Giáo sư kinh tế, Đại học Waseda
Thứ ba, 11/1/2022, 00:00 (GMT+7)
https://vnexpress.net/cong-nghiep-than-ky-4414592.html
Có hai sự kiện cuối năm 2021 gây ấn tượng mạnh
và thôi thúc tôi viết bài này.
Thứ nhất là cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng
Phạm Minh Chính với một số chuyên gia kinh tế ngày 8/11 mà tôi tham dự. Nói về
cải cách, Thủ tướng phát biểu đại ý, quá trình làm chính sách của ta chưa tốt,
tham khảo chưa thực chất ý kiến những cơ quan, địa phương hay doanh nghiệp -
nơi sẽ thực thi hoặc chịu ảnh hưởng bởi các chính sách đó. Tôi giới thiệu sơ lược
với ông cách làm chính sách của Nhật Bản.
Tìm hiểu thêm sau đó, tôi biết có tình huống
chính sách soạn thảo không loại trừ bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và ít được
bộ ngành khác hưởng ứng nên thực thi không hiệu quả. Nhiều trường hợp tham khảo
ý kiến chuyên gia nhưng còn hình thức.
Sự việc thứ hai, hôm 17/11, tôi nhận được yêu
cầu từ Bộ Công Thương nhờ góp ý về dự thảo liên quan chính sách công nghiệp bắt
đầu xây dựng. Tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi được biết, đây là lần đầu tiên một bộ
chính sách về công nghiệp hoàn chỉnh được chuẩn bị, trong khi Việt Nam đặt mục
tiêu trở thành nước công nghiệp tiên tiến vào 2045.
Nghiên cứu lâu năm trong ngành, tôi cũng chỉ
biết dự thảo của vài ngành công nghiệp, tản mạn và không rõ thực thi thế nào.
Nhiều chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược công
nghiệp chỉ dừng lại ở Nghị quyết chứ chưa được triển khai khai thành quyết sách
cụ thể.
Gần đây nhất, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ra
Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng,
hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nhưng hơn hai năm, tôi chưa thấy
chính sách cụ thể hóa để thực hiện. Kinh tế, công nghệ thế giới thay đổi rất
nhanh, đòi hỏi chính sách phải triển khai nhanh chóng. Với tình hình như vậy,
làm sao đạt được mục tiêu đề ra?
Nước Nhật có một giai đoạn phát triển được xem
là thần kỳ, từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970. Kinh tế tăng trưởng
trung bình mỗi năm 10% và liên tục trong suốt 18 năm. Với giai đoạn rực rỡ này,
từ nước thu nhập trung bình, Nhật tiến thẳng lên cường quốc công nghiệp thu nhập
cao. Kinh nghiệm của Nhật trong việc lập bộ chính sách phát triển công nghiệp
giai đoạn này có một số nét chính dưới đây.
Nội dung của bộ chính sách gồm ba phần. Một là
đưa ra tầm nhìn về cơ cấu công nghiệp trong trung và dài hạn, nhằm chuyển dịch
cơ cấu kinh tế lên cao. Hai là chính sách nuôi dưỡng, phát triển những ngành trọng
điểm như hỗ trợ về thuế, phí vay vốn đầu tư... Chúng được pháp chế hóa có thời
hạn. Sau giai đoạn nhất định, các ngành công nghiệp được nuôi dưỡng sẽ tự tiếp
tục phát triển và cạnh tranh với thế giới.
Ba là cách tổ chức, trong đó chính phủ có thể
can thiệp để tránh tình trạng quá nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trong một thị
trường còn nhỏ làm quy mô sản xuất của mỗi doanh nghiệp không đạt mức tối ưu.
Điểm này rất quan trọng trong những ngành có tính quy mô cao như thép, xe
hơi... Cụ thể, khi xét thấy số doanh nghiệp đã đủ để vừa bảo đảm thị trường có
cạnh tranh, vừa không bị chia quá manh mún, chính phủ hạn chế thêm chủ thể gia
nhập thị trường; hoặc khuyên các doanh nghiệp tập hợp lại thành vài nhóm, có cạnh
tranh giữa các nhóm.
Mục tiêu của cơ cấu công nghiệp được xác định trong
nửa sau thập niên 1950 là chuyển dịch cơ cấu từ những ngành có hàm lượng lao động
cao như may mặc, giày dép lên những ngành dùng nhiều tư bản và công nghệ như tơ
sợi tổng hợp, hóa dầu, thép, ôtô, điện tử... Nhật Bản đã lập chính sách nuôi dưỡng
các ngành công nghiệp, ban hành luật hoặc pháp lệnh cho từng ngành kèm các biện
pháp yểm trợ về thuế, tín dụng...
Chẳng hạn, kế hoạch năm năm nuôi dưỡng ngành sợi
tổng hợp ban hành tháng 4/1953; chính sách nuôi dưỡng ngành hóa dầu ra đời
tháng 7/1955; Luật lâm thời chấn hưng công nghiệp máy móc ban hành tháng
6/1956; Luật lâm thời chấn hưng công nghiệp điện tử tháng 6/1957, và nhiều luật,
chính sách khác. Hầu hết chúng hiệu lực đến năm 1971, thời gian đủ để các ngành
phát triển và tự lập.
Trong nền kinh tế thị trường mà doanh nghiệp
tư nhân là chủ đạo, Nhật đã xây dựng được cơ chế đặc biệt tạo quan hệ lành mạnh
và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời tập kết trí tuệ của nhiều
thành phần trong xã hội. Hai công cụ chính là các hội đồng tư vấn và "chỉ
đạo hành chính".
Hội đồng tư vấn (shingikai) được chính
phủ lập ra với sự tham gia của đại diện các nhóm gồm doanh nghiệp, trí thức,
nhà báo, cựu quan chức... để họp bàn và khuyến nghị chính sách đến chính phủ.
Có shingikai của thủ tướng, của các bộ trưởng, các hội trao đổi ý kiến ở cấp thấp
hơn (kondankai) bàn về các vấn đề có phạm vi hẹp hơn.
"Chỉ đạo hành chính" là cách nhà nước
can thiệp vào thị trường khi cần thiết với mục đích bảo vệ lợi ích đất nước hoặc
tăng sức cạnh tranh của một ngành. Chẳng hạn, khi chuẩn bị mở cửa hội nhập vào
thập niên 1960, Bộ Công Thương nhận thấy cần có vài công ty thép lớn mạnh mới
có thể cạnh tranh với Âu, Mỹ. Năm 1968, họ đã dàn xếp để hai công ty Yawata và
Fuji hợp nhất thành Nippon Steel, ra đời năm 1971.
Việc can thiệp hành chính dĩ nhiên có chọn lựa,
được cân nhắc kỹ và thường thuyết phục chứ không ép buộc. Nhà nước là nơi tập
trung thông tin, phân tích tình huống nhờ đội ngũ cán bộ giỏi và tập kết trí tuệ
qua hình thức shingikai và kondankai. Những chỉ đạo hành chính do đó thường
thuyết phục. Chính phủ cũng dùng ưu đãi về tài chính và thuế để khuyến khích
doanh nghiệp hành động theo hướng được gợi ý.
Một vấn đề thường thấy ở nhiều nước đang phát
triển là chính sách của một bộ không thực hiện được vì thiếu sự ủng hộ của các
bộ khác. Để tránh tình trạng này, quy trình lập và thực hiện chính sách công
nghiệp như sau: Bộ Công Thương quyết định chính sách qua hình thức shingikai và
kondankai, sau đó chuyển sang Cục pháp chế của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài
chính để xác nhận. Vì quá trình chuẩn bị chính sách rất kỹ lưỡng, công khai, có
sự tham gia của cựu quan chức các bộ liên quan nên hầu như không có ý kiến phản
đối từ các bộ khác.
Việt Nam có thể tham khảo bốn điểm.
Việc hoạch định các chiến lược nên được bàn thảo
giữa bộ ngành liên quan với hội đồng tư vấn gồm nhiều thành phần xã hội như
trên. Cách làm này vừa tập hợp trí tuệ trong dân vừa tăng tính minh bạch, hạn
chế nhóm lợi ích.
Chính sách cần cụ thể hóa bằng các luật có thời
hạn để các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thực thi, doanh nghiệp không ỉ lại vào ưu
đãi mà phải phấn đấu tăng năng lực cạnh tranh khi hỗ trợ chấm dứt.
Chính sách do một cơ quan soạn thảo, nhưng thực
thi phải trôi chảy, có hợp tác và đồng thuận cao của nhiều cơ quan. Khi đã đồng
thuận, tất cả phải thực thi và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu Chính phủ.
Chính sách công nghiệp gồm ba phần: Cơ cấu,
phát triển và tổ chức như trên đáng tham khảo để xây dựng công nghiệp hóa.
Tóm lại, muốn phát triển thần kỳ, Việt Nam cần
những "thay đổi thần kỳ".
Trần Văn Thọ
.
No comments:
Post a Comment