đã bị vất bỏ từ lâu rồi vì rất sai, ngay cả dưới một chế độ tư bản.
Không có "bàn tay vô hình" nào dẫn dắt kinh tế cả, kinh tế thị trường
đòi hỏi những luật lệ nghiêm túc và những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nếu
không muốn rơi vào hỗn loạn và khủng hoảng. Tác phẩm Điều Nghiên Về Bản Chất và
Những Nguyên Nhân của Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia (An Inquiry into the
Nature and Causes of the Wealth of Nations) là một tác phẩm về triết lý chính
trị, chính vì thế mà hai thế kỷ rưỡi sau nó vẫn còn giá trị của một tác phẩm lớn.
Người ta thường đả kích chủ trương "kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là đã gán ghép một cách tổ chức
kinh tế và một triết lý chính trị mâu thuẫn với nhau. Cách phản bác này không
sai nhưng thiếu sức thuyết phục vì thiếu chiều sâu. Thực ra cụm từ này còn ngớ
ngẩn hơn nhiều vì nó gán ghép hai triết lý chính trị đối chọi với nhau; kinh tế
thị trường chỉ là một tên gọi khác của chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của dân chủ.
Một hậu quả của sự thiếu tư tưởng chính trị là
cuộc thảo luận bênh vực dân chủ trở thành nhạt nhẽo. Nếu dân chủ chỉ giản dị
như thế thì ai chẳng biết, có gì để nói, và ai cần nghe ai? Một hậu quả khác là
phong trào dân chủ không mạnh và không có được sự liên tục thế hệ đáng lẽ nó phải
có. Tại sao? Đó là vì chỉ có tư tưởng mới có thể gắn bó được những con người và
các thế hệ. Các tôn giáo sở dĩ qui tụ được nhiều người và lưu truyền được từ đời
này sang đời khác là vì niềm tin của họ được nhìn như một tư tưởng. Đầu tư vào
tư tưởng chính trị là điều trí thức Việt Nam phải làm. Khẩn cấp.
Lý do thứ hai là di sản văn hóa. Từ ngày lập
quốc, khi bị ngoại thuộc cũng như lúc tự chủ, chúng ta được nhào nặn trong một
văn hóa Khổng Giáo coi làm chính trị chủ yếu là để làm quan. Tâm lý này được
duy trì hầu như nguyên vẹn dưới chế độ cộng sản bởi vì chủ nghĩa Mác-Lênin
không khác gì Khổng Giáo. Với một quan niệm như vậy thì dấn thân chính trị, dù
là để chống lại một bạo quyền, không hề là một nghĩa vụ đạo đức mà chỉ xuất
phát từ tham vọng danh lợi cá nhân, một tham vọng thấp hèn vì làm quan chỉ là
làm tay sai không điều kiện. Sự hèn nhát và xu thời được Khổng Giáo nâng lên
thành những giá trị. Khổng Tử để lại một lời giáo huấn vàng ngọc cho kẻ sĩ: nước
nguy thì chớ vào, nước loạn thì chớ ở, hoàn cảnh tốt thì ra làm quan, hoàn cảnh
xấu thì ẩn mình (nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến,
thiên hạ vô đạo tắc ẩn - Luận Ngữ).
Sau đó nếu có dấn thân chính trị thì cũng chỉ
làm chính trị kiểu nhân sĩ, nghĩa là hoặc không tham gia một tổ chức nào hoặc nếu
có tham gia thì cũng chủ yếu để lợi dụng tổ chức cho tham vọng cá nhân của
mình, chứ không phải để xây dựng tổ chức như là một nhịp cầu phải có để dẫn tới
một tương lai đáng mong ước từ một hiện tại không chấp nhận. Phải khẩn cấp trả
lại cho đấu tranh chính trị nghĩa thực và đúng của nó, nghĩa là đấu tranh để cải
thiện xã hội, để tôn vinh quyền làm người và đem lại phúc lợi tối đa cho thật
nhiều người. Sứ mạng cao cả và khó khăn này kéo theo hai hệ luận: một là khi đất
nước không may lọt vào tay một chính quyền thô bạo thì đấu tranh để thay đổi nó
là một bổn phận chứ không phải chỉ là một chọn lựa; hai là muốn đạt mục tiêu to
lớn đó thì phải có sức mạnh, nghĩa là phải có đội ngũ. Đấu tranh chính trị
không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả, mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức.
Trí thức Việt Nam muốn giành tự do hay chỉ xin tự do?
Lý do thứ ba, hậu quả của di sản văn hóa trên
nhưng có tầm quan trọng đặc biệt của nó, là chúng ta hoàn toàn thiếu văn hoá tổ
chức. Tôi đã viết khá nhiều về đề tài này, ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điều là
không nên lầm văn hóa tổ chức với kỹ thuật tổ chức; người ta có thể biết tổ chức
chu đáo một hội nghị, thậm chí điều khiển một cơ quan, mà vẫn không có văn hóa
tổ chức. Một cách tóm lược, văn hóa tổ chức là toàn bộ những kiến thức, tập
quán, phản xạ, cách suy nghĩ và hành động khiến ta một mặt hiểu tầm quan trọng
của tổ chức và cảm thấy có nhu cầu sinh hoạt trong tổ chức, và mặt khác suy
nghĩ và hành xử một cách phù hợp để giữ gìn và phát triển tổ chức. Trí thức Việt
Nam hiếu học và có thể bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu một đề tài chuyên môn
nhưng lại không chịu bỏ ra vài tháng để đọc vài cuốn sách cơ bản về tâm lý xã hội.
Kết quả là họ không thấy có nhu cầu phải tham gia một tổ chức nào và nếu đã gia
nhập một tổ chức thì thường thấy có rất nhiều lý do để rời bỏ tổ chức. Sự thiếu
văn hóa tổ chức còn được trầm trọng hóa nơi trí thức trong nước vì một nguyên
nhân khác, đó là sự kiện các tổ chức bị cấm đoán, ngoại trừ những tổ chức được
coi là những công cụ của đảng cộng sản.
Trí thức Việt Nam hình như chưa thấy được sự
nghiêm trọng của sự thiếu vắng văn hóa tổ chức. Một câu hỏi: lấy tiêu chuẩn nào
để đánh giá mức độ văn minh và tiến hóa của một dân tộc? Ta có thể trả lời một
cách quả quyết và dứt khoát: đó là văn hoá tổ chức. Văn hóa tổ chức quyết định
phẩm chất và triển vọng của các dân tộc. Việc đảng cộng sản cấm sinh hoạt tổ chức
phải được coi là rất độc hại vì có tác dụng cột chân đất nước trong sự thấp
kém. Phải coi đấu tranh cho quyền tự do kết hợp (nghĩa là thành lập hoặc tham
gia các tổ chức) như là một trong những cuộc đấu tranh sống còn của đất nước.
Cũng cần ý thức rằng đối với các cá nhân sự
thiếu vắng văn hoá tổ chức có hai hậu quả nghiêm trọng.
Một là, vì thiếu văn hoá tổ chức chúng ta
không có tổ chức, rồi vì không có tổ chức chúng ta cô đơn và bất lực, đến lượt
nó cảm giác bất lực khiến chúng ta nhút nhát.
Hai là, tổ chức – dĩ nhiên là tổ chức đúng
nghĩa, do các thành viên tự nguyện lập ra để theo đuổi một mục đích chung, chứ
không phải là tổ chức công cụ của chính quyền - là một môi trường sản xuất và
sàng lọc ý kiến (1), sự thiếu vắng tổ chức khiến trí tuệ bị bế tắc và giới hạn.
Quan trọng hơn hết, lý do thứ tư là sự ngộ nhận
rất lớn về tiến trình thay đổi chế độ. Phần lớn trí thức Việt Nam cho rằng
phương thức tốt nhất để thay đổi chế độ là hợp tác để dần dần cải thiện nó từ
bên trong. Diễn nghĩa: không ra mặt phản kháng mà chỉ cố sống lương thiện, hành
xử đúng và khéo léo gợi ý khi cơ hội cho phép. Phương thức này được ưa chuộng
vì sự tiện nghi và an toàn của nó nhưng nó sai hoàn toàn. Nó không thay đổi được
chế độ mà còn củng cố chế độ và triệt tiêu cả sự lương thiện lẫn ý muốn thay đổi,
trong nhiều trường hợp nó chỉ là một ngụy biện cho thái độ phục tùng vụ lợi. Tiến
trình thay đổi một chế độ cũng như một tổ chức, như lịch sử đã chứng minh và được
trình bày đầy đủ trong mọi nghiên cứu về sinh hoạt tổ chức và đấu tranh chính
trị, ngược hẳn với quan điểm này và có thể tóm lược như sau:
- Nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi xuất
hiện nơi một số người;
- Những người này liên kết với nhau và tự cô lập
với phần còn lại để tranh đấu cho lập trường đổi mới. Họ đảm nhận vai trò thiểu
số với những hậu quả của nó, như bị trù dập, thậm chí bị tiêu diệt.
- Họ dần dần mạnh lên, thuyết phục được hoặc
khắc phục được phần còn lại và áp đặt sự thay đổi.
Liên kết với nhau và tự cô lập là điều kiện bắt
buộc để có thể thành công của những người muốn thay đổi. Nếu không, nếu chấp nhận
luật chơi hiện hành, họ sẽ bị hòa tan trong "thực tại" và ý chí thay
đổi sẽ tiêu tan. Hơn thế nữa, có mọi triển vọng là chính họ cũng sẽ bị lưu manh
hóa trong một bối cảnh xã hội bất lương. Đi với ma mặc áo giấy.
Như để chứng minh rằng chính trị và đời sống
chỉ là một, đây cũng là quá trình tiến hóa của mọi chủng loại. Lấy thí dụ tiến
hóa từ vượn lên người; những con vượn đầu tiên nơi những biến đổi ban đầu xuất
hiện đã sống biệt lập với những con vượn khác và tiếp tục tiến hóa để thành người,
nếu không chúng đã bị tiêu hóa nhanh chóng trong cả khối lớn của chủng loại, và
vượn vẫn là vượn chứ không thành người.
Hãy tạm dừng lại trong bốn nguyên nhân chính
đó. Sự kéo dài của chế độ vô lý này, trong đó một đảng vừa thiếu trí tuệ vừa
không lương thiện lại đã mất hết tính chính đáng đã cầm quyền một cách độc đoán
quá lâu và còn ngang ngược khẳng định sẽ tiếp tục thống trị đất nước một cách độc
đoán trong thời gian vô hạn định mà không gặp chống đối nào đáng kể, được nhiều
người giải thích là vì dân trí ta còn kém. Như thế phải chăng hệ luận tự nhiên
là tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay chỉ là một cố gắng văn hóa nhằm
nâng cao dân trí? Không gì sai hơn nhận định này. Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã
thiết lập được dân chủ vào lúc dân trí của họ còn ở một mức độ rất thấp so với
chúng ta hiện nay. Và họ không có PC, Internet và điện thoại di động; chung
quanh họ cũng chỉ có những chế độ quân chủ tuyệt đối. Và cả thế kỷ sau khi đã
bước vào kỷ nguyên dân chủ tuyệt đại đa số vẫn không biết đọc, biết viết!
Họ đã có dân chủ vì may mắn có được những trí
thức đúng nghĩa, những trí thức có tư tưởng dân chủ và dám giành quyền lãnh đạo
xã hội thay vì chấp nhận thân phận dụng cụ của kẻ cầm quyền. Như vậy không nên
đổ lỗi cho dân trí Việt Nam thấp mà hãy lương thiện nhìn nhận là trí thức Việt
Nam kém. Kém về hiểu biết, do chỉ học để lấy bằng cấp và đi làm chứ không đầu
tư vào tư tưởng và chính trị. Các trí thức Việt Nam có thể chủ quan mà tưởng rằng
họ hiểu biết về chính trị khi họ đã có bằng kỹ sư cơ khí hay tiến sĩ luật nhưng
thực ra họ không biết. Và càng kém vì không dám. Có lẽ chính vì không dám mà họ
không tìm hiểu phải đấu tranh chính trị như thế nào, rồi không biết.
Trong mọi xã hội cần thay đổi người ta thường
phân biệt những người không muốnvà những người không thể. Thảm kịch của Việt
Nam là vấn đề không đặt ra như thế, đại đa số trí thức vừa không biết vừa không
dám. Có bao nhiêu người dám chấp nhận mất thẻ đảng và những quyền lợi mà nó bao
hàm? Và trong số những người dũng cảm này có bao nhiêu người biết đấu tranh
đúng phương thức? Cũng không thể trốn tránh sau cái lý cớ "không làm chính
trị". Dấn thân chính trị trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là một mệnh lệnh
của lương tâm và lòng yêu nước. Chính trị không phải là tất cả, nhưng nếu chính
quyền tồi tệ thì tất cả đều bế tắc.
Các trí thức ưu tú trong hội nghị này tuyên bố:
"Trách nhiệm của nhà nghiên cứu là nói trung thực, thẳng thắn, với tinh thần
xây dựng, mong muốn Đảng mạnh lên, đất nước mạnh lên". Tại sao lại cứ phải
mong muốn "Đảng mạnh lên" dù Đảng đã chỉ là một đảng như mọi người và
chính các vị cũng đã thấy? Tại sao "trách nhiệm của nhà nghiên cứu" lại
kỳ cục như vậy? Có gì là "trung thực, thẳng thắn" trong thái độ này?
Cùng lắm là thái độ tôi trung!
Một trí thức không tham dự hội nghị, ông Lê Hiếu
Đằng, một đảng viên cộng sản và một nhân vật cao cấp trong Mặt Trận Tổ Quốc, nhận
định đúng đắn hơn: "Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặt quyền lợi của
đất nước, của dân tộc lên cao nhất, hơn mọi lợi ích riêng tư, phe nhóm".
Người ta chỉ có thể đồng ý và ủng hộ lập trường này. Và tiếp theo là gì? Ông Đằng
nhận định: "Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ,
tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi
các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những
vấn đề của đất nước, của dân tộc. Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải
sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ
sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận". Càng đáng tán thành. Chỉ
mong những người như ông Đằng quyết tâm tiến tới và đừng quên rằng đấu tranh
chính trị bao giờ cũng phải là đấu tranh có tổ chức, nếu không chỉ là lãng mạn.
Không có gì phải sợ? Tôi e rằng ông Đằng hơi
chủ quan hoặc quá lạc quan. Dĩ nhiên là tình hình không còn như trước, xã hội
Việt Nam đã chín muồi cho một chuyển hóa dứt khoát về dân chủ và những người
dân chủ, nhất là những người trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản, có thể
tranh đấu cho dân chủ mà không phải chịu đựng những hy sinh quá lớn nếu tranh đấu
một cách thông minh. Bằng cớ là các trí thức tham dự hội nghị đã có thể nói những
điều họ đã nói và chắc sẽ không gặp khó khăn nào. Nhưng dầu sao cũng vẫn phải sẵn
sàng chấp nhận một số thiệt thòi nếu đấu tranh thực sự, nghĩa là đấu tranh có tổ
chức, điều mà đảng cộng sản còn cấm kỵ. Trở ngại và rủi ro có thực chứ không phải
là hoàn toàn không có gì phải sợ. Vả lại chẳng có cuộc đấu tranh nào mà lại
không đòi hỏi hy sinh. Nhưng chính vì những hy sinh này mà những người dám dấn
thân đấu tranh cho dân chủ đáng được trân trọng.
Các trí thức tham dự hội nghị kết luận rằng
các phát biểu của họ dù không được chấp nhận "nhưng ít ra cũng lưu vào văn
bản, lưu lại hậu thế rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu
thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt
nát".
Ý muốn để lại một di chúc cho mai sau là một ý
muốn cao cả mà người ta chỉ có thể kính trọng. Tuy nhiên có một cái gì vừa mập
mờ vừa ai oán trong kết luận này khiến người ta không khỏi phân vân. Dốt nát là
một khái niệm tương đối. Ai cũng dốt nát trên những điều mà mình không biết và
nói chung chúng ta chỉ hiểu biết trên một số ít địa hạt, phần còn lại chúng ta
đều dốt cả. Nhưng có một vấn đề mà mọi người trí thức đều phải quan tâm là tình
hình chính trị của đất nước hiện nay. Ai cũng đồng ý là phải đấu tranh để thay
đổi chế độ, và như thế cần có tư tưởng chính trị và cần biết phương pháp đấu
tranh chính trị. Về điểm này chúng ta đã thực sự ra khỏi sự dốt nát chưa?
Nghiêm trọng hơn là chúng ta có dám tranh đấu
thay đổi chế độ không? Nếu dám thì dù không biết chúng ta cũng có thể học hỏi để
biết. Chỉ sợ chúng ta không dám. Hội nghị muốn để lại cho hậu thế một di chúc rằng
năm 2010 có những trí thức Việt Nam không dốt nát, nhưng giữa dốt nát và hèn
nhát ký ức nào tủi hổ hơn cho con cháu?
Thông Luận 2010
No comments:
Post a Comment