Sunday 6 September 2020

VỀ NGOẠI (S.T.T.D Tưởng Năng Tiến)

 


Về Ngoại

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến   

9/06/2020      4 Comments

https://danlambaovn.blogspot.com/2020/09/ve-ngoai.html

 

Người ta bảo sông có khúc, người có lúc. Thế mà, khúc đời nào của Việt Kiều Cambodia cũng nhiêu khê. Thời nào của họ cũng là thời mạt vận. NgyThanh

 

                                                 ***

 

Thông tín viên Võ Thành Nhân (SBTN) vừa buồn bã loan tin: nhà báo Lê Văn Phúc đã từ trần vào hôm 7 tháng 8 năm 2020, tại Reston – Virginia. Tác phẩm (Tôi Làm Tôi Mất Nước) đầu tay của ông do Văn Hữu xuất bản năm 1985, và Thế Giới Ấn Quán tái bản – lần thứ 5 – vào năm 1989. Với thị trường sách báo hải ngoại thì đây là một hiện tượng hiếm hoi.

 

Lê Văn Phúc được nhiều người tìm đọc vì không ít độc giả đã cùng chia sẻ với ông cái tâm cảm, hay mặc cảm (mất nước) bàng bạc trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản từ nhiều thập niên qua. Gần đây, tác giả Thụy Khuê vừa gửi đến mọi người một cách tư duy khác, mới mẻ và khoáng đạt hơn, qua tập bút ký (Quê Hương Ngày Trở Lại) xuất bản vào tháng 6 năm 2019:

 

“Khi miền Nam thua trận năm 1975, nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi, không ít người kêu than ‘mất nước’. Kêu như thế là chưa hiểu gì về đất nước: đất nước ta là một tập hợp sông núi, con người, văn hoá và lịch sử ngàn năm, nó có cái vinh quang cũng có cái ô nhục, bởi nó là tổ tiên ta, ta phải gánh tất cả, bởi nó đã ở trong ta, trong dòng máu.

 

Sinh con, ta tưởng nó là của ta, nhưng không, con ta là của nó. Duy chỉ có đứng trên đất nước, chỗ nào, ta cũng cảm thấy đó là của mình, đất nước là cái sở hữu duy nhất mà con người có được. Đi du lịch, biết bao nhiêu cảnh đẹp thế gian bầy ra trước mắt, nhưng cảnh đó không phải của ta, nó là của người Tầu, của người Pháp, của người Nhật... chỉ có nước Việt là của ta, của mình, miên viễn là của mình, xuyên qua các thể chế, thắng bại, được thua...

 

Vì thế, nước không bao giờ mất, chỉ thay đổi chế độ. Nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn không phải là chủ đất nước, họ là những người cai trị đất nước trong một thời đại. Nhìn như thế, ta sẽ thấy lòng an nhiên tự tại, một niềm hãnh diện mở ra tới vô cùng, bóp chết những thương đau, thù hận.”

 

Nỗi lòng “anh nhiên tự tại” của một vị nữ sỹ (e) khó có thể được chia sẻ bởi tất cả mọi người, nhất là những kẻ đang lâm vào bước đường cùng trong kiếp tha hương. Lịch sử của một triều đại, hay một chế độ, có thể kéo cả hàng thế kỷ mà kiếp người thì chỉ tính bằng năm. Không ít những mảnh đời tuy rất ngắn ngủi nhưng đã bị bầm dập đến te tua thì quê cha, hay đất tổ, chỉ là một khái niệm rất mơ hồ và vô cùng mù mịt. Xin ghi lại một:

 

“Năm 1993, Yến chết thảm ở tuổi 21. Đám tang của Yến diễn ra trong một ngày mùa đông buồn thảm. Cái buồn thảm không giống những nỗi buồn tôi từng chứng kiến trong các đám tang khác khi còn ở Việt Nam. 

 

Lần cuối cùng người ta thấy Yến đi với một gã người Campuchia khoảng một tuần trước. Khách đã thỏa thuận và chi tiền trước với chủ chứa để ‘bao’ Yến trong hai ngày. Nhưng ba, rồi bốn ngày vẫn không thấy Yến về.

