Báo
Xuân Pháp Luật thượng cả nhân vật vi phạm pháp luật trắng trợn lên bìa
Bình luận của Nguyễn Như Mai
2022.01.17
Ba nhân vật được báo Pháp Luật TPHCM
đăng là các nhân vật tiêu biểu của năm tại Việt Nam gồm VinFast, Trịnh Văn Quyết
và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Reuters, Pháp Luật, RFA edit
Báo Pháp Luật TPHCM Xuân năm nay đã mở mắt cho
độc giả rằng khi chỉ biết kiếm tiền thì một tờ báo có thể ngang nhiên tác nghiệp
hoàn toàn trái với tôn chỉ mục đích của nó như thế nào.
Báo Xuân là một ấn phẩm truyền thống đặc biệt
của làng báo chí Việt Nam (khi ra hải ngoại, các tờ báo tiếng Việt vẫn giữ
nguyên truyền thống này và người đọc rất thích). Đó là giai phẩm quy tụ những
bài viết hay nhất, độc đáo, hấp dẫn nhất của các cây bút nổi tiếng nhất mà tòa
soạn có thể có được. Chủ đề của các tờ báo Xuân hầu như đều giống nhau, gồm các
bài tổng kết hoạt động của năm cũ và dự báo năm mới (tùy theo lĩnh vực của từng
tờ báo mà sẽ đi sâu vào phân tích chính trị/pháp luật/kinh tế/xã hội/văn hóa/thể
thao.v.v. ). Họ cũng sẽ điểm một số gương mặt nổi bật ở các lĩnh vực trong năm
qua. Rồi tùy theo năm đó cầm tinh con gì thì sẽ có các bài viết vui nhộn, mang
tính giải trí về con giáp đó. Ngoài ra là các bài văn, thơ đủ thể loại, miễn đề
tài thú vị, cách viết thu hút là được.
Ai là nhân vật
chính của năm 2021?
Năm 2021 vừa qua của Việt Nam, cũng như của thế
giới là một năm đặc biệt khi hầu như toàn bộ hoạt động đều xoay quanh dịch bệnh.
Trong cuộc chiến không cân sức với đại dịch, những gương mặt nổi bật nhất,
chính là các gương mặt ngành y. Điều này không thể tranh cãi.
Tiếp đó là những tấm gương trong thiện nguyện,
những con người bất chấp sợ hãi, sức khỏe và cả tính mạng để mang gạo đến cho
người đứt bữa, mang sữa cho trẻ em đang khóc, mang thuốc và ô xy đến cho người
đang ngạt thở, và mai táng họ khi họ qua đời. Theo sau là những lực lượng hỗ trợ
âm thầm cho công cuộc cuộc chống dịch như lực lượng tự vệ, giao hàng, bộ đội,
tiểu thương…
Không có những con người nào đáng trân trọng
và tôn vinh bằng những con người ấy, hàng ngàn ấn phẩm cũng chưa đủ kể hết những
gì họ đã làm và ý nghĩa của nó.
Truyền thống bìa báo Xuân Việt Nam được người
trong nghề tổng kết gọn trong bốn chữ: Chim-hoa-cá-gái. Tức là những chủ đề
hình ảnh đẹp đẽ, bắt mắt và không động chạm đến ai cả (khi xã hội phát triển, sẽ
có nhiều chủ đề khác như internet hay tiền số và các sở thích cụ thể như xe
hơi, bất động sản, chứng khoán… nhưng tựu trung đều nhằm nhắc lại và tôn vinh
những con người đóng góp lớn cho cộng đồng, có thành tích xuất sắc).
Là một tờ báo mang ngay trong tên mình địa
danh TPHCM thì những gì xảy ra ở TPHCM trong năm 2021 càng phải là chủ đề quan
trọng và xuyên suốt của nó.
Thế nhưng bìa báo Xuân 2022 của báo Pháp luật
TPHCM năm nay tuyệt đối không hề nhắc đến những con người đã cống hiến và hy
sinh trong đại dịch. Không một chữ nào! Không một tấm ảnh nào.
Mà nó dành hoàn toàn cho các doanh nhân giàu
có, gồm bốn người: Bà Lê hoàng Diệp Thảo cà phê, ông Trịnh Văn Quyết FLC và
Bambo Group, VinFast và Sun Group.
Đáng tiếc thay mà cũng trùng hợp thay,
toàn bộ bốn đại gia này đều là những gương mặt có tiếng tăm nhiều
mâu thuẫn trong kinh doanh hoặc đời tư. Thậm chí tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa bị
điều tra với cú bán lậu cổ phiếu.
*
Nhân vật số một:
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, doanh nghiệp cà phê King Coffee.
Trên trang bìa, chiếm trọn vẹn là bà Thảo.
Bà Thảo là một doanh nhân giỏi, nếu cứ nhìn
vào quy mô của doanh nghiệp bà đang nắm giữ. Nhưng sự nổi tiếng của bà lại
không đến từ những sản phẩm của công ty, mà từ cuộc ly hôn nghìn tỷ vô cùng ầm ỹ
từ mấy năm trước.
Làng báo Việt Nam không lạ gì câu chuyện bà Thảo
từ nhiều năm trước đã cùng một số người trong làng báo (nhưng đã chuyển nghề ra
làm công ty truyền thông) lập thành một ê kíp để chơi cuộc chiến truyền thông với
chồng bà, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, gắn với thương hiệu cà phê Trung Nguyên.
Ê kíp này đánh tiếng với nhiều tờ báo để xin gặp
và kể câu chuyện về người đàn bà cùng chồng tay trắng làm nên sự nghiệp rồi buộc
phải ly hôn cay đắng như thế nào. Trong câu chuyện, bà Thảo tự vẽ bản thân là
người phụ nữ xuất sắc về mọi phương diện. Bất ngờ nhất là thông tin bà chính là
linh hồn của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên (mà trước giờ xã hội chỉ biết đến
tổng giám đốc là ông Vũ, chồng bà). Nào bà là hoa khôi, con nhà giàu có, cha mẹ
kinh doanh vàng bạc đá quý; nào số vốn khởi nghiệp là của bà; nào mọi định hướng,
cách thức phát triển kinh doanh là của bà; nào điều hành và quản lý doanh nghiệp
hoàn toàn là bà. Bên cạnh đó, bà còn sinh đẻ và nuôi dạy bốn đứa con đủ trai
gái, và vẫn xinh đẹp rạng ngời. Ông chồng thì sao? Chỉ là người đại diện doanh
nghiệp đi gặp gỡ bên ngoài, lo truyền thông và đối ngoại. Đã vậy còn bị mất trí,
khùng khùng, ngược đãi vợ, lạnh nhạt với con, có bồ bịch, lấy tài sản vợ chồng
gây dựng nên giao vào tay những nhân viên không đáng tin cậy để họ phá nát...
Thôi thì đủ cả thói hư tật xấu và (nói trắng ra là) vô tài.
Rồi chốt lại câu chuyện mà bản thân thì như bà
hoàng tài sắc vẹn toàn còn ông chồng thì như hình nhân, yếu thế, kém cỏi và tồi
tệ đến thế, bà khẳng định vẫn yêu chồng vô vàn và tuyệt đối không thể bỏ rơi
nhau!
Câu chuyện này cuối cùng được đăng tải trên một
tờ báo điện tử ở Việt Nam, gây chú ý lớn lúc bấy giờ, với lời chú thích được viết
cặn kẽ là “trước đó không nhà báo nào có được cái gật đầu từ người đàn bà đẹp”
này.
Nhưng rất nhiều người trong làng báo Việt Nam
đều biết tận chân tơ kẽ tóc rằng trước đó bà Thảo và ê kíp đã đi gặp rất nhiều
tờ báo. Khi ngồi lại với nhau, họ mới vỡ lẽ ra cái chuyện tưởng chỉ mình mình
được nghe hóa ra đã được kể nhiều lần với rất nhiều tờ báo khác nhau!
Kỳ diệu là nó chính xác đến từng mi li mét như
một kịch bản vạch sẵn. Chỗ nào ngắt nghỉ, chỗ nào khóc đến nghẹn ngào rồi rút
khăn ra lau mắt, chỗ nào nói câu gì… đều giống nhau đến kỳ lạ. Kèm với bài báo
là tấm ảnh trang điểm tỉ mỉ xinh đẹp, cầm quyển sách cố ý phô rõ cái bìa “Năng
đoạn kim cương” (tên một bộ kinh Phật giáo cổ). Mọi thứ giả đến không thể giả
hơn.
Chính do những ầm ỹ đó, dân tình mới biết về doanh nghiệp của bà Thảo. Vì về
kinh doanh, bà Thảo không thể so sánh với những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực
sản xuất-chế biến thực lực mạnh mẽ, tiếng tăm tốt đẹp trên thị trường xuất khẩu
và đã thực sự thay đổi cuộc sống của người nông dân và nền nông nghiệp, ví dụ
công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (cũng do phụ nữ sáng lập và điều hành) hay công ty Hồ
Quang Trí (nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều giống lúa ngon, trong đó có
giống lúa ST25 từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới).
Vậy thì bà Thảo chiếm trọn bìa báo Xuân Pháp Luật TPHCM là lý do gì? Không nói
ra thì làng báo ai cũng biết! Đó là một khoản tiền lớn đã được trả, trong nghề
gọi là “mua bìa”.
Quán cà phê Trung Nguyên trên đường phố
Hà Nội hồi năm 2002. AFP
*
Nhân vật thứ hai:
Trịnh Văn Quyết, hay gọi là Quyết còi, Tổng giám đốc FLC và Bamboo Airways.
Mấy hôm nay đây là nhân vật tai tiếng số hai
sau doanh nhân tai tiếng nhất là ông Đỗ Anh Dũng, Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh
với cú bỏ cọc lô đất đã được đẩy giá đến 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm.
Quyết thì bán lậu đến gần 75 triệu cổ phiếu
(bán mà không công bố thông tin giao dịch), giá trị giao dịch là 1.750 tỷ đồng Kết
quả: giao dịch này đã bị hủy, buộc trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Tài khoản của
ông Quyết tại các công ty chứng khoán cũng đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước
phong tỏa.
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 12/01/2022, ông Nguyễn
Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, đề nghị ngoài mức xử
phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết theo Luật chứng khoán, phải cần soi
sang cả Luật Hình sự vì hành vi của ông này đã vi phạm Đều 209 Bộ Luật Hình sự,
tùy trường hợp có thể phạt tù 1-5 năm.
Ông Hải cũng cho rằng sự việc của ông Quyết gây
thiệt hại không chỉ đến lợi ích của cổ đông FLC mà còn cả những nhà đầu tư của
những doanh nghiệp làm ăn chân chính và cả nền kinh tế.
Tai tiếng của ông Quyết trong lĩnh vực này
không phải là lần đầu. Cuối năm 2017, ông này đã từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà
nước xử phạt vi phạm hành chính cũng vì hành vi tương tự, với 57 triệu cổ phiếu,
trị giá khoảng 400 tỷ đồng thời điểm đó. Chỉ có khác là lần ấy Quyết còi đã qua
mặt Ủy ban chứng khoán thành công, bán xong vào thời điểm một tháng trước đó.
Đó cũng là thời điểm cổ phiếu FLC thanh khoản cao nhất so với bình quân trước
đó, với hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Ngay sau cú làm ăn của Quyết, giá cổ
phiếu FLC rớt mất khoảng hơn 20% giá trị.
Tiền thành giấy, thiệt hại này dĩ nhiên các
nhà đầu tư gánh, còn FLC cũng thành công trong việc cộng thêm một điểm tai tiếng.
Chỉ có tiền tươi thóc thật thì đã chảy vào túi Quyết còi.
Đáng nói, vụ việc ồn ào này Quyết chỉ bị phạt
65 triệu đồng. “Như cây me rụng lá, như con bò rụng lông”. Do vậy, hoài nghi rằng
Quyết có người đỡ lưng để đi kiếm tiền không phải là không có cơ sở.
Có lẽ vì thế mà hơn bốn năm sau Quyết lại quen
đường cũ làm một ván nữa. Lần này dường như cái ô che thân đã bị thủng lỗ ở đâu
đó nên Quyết mới bị chặn ngay từ đầu, kèm với các biện pháp (hiện nay mới chỉ
là đe dọa, chưa thành hiện thực, nhưng) nghiêm khắc thích đáng, khác hẳn với lần
trước.
Đặc biệt mỉa mai là chính báo Pháp Luật TPHCM
trong ngày 13/01/2022 đã có một bài phê phán hành vi bán lậu cổ phiếu của ông
Quyết rất quyết liệt và cặn kẽ. Bài báo dẫn ra các ý kiến gay gắt của lãnh đạo Ủy
ban Chứng khoán Nhà nước, của lãnh đạo Bộ tài chính và của luật sư, kèm trích dẫn
Luật Hình sự, đòi làm trong sạch môi trường kinh doanh.
Ấy thế mà ngạc nhiên chưa, song song với thời
điểm đó thì báo vẫn nhận quảng cáo mua bìa Tết và chạy bài bên trong trang cho
Quyết còi, với những tuyên bố hùng hồn kêu như đại bác: “Tôi nghĩ lớn chứ không
nói lớn”, “người của Bamboo Airways phải thấm nhuần tư tưởng khách hàng là ân
nhân để biết ơn khách hàng, phục vụ khách hàng từ tận trái tim…, tận
tâm, chân thành”. Những phát (đại) ngôn này xuất ra từ miệng Quyết nghe đến phì
cười.
Càng phì cười hơn cho sự dũng cảm bán thân lấy
tiền, tự vả miệng mình của ban lãnh đạo tờ báo Pháp Luật TPHCM.
Ông Trịnh Văn Quyết và mô hình máy bay
tại một cuộc phỏng vấn với báo chí ở Hà Nội năm 2018. AFP
*
Nhân vật thứ ba:
VinFast, kẻ dọa mang công an đến xử lý khách hàng
VinGroup nổi tiếng trong làng báo chí Việt Nam
vì tài ém nhẹm các thông tin bất lợi xảy ra trong hoạt động kinh doanh của mình
và sở thích dọa dẫm khách hàng. Chắc quý vị chưa quên sự việc vào tháng 5/2021,
khi thương hiệu này báo công an xử lý một khách hàng vì đã “dám” làm clip nhặt
quá nhiều lỗi của chiếc xe hơi VinFast anh ta mới mua.
Còn trong group (nhóm) cư dân Vincom thì đầy rẫy
các than phiền về chất lượng căn hộ đắt trên trời nhưng tường xây mỏng đến nỗi
người bên này nói to thì bên kia cũng nghe, vừa mới ở mà tường đã nứt, kính
trên tòa tháp thì lâu lâu rơi như pháo nổ xuống sân, tiêu chí “sinh thái”thì
hóa ra thiên nhiên và mảng xanh là những cây cảnh trồng trong chậu và ít hàng
cây lơ thơ.
Nhưng đố quý vị tìm được các thông tin này
trên báo chí chính thống.
Người làm truyền thông ở Việt Nam đều biết bộ
máy quét tin của VinGroup làm việc cực kỳ hiệu quả. Chỉ một thông tin bất lợi
lan truyền, họ lập tức gọi điện yêu cầu gỡ, xóa, giải thích đủ kiểu, mà nếu
không được thì dọa.
Và với tất cả sự dựa dẫm, ra oai, chất lượng
hàng hóa tồi đó, VinFast đường đường lên bìa báo Xuân Pháp Luật TPHCM dạy cho
người ta cách biến nguy thành cơ trong kinh doanh.
Nhân vật thứ tư là Sun Group thì có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về phá rừng và làm du lịch
sinh thái tốt. Tạm thời tôi không có đủ tư liệu về doanh nghiệp này nên sẽ
không đề cập.
Nhà máy sản xuất xe hơi VinFast tại Hải
Phòng hôm 14/6/2019. AFP
Phục thay hành động
bán bàn thờ lấy tiền
Các thông điệp ngoài bìa báo mở đường cho bên
trong chạy các bài báo dài chiếm cả trang A3 nhưng rặt một giọng quảng cáo lười
nhác. Thôi thì thu tiền để viết bài lăng xê, nhưng cũng phải có tí tự trọng
(còn sót lại) của người làm báo chứ. Đằng này tất cả bốn bài báo mua bài, mua
bìa đều như bê nguyên từ các thông cáo báo chí của doanh nghiệp, toàn những lời
quảng cáo và tự khen chung chung và sáo rỗng. Chẳng hề có những
thông tin mới mẻ, chẳng có câu chuyện gây ấn tượng của người làm kinh doanh
trong một năm gian khó, chẳng hề có những câu hỏi sâu sắc và trúng chỗ để người
được hỏi bật ra chút ít chất xám hay sự thú vị của bản thân mình, doanh nghiệp mình
(chắc chắn không nhiều thì ít, họ phải có).
Xấu hổ thay cho một tờ báo mà tiêu chí và
trách nhiệm là tuyên truyền và thượng tôn pháp luật mà vì tiền, dám thượng cả
nhân vật vi phạm pháp luật dai dẳng và trắng trợn lên bìa. Bìa báo chính là
“bàn thờ” của mỗi tờ báo, nơi thể hiện chính kiến và quan điểm của tờ báo với
xã hội và công chúng. Dẫu cả làng báo đều biết những năm nay tờ báo Pháp Luật
TPHCM xuống dốc cực độ, đời sống nhân viên và phóng viên rất thảm, cho nên kiếm
quảng cáo báo Xuân cũng là mục đích chính đáng. Nhưng cho dù việc kiếm tiền để
nuôi nấng cái tết cho anh em có quan trọng thế nào đi nữa thì cũng không một tờ
báo còn đủ sự tự trọng nào lại trơ trẽn đi bán chính cái bàn thờ của nhà mình
như vậy.
Hay đây mới chính là “tôn chỉ” và “mục đích” của những người điều hành tờ báo
này?
_______________________
Tham khảo:
https://plo.vn/kinh-te/thiet-hai-tu-vu-ban-co-phieu-cua-ti-phu-trinh-van-quyet-1038815.html
https://bnews.vn/nhung-lan-giao-dich-co-phieu-bi-xu-phat-cua-ong-chu-flc/228516.html
---------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Tin, bài liên quan
Chuyện
gì đang xảy ra với “giới siêu giàu”?
Báo
Nhà nước có bịa tin về VinFast để lừa người Việt?
Viva
Vượng Vin đại đế, TUY NHIÊNNNNNNN….
No comments:
Post a Comment