Wednesday, 19 January 2022

BỨC TRANH VIỆT NAM NĂM 2022 (Phạm Trần)

 



Bức tranh Việt Nam năm 2022

Phạm Trần

19/01/2022

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/23820-bu-c-tranh-vie-t-nam-nam-2022

 

Mỗi người Việt Nam phải gánh nợ 40 triệu đồng

 

Thông tin từ Việt Nam thống nhất hai vấn đề Đảng cộng sản Việt Nam phải đối phó trong năm 2022, đó là : "kinh tế sẽ lâm nguy nếu không kiểm soát được dịch bệnh" và "phải xây dựng, chỉnh đốn đảng mạnh hơn để tồn tại".

 

https://live.staticflickr.com/65535/51829776382_c48fe969ae.jpg

Dự kiến nợ công của Việt Nam vào năm 2022, mỗi người dân sẽ ‘gánh’ khoảng hơn 40 triệu đồng

 

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì tuy "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22%", nhưng do Quý III giảm 6,02%" vì dịch bệnh Covid-19 nên tính chung GDP cả năm 2021 chỉ tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

 

Theo lời Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thì : "Động lực phục hồi kinh tế chính năm 2021 là lĩnh vực nông-lâm-thủy sản tăng 2,9% (gần bằng mức trước dịch Covid-19), đóng góp 14% vào mức tăng trưởng chung" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 17/01/2022)

 

Bài viết của nhóm BIDV trên Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định : "Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghiêm trọng dẫn tới kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ việc đẩy nhanh tiến trình bao phủ vaccine, việc linh hoạt điều chỉnh chiến lược chống dịch giúp cân bằng hơn giữa việc đảm bảo sức khỏe người dân và phục hồi ; tăng trưởng kinh tế cả năm duy trì đà tăng trưởng dương và đang phục hồi nhanh, lạm phát ở mức thấp nhất trong 6 năm, xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, thu hút đầu tư nước ngoài hồi phục… Đây là tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế hồi phục và bật tăng mạnh mẽ trong năm 2022".



Khó khăn trước mắt

 

"Tuy nhiên", theo nhóm nghiên cứu, "kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ; sức cầu tiêu dùng còn yếu ; thu ngân sách thiếu bền vững ; giải ngân đầu tư công không đạt mục tiêu cả năm ; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn ; rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn sản xuất vẫn còn ; nợ xấu đang gia tăng. Điều này đòi hỏi cần có những chính sách, biện pháp trúng, đúng, kịp thời hơn nữa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững".

 

Bức tranh ảm đạm này là nguyên nhân của tình trạng nợ xấu mà các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đang phải đeo theo ở Việt Nam.

 

Tại cuộc Hội thảo về xử lý nợ xấu ngày 24/11/2021, ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết : "Thành quả 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có nguy cơ bị xóa sổ khi tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại, quay về mức 1,9% như năm 2017" (VnExpress, 24/11/2021).

 

Đây là hậu quả của tình trạng dịch bệnh Covid-19 khiến : "Mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng", theo lời ông Kiên.

 

Tính ra bằng tiền, theo lời ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết : "Hệ thống ngân hàng tới nay đã cơ cấu nợ cho khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ. Con số này theo ông vẫn chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh tới năm sau, bởi trên thực tế có 3 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19".

 

Vì vậy, World Bank đã khuyến cáo Việt Nam : "Ảnh hưởng của đại dịch sẽ có thêm những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng" (Lao Động online, 01/09/2021).

 

Tuy vậy, theo đánh giá của tập đoàn Tài chính HSBC (The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation) thì dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2021, nhưng nhờ mức phát triển Quý IV/2021 của Việt Nam tăng 5,2% nên có thể đạt mức tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022.

 

Nhưng Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hạ mức này xuống còn 5,5%, với điều kiện Việt Nam phải kiểm soát được biến chứng của dịch bệnh Covid-19.

 

Ngân hàng Thế giới cảnh cáo : "Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam" (Kinh doanh Việt Nam, ngày 14/1/2022).

 

Ngân hàng Thế giới cũng dè dặt thêm rằng : "Nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khóa và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam".

 

Du lịch, nợ công và thất nghiệp

 

Trong khi đó, tình hình du lịch nội địa và từ khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn còn ảm đạm, song song với ngành vận tải và hàng không vẫn phải hoạt động hạn chế vì dịch bệnh.

HSBC báo cáo : "Cụ thể, lượng khách du lịch đạt trên 15.000 trong tháng 12, chủ yếu là khách đến từ Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc, hai thị trường chính của Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn khiêm tốn so với thời điểm trước đại dịch. Dịch vụ vận tải hầu như không tăng trưởng trong quý 4, trong khi dịch vụ lưu trú tiếp tục sụt giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước".

 

HSBC nhìn nhận, phải mất thêm một thời gian nữa hai ngành này mới trở lại được như thời trước đại dịch.

 

Trong khi đó, Việt Nam cũng vừa công bố mức nợ công, theo đó : "Chính phủ đánh giá, nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn khi tương đương 43,7% GDP, thấp hơn mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép.

 

Với mức nợ công hơn 3,7 triệu tỷ đồng, mỗi người Việt hiện đang ‘cõng’ khoảng 37,7 triệu đồng.

 

Điểm đáng chú ý nữa chính là con số dự kiến nợ công của Việt Nam vào năm 2022, mỗi người dân sẽ ‘gánh’ khoảng hơn 40 triệu đồng (Sputnik Việt Nam, 15/10/2021).

 

Trong lĩnh vực việc làm, nạn dịch Covid-19 đã gây ra nạn mất thất nghiệp và bỏ việc trên toàn cầu.

 

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization-ILO) thì cơ quan này dự báo số lao động thất nghiệp của Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu), và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng (1,1 triệu người năm 2019).

 

Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu, ILO dự kiến, sẽ duy trì cao hơn mức trước Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

 

Báo cáo của ILO cũng lưu ý rằng, tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

 

Càng xây càng vỡ

 

Trong lĩnh vực chính trị thì bước vào năm 2022, Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục phải đối phó với kế hoạch xây dựng, chỉnh đốn đảng chưa ra cơm cháo gì, dù Tổng bí thư đàng Nguyễn Phú Trọng đã nói hết hơi từ năm 2011.

 

Bằng chứng này đã xuất hiện trên hai Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Đảng, và Tạp chí Tuyên giáo, chuyên về tuyên truyền và bảo vệ tư tưởng chính trị của Đảng.

 

Việc đầu tiên và quan trọng nhất, theo chỉ thị của Bộ Chính trị là làm sao bảo vệ cho bằng được chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tập trung chống những hoạt động và quan điểm đòi đảng chấm dứt quyền cai trị độc tài.

 

Đẩy mạnh cho công tác này, một loạt bài viết của đội ngũ lý luận đã xuất hiện trên các Tạp chí Cộng sản, Tuyên giáo, Quốc phòng toàn dân, Xây dựng đảng và các báo "chính thống" gồm Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân. Các bài viết của dư luận viên cùng có chung mục đích : đề cao sự lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước. Đồng thời tuyên truyền chống những người kêu gọi đảng đổi mới chính trị, gọi họ là "những thế lực thù địch, biến chất và cơ hội chính trị", và là tay sai của "diễn biến hòa bình" do Hoa Kỳ lãnh đạo.

 

Thứ đến là kêu gọi đảng viên phải đề cao cảnh giác trước "mưu dồ đen tối" như mua chuộc, hứa hẹn của thành phần chống đảng để không bị rơi vào bẫy "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" làm suy yếu đảng.

 

Trong nội bộ, các bài viết không quên nhắc các cấp lãnh đạo, nhất là cấp Ủy phải đề cao cảnh giác trước các "luận điệu xuyên tạc chống đảng, hạ bệ lãnh tụ" của các thế lực thù địch, đồng thời phải theo dõi sát tư tưởng của Đảng viên và cán bộ dưới quyền hầu đối phó kịp thời.

 

Vì vậy, trong bài viết có nhan đề "Hiện tượng "ngụy giá trị" trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay", ngày 17/1/2022, Tạp chí Tuyên giáo đã báo động : "Hiện nay, cùng với nạn tham nhũng, lãng phí thì căn bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo đang trở nên phổ biến, là chuyện thường ngày. Điều này làm dấy lên những lo ngại về tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ; là quá trình "tự diễn biến, tự chuyển hóa" không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà cả trong một bộ phận quần chúng nhân dân khi họ đề cao, tin vào giá trị ảo, từ đó có những ngộ nhận, đánh giá thiếu khách quan, công bằng với những người kiên định niềm tin vào những giá trị đích thực của cuộc sống".

 

Trong thứ "kiên định" này, đứng đầu là phải kiên định "chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh" và tuyệt đối trung thành với Đảng. Do đó, trước những chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm khi tiếp tục chũi đầu xuống cát để duy trì chế độ cộng sản, bài viết của Tuyên giáo đã cảnh giác hàng ngũ rằng : "Trong bối cảnh phức tạp hiện nay với thông tin thật giả, tốt xấu đan xen, khó phân biệt, việc tăng cường thế giới quan khoa học, nhất là tinh thần biện chứng, duy vật, khách quan của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn lý luận với thực tiễn là việc làm cần thiết, có ý nghĩa".

 

Tuy nhiên, sự thật đã không xẩy ra như Đảng mong muốn mà hàng ngày càng có nhiều đảng viên đã quay lưng lại với đường lối chậm tiến và phá sản của Đảng. Một số không nhỏ, kể cả các đảng viên từng có nhiều thành tích cách mạng và cựu chiến binh, đã bỏ sinh hoạt đảng.

 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy Tạp chí Xây dựng đảng đã nhìn nhận : "Muốn chống lại sự tha hóa của đảng viên, phải luôn rèn luyện dùng sức mạnh của đạo đức cách mạng. Càng phát triển kinh tế thị trường, càng phải xây dựng Đảng về đạo đức. Có như vậy, Đảng mới luôn là đạo đức, là văn minh" (Xây dựng Đảng, 06/01/2022).

 

Khổ nỗi, Đảng càng hô hào xây thì đảng viên càng vỡ ra nhiều mảnh. Bằng chứng này đã do Tạp chí Xây dựng Đảng nêu lên : "Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao. Suốt thời gian qua, Đảng quyết liệt chống tham nhũng. Đảng phải kiên quyết xử lý, dù đau đớn mấy cũng phải chấp nhận đối với những cá nhân không xứng đáng. Tuy nhiên, đến nay, việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, suy thoái nghiêm trọng về đạo đức còn chậm, giải pháp chưa đủ mạnh. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn".

 

Vì vậy, sau hơn 10 năm vừa "xây" vừa "chống", bài viết đã cảnh báo : "Từ bài học kinh nghiệm, sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy nguyên nhân quan trọng là vì Đảng cộng sản lúc bấy giờ đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi. Bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, cho thấy nếu không xây dựng Đảng về đạo đức cũng sẽ không thể có tư tưởng lý luận tiên phong, không có sự liên hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân và rất dễ dàng lặp lại sự thất bại đó".

 

Do đó, báo Tuyên giáo ngày 17/01/2022 đã kêu gọi : "Cần gia tăng niềm tin của nhân dân vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ; vững tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước".

 

Nhưng khi kinh tế Việt Nam còn bấp bênh vì phải lệ thuộc vào dịch bệnh và nhân dân đã mất niềm tin vào khả năng xây dựng chỉnh đốn Đảng thì chế độ có bền vững không ?

 

Phạm Trần

(19/01/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats