Monday 14 September 2020

NHÀ NƯỚC NÊN COI VỤ ĐỒNG TÂM NHƯ LÀ MỘT HỒI CHUÔNG BÁO ĐỘNG (Ngô Ngọc Trai)

 


NHÀ NƯỚC NÊN COI VỤ ĐỒNG TÂM NHƯ LÀ MỘT HỒI CHUÔNG BÁO ĐỘNG  

Ngô Ngọc Trai

23:36  13/09/2020   

https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo/posts/1855275821279538

 

Dù cho bản án Đồng Tâm hôm nay có thế nào thì chúng ta cũng vẫn tiếp tục nỗ lực dựng xây.

 

Thực tế quá trình xét xử cho thấy các cơ quan tố tụng chỉ tập trung vào hành vi của các bị cáo để xử lý mà không xét đến những hoàn cảnh đã đẩy đưa nhóm người dẫn đến chống đối. Hội đồng xét xử cũng không xét đến những yếu tố về lệnh điều động hay phương án bố ráp bắt giữ không hợp lý của cấp chỉ huy đã góp phần dẫn đến hệ quả của tội phạm.

 

Bằng lối giải quyết như vậy sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ như Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi và không giúp chỉ ra được để khắc phục nguyên nhân điều kiện dẫn đến tội phạm. Ngoài ra sẽ không giúp nâng cao chất lượng của công tác huấn luyện và đưa ra mệnh lệnh, sẽ đặt để các chiến sĩ vào tình trạng rủi ro trong những việc về sau.

 

Về phía người dân thì chúng ta sẽ không lựa chọn góc nhìn hạn hẹp như vậy mà cần thấy rằng đằng sau vụ án Đồng Tâm là rất nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật đất đai cũng như tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi một sự hiệu chỉnh thay đổi để kiến tạo môi trường pháp lý an toàn.

 

Vụ án Đồng Tâm là hệ quả của những bất cập trong chính sách quản lý đất đai, bất cập trong tổ chức chính quyền nhà nước, bất cập trong đường lối quản trị quốc gia. Ngày hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai có thể là một cộng đồng dân cư khác hay một tập đoàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cho nên để đảm bảo nền pháp quyền chuẩn mực đúng đắn, dù cho kết quả bản án Đồng Tâm hôm nay có như thế nào thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực dựng xây.

 

1. Chúng ta cần tiếp tục thúc giục áp lực nhà nước sửa đổi chính sách pháp luật đất đai, công nhận quyền sở hữu của người dân đối với đất đai, củng cố vững chắc quyền tư hữu và quyền sở hữu tài sản của người dân. Rà soát sửa đổi bãi bỏ những chế định pháp lý xem nhẹ quyền sở hữu, dễ dàng trưng mua trưng dụng thu hồi tài sản của công dân. Việc này cần làm để hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường. Nền kinh tế sẽ không phát triển thịnh vượng khi quyền sở hữu tài sản không được củng cố vững chắc.

 

2. Chúng ta cần thúc giục nhà nước cải cách thể chế nâng cao quyền hạn cho ngành Tòa án để Tòa án có đủ khả năng thực thi công lý, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia. Các vụ việc tranh chấp giữa người dân hoặc một cộng đồng dân cư với chính quyền các cấp hoặc kể cả với Chính phủ, đều sẽ phải được giải quyết bởi tòa án, thay vì cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực hành chính để áp đặt lối giải quyết các tranh chấp vướng mắc có liên quan đến mình.

 

3. Thúc giục nhà nước xây dựng củng cố chính quyền dân sự, tiết giảm vai trò ảnh hưởng của ngành cảnh sát để hòa hợp với đời sống xã hội dân sự và kinh tế thị trường. Nhà nước cần đặt nền móng cho các hoạt động bằng lối nhận thức duy lý, coi trọng các hoạt động đối thoại, thương lượng, hòa giải thay cho các hoạt động sức mạnh cưỡng chế mệnh lệnh.

 

Thực tế thì nhà nước lâu nay cũng đã nhận ra vấn đề cần phải cải cách sửa đổi, nhưng quyết tâm không nhiều, bước tiến bước lùi, tiến bộ rất chậm chạp, mà trong thời gian đó nhiều sự vụ vẫn xảy ra trong đời sống, tính mạng và tài sản của người dân bị rủi ro. Cho nên qua vụ Đồng Tâm này nhà nước nên coi đây là một hồi chuông báo động, một minh chứng cho thấy nhu cầu khẩn trương cấp bách về những giải pháp chính sách cải cách đột phá cho phát triển.

 

16 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats