Kim Anh
24/08/2020
https://baotiengdan.com/2020/08/24/tu-do-ton-giao-tin-nguong/
Thử ôn lại rất nhanh lịch sử của loài người: Chúng ta xuất hiện trên
trái đất này độ khoảng
hai trăm ngàn năm trước. Giống loài chúng ta được đặt tên là
“homosapiens” – người thông minh. Nhưng thực ra không phải chỉ chúng ta mới là
“người”, ít nhất có hai “loài người” khác sống cùng hay có khi trước thời điểm
xuất phát của chúng ta.
Tổ tiên của giống loài chúng ta xuất phát từ khu vực ngày nay gọi là
châu Phi. Vì lý do khí hậu thay đổi, tổ tiên ta không sống nổi ở vùng nhiệt đới
nữa, phải di cư lên hướng Bắc. Chúng ta gặp phải hai đối thủ ngang sức ngang
tài, phải cạnh tranh để sinh tồn.
Đối thủ thứ nhất là giống “người neanderthal“, sống ở vùng ôn đới trở lên cực Bắc,
vùng mà nay ta gọi là châu Âu. Giống người này to lớn và sức lực trỗi hơn chúng
ta, nước da sáng hơn chúng ta, nhưng đó lại là nhược điểm khiến họ thất bại.
Chúng ta nhỏ con hơn, nhưng chính vì thế mà đã sáng tạo và quen sử dụng những
vũ khí tấn công từ xa, như ná chọi đá và cây lao thanh mảnh phóng đi như mũi
tên. Giới khảo cổ tìm được vết tích của giống người neanderthal này. Họ vẫn còn
tồn tại cùng với chúng ta cách đây khoảng bảy ngàn năm, nghĩa là chỉ mới tuyệt chủng đây
thôi.
Đối thủ thứ hai trên đường tổ tiên ta rẽ phải, đi dọc bờ lục
địa châu Á, là giống loài gọi là “người đứng thẳng”, thông minh nhanh nhẹn
không thua gì chúng ta, đi đứng và chạy nhảy khéo léo không khác chúng ta. Mỗi
tội, hai lòng bàn tay họ hướng ra phía trước mặt chứ không hướng vào thân thể
như chúng ta. Vì vậy mà họ thua khi không thể xoay trở vũ khí linh hoạt mọi chiều
như chúng ta. Giới khoa học nghi rằng, một vài bộ tộc ở rừng già trên các đảo
thuộc Indonesia ngày nay là hậu duệ của giống người này. Có nghĩa là, họ vẫn
còn tồn tại song song với chúng ta cho tới tận ngày nay.
Bạn có ngạc nhiên không, khi biết thông tin khoa học này đã được làm
thành phim và đã chiếu trên truyền hình nước Việt, với thuyết minh tiếng Việt,
cho hơn 90 triệu người trong nước xem, mới cách đây môt hai năm?
Bạn có tự hỏi, khi người Việt mình được biết những điều đó, đặc biệt là
giới trẻ, thì thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân mình sẽ đổi
khác, sẽ mở rộng hơn đến thế nào không? Mà dân Việt mình ở trong nước được “mở
mang tầm mắt” thế đã là hơi muộn. Người dân các nước khác, kể cả văn minh hiện
đại lẫn chậm tiến hơn chúng ta, có lẽ không ít người cũng đã được tiếp cận những
thông tin đó rồi.
Những hiểu biết ngày càng nhiều và càng sâu như thế, làm loài người
chúng ta trở nên khiêm tốn hơn trước bí nhiệm của vũ trụ, của trái đất, của
muôn loài sinh vật trên đó, và của chính bản thân mình. Tự nhiên chúng ta phải
vượt lên khỏi những gì tầm thường ngắn ngủi của đời sống, và phải đặt cho mình
những câu hỏi của muôn đời: Chúng ta từ đâu đến? Và sẽ đi về đâu? Phận người
là gì và là thế nào? Từ đâu mà chúng ta có trí thông minh đặc thù này? Vì sao
mà chúng ta còn tồn tại chứ không/ chưa bị hủy diệt?
Chính những câu hỏi đó phát sinh ra tín ngưỡng, tôn giáo, và đó là cái
quyền, cái phẩm giá của con người, của bất cứ ai là con người. Dân tộc nào, nền
văn hóa nào, và cá nhân nào cũng đều có quyền, có phẩm giá để có câu trả lời
riêng cho những câu hỏi lớn lao và tận cùng ấy.
Mãi đến gần đây, độ ba bốn thế kỷ trở lại đây thôi, loài homosapiens
chúng ta mới làm được cuộc cách mạng để tách “thần quyền” ra khỏi “thế quyền”.
Niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự do cá nhân của mỗi người, nên các tín
ngưỡng, các tôn giáo, xét như những cơ cấu tổ chức, không nên và không được áp
đặt lên cá nhân và lên cơ cấu tổ chức xã hội. Tín ngưỡng và tôn giáo cứ nên tiếp
tục phần vụ trả lời cho những câu hỏi ngàn đời kia, nhưng các tổ chức guồng máy
xã hội thì phải là chọn lựa chung của đa số những người dân đang sống ngay tại
đây và ngay lúc này.
Chắc ít người biết Liên Hiệp Quốc đã chọn một ngày đặc biệt để tưởng nhớ
đến tất cả những nạn nhân của sự bách hại và kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng. Đó là
hồi năm 2019 và ngày được chọn là ngày 22/8 hàng năm.
Ỷ lợi thế số đông hay quyền
lực mà giết người khác, bắt bớ, hành hạ, loại trừ, kỳ thị người khác vì họ khác
niềm tin, là một tội ác, là tội chống lại loài người.
***
Thật cảm động khi ngay giữa mùa đại dịch làm cả loài người điêu đứng,
nhưng Liên hiệp châu Âu vẫn dành mối quan tâm, lên tiếng mạnh mẽ trong ngày lễ
này. Ông Josep Borrell, quan chức đại diện cao cấp của EU về chính sách đối ngoại
tuyên bố: “Chúng tôi cảm phục những người đã mất mạng sống và những người là
nạn nhân của những vụ tấn công, đe dọa và bách hại vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng…
Châu Âu không thể chấp nhận việc phân biệt đối xử vì đức tin. Châu Âu ủng hộ tự
do tín ngưỡng trên thế giới“.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/1-106.jpeg
Ông Josep Borrell, quan chức cao cấp về chính sách đối ngoại của Liên Hiệp
Châu Âu. Nguồn: Vaticannews
Châu Âu, có thể nói là cái nôi của nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện
đại ngày nay, đã rất thấm thía bài học lịch sử đẫm máu của lục địa mình vì biết
bao cuộc xung đột tôn giáo, tín ngưỡng. Từ những cuộc thánh chiến với Hồi giáo
phía Đông, những tòa án dị giáo thời trung cổ, những cuộc viễn chinh cướp bóc
và giết chóc thời thuộc địa nhân danh “khai sáng”, những trại tập trung diệt chủng
người Do Thái thời thế chiến thứ hai… ngày nay đã biết sám hối và biết đi đầu
trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng thiêng liêng của từng cộng đồng và từng
cá nhân con người.
Ngày này, có lẽ ngay chính những người tự cho là mình có tín ngưỡng, có
tôn giáo, lại càng phải sám hối hơn ai hết. Càng có tín ngưỡng tôn giáo thì lại
càng phải tôn trọng, hơn nữa, kính trọng tiếng nói của Thượng Đế cất lên trong
lòng mỗi người, cách khác nhau, cách riêng biệt, cách tự do theo Ý Thượng Đế muốn.
Nếu có một Đấng Tạo Hóa tạo thành và chăm sóc cả vũ trụ mênh mông phong
phú đến thế này, thì mình là ai mà đòi Thượng Đế chỉ được lên tiếng và bày tỏ về
chính Người chỉ theo cách của mình, ngôn ngữ của mình, niềm tin của mình, phong
tục và tập quán của mình?
Ngay dưới lòng đất này, dưới chân chúng ta đây, là xương máu của những
“loài người khác” từng hiện diện và sinh sống. Biết đâu mai này, một ngày không
xa, chính loài homosapiens chúng ta cũng sẽ nằm xuống, nhường chỗ cho một “loài
người” khác xuất hiện.
Có trước loài người chúng ta từ rất lâu, và vẫn đang sống song hành với
chúng ta, mà nếu loài người chúng ta có bị tuyệt chủng đi nữa, thì chúng vẫn
còn: Loài virus! Chúng ta đã không thấy chúng, suốt hàng trăm ngàn năm qua, cho
tới ngày chúng ta biết sử dụng kính siêu hiển vi. Nhưng chúng có! Chúng hiện hữu!
Và chúng có thể quật chúng ta chết hàng loạt! Còn biết bao thế giới khác nữa
cũng đang “có”, đang “sống”, song hành với chúng ta mà chúng ta chưa biết?
Vậy nên cần khiêm tốn tôn trọng và kính trọng tự do cùng phẩm giá của
người khác, tôn giáo và tín ngưỡng của người khác. Cần lắng nghe tiếng nói của Thượng
Đế qua người khác và cả qua các loài khác, cả qua thiên nhiên, vũ trụ.
Và cần bắt đầu điều đó từ ngay suy nghĩ và lời ăn tiếng nói của mình.
Thốt ra một lời kỳ thị loại trừ, là mình đốt lên thêm ngọn lửa của lòng tự mãn,
tự phụ, coi trời bằng vung, một tính xấu và một tội ác của loài người. Kỳ thị
tôn giáo, tín ngưỡng, là chúng ta không những xúc phạm đến loài người, mà cả đến
Thượng Đế!
No comments:
Post a Comment