Sunday, 13 September 2020

HÃY BIẾT THA THỨ CHO MÌNH (Huy Phương)

 


Hãy biết tha thứ cho mình  

Huy Phương

September 13, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hay-biet-tha-thu-cho-minh/

 

Trong đời sống, ít ai bằng lòng với quá khứ của mình, mà thường hối tiếc bất mãn với những gì đã qua. Người ta hay dằn vặt và đặt câu hỏi cho mình, vì sao mình đã hành động như vậy hay vì sao mình đã không làm như thế kia. Có những quyết định mà người ta cho là mình đã sai lầm, đeo đẳng suốt một đời cho đến lúc chết.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/Buoc-Chan-Tu-Do-1536x1035.jpg

Những người Việt tỵ nạn đặt bước chân đầu tiên lên miền đất tự do, sau 30 Tháng Tư, 1975. (Hình minh họa: Phillip Green/Keystone/Getty Images)

 

Những người bình thường như chúng ta, khi nhìn lại quá khứ thường hối tiếc cho những sự lầm lỡ, đưa đến sự thất bại, như không chịu làm việc nhiều hơn, học hành nhiều hơn. Có người đã bỏ những cơ hội lớn để thăng tiến, có người ân hận vì một mối tình. Nếu chúng ta suy nghĩ khác, hành động khác thì cuộc đời chúng ta không như ngày hôm nay.

Những nhân vật lịch sử như Nhật Hoàng mới đây đã tỏ ý hối tiếc vế quá khứ “quân phiệt” của mình, đã gây bao nhiêu đau khổ cho thế giới, và Thủ Tướng Abe cam kết sẽ không để bi kịch lịch sử lặp lại.

 

Có người đã hối hận không đốt ngay tờ vé số độc đắc ngay sau khi trúng, để bây giờ phải chịu cảnh gia đình ly tán, tù tội và mất hết thanh danh.

 

Tháng Tư, 1975, có người đã hối hận khi có xe đến nhà rước xuống tàu mà không đi, để gia đình phải lâm vào cảnh tù tội, đói khổ, nhọc nhằn trong bao nhiêu năm dài. Cũng có ai đó than thở “Tôi đã lầm đưa em sang đây!”

 

Có ai trong đời chưa một lần làm sai, để gây hậu quả trong một thời gian dài, cho cả một cuộc đời, phải chịu sự trăn trở, xót xa, đau đớn, hối hận, thâm chí là “chết không nhắm mắt” hay “mối hận mang xuống tuyền đài chưa tan!”

 

Người miền Nam Việt Nam ai cũng biết câu chuyện con tàu Việt Nam Thương Tín. Trong cơn hỗn loạn, con tàu rời bến Bạch Đằng trưa 30 Tháng Tư, chở hơn 650 người chạy loạn đang tìm đường ra khỏi Sài Gòn.

 

Ba ngày sau con tàu tiến vào vịnh Subic, Philippines, được sửa chữa và chỉ dẫn đến Guam.

 

Tháng Chín, 1975 tàu cặp bến Apra, đảo Guam lãnh thổ của Mỹ. Trong khi đó trên đảo đã có khoảng 1,600 người tuy đã rời Việt Nam nhưng nay muốn trở về. Ngoài ra có khoảng 100 người khác đã đến được Bắc Mỹ cũng xin hồi hương. Nhóm người này cũng có thể bị Việt Cộng trà trộn, kích động, xúi giục. Tại Guam, một số người đã tuyệt thực, cạo đầu và đốt barrack, quyết tâm đòi về lại Việt Nam.

 

Ngày 16 Tháng Mười, tàu Việt Nam Thương Tín rời Guam, trực chỉ Việt Nam với 1,546 người tự nguyện hồi hương. Chỉ huy con tàu là Trung Tá Hải Quân VNCH Trần Đình Trụ, khóa 8 HQ Đệ Nhất Hổ Cáp. Trên tàu, khoảng 80% người về nước là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ đã cung cấp cho con tàu đủ nhiên liệu và lương thực cho mọi người trên tàu nếu họ đổi ý muốn quay lại Guam.

 

Ngày 27 Tháng Mười 1975, tàu Việt Nam Thương Tín về đến Việt Nam, dự định cặp bến Vũng Tàu, nhưng được CSVN hướng dẫn ra Nha Trang; trừ một số phụ nữ và trẻ em, tất cả đều bị đưa về giam ở trại “cải tạo” Đồng Tre, tỉnh Phú Khánh. Sau đó họ được phân phối đi khắp các trại “tập trung cải tạo” khắp Nam, Bắc.

 

Trung Tá Trần Đình Trụ, người “có công đem con tàu Việt Nam Thương Tín về với tổ quốc,” bị giam tù 13 năm. Ông sang Mỹ năm 1991 và qua đời tại Texas năm 2019.

Trong khi hàng triệu người Việt Nam đang tìm phương tiện ra khỏi nước để lánh nạn Cộng Sản, thì những con người trên tàu Việt Nam Thương Tín đã đến đảo Guam được an toàn, lại đòi quay tàu trở về. Dư luận cả nước gần như lên án hành động này.

 

Chắc chắn 1,546 người tự nguyện hồi hương, này sau khi chạm bờ biển Việt Nam đã bị tống vào trại “cải tạo” lập tức, sẽ suy nghĩ nhiều về hành động của mình. Thay vì một thời gian ngắn có thể có quà gửi về giúp gia đình, năm bảy năm có thể bảo lãnh gia đình đoàn tụ với mình tại Mỹ. Giờ đây, hồi hương nhưng không được sum họp với gia đình, chia lìa cách trở và đem gánh nặng “nuôi tù” trao trên vai thân nhân.

 

Nói thế nào đi nữa, thì đây cũng là chuyện đau đớn cho người thân, tưởng mừng chuyện ra đi thoát nạn, nay bỗng dưng lại trở về, “chưa mừng sum họp, đã sầu chia ly,” đem phiền muộn, rắc rối cho gia đình. Có người bị chết trong tù, có người giam cầm hai ba năm nhưng cũng có người bị tù lâu hơn như trường hợp Trung Tá Trụ.

 

Hồi ấy, chúng tôi là những người đã “trình diện học tập” ngồi tù Cộng Sản, ai cũng đều lên án những người trở về trên con tàu Việt Nam Thương Tín là “ngu dốt, không thức thời, điên khùng và không hiểu Việt Cộng là gì!”

 

Một số quân nhân VNCH về theo tàu Việt Nam Thương Tín, được chuyển về giam ở trại Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh và ở chung một đội. Trại tù chia ra nhiều đội, mỗi đội phụ trách một công việc sản xuất khác nhau. Anh em tù gọi đội này là Đội Mộc, Đội Rau Xanh, Đội Gạch… nhưng riêng Đội Việt Nam Thương Tín, được gọi là “Đội… Quần!”

 

Nhắc đến chuyện con tàu Việt Nam Thương Tín là chúng tôi muốn nói đến một quyết định sai lầm mà hậu quả khó lường, không ai tiên liệu được điều gì. Chúng ta trong cơn hỗn loạn, không có mặt trên con tàu Việt Nam Thương Tín rời bến Bạch Đằng sáng 30 Tháng Tư. Chúng ta chưa đặt chân đến Guam. Chúng ta chưa là kẻ thất thểu, lạc loài, cô đơn, không vợ không con, giữa đám đông có đầy đủ gia đình. Chúng ta không biết tin tức vợ con ra sao, vì trong lúc hỗn loạn đã bỏ chạy đi một mình. Chúng ta không biết chuyện gì đã xẩy ra sau khi Việt Cộng vào Sài Gòn. Trong khi tại Guam, đã dấy lên phong trào đòi về Việt Nam, và nguyện vọng bày có thể được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận.

 

Giờ phút đó chúng ta mang cái tâm trạng của kẻ đã sập bẫy, lên án những kẻ đã tình nguyện chui đầu vào bẫy, sau khi đã có cơ hội cao bay xa chạy, mà còn ngu dốt quay đầu về. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh một người đang di tản đến Guam trong thời gian 5 tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, để thấy được tâm tư của 1,546 người đã đến được bến bờ tự do, mà muốn trở lại quê hương.

 

Tôi nghĩ lúc đó họ không nghĩ gì đến sự độc ác, tráo trở của Việt Cộng, cũng không nghĩ gì đến chuyện tù đày, trong lòng chỉ còn đầy ắp hình ảnh người thân đang ở lại Sài Gòn, mà không biết giờ này số phận họ ra sao?

 

Chắc chắn nỗi thương nhớ, hối hận, đã dằn vặt họ với những đêm không ngủ trong barrack trên một hòn đảo xa xôi giữa Thái Bình Dương. Mang tâm trạng ấy, liệu chúng ta ở trong hoàn cảnh đó, nếu anh và tôi, chúng ta có muốn trở lại nhà trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín ấy không?

 

Ở đời, biết ai dại với ai khôn? Những gì chúng ta quyết định chưa hẳn là được sự đồng tình của người khác. Chúng ta đừng vội lên án mình. Trong thời điểm ấy, hoàn cảnh ấy, không gian ấy, những yếu tố khách quan ấy, tâm lực và lý trí lúc ấy của ta, những áp lực bên ngoài vây bủa, tác động đến suy nghĩ của chúng ta. Dù thế nào đi nữa, thì quyết định ấy cũng là chính của chúng ta. Nó có thể đứng đắn, có thể sai lầm, nhưng trong khoảnh khắc đó, chúng ta đã quyết định như vậy! Xin đừng hối hận và đừng dày vò tâm tình, thân xác mình, có khi cho đến chết, hay chết rồi mà niềm u uất vẫn chưa tan!

 

Trong cuộc đời của chúng ta, không phải ai cũng là bậc Thánh, cũng có lúc ta quyết định những điều sai lầm. Sai lầm nhỏ có thể tổn hại nhỏ, sai lầm lớn đưa đến những hệ lụy khôn lường. Quên đi những chuyện ấy, tha thứ hết cho mình, hay ôm mối hận sai lầm, dằn vặt mình suốt đời. Vì sao những sai lầm ấy không thể làm lại, không thể sửa đổi, mà chúng ta vẫn khư khư ôm lấy trong lòng, và cuộc sống trở thành địa ngục.

 

Từ Hải bởi vì nghe lời Kiều mà thân bại danh liệt. Kiều ân hận vì đã thuyết phục Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến “bởi nghe lời thiếp, ra cơ sự này!”

 

Nếu là sai lầm của chúng ta, ở trong hoàn ảnh ấy, với nội tại, lẫn khách quan, với ý thức, trí tuệ và tình cảm của chúng ta lúc bấy giờ, chúng ta không thể làm gì khác hơn. Đối với sai lầm của người khác, thì chúng ta lại không có đủ yếu tố, để phân tích, phê phán đúng đắn vì chúng ta không phải là họ, không ở trong hoàn cảnh họ, không mang tình cảm, ý nghĩ của họ, làm sao chúng ta đủ tư cách, công bình và khách quan để phê phán họ.

Người gây ra những hành động sai lầm hãy tha thứ cho mình để cho lòng được thanh thản, người ngoại cuộc chưa hiểu hết, chưa đứng trong hoàn cảnh của người khác, không đủ yếu tố để lên án, phê phán hay kết tội người khác.

 

Trong lịch sử, chúng ta đã từng phê phán hay lên án hành động của những nhân vật chính trị như ba vị tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh. Chúng ta đã lên án những người gọi là “đào ngũ,” bỏ chạy khỏi nước. Chúng ta đã lên án những người về trên con tàu Việt Nam Thương Tín vào Tháng Năm, 1975!

 

Ngôn ngữ thời thượng gọi những lời phê phán này là “ném đá,” nếu chúng ta ở trong những hoàn cảnh đó, nói cho công bằng, chúng ta làm gì được hơn! [kn]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats