Nhân
dân tệ soán ngôi đô la : kịch bản xa vời
Thanh Hà
- RFI
Đăng ngày: 01/09/2020 - 12:27
Đô la Mỹ suy yếu,
nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng nhân dân tệ trở thành phương tiện dự
trữ và thanh toán trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc
chưa tạo được niềm tin. Bản thân Bắc Kinh cũng không muốn quốc tế hóa đồng tiền.
Trên đây là phân tích của
nhà kinh tế Françoise Nicolas, giám đốc trung tâm Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế
Pháp IFRI.
Đô la và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters
Từ tháng 3 đến tháng 7/2020, đồng đô la mất giá 12 % so với đồng tiền
chung châu Âu euro, đà tuột dốc có khuynh hướng tăng mạnh hơn trong tháng trước.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo đồng đô la còn tiếp tục trượt giá trong 12
tháng sắp tới. Đâu là những nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng nói
trên ? Phải chăng một lần nữa có dấu hiệu là « đặc quyền »
của đơn vị tiền tệ Mỹ vốn liên tục trị vì trên thế giới từ năm 1945 bắt đầu bị
đe dọa ? Nhân dân tệ của Trung Quốc liệu đã sẵn sàng thế vào chỗ trống của đô
la hay chưa? Tạp chí của RFI lần lượt trả lời các câu hỏi trên.
Nhược điểm Mỹ làm suy yếu đô la
Về những nguyên
nhân khiến đô la mất giá mạnh nhất kể từ hai năm nay, Anton Brender, giám đốc điều hành cơ quan quản
lý tài chính Candriam, trụ sở tại Luxembourg, nêu ra những yếu tố như sau : siêu cường kinh tế số một thế giới
bị siêu vi corona chủng mới làm suy yếu. Chính quyền Trump bị chỉ trích bất lực
để khủng hoảng y tế kéo dài và tới nay đã có gần 6 triệu người Mỹ nhiễm
Covid-19, trên 183.000 bệnh nhân thiệt mạng và kèm theo đó là những tác động
tai hại về kinh tế và xã hội. Thất nghiệp tăng cao. Viễn cảnh tỷ lệ tăng trưởng
được phục hồi vẫn xa vời. Các chính sách vực dậy kinh tế chưa đem lại kết quả
mong đợi, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bất đồng về những chương trình hỗ trợ
kinh tế khẩn cấp và nhất là tất cả như trong vòng chờ đợi hai tháng trước bầu cử
tổng thống Mỹ.
Nhìn đến những chỉ
số quan trọng khác : thâm hụt ngân sách của
chính quyền liên bang năm 2020 được dự báo có một bước « đại nhảy vọt »
tương đương với 23,8 % tổng sảm phẩm nội địa. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với khu
vực eurozone, theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Về mậu dịch, Mỹ vẫn
trong cảnh nhập siêu. Cả hai chỉ số vừa nêu khiến giới đầu tư thận trọng cho rằng
Mỹ ngày càng lệ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại quốc, và hoài nghi về khả năng
thanh toán nợ của chính quyền Washignton về lâu dài.
Thêm một yếu tố thứ
ba : ngay từ trước dịch
Covid-19, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ can thiệp, vừa hạ lãi suất vừa bơm thêm
tiền vào cỗ máy kinh tế. Hệ quả kèm theo là giới tư bản không còn có lợi khi
mua công trái phiếu của Mỹ. Cuối cùng, giới tư bản thận trọng giữ khoảng cách với
đô la đề phòng chu kỳ thịnh vượng của thị trường tài chính Mỹ sắp kết
thúc. Các khuynh hướng này càng rõ nét trong nửa đầu năm 2020. Điều đó khiến
giới đầu tư bán đô la, đem tiền đầu tư vào những thị trường khác như châu Âu
hay Nhật Bản và kể cả tại một số các nền kinh tế đang trỗi dậy. Đô la sụt giá.
Đô la « mất vai trò dự trữ » ?
Thông thường, khi kinh tế
toàn cầu rối loạn, đô la thường được xem là một « phương tiện dự trữ an
toàn ». Lần này dường như là không. Vào lúc đồng tiền Mỹ mất giá 12 % từ
tháng 3 tới nay, trong 7 tháng đầu 2020 vàng tăng giá 30 %. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu quốc tế bắt
đầu « thận trọng với đơn vị tiền tệ của Mỹ ». Một lần nữa lại dấy lên
câu hỏi có nguy cơ đô la Mỹ đánh mất vai trò « cột trụ » trong hệ thống
tiền tệ quốc tế, không còn là một phương tiện dự trữ và thanh toán của thế giới ?
Giáo sư Stephen
Roach, đại học Yale và nguyên
là lãnh đạo ngân hàng Morgan Stanley được hãng tin Bloomberg ngày 06/08/2020
trích dẫn dự phóng đô la mất
giá đến 35 % và ông cho rằng thời kỳ « vàng son của đồng đô la sắp
khết thúc » cho dù tới nay giới đầu tư vẫn lập đi lập lại câu thần
chú TINA : There is no alternative » có nghĩa là không có giải pháp
nào thay thế đô la. Bằng chứng cụ thể là đô la chiếm 68 % dự trữ ngoại tệ của
các ngân hàng trung ương thế giới ; 88 % các khoản giao dịch ngoại hối đều
được thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Cho dù Trung Quốc là nhà xuát
khẩu lớn nhất thế giới nhưng chỉ có 4,8 % trao đổi mậu dịch toàn cầu được thanh
toán băng nhân dân tệ. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả so với đồng franc Thụy Sĩ theo
báo cáo gần đây nhất của Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS (trụ sở tại Basel, Thụy
Sĩ).
TINA : There is no Alternative
Trả lời RFI Việt ngữ kinh tế gia Françoise Nicolas, giám đốc
trung tâm Châu Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp thận trọng cho rằng
còn quá sớm để « chôn sống đồng đô la » và đà mất giá dù khá mạnh của
đồng tiền Mỹ trong nửa đầu năm nay chỉ là « tương đối » :
Françoise
Nicolas : Từ lâu nay đã nhiều lần dấy lên nghi vấn về
vai trò quốc tế của đồng tiền Mỹ và sở dĩ câu hỏi này đặt ra là do chúng ta vẫn
ngạc nhiên về sự bền bỉ của vị trí đồng đô la trong hệ thống thanh toán quốc tế.
Sau Thế Chiến Thứ Hai tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều sụp đổ, chỉ có Mỹ
là vững mạnh, do vậy đô la là cột trụ của hệ thống tiền tệ thế giới. Đó là điều
dễ hiểu ở thời điểm 1945.
Giờ đây tình hình đã hoàn toàn thay đổi vì kinh tế Hoa Kỳ không còn là ốc đảo
thịnh vượng duy nhất trên hành tinh. Mọi người thường xuyên tự hỏi tới
khi nào đồng đô la mất đi thế thượng phong đó. Vấn đề càng trở nên thời sự khi
mà kinh tế của Trung Quốc phát triển với một tỷ lệ tăng trưởng rất ngoạn mục.
Nhiều người tưởng là đồng nhân dân tệ cạnh tranh với đô la để trở thành một
phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế. Dù vậy đến nay, đô la Mỹ vẫn là ngoại
hối chính trên thế giới. Lý
do đơn giản là yếu tố tâm lý : người ta tin tưởng vào đô la chứ không tin vào bất
kỳ đơn vị tiền tệ nào khác.
Trong bài tham luận Dollar contre renminbi : chronique
(prématurée) d’un déclin annoncé trên tạp chí Questions
Internationales số ra tháng 7 và 8/2020 bà Nicolas nói đến một ván cờ bất tương
xứng giữa đô la và nhân dân tệ của Trung Quốc. Đành rằng trọng lượng của kinh tế
và thương mại của Mỹ trên toàn cầu đã bị thu hẹp lại trong thập niên gần đây,
chính sách America First của Washington trong gần bốn năm qua thách thức sức mạnh
của đô la. Cùng lúc Trung Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế số 2 của
thế giới, là chủ nợ quan trọng của nhiều nước, trong đó có cả Hoa Kỳ. Do vậy một
số bài tham luận đã nhấn mạnh đến cuộc đọ sức trong tương lai giữa hai đơn vị
tiền tệ Mỹ-Trung để áp đặt ảnh hưởng với thế giới và mậu dịch toàn cầu. Nhưng
theo giám đốc trung tâm Châu Á viện IFRI của Pháp, Françoise Nicolas, đó là kịch
bản quá va vời với thực tế hiện nay :
Françoise Nicolas : Vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế của nhân dân tệ được nhắc
đến nhiều nhưng chỉ cần nhìn vào thực tế qua một loạt các chỉ số cũng đủ để biết
được thực hư như thế nào : các hóa đơn được thanh toán bằng nhân dân tệ của
Trung Quốc hiện chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ trong số các hoạt động trao đổi mậu
dịch toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đi vay nợ bằng đô la chứ không mấy ai
đi vay bằng đơn vị tiền tệ của Trung Quốc. Nhìn đến dự trữ ngoại tệ của các
ngân hàng trung ương, thì đô la cũng bỏ xa lại phía sau tất cả các đơn vị tiền
tệ khác từ euro của châu Âu đến đồng yen Nhật Bản hay nhân dân tệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên cũng phải công nhận là đồng nhân dân tệ ngày càng được sử dụng tại một
số khu vực, chẳng hạn như ở Đông Nam Á nhưng không thể nói là đồng tiền Trung
Quốc đã vươn rộng ra ở quy mô toàn cầu. Khoảng cách giữa đô la và nhân dân tệ còn vô cùng lớn.
Phương tiện giao dịch quốc tế, điều Bắc Kinh không mong muốn
Theo sách vở giáo khoa nhà trường một cách cơ bản, sức mạnh của một đồng
tiền tùy thuộc vào trọng lượng kinh tế của quốc gia sở hữu đồng tiền đó, nhưng
thực tế quan sát được trên thị trường hối đoái dường như phức tạp hơn nguyên tắc
đó nhiều. Điều gì khiến đơn vị tiền tệ của siêu cường kinh tế thứ hai thế giới
chưa có được một vị trí tương xứng ? Chuyên gia về kinh tế, giám đốc điều
hành trung tâm Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI bà Françoise Nicolas trả lời :
Françoise
Nicolas : Trước hết là niềm tin và
kế tới là thói quen. Các khoản xuất nhập khẩu từ lâu nay được thanh toán bằng
đô la và rất khó để thay đổi thói quen đó. Nghe qua có vẻ rất buồn cười nhưng
đó là sự thật chúng ta nhận thấy hàng ngày. Hơn nữa hiện tại đồng nhân dân tệ vẫn
chưa tạo được uy tín và Trung Quốc vẫn là một ẩn số khiến nhiều người lo ngại.
Một điểm khác gây trở ngại cho đà quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ đó là Trung
Quốc không có những thị trường tài chính có bề dầy như của Hoa Kỳ. Các dịch vụ
mua bán chứng khoán được thanh toán bằng đô la . Sau cùng và có lẽ đây là một yếu
tố quan trọng : đó là bản thân Bắc Kinh cũng không muốn đơn vị tiền tệ của
mình đóng vai trò quốc tế, vì như vậy Trung Quốc sẽ mất đi phần nào quyền kiểm
soát tỷ giá hối đoái. Trị giá đồng tiền sẽ phải tuân thủ luật cung cầu. Tôi
không chắc là Trung Quốc sẵn sàng cho việc đó.
No comments:
Post a Comment