 

Linh tính có điều gì chẳng lành xảy ra với cô nên hai người chị kết nghĩa là Hương và Trầm bỏ tiền nhờ người đi tìm. Để có thêm tiền chi trả việc tìm bạn, tất nhiên Hương và Trầm phải ‘làm thêm’, tức là tiếp khách nhiều hơn ngày thường. 

 

Người ta tìm thấy xác của Yến (khi ấy đã không còn nguyên vẹn do thương tích, do côn trùng bâu kín thân thể) bị vứt ở chân núi Mô Păng. Vì chủ chứa – một mụ đàn bà người Việt có nước da bợt như xác chết, không cho làm tang ở đấy, thành ra mấy người thợ mộc hàng xóm phải đi kiếm gỗ, dựng tạm cho cái chòi tại khu đất trống để có chỗ kê quan tài. Đám tang lèo tèo vài ba người hàng xóm thất nghiệp trong đó có tôi, ngồi dự cho đỡ tủi. Yến có thằng con trai lên bốn tuổi, tên là Hên. Thấy mẹ chết, nó gào khóc, tiếng khóc tôi chưa từng nghe thấy bao giờ:

 

- Ụ má mày, mày xí gạt tao. Mày hứa đưa tao về quại mà mày hổng đưa. Mày bỏ tao mày đi. Choi me hặn…hặn tau na… cùm ngợp. (Đù má mày…mày đi đâu… đừng chết.)…  Dậy đưa tao về quại!” (Phạm Thanh Nghiên. Chuyện Kể Của Chồng) .

 

Bà Yến từ trần vào năm 1993 khi Hên mới vừa lên 4. Tính đến năm nay thì cậu bé này đã trở thành một thanh niên ở tuổi ba mươi. Tôi băn khoăn tự hỏi: chả hiểu người người đồng hương trẻ tuổi của mình, nếu vẫn còn sống sót, có còn muốn về quê ngoại? Và “lỡ” muốn thì đường về liệu có còn lối hay không? 

 

Báo Công An Nhân Dân vừa, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2020, vừa đăng tải một bản tin (ngắn ngủi) đọc mà muốn nát lòng: 

 

“Lúc 6h30’ cùng ngày, Tổ công tác của Trạm kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Chi cục Hải Quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phát hiện hàng chục đối tượng (gồm người lớn và trẻ em), di chuyển từ phía Campuchia qua tuyến biên giới tỉnh An Giang, trên 8 thuyền máy.

 

Tổ công tác tiến hành dừng phương tiện, dẫn giải người, phương tiện về Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế xác minh, điều tra, làm rõ.

 

Qua lấy lời khai, được biết có 7 hộ gia đình với 41 khẩu (20 người lớn, 21 trẻ em) sống tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát (Campuchia). Do hoàn cảnh sống khó khăn nên có ý định trốn về Việt Nam sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh. Tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.

 

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép bằng hình thức cảnh cáo đối với 14 đối tượng là chủ hộ gia đình, cho làm cam kết không tái phạm.”

 

Hình : https://lh5.googleusercontent.com/EYo9susklE1h2rY9EA3WPC2TGmHnEDRMtY7qao_-aURqbqKw9Do8vFscO9EHI4JoI3w3hc7pFxQAl2di2I41QqCiylQyW757HXZdTUREfClIOPh8NtFRFVeEYOXPgQlc4Owa2NZNXy_NqR7B9Q

 

Hoá ra đất nước chỉ “miên viễn là của mình, xuyên qua các thể chế, thắng bại, được thua...”, nếu kẻ tha hương vẫn có một nơi anh lành (nào khác) để tạm cư và có thể về thăm chơi – đôi ngày – bất cứ lúc nào với passport cùng một mớ ngoại tệ bên mình. Chứ với những kẻ lâm vào bước đường cùng (không có một đồng xu dính túi) thì đất nước và quê hương không có chỗ dành cho họ. 

 

Mất nước – rõ ràng – là thực tại phũ phàng đối với nhiều người, chứ chả phải là chuyện nói theo giọng cường điệu hay nói cho vui miệng thôi đâu. 

 

 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

danlambaovn.blogspot.com

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats