Wednesday, 19 January 2022

CÁC QUẦY HÀNG SIÊU THỊ TRỐNG RỖNG VÌ SAO? (Lương Thái Sĩ - Saigon Nhỏ)

 



Các quầy hàng siêu thị trống rỗng vì sao?

Lương Thái Sỹ

19 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/cac-quay-hang-sieu-thi-trong-rong-vi-sao/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Coronavirus-empty-shelves-1024x532.png

Ảnh minh họa: Supermarketnews

 

Chỉ mới bước sang năm 2022, mạng xã hội đã ngập tràn hình ảnh của các kệ hàng tạp hóa trống trơn, từ phô-mai kem đến khăn giấy, hộp nước trái cây dành cho trẻ em và cả thức ăn cho mèo. Một số thủ phạm gây ra đợt thiếu hụt lần này cũng giống những ngày đầu của đại dịch Covid-19, nhưng một số mới phát sinh. Dưới đây là bốn lý do khiến một loạt các mặt hàng thường xuyên hết hàng tại nhiều cửa hàng tạp hóa trên cả nước.

 

1.Sự lan tràn của biến thể Omicron

 

Sự gia tăng của biến thể Omicron không chỉ khiến các nhân viên cửa hàng tạp hoá phải làm vệ sinh dịch tễ nhiều hơn, mang khẩu trang thường xuyên và giãn cách xã hội mà Omicron còn gây áp lực lên nhân sự khi nhiều nhân viên không thể làm việc do bị bệnh hoặc phải cách ly.

 

27 giám đốc điều hành ngành công nghiệp thực phẩm được tờ The Washington Post gọi điện và Geoff Freeman, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng (Consumer Brands Association-CBA) cho biết số nhân viên xin nghỉ trong hai tuần qua tương đương với cả năm 2020. “Tình hình này thật đáng lo ngại – ông nói – Bên cạnh đó, việc 80,000 tài xế xe tải trên toàn quốc tạm ngưng làm việc vì nhiều lý do khác nhau và 10% công nhân vắng mặt tại các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng tạo ra rất nhiều áp lực cho hệ thống phân phối và bán lẻ vào thời điểm khó khăn này”.

 

Omicron đã quét qua chuỗi siêu thị Stew Leonard’s gồm các cửa hàng ở ba tiểu bang Connecticut, New York và New Jersey. Ông Stew Leonard Jr., chủ sở hữu Stew Leonard’s. bộc bạch: “Omicron đặt ra một thách thức rất lớn. Ví dụ bạn không thể làm mọi loại bánh pizza khách muốn. Pizza dứa và dăm bông đã không còn trên thực đơn của chúng tôi. Hầu hết các nhà chế biến thực phẩm ở đây đều phải cắt bớt sản lượng và chủng loại. Nhìn đâu cũng thấy thiếu lao động”.

 

Nguyên nhân do Great Resignation (Từ nhiệm lớn, hay Bỏ việc lớn, một xu hướng kinh tế trong đó người lao động tự nguyện bỏ việc hàng loạt, xuất hiện từ đầu năm 2021 ở Mỹ) nhưng phần lớn là do Omicron phát tác. Chính Omicron đã kéo công nhân trở lại “tâm bão Covid” khi dịch bùng phát mạnh tại nơi làm việc. Chờ đợi xét nghiệm coronavirus quá lâu cũng ngăn nhân viên quay trở lại với công việc sớm hơn. Hai tuần trước, mặt hàng bán chạy số một của chúng tôi của Stew Leonard’s là thịt bò thăn, nhưng vào lúc này bán chạy số một là các bộ công cụ xét nghiệm nhanh. “Nhà kho chứa kits ở New Jersey gần hết hàng. Nhưng khi chúng tôi cho xe đến bến tàu, những công nhân bốc vác đặt ngay vấn đề tiền bạc nếu muốn được bốc dỡ nhanh. Cuộc chiến đấu diễn ra ngay trên bến tàu” – Leonard Jr cảm thán.

 

Hiệp hội Cửa hàng tạp hóa Quốc gia (The National Grocers Association-NGA) đã yêu cầu chính quyền liên bang và tiểu bang cho các cửa hàng tạp hóa của mình được ưu tiên kiểm tra hàng nhập kho từ trước khi Tối cao Pháp viện tạm ách lại sắc lệnh liên bang bắt buộc xét nghiệm các công ty có hơn 100 nhân viên, họ cũng yêu cầu liên bang linh hoạt trong tiêm chủng và xét nghiệm để giảm thiểu sự gián đoạn lực lượng lao động.

 

“Vì Omicron, nhiều chuỗi cửa hàng tạp hóa hiện chỉ còn một nửa nhân viên so với bình thường, ảnh hưởng đến hoạt động lưu kho và trưng bày các mặt hàng trên kệ. Chế biến thực phẩm tại chỗ cũng khó khăn hơn. Dù còn rất nhiều loại thực phẩm trong chuỗi cung ứng, nhưng người tiêu dùng sẽ tiếp tục không mua được một số loại sản phẩm do thiếu nguồn cung và thiếu lao động” – Jim Dudlicek, Giám đốc truyền thông của NGA nói. Coronavirus bùng phát tại các nhà máy chế biến thịt gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Nền kinh tế đang nóng về cầu đã bị Omicron làm nguội lại.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/pink-dawn-gb062acece_1920-1024x661.jpg

Ảnh minh họa: Pixabay

 

2.Thời tiết mùa Đông

 

Các cơn bão tuyết mùa Đông đã đổ một lớp dày hơn 30 cm tuyết xuống nhiều khu vực Mid-Atlantic của nước Mỹ ngay khi vừa bước sang năm mới 2022. Các hiện tượng thời tiết khác nhau quét quanh nước Mỹ khiến tình trạng đường sá ở nhiều khu vực xấu đi trong những tuần qua. Ví dụ, vụ tắc đường kéo dài hơn 20 giờ trên Xa lộ Liên tiểu bang 95 (Interstate 95) gần Stafford, Virginia đã làm tê liệt rất nhiều xe bán tải giao hàng tạp hóa thiết yếu.

 

Ông Doug Baker, phó chủ tịch phụ trách quan hệ ngành của hội công nghiệp thực phẩm FMI, nhận định: “Những tháng mùa Đông luôn đặt ra nhiều thách thức. Nhưng năm nay có một số kiểu thời tiết chúng ta chưa từng thấy về cả tần suất lẫn cường độ, từ Bờ Tây đến Bờ Đông. Ngoài việc thời tiết làm chậm giao hàng cho các cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước, thời tiết xấu còn ảnh hưởng đến tâm lý lo lắng của người tiêu dùng, dẫn đến việc một số mặt hàng bị tranh mua để đề phòng bất trắc. Hệ quả của tranh mua quá mức cần thiết là các cửa hàng hết sạch hàng”.

 

Ngoài ra, khi có hơn 5,000 trường học phải hoãn mở cửa trở lại do triều cường và bão, các gia đình bỗng thấy cần tích trữ hơn bánh mì, sữa, thịt và ngũ cốc vì con cái không được ăn ở trường. Một giám thị nói: “Ngay cả khi đã mở cửa, Omicron cũng đẩy trường học vào cuộc khủng hoảng. Thiếu xe buýt học sinh do thiếu tài xế là một ví dụ”.

 

3.Các đơn hàng cung ứng cho Mỹ bị giao chậm lại

 

Các vấn đề của chuỗi cung ứng không chỉ nằm ở việc bốc dỡ các container tại cảng hoặc ngoài biển mà còn do sự chậm lại của nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Tại Trung Quốc và Vương quốc Anh, một số thành phố đã tái đóng cửa các nhà máy, làm chậm từ khâu sản xuất đến giao hàng đối với một số nguyên liệu và thực phẩm cung cấp cho thị trường Mỹ.

 

Baker nói: “Rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm của chúng tôi đến từ những quốc gia có mức tăng đột biến Omicron. Một số nước như Trung Quốc đã lockdown nghiêm ngặt và ngừng hoạt động sản xuất tại một số thành phố cảng khiến toàn bộ quá trình bị chậm lại. Nói vậy để thấy chuỗi cung ứng đứt gẫy không chỉ do trong nước, mà còn do cách các quốc gia khác đối phó với Omicron”. Dễ thấy nhất là tại Cảng Los Angeles bận rộn nhất nước Mỹ, khối lượng hàng hóa đã giảm mạnh trong Tháng Mười Một so với một năm trước đó (theo số liệu của ban điều hành cảng). Trái cây và rau quả hiếm khi thiếu hay gặp vấn đề về nguồn cung giống như các loại thực phẩm khác, nhưng nay đã xảy ra tình trạng này, nhưng chủ yếu là do mất an toàn thực phẩm.

 

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã ra lệnh thu hồi tự nguyện một số loại xà lách đóng túi và các loại rau khác bị xem là có thể nhiễm vi khuẩn listeria. Tuy nhiên, nói chung, thực phẩm ít bị thu hồi trong thời gian diễn ra đại dịch.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Kristijan-Arsov-1024x819.jpeg

Minh họa: Kristijan Arsov/Unsplash

 

4.Nhiều người ăn ở nhà hơn

 

Phân tích của công ty tư vấn Datassential cho thấy, sự kết hợp của hai yếu tố lạm phát tăng và omicron đã buộc nhiều hộ gia đình phải chọn ăn ở nhà nhiều hơn. Những cơn bão trên diện rộng và ngại đi ăn ngoài vì sợ omicron đã góp phần làm tăng nhu cầu tại các cửa hàng tạp hóa. Điều đó có nghĩa là các cửa hàng tạp hóa luôn đấy ắp người mua.

 

Theo công ty theo dõi bán lẻ quốc gia Mastercard SpendPulse, doanh số bán hàng tạp hóa đã tăng hơn 8% trong Tháng Mười Hai. Công ty dữ liệu IRI cho biết, bước sang năm 2022, các cửa hàng đã phải vật lộn bổ sung nguồn hàng để giữ cho các kệ luôn đầy đủ một số loại hàng thiết yếu.

 

Jessica Dankert, phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Hiệp hội Các lãnh đạo Bán lẻ (Retail Leaders Industry Association-RLIA) nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều đợt dự trữ và bổ sung nối tiếp nhau vào một thời điểm đặc biệt khó khăn khi các gia đình nấu ăn ở nhà nhiều hơn”.

 

Ngoài ra, ở một số thành phố, các nhà hàng và dịch vụ ăn uống phải tạm đóng cửa do dịch coronavirus bùng phát trong công nhân, khiến nhiều gia đình phải dùng bữa tại nhà vào cả ngày lễ. Dankert dự đoán: “Bạn sẽ thấy xu hướng tự nấu ăn tiếp tục trong nhiều tháng tới nên áp lực lên các cửa hàng bán lẻ còn kéo dài. Rõ ràng, lạm phát đang ảnh hưởng mạnh đến hành vi của người tiêu dùng, khiến họ chọn ăn uống ở nhà; hạn chế du lịch và ăn ở ngoài”.

 

Theo chỉ số giá cả của Cục Thống kê Lao động, giá hàng tạp hóa tăng 6.4% trong 12 tháng kết thúc vào Tháng Mười Hai, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008. Đối với các danh mục phụ (subcategories) như thịt bò, giá đã tăng đáng kinh ngạc: 20.9%.





No comments:

Post a Comment

View My Stats