CHIẾN
TRANH NGUỒN NƯỚC VỚI TRUNG QUỐC
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=104233584753462&id=103514838158670
“Chiến tranh nguồn nước” là tựa một bài viết của tác giả Diệu Bảo đăng
trên báo Pháp luật Việt Nam. Có hơn 2.000 điểm trên thế giới có khả năng xảy ra
chiến tranh giành nguồn nước, và trên thực tế đã xảy ra thật như Israel và
Palestine, được tác giả khắc hoạ tổng thể tương đối đầy đủ.*
Trong bài viết này, tôi chỉ xin đưa ra góc nhìn về khả năng chiến tranh
nguồn nước với Trung Quốc, mà Việt Nam ở thế không thể không có liên quan. Và
xu hướng tất yếu là không thể không bày tỏ một thái độ dứt khoát với Bắc Kinh.
“Sự thao túng của Trung Quốc đối với dòng chảy trên
sông Mekong để phục vụ lợi ích của riêng họ gây thiệt hại lớn cho những nước hạ
nguồn”. Điều này diễn ra “trên
sông Mekong trong 25 năm qua!”- ông David Stilwell-quan chức cấp cao Bộ Ngoại
giao Mỹ, dẫn lại báo cáo gần đây.**
Theo South China Morning Post, dự án “Eyes on Earth” của Mỹ vào
tháng 4 kết luận các đập thủy điện Trung Quốc giữ lại gần 47 tỷ m3 nước. Báo
cáo được yêu cầu thực hiện bởi chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng Bền vững (được
Liên Hợp Quốc ủng hộ) và Sáng
kiến Hạ nguồn Mekong (gồm Mỹ cùng 5 nước hạ nguồn sông Mekong là Campuchia,
Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).**
Nhắc lại một chút về bài viết Ngày cái đói về đồng bằng Sông Cửu Long của
người viết vào năm 2011***. Vựa lúa đói là cả nước đói, xuất khẩu bị chững lại,
ngân sách quốc gia ảnh hưởng, an ninh lương thực bị đe doạ, an sinh xã hội suy
giảm,… Đó là một thách thức rất lớn của quốc gia mà kẻ láng giềng phương Bắc
“16 vàng, 4 tốt” mang lại.
Những dòng sông đỏ quạch phù sa nay trong xanh. Nó có thể đẹp về mặt chụp
ảnh nhưng là thảm hoạ về mặt môi trường khi hệ sinh thái gắn bó với phù sa gồm
cá tôm, lúa gạo, cây trái “bị ngắt dòng sữa mẹ”. Thao túng nguồn nước, Trung Quốc
đồng thời đẩy vựa lúa vào thế đối diện với nước mặn xâm nhập và thực tế đã xâm
nhập tận… Đồng Tháp, chứ không chỉ các tỉnh ven biển.
Khu vực phía Bắc, với sông Hồng oà chủ đạo cung cấp nước, đã chứng kiến
trò bẩn của Trung Quốc. Họ xả nước lũ cứu thuỷ điện của họ nhưng không biết là
bao nhiêu. Không cung cấp số liệu nước xả lũ nghĩa là thao túng thông tin,
nghĩa là có thể sử dụng nước như vũ khí. Các vấn đề về bảo vệ đê điều, tài sản,
sinh mạng người dân vùng hạ nguồn của nước ta và nhiều nước ASEAN đều “trong
tay” Trung Quốc.
Năm 1998, tác giả Ngô Thế Vinh viết quyển sách “Cửu Long cạn dòng, Biển
Đông dậy sóng” đã tổng kết tương đối đầy đủ bức tranh hôm nay và mai sau. Bức
tranh cưỡng từ, đoạt lý mang tính bành trướng của Bắc Kinh đến sự bình yên của
ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Gần đây, quyển sách Nhìn lại thấy xa hơn của tác giả Nguyễn Vân Nam
cũng có phần về môi trường và đau đáu nỗi lo về ô nhiễm nguồn nước. Trong đó,
nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, thách thức về việc bảo vệ con
sông có thể gọi là nội sinh duy nhất của quốc gia là không nhỏ.
Nếu từ phía ngoài bị Trung quốc vây công bằng thuỷ điện, từ bên trong để
mặc các doanh nghiệp xả thải vào trong các dòng sông; thì đất nước thực sự gặp
cảnh thù trong, giặc ngoài trong cuộc chiến nguồn nước mang tính tất yếu.
Vẫn còn rất nhiều người đau đáu với quốc gia mà xắn tay vào giữ rừng,
giữ đất, giữ sự an toàn cho nguồn nước Việt Nam. Họ- đáng được trân trọng- thay
vì coi như là thế lực thù địch mơ hồ nào đó! Càng không thể cấm những công dân
tự nguyện vớt rác lênh rạch, bờ sông, bờ biển bằng các quyết định hành chính vô
lý của cấp quận, cấp phường. Và càng không thêr đem quyền lực nhà nước để doạ dẫm
tuỳ tiện những người đang ra sức bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước quốc
gia nói riêng.
Năm 2016, khi phản đối dự án lấp sông Đồng Nai, người viết bị tấn công
đủ kiểu, kể cả những văn bản có dấu mật mà tôi không tiện công khai. Các bước
xác minh nghiệp vụ cho thấy những bài viết đều có cứ liệu khoa học cũng như
không tham gia tổ chức nước ngoài nào, chẳng nhận tiền của ai để viết đã giúp
tôi an toàn. Nhưng cũng chứng kiến lòng người xáo trộn khi giai đoạn đó sự cô lập
tự nguyện của những mối quan hệ lâu năm trên chính quê hương mình khiến tôi
ngày ấy không khỏi bẽ bàng, chua xót…
Đó là một thực tế rất Việt Nam mà không chỉ một cá nhân gặp phải!
Trên từng m3 nước người Việt sử dụng hôm nay có thuế bảo vệ môi trường,
có phí do thất thoát nước. Nhưng những đồng thuế phí ấy cần được minh định sử dụng
ra sao chứ không phải cứ tăng đều đặn mà không ai biết đi về đâu, hiệu quả thế
nào?!
Trên từng chính kiến của mỗi cá nhân, của cả Chính phủ nước nhà lẫn ý
kiến chung của khối ASEAN; cần có những thái độ quyết liệt hơn với Trung Quốc
và mối hoạ từ việc thao túng nguồn nước của họ mang lại.
Chứ không phải đem nghiệp vụ an ninh ra doạ nhân dân để kẻ thù đắc chí
trong cuộc chiến mà họ nắm đằng chuôi. Chúng khống chế không chỉ các hồ nước
trên cao nguyên Thanh Tạng đến các siêu đập khổng trong nước và trong chính khối
ASEAN. Ngay cả các thuỷ điện vốn Tàu hiện nay cũng vậy!
Chiến trang nguồn nước! Đừng nghĩ nó xa lắc trong tương lai. Trung Quốc
đã tiến hành điều đó từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước.
Chiến tranh nguồn nước! Cuộc chiến nào đâu chỉ trên Mekong. Trong lòng
người Việt hôm nay cũng có…
------------
Chú thích:
* Thiên Nhiên đăng lại, xem ở link này: Chiến tranh giành nguồn nước trong lịch sử nhân loại.
** trích Zing, xem ở link này: Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mekong.
** Vietnamlus đăng và status cũ, xem ở link này: Vựa lúa ĐBSCL đối mặt “nguy cơ kép” biến đổi khí hậu và thủy
điện.
.
https://www.facebook.com/1608577719/posts/10212486081739585/
No comments:
Post a Comment