Monday 21 September 2020

VỤ SÁCH GIÁO KHOA: THỪA CHẤT CON BUÔN (Chu Mộng Long)

 


VỤ SÁCH GIÁO KHOA: THỪA CHẤT CON BUÔN  

Chu Mộng Long

19/09/2020 lúc 12:13  

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/3985230204824526

 

Người dân Việt lâu nay vẫn chỉ trích con buôn Tàu lưu manh như truyền thống họ vẫn lưu manh. Thời Xuân Thu, kế mua hươu của Quản Trọng làm cho dân nước Sở chết đói và mất nước. Nước Tề rao giá một con hươu 2 đồng, rồi tăng lên 5 đồng. Toàn dân nước Sở bỏ nông cụ lên rừng săn hươu để bán. Tiền nước Sở thu được chất thành đống. Đùng một cái, vua Tề lệnh các nước không bán lương thực cho nước Sở. Tiền không ăn được, dân chết đói hoặc loạn. Nước Sở về tay nước Tề.

 

Thời hiện đại, người Việt bao phen khốn đốn vì cái kế mua hươu kinh điển này. Những năm 70 của thế kỷ trước, con buôn Tàu rao mua móng trâu giá cao gấp nhiều lần con trâu, nhiều làng Việt phía Bắc hoặc chặt chân trâu của mình hoặc đi chặt trộm chân trâu của người khác để bán. Kết quả, nhiều làng không còn trâu cày và đứng bên bờ vực chết đói.

 

Gần đây, những trò thu mua nông sản như dưa hấu, ớt… giá cao rồi đột ngột chặn đứng hàng vạn lô hàng ở cửa khẩu để ép giá, nông dân chỉ còn ngửa mặt than trời vì số tiền đầu tư hàng tỷ coi như mất sạch, nợ nần chồng chất. Chưa đủ, con buôn Tàu còn rao mua dây khoai lang giá cao hơn gấp nhiều lần củ khoai, rao mua động vật quý hiếm như rắn, rùa… giá ngang vàng ròng. Kết quả, người Việt tự tàn phá nông sản, tàn phá môi trường, tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ mà không cần quân Minh nào kéo sang!

Người Việt rút ra kết luận: Con buôn Tàu thừa chất lưu manh!

 

Và khi kết luận như vậy, người ta nhầm tưởng người Việt thật thà. Theo tôi, trăm lần không! Thật thà là người lao động chân lấm tay bùn. Còn chất con buôn thì con buôn Tàu phải gọi trí thức Việt là cụ!

 

Hãy thử phân tích vụ đa dạng sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục.

 

Từ dự án ban đầu moi ngân sách 90 ngàn tỷ giảm xuống 34 ngàn tỷ, trí thức chóp bu nhanh tay nhanh chân làm chương trình rồi xuất bản 5 bộ sách cho phổ thông với giá tăng mỗi bộ gấp 4 lần so với sách giáo khoa cũ. Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nói thay cho nhà xuất bản, rằng nếu không tăng giá sẽ lỗ, vì sách lần này in đẹp, chất lượng. Vậy là “tiền nào của nấy”, dân hết kêu ca hoặc kêu nhỏ nhỏ đủ nghe, khỏi mất lòng các bậc thầy.

 

Vậy là 34 ngàn tỷ không tính vào xuất bản sách mà đã chi trả công làm chương trình, soạn sách. Giá gấp 4 lần sách cũ thuộc khâu xuất bản, gồm chi giấy mực và lợi nhuận. Vậy là một vốn (của dân) bốn lời (dành cho thầy). Thầy vừa bỏ túi tiền ngân sách vừa bỏ túi tiền lãi bán sách? Có ngành kinh doanh nào lấy vốn người khác làm lãi cho mình như giáo dục không, trừ phi đó là những ngành huy động vốn trái pháp luật?

 

Bây giờ thì xem họ bán sách kiểu gì. Nói đa dạng để người dạy, người học lựa chọn, nhưng ván đã đóng thuyền ngay từ lúc sản phẩm còn trong nôi. Sách chưa xuất bản đã trả lương cho quan sở, phòng, tỉnh để họ lựa chọn. Và 5 bộ sách đã được phân đều cho hơn 60 tỉnh thành. Vậy thì giá tăng đến 100 lần dân cũng phải cắn răng mà mua, vì nếu không mua thì lấy gì cho con em mình học? Vậy thì việc tăng chỉ có 4 lần là hoàn toàn nhân đạo, biết ơn trời bể chưa?

 

Chưa hết. Nhiều nơi nhà trường yêu cầu phụ huynh phải mua đủ 5 bộ, vì lý do bộ sách nào cũng chất lượng. Lẽ nào giáo sư vừa làm chương trình vừa làm sách, lại đứng tên chủ biên cho các bộ sách mà lại có bộ kém chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình? Và nữa, kèm theo sách chính thức là các loại tài liệu phụ tùng dạy thêm, học thêm cũng phải mua để đảm bảo dạy tốt học tốt.

 

Thế mới có chuyện trẻ lớp Một chưa biết chữ đã phải nhồi gần 30 đầu sách, trong đó có cả sách tư tưởng, đạo đức Bác Hồ, tương đương như học trung cấp chính trị. Thật dễ hiểu là có cái ngấm ngầm bắt tay thực hiện kế hoạch bán cho hết các loại sách của các nhà xuất bản trong phi vụ đổi mới lần này. Vì bán trời không văn tự nên trên Bộ mới chối rằng không có sự chỉ đạo nào, Bộ chỉ yêu cầu sử dụng có 9 đầu sách cho lớp Một! Ô hô…

Cuối cùng thì, các bậc phụ huynh có kêu nho nhỏ, tức chỉ biết rên, thì cũng lo mà im bặt. Bởi đùng một cái, các nhà xuất bản đồng loạt hô lên: Hết sách! Lý do đưa ra, rằng sự thống kê số học sinh đầu năm học không chuẩn do có tình trạng di dân vùng này đến vùng khác. Trong kinh tế thị trường, một khi nhu yếu phẩm khan hiếm thì sao?

 

Trong tình trạng phụ huynh của TP. Hồ Chí Minh phải đua nhau đặt hàng mua sách tận ngoài Hà Nội thì người ta có hét giá sách theo giá vé tàu ở chợ đen cũng phải cắn răng mà móc hết túi ra mua nếu không sẽ lỡ chuyến tàu. Ai nói giáo sư Việt giỏi khoa học nhưng ngu ngơ về giá cả và cách làm giá nào?

 

Tôi nghĩ Quản Trọng mà có sống lại thì cũng phải tôn giáo sư Việt làm thầy. Vì kế buôn hươu chẳng là gì so với kế buôn chữ, buôn sách của trí thức Việt. Bởi cách buôn này một công đôi việc, vừa hốt tiền tỷ đầu tư cho con em các giáo sư làm sách ra nước ngoài học, vừa ném con em người dân vào cái lẩu thập cẩm có tên đa dạng hóa sách giáo khoa, và trong cái nồi lẩu đó, cái đầu trẻ em thành món nhồi điên điên loạn loạn hoặc ngu ngơ.

Không chỉ thế, chỉ vì sự học của con em mà nhiều gia đình kiệt sức, từ trung lưu xuống hạ lưu. Khi cả một thế hệ điên loạn hoặc ngu ngơ thì con em của những giáo sư ấy sẽ về nước tiếp tục buôn đủ thứ, trong đó có mang cả đất nước này ra buôn thì cũng trót lọt.

 

----

TUOITRE.VN

Phụ huynh ở TP.HCM phải đặt mua sách ngoài Hà Nội cho con

TTO - Tuần thứ hai của năm học 2020-2021, thế nhưng không ít phụ huynh ở TP.HCM vẫn phải kh….

 

15 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats