Monday, 24 August 2020

ĐƯỜNG VÀO NHÀ TRẮNG : DONALD TRUMP TUNG NHỮNG LÁ BÀI LỢI HẠI SAU CÙNG (Tú Anh - RFI)

 


Đường vào Nhà Trắng: Donald Trump tung những lá bài lợi hại sau cùng

Tú Anh  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 24/08/2020 - 15:47

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200824-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%C3%A0o-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-donald-trump-tung-nh%E1%BB%AFng-l%C3%A1-b%C3%A0i-l%E1%BB%A3i-h%E1%BA%A1i-sau-c%C3%B9ng

 

Covid-19 tăng tốc lây lan buộc chính phủ Pháp thay đổi chiến lược. Tại Belarus, lòng yêu chuộng tự do đối mặt với bạo lực chính trị. Tại Mỹ, liệu Joe Biden đủ cân sức khi Donald Trump xuất chiêu ? Đó là những chủ đề trên báo Pháp ngày thứ Hai 24/08/2020. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/a3c8b324-e60c-11ea-9e59-005056bff430/w:980/p:16x9/2020-08-24T044531Z_40268599_RC24KI98739F_RTRMADP_3_USA-ELECTION-CONVENTION.webp

Trung Tâm Hội Nghị Charlotte, bang Bắc Corolina - Hoa Kỳ, nơi được chọn làm Đại Hội đảng Cộng Hòa. Ảnh chụp ngày 22/08/2020. REUTERS - Leah Millis

 

Vào lúc còn hơn hai tháng nữa là đến ngày 03/11, Donald Trump tung những lá chủ bài lợi hại. Les Echos phân tích thế mạnh của chủ nhân Nhà Trắng và nhược điểm của đối thủ Joe Biden:

 

Đại Hội đảng Cộng Hòa cuối cùng sẽ diễn ra một phần có công chúng và một phần qua video. Đây là cơ hội để tổng thống Donald Trump trở lại những yếu tố cơ bản và một lần nữa đưa vào cuộc tranh luận chủ đề di dân nhập cư.

 

Mỗi đêm kể từ 22 giờ, chương trình vận động tranh cử bắt đầu với trọng tâm đả phá lập luận của phe Dân Chủ gọi Donald Trump là mối đe dọa của nền dân chủ. Chủ nhân Nhà Trắng sẽ bất chấp hiểm nguy corona, gia tăng lấn chiếm địa hình, đích thân đến tận các bang then chốt, và nhấn mạnh đến những chủ đề mà cử tri bình dân ưu tư, trong đó có hồ sơ di dân nhập cư. Donald Trump cũng sẽ tự khen là nhờ ông mà hiện tượng « du lịch sinh nở »  chấm dứt, không còn  chuyện « lợi dụng kẽ hở luật pháp Mỹ » ôm bầu qua Mỹ sinh con để ở lại.

 

Theo Les Echos, chiến thuật này sẽ hiệu quả. Khác với Đại Hội đảng Dân Chủ, tập trung tấn công vào Donald Trump, Đại Hội đảng Cộng Hoà sẽ giới thiệu « những trường hợp cụ thể, những con người cụ thể, nhờ các biện pháp của chính quyền Trump mà đổi đời và những kỳ vọng vào Trump trong 4 năm tới ».

 

Cuối cùng, Donald Trump sẽ sử dụng vũ khí sở trường là tấn công cá nhân, chiến thuật đã được thi hành vào năm 2016. Trong cuộc phỏng vấn của đài Fox News, Donald Trump như để hâm nóng công luận, tuyên bố là nhiều « vụ việc tai tiếng » sẽ được tiết lộ.trong bài phân tích « Ba ẩn số trong một cuộc bầu cử », nhật báo kinh tế lưu ý sự khác biệt quan trọng nhất  giữa bầu cử Pháp và Mỹ. Tại Pháp, nếu qua thăm dò ý kiến, một ứng cử viên được điểm tín nhiệm cao hơn đối thủ 10 điểm, thì có thể an tâm mình sẽ vào Điện Elysée. Tại Mỹ, Joe Biden dẫn đầu từ 4% đến 10% nhưng đó chỉ là « nhiệt độ toàn cảnh ». Ai đoán được tâm ý của cử tri ngày đi bầu ở các bang mà tỷ lệ hai phe ngang nhau ?

 

Một ẩn số khác là trong bối cảnh đại dịch, cử tri đi bầu như thế nào ? Đa số người nghèo ủng hộ đảng Dân Chủ bầu qua bưu điện, nhưng nếu tỷ lệ vắng mặt cao thì kết quả thiên về ai ?

 

Đó là chưa kể tuổi tác của Joe Biden cũng là một nhược điểm, cũng không có tài hùng biện gây hứng thú như Barack Obama. Trong khi đó, Donald Trump, cho dù nay thế này mai thế khác, nhưng lúc nào cũng chứng tỏ là một nhà lãnh đạo hành pháp có uy thế, nhất là đối với Trung Quốc và toàn cầu hóa. Công thức « một vị tổng thống bình thường » của Joe Biden  không bao giờ là một công thức ăn khách, Les Echos kết luận.

 

.

Belarus: Công an là chiếc phao của nhà độc tài

 

Tự mình hại mình, vì khinh thường phụ nữ, Loukachenko gây ra phong trào cách mạng phụ nữ, nhận định của Le Monde. Nhật báo độc lập dành hai trang cho Belarus : phân tích về lòng trung thành của lực lượng an ninh đối với tổng thống Loukachenko và vì sao ông do dự trong việc huy động quân đội đàn áp biểu tình.

 

Le Monde  cũng giới thiệu khuôn mặt phản kháng của Svetlana Tsikhanovskaia, không ai ngờ người mẹ 37 tuổi, một sớm một chiều làm điên đảo nhà độc tài và tiếp tục thách thức Loukachenko từ Litva. Nhưng với bộ máy đàn áp trong tay và Nga sau lưng, tổng thống Belarus sẽ dùng biện pháp mạnh.

 

Loukachenko, theo phân tích của một  chính trị gia đối lập, đã bị thua một cách thảm hại. Bởi vì sự dối trá phủ kín chế độ, cho nên tổng thống Belarus không hiểu gì cả để rồi trở thành bù nhìn của Putin. Chiếc phao cuối cùng của chế độ là lực lượng công an, là mật vụ và nhất là  4.000 cảnh sát chống bạo động trung thành. Cho đến nay, số sĩ quan từ bỏ hàng ngũ theo phe đối lập chưa đủ đông nhưng 4.000 so với 9 triệu dân thì đâu có là bao. Ban hành tình trạng khẩn cấp để huy động quân đội cũng là một biện pháp nhưng 40% quân nhân là lính nghĩa vụ, không rõ tâm tư. Chính sự trung thành của lực lượng an ninh là yếu tố cho phép Lukashenko « đắc cử » và củng cố ghế lãnh đạo.

 

Le Figaro cũng đứng về phe dân chủ: Loukachenko ương ngạnh trước áp lực đường phố. Tổng thống Belarus bị dân chúng đả đảo nhưng được Matxcơva hậu thuẫn. Thế thì có lợi gì ? Một thanh niên trong đoàn biểu tình phân tích: Loukachenko mất lòng dân là hợp ý với Putin vì sẽ ngoan ngoãn hơn với Nga.

 

Libération dự đoán là tình hình trong những ngày tới sẽ rất căng. Theo lời kêu gọi của Svetlana Tsikhanovskaia, nhiều chục ngàn người xuống đường tại Minsk nhưng liệu có thể xem đây « hớp nước tự do cuối cùng ? ». Loukachenko bay lên tận thành phố Grodno, gần Ba Lan, kích động tinh thần lực lượng biên phòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà ông cho là mục tiêu tấn công của  NATO để xâm lấn nước Nga, ông lên án Ba Lan muốn chiếm đoạt các nhà máy, các xí nghiệp của Belarus, còn Angela Merkel và Emmanuel Macron đứng sau giựt dây. Cũng từ vùng biên giới này, tổng thống Belarus đe dọa: « Kể từ thứ Hai sẽ không còn những cuộc xuống đường ».  Libération được một công nhân cho biết  bị « các xếp » cảnh báo coi chừng  bị đe dọa đuổi việc, đuổi ra khỏi nhà.

 

Trong chương trình thời sự của các đài truyền hình Nhà nước, nhà báo Nga thay thế nhà báo Belarus. Với Matxcơva sau lưng, sau hơn hai tuần lúng túng, Loukachenko có vẻ phục hồi được tinh thần.

 

.

Covid-19: Pháp ưu tiên chống dịch thay vì chấn hưng kinh tế

 

Bị lưỡi gươm  siêu vi corona treo lơ lửng trên đầu, chính phủ Pháp thay đổi chiến lược, ưu tiên ngăn dịch tái phát, chấn hưng kinh tế làm sau.

 

Nước Pháp : Giờ đeo khẩu trang, trong trường học, ngoài phố và trong xí nghiệp, tựa trên trang nhất của Le Monde. Covid-19: Pháp chuyển hướng đeo khẩu trang bắt buộc nhưng chưa thấy có hiện tượng dân đổ xô mua khẩu trang tích trữ. Trong khi đó, bộ Y Tế và các cố vấn khoa học không loại trừ khả năng làn sóng Covid 19 bùng mạnh vào mùa đông, theo đà ngày càng đông người bị nhiễm.

 

Số người « dương tính » với siêu vi corona tăng nhanh nhưng số nhập viện cấp cứu lại ít đi là do đâu ? Một số  nhà khoa học cho là siêu vi biến thể, nhưng theo Le Monde, ít có người tin.

 

Ngoài lý do y tế, sức khỏe, viễn cảnh đợt hai làm hàng quán, doanh nghiệp âu lo : Cứ thế này thì làm sao buôn bán ? Le Figaro bi quan: Chúng ta đang bị một lưỡi gươm treo trên đầu, Pháp cũng như thế giới đi trên con đường vô định với những câu hỏi không giải đáp.: Đợt dịch thứ hai có hay không ? Mùa đông sẽ thuận lợi cho đại dịch bùng dậy ? Trẻ con có thoát vòng lây nhiễm ? Bị nhiễm một lần có bị tái nhiễm hay không ? Liệu sẽ có một loại vac-xin hay thuốc trị hiệu nghiệm trong tương lai gần ?

 

Trong không khí ảm đạm này, nhật báo thiên hữu đưa hai tin khích lệ: Bệnh viện Pháp chuẩn bị tốt hơn để canh chừng  Covid tấn công đợt hai. Xí nghiệp Pháp tổ chức tốt và thích ứng với các biện pháp mới phòng dịch cho nhân viên ở chỗ làm.

 

.

Nhưng trước tương lai bất trắc, chính phủ Pháp đối phó ra sao ?

 

Hiếm khi báo chí Pháp tỏ ra đồng thuận từ chủ đề cho đến phân tích như hôm nay. Macron ưu tiên cho y tế trước đã. Kinh tế chờ bước qua tháng 9, tựa của Les Echos.

 

Nhật báo thiên tả Libération cùng nhịp : Hành pháp lo ngừa bệnh. Trước diễn biến khó lường của Covid-19 và mối đe dọa đợt hai, chính phủ xét lại chiến lược, đảo ngược ưu tiên. Khống chế dịch không để vượt tầm kiểm soát là nhu cầu khẩn cấp, vực dậy kinh tế chỉ là thứ yếu. Những gì đang diễn ra tại Úc cho phép suy đoán sẽ xảy ra đợt tấn công thứ hai vào mùa đông tại châu Âu, Libération mượn lời một giáo sư y tế cộng đồng, kết luận.

 

Mùa tựu trường năm nay sẽ không giống bất cứ năm nào. Học sinh từ 12 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang, các báo đều nhấn mạnh.

 

Còn ở cấp đại học, như để trấn an các tân sinh viên, Le Figaro cho biết các ban giám hiệu hiểu rõ thế hệ sinh viên vừa đậu tú tài « corona », không đủ bản lĩnh của các thế hệ đàn anh. Mỗi đại học, tùy theo phương tiện vật chất và nhân sự sẽ tổ chức giảng dạy sao cho sinh viên năm thứ nhất không bị bỡ ngỡ và bỏ cuộc giữa đường: video, lớp buổi tối, lớp thứ Bảy… theo một vị viện trưởng.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats