Sunday 13 September 2020

VỤ ÁN ĐỒNG TÂM : ĐẢNG BỊ RĂN ĐE và ĐƯỢC DÂN GIÁO DỤC (Trân Văn)

 


Vụ án Đồng Tâm: Đảng bị răn đe và được dân giáo dục   

Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận

11/09/2020

https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-huy-duc-luu-trong-van-dong-tam/5579788.html

 

Phiên xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (vụ án Đồng Tâm) diễn ra chóng vánh hơn dự kiến (mười ngày). Hệ thống tư pháp Việt Nam vừa lập thêm một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tư pháp của nhân loại thời hiện đại: Xét xử 29 bị cáo, trong đó có hai người bị đề nghị tử hình, một bị đề nghị phạt tù chung thân nhưng chỉ thẩm vấn, luận tội và nghe các luật sư bào chữa trong… năm ngày!

 

Cứ tìm thì sẽ thấy chẳng có nơi nào dưới gầm Trời này, việc xét xử liên quan tới tính mạng và số phận gần 30 người lại… ngắn gọn như vậy! Nếu ngày xét xử thứ sáu không rơi vào cuối tuần, có lẽ Hội đồng Xét xử (HĐXX) sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” đã tuyên án luôn chứ không chờ đến thứ hai như vừa loan báo. Không rõ trong Báo cáo Tổng kết hoạt động của hệ thống tòa án năm nay, Tòa án Tối cao (TATC) có xem việc xét xử “vụ án Đồng Tâm” là một thành tích vì… hoàn thành trước thời hạn hay không?!.

 

Cũng không rõ sau phiên xử sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm”, TATC sẽ đánh giá thế nào về hiệu quả “răn đe, giáo dục” của hoạt động xét xử. Nếu căn cứ vào phản ứng của công chúng đối với hoạt động xét xử của ngành tòa án qua nhiều vụ án, đặc biệt là những vụ án gần đây, ví dụ như Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người”, “cướp tài sản”… thì rõ ràng, cả hệ thống tòa án lẫn hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa đang “bôi tro, trát trấu” vào pháp chế XHCN!..

 

Đó cũng là lý do, tuy Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng hết lòng hỗ trợ nhưng từ hệ thống tư pháp đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn bị công chúng thóa mạ không tiếc lời. Đối chiếu tiết lộ của Mạnh Kim (1), rõ ràng hệ thống truyền thông chính thức đã thực hiện nghiêm tất cả các yêu cầu của Ban Tuyên giáo BCH TƯ đảng: Khẳng định Đồng Tâm là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan chức năng buộc phải xử lý. Phê phán đối tượng Lê Đình Kình...

 

Song rõ ràng hệ thống truyền thông chính thức vẫn không thể nào phản ánh được sự đồng thuận của dư luận xã hội về việc giải quyết “vụ án Đồng Tâm”. Hệ thống truyền thông chính thức đã thất bại trong việc khắc họa sự ủng hộ của người dân, các giai tầng xã hội về việc xét xử đúng người, đúng tội, hình phạt phù hợp, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự công tâm có tình có lý của Hội đồng xét xửgóp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho quần chúng nhân dân.

 

Dẫu hệ thống truyền thông chính thức thực thi nghiêm ngặt chỉ đạo: Không tường thuật chi tiết về diễn biến phiên tòa, nhất là bào chữa có nội dung cực đoan. Tô đậm lời nhận tội, sự ăn năn hối cải xin hưởng khoan hồng của pháp luật cũng như chính sách nhân đạo của đảng, nhà nước,… nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không lường được rằng những luật sư bào chữa cho các bị cáo sẽ tự nguyện đem thông tin điền vào… chỗ trống về diễn biến phiên xử!

 

Cho dù các cơ quan truyền thông chính thức răm rắp thực thi chỉ đạo của Ban Tuyên giáo BCH TƯ: Kiểm soát chặt chẽ các bình luận (comment) trong tất cả các tin bài về phiên tòa nhưng không may là Ban Tuyên giáo BCH TƯ vẫn chưa chỉ đạo được… Facebook và chưa… qui hoạch được những website không bị chi phối bởi… qui hoạch nhân sự nên các hệ thống không thể đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch bất thành. HĐXX không muốn cũng phải tạm lùi vài bước, ví dụ như phải rút lại lệnh cấm luật sư tiếp xúc với thân chủ…

 

Không phải tự nhiên mà HĐXX đột ngột tuyên bố kết thúc phần tranh luận vốn đang dở dang để chuyển sang… nghị án, khiến cho những Kiểm sát viên thực thi quyền công tố cũng ngỡ ngàng! Cũng không phải tự nhiên mà lực lượng an ninh bảo vệ phiên xử sơ thâm đột nhiên trở mặt, ngang nhiên tước đoạt USB mà Tuan Ngo – một trong những luật sư bào chữa cho một số bị cáo trong “vụ án Đồng Tâm” - lưu những ghi chép về diễn biến ngày xét xử thứ năm…

 

Càng không phải tự nhiên mà khi được phép “nói lời cuối cùng” nhiều bị cáo đột nhiên đồng ca chung một số ý như Tuan Ngo vừa tường thuật trên trang facebook của ông: …Xin lỗi gia đình bị hại, cảm ơn các thầy trong trại giam đã giáo dục để nhận ra lỗi lầm. Cảm ơn các luật sư và xin từ chối hoặc đề nghị luật sư không bào chữa theo hướng trả hồ sơ nữa. Cuối cùng là xin giảm nhẹ hình phạt (2)… Đó dường như là kết quả từ phản ứng dữ dội của công chúng thuộc nhiều giới, ở nhiều nơi. Khi có vô số biểu hiện cho thấy sự thất vọng đã chuyển thành căm giận, dường như đã có sự hoán vị về đối tượng bị răn đe và giáo dục...

 

                                                        ***

 

Rồi cũng sẽ tới lúc HĐXX sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” công bố bản án nhưng câu chuyện Đồng Tâm chưa kết thúc. Không phải tự nhiên mà càng ngày càng nhiều người Việt giận dữ. Số người giận dữ tỷ lệ thuận với số người nhận ra, chính họ và thân nhân của họ có thể hứng chịu những oan nghiệt do ngạo mạn, càn rỡ như sự ngạo mạn, càn rỡ đã thể hiện qua câu chuyện Đồng Tâm, bất kỳ lúc nào. Thành ra những bản án sơ thẩm rồi phúc thẩm mà Tòa án sẽ công bố chưa thể đặt dấu chấm hết cho câu chuyện Đồng Tâm…

 

Lưu Trọng Văn vừa gửi cho Đại tướng Tô Lâm về “chiến công Đồng Tâm” vài câu hỏi: Tại sao người có “thành tích đặc biệt, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, trực tiếp chỉ huy trận chiến - bị điều chuyển sang Công an huyện Hoài Đức mà không ở lại trung đoàn để tổ chức mừng công và chờ thăng tiến? Nếu đây là “chiến công thật sự”, tại sao đề nghị thưởng Huân chương Chiến công cho ba sĩ quan công an rơi xuống hố sâu thiệt mạng mà không biểu dương, đề nghị tặng huân chương cho sĩ quan đã trực tiếp tiêu diệt Lê Đình Kình? Chỉ có một khả năng khi giữ bí mật danh tính của những cá nhân đã đá què chân và tiêu diệt “tên phản động Lê Đình Kình”: Tự thấy đó là hành động bất hợp pháp, sợ dân nên phải giấu tên (3)...

 

Cho rằng sự kiện những Kiểm sát viên chủ động thay đổi cáo buộc đối với 19/29 bị cáo từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” là… có lắng nghe, Trương Huy San vẫn nghĩ rằng, chừng đó chưa đủ. Bởi hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra sau vụ đột kích nên muốn xử lý một cách khách quan thì phải xem xét tính hợp pháp của việc nửa đêm “xâm phạm chỗ ở” rồi mới có thể đánh giá các hành vi sau đó là phạm tội hay không và phạm tội gì…

 

Trương Huy San nhận định, nếu lời khai của các bị cáo trước tòa là “đúng sự thật” như hệ thống truyền thông chính thức tường thuật và nếu Bộ Luật Hình sự được tôn trọng thì 19 bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, sáu bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó”. Facebooker này đề nghị: Cho dù chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng ta vẫn nên tư duy độc lập và duy trì khát vọng công lý (4).

 

-------------------------------

 

Chú thích

 

(1) https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10159691457229796

 

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10217456194708009&id=1569759542

 

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2757557344569485&id=100009457401127

 

(4) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3166311520070674

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats