Wednesday 12 August 2020

TỰ DO NGÔN LUẬN : KỲ 1 và KỲ 2 (Y Chan - Luật Khoa)

 


 

Tự do ngôn luận – Kỳ 1: Đừng mơ tuyệt đối và đừng sợ vô đối

Y Chan

11/08/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/08/tu-do-ngon-luan-ky-1-dung-mo-tuyet-doi-va-dung-so-vo-doi/

 

Trong mọi cuộc tranh luận về “tự do ngôn luận”, ta đều thường gặp hai thái cực khác nhau, một bên là ảo ảnh, và một bên là ám ảnh.

Ảo ảnh về sự tồn tại của cái gọi là tự do tuyệt đối, và ám ảnh sợ hãi về tự do của người khác.

Các cuộc tranh luận, hay tranh cãi, ở Việt Nam thời gian gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện hai thái cực như vậy, và đó là điều rất mới.

Một xã hội bảo thủ, được quản lý dưới chế độ phong kiến rồi độc tài toàn trị, xưa nay hầu như không có chỗ cho khái niệm tự do cá nhân được sinh sôi tồn tại.

Những sự kiện như Duy Mạnh thời gian gần đây là một dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam cũng đã đồng bộ được với thế giới – đủ điều kiện để bước vào các cuộc thảo luận mà thiên hạ đã quần thảo nát nhừ trong suốt vài trăm năm qua. 

 

Không có thứ gì tuyệt đối

 

Cần phải khẳng định ngay rằng trên đời này không có thứ tự do nào là tuyệt đối, kể cả thứ dễ dàng nhất như tự do ngôn luận. 

Nói là dễ dàng vì so với những quyền khác của con người, quyền tự do ngôn luận (freedom of speech), hay còn gọi là tự do biểu đạt (freedom of expression), về mặt kỹ thuật là thứ không ai có thể ngăn cản được.

Cho dù phạt tiền hay cầm tù một ai đó, chính quyền hay bất kỳ hội nhóm nào cũng không thể cấm một người nói ra những gì trong đầu họ. Ngay cả có bị dán băng keo bịt kín miệng, người đó vẫn có thể dùng ánh mắt, cử chỉ, động tác, thậm chí là dùng chính sự im lặng để biểu đạt ý định của mình. Trong trường hợp có bị giết chết, những gì họ đã nói, viết, biểu đạt vẫn sẽ tồn tại – thông qua những người khác.

Quyền tự do biểu đạt vì vậy là thứ gần như không thể ngăn cản.

Như nhiều người từng nhận xét, trên thực tế, ai cũng có tự do ngôn luận. Vấn đề chỉ là sau khi phát ngôn xong, chuyện gì sẽ xảy ra.

Để hạn chế quyền tự do ngôn luận, người ta có thể dùng tập quán xã hội/ áp lực đám đông và hệ thống luật pháp để chế tài, tạo ra cái giá phải trả cho những hành vi ngôn từ hoặc biểu đạt nhất định.

Cái giá càng cao thì mỗi người sẽ càng phải cân nhắc trước khi thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình.

Bất kỳ một xã hội nào, kể cả ở những nơi mà tự do ngôn luận được xem là một thứ “kinh thánh chính trị” như nước Mỹ hiện tại, cũng đặt ra những cái giá phải trả như vậy.

Vì sao lại phải đặt ra các giới hạn đó?

Về cơ bản, tự do ngôn luận là một hình thức tương tác giữa người với người.

Người ta chỉ nói về tự do ngôn luận khi có sự tồn tại của hai người trở lên.

Nếu ngày xưa Mai An Tiêm bị đày ra đảo một mình, sống với chim và dưa hấu, sẽ không ai nói gì đến quyền tự do ngôn luận của Tiêm. Không có ai để tương tác cùng, thứ quyền đó là hoàn toàn vô nghĩa. 

Chỉ khi có tương tác, người ta mới nói đến tự do cá nhân. Mà một khi có tương tác, bắt buộc phải có giới hạn.

Giới hạn đơn giản nhất là “trật tự” – tất cả cùng mở miệng thì ai nghe ai?!

Mọi tương tác, tùy vào môi trường, đều có những giới hạn riêng biệt. Trong phòng họp có quy định riêng, trong lớp học có quy tắc riêng, trong nhà anh A có luật này, nhà chị B có phép nọ… Tương tác ở môi trường nào sẽ phải chịu sự quản lý chi phối của môi trường đó.

Nhưng lý do quan trọng nhất người ta cần phải đặt ra giới hạn cho tự do ngôn luận là vì về bản chất, thứ quyền này chỉ là một phương tiện.

Giống như chiếc xe, không ai ngồi vào nó chỉ vì muốn ngồi – họ hoặc muốn di chuyển đến một địa điểm khác, hoặc muốn chui vào bật điều hòa ăn kem tránh nóng, hay dùng nó như chỗ ngủ qua đêm bên lề đường, hay chỉ đơn giản ngồi vào chụp một bức tự sướng lung linh đăng lên mạng. 

Tương tự, mỗi người dùng quyền tự do biểu đạt của mình để đạt được một mục đích nào đó.

Khi một xã hội cùng đồng thuận về một giá trị mà phương tiện đó mang lại, những gì ngược lại với giá trị đó đều không được bảo vệ.

Nếu quyền tự do ngôn luận được thống nhất là phương tiện để tìm kiếm và bảo vệ sự thật, bất kỳ hành động ngôn luận nào có mục đích dập tắt, che giấu sự thật đều phải bị chế tài.

Hoặc nếu tự do biểu đạt được xem là công cụ để đảm bảo bình đẳng giữa mọi người trong xã hội, mọi hành vi biểu đạt đi ngược lại giá trị bình đẳng đó đều không thể được bảo vệ. 

Vấn đề vì vậy không phải là có nên hạn chế tự do ngôn luận hay không.

Câu hỏi là nên đặt giới hạn đó ở đâu và như thế nào.

Trong số những thước đo dùng để canh chỉnh giới hạn đó, có ba loại được cân nhắc nhiều nhất.

 

Nguyên tắc Gây hại (Harm Principle)

 

Thước đo đầu tiên để giới hạn tự do ngôn luận được triết gia người Anh John Stuart Mill đề xuất. Ông được xem là một trong những người bảo vệ quyết liệt nhất quyền tự do biểu đạt của nhân loại.

Mill cho rằng bất kỳ một ý tưởng nào trên đời cũng phải được quyền biểu đạt tồn tại, cho dù nó có vô đạo đức (immoral) dưới mắt tất cả những người khác.

Theo ông, “nếu toàn bộ nhân loại ngoại trừ một người có cùng một quan điểm, và chỉ người đó có quan điểm trái ngược, thì việc nhân loại buộc người đó phải ngậm miệng cũng vô lý ngang với trường hợp kẻ đó có quyền lực và muốn bịt miệng tất cả nhân loại.”

Tự do biểu đạt, Mill tuyên bố, là điều kiện để đẩy con người đến giới hạn của tư duy logic, thay vì bị trói buộc bởi rào cản xã hội. Nó cần thiết để hình thành nên phẩm giá của con người. Không có nó, con người sẽ sống trong sự ôn hòa giả tạo, dìm toàn bộ nhân loại chung trong một cái lồng hèn nhát (diễn dịch từ ý “sacrifices the entire moral courage of the human mind”).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/p01j1lkx-1-1024x576.jpg

Triết gia người Anh John Stuart Mill. Ảnh: literariness.org.

 

Bảo vệ quyết liệt tự do ngôn luận là vậy, Mill vẫn đặt ra giới hạn cho nó. Theo ông, trường hợp duy nhất tự do của cá nhân có thể được kiểm soát là để tránh nguy hại (harm) đến người khác.

Nhằm minh họa cho nguyên tắc này, Mill đưa ra ví dụ về nhà buôn bắp (corn dealer). Để tiện hình dung, ta có thể thay đổi ví dụ đó thành trường hợp một nhà thuốc buôn khẩu trang bị cáo buộc nâng giá vô tội vạ. 

Theo nguyên tắc của Mill, nếu một người đăng bài viết nêu quan điểm buộc tội nhà thuốc ăn lời trên tính mạng của đồng bào, đó là quyền tự do biểu đạt của họ và chấp nhận được. 

Nhưng nếu một đám đông giận dữ đang bao vây nhà thuốc đòi lôi cổ chủ tiệm ra hỏi tội, không ai được phép đứng trước đám đông đó nêu quan điểm cáo buộc như trên. Sự khác biệt là trong trường hợp sau, quyền tự do biểu đạt này có thể kích động đám đông dùng bạo lực, trực tiếp gây hại đến quyền lợi (ở đây có thể là tính mạng) của người chủ nhà thuốc. 

Nguyên tắc Gây hại được xem là giới hạn thấp nhất để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Theo đó, người ta phải chứng minh được sự thiệt hại (trực tiếp và rõ ràng) từ một hành vi biểu đạt của ai đó để có thể ra luật chế tài hoặc thưa kiện người đó ra tòa. 

Ngay cả trong ví dụ của Mill, ông cũng không đề cập đến việc quan điểm buộc tội (nhà buôn) có đúng sự thật hay không mà chỉ quan tâm đến việc nó có gây hại trực tiếp ngay tức thời hay không. 

Ta có thể ngầm hiểu rằng nếu quan điểm trên sai sự thật, nhà buôn có quyền thưa kiện người đưa ra phát ngôn sau đó. 

Nguyên tắc Gây hại là cơ sở cho các vụ kiện phỉ báng, tống tiền, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm có hại cho trẻ em… 

 

Nguyên tắc Xúc phạm hay Phản cảm (Offense Principle)

 

Nhiều người cho rằng chiếc lưới mà Nguyên tắc Gây hại trùm lên quyền tự do ngôn luận là quá thưa, để lọt rất nhiều hạt sạn cần phải loại bỏ. Họ đề xuất cần có thêm những giới hạn khác.

Triết gia người Mỹ Joel Feinberg từ đó đề ra Nguyên tắc Xúc phạm: có những hành vi biểu đạt có thể bị cấm vì chúng xúc phạm hoặc gây phản cảm đối với người khác.

Feinberg tin rằng nhà nước có trách nhiệm trong việc ngăn cản các hành vi/ biểu đạt gây xúc phạm đến người khác. Nhưng vì xúc phạm không gây hậu quả nghiêm trọng bằng gây hại, nhà nước không nên dùng hình phạt nặng tương tự.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/jfeinberg_000.jpg

Triết gia người Mỹ Joel Feinberg. Ảnh: marquette.edu.

 

Tuy vậy trên thực tế, như chính Feinberg ghi nhận qua một số trường hợp tại Mỹ, hình phạt cho những hành vi tính dục “phản cảm” như loạn luân có đồng thuận (consensual incest) và loạn dâm (sodomy) là rất nặng, với mức phạt từ 20 năm tù đến cả tử hình.

Một vấn đề khác trên thực tế là “xúc phạm” hay “phản cảm” hoàn toàn mang tính chủ quan, phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của mỗi người.

Một bộ phim nghệ thuật được đánh giá cao như Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An hoàn toàn có thể là thứ “đồi trụy” trong mắt nhiều người vì có những cảnh khỏa thân hay âu yếm giữa hai ng\ười đồng tính. 

Hay những loạt phim hài của nhóm Monty Python lừng danh của nước Anh vào thập niên 1970-80 cũng hoàn toàn có thể xếp vào hạng “báng bổ” với vô số các màn châm biếm nặng đô.

Những bộ phim chọc cười của Châu Tinh Trì thì đầy tình tiết và lời thoại “thô bỉ”, nhưng lại là món ăn tinh thần thú vị của hàng triệu người.

Để tránh việc áp đặt luật lệ lên tự do một cách tùy tiện – cứ có người thấy phản cảm là được phép cấm – Feinberg đưa ra nhiều bài kiểm tra để xác định mức độ của hành vi “xúc phạm”: độ bao phủ của sản phẩm biểu đạt, ảnh hưởng đến bao nhiêu người, mức độ nghiêm trọng của hành vi xúc phạm, giá trị xã hội mà nó mang lại, lợi ích của nó với cộng đồng…

Trong đó, yếu tố quan trọng thường được xem xét là “mức độ dễ dàng trong việc tránh khỏi hành vi/ lời nói xúc phạm”. Nếu đó là bộ phim chiếu ngoài rạp, người ta có thể đơn giản không mua vé xem, và như vậy không thể bị xúc phạm. Nếu đó là poster khổ lớn quảng cáo bộ phim với hình ảnh nhạy cảm treo ở vị trí công cộng, hành vi này có thể bị cấm vì người xem khó lùa mắt mình ra khỏi thứ “phản cảm” hơn.

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới, kể cả ở những xã hội dân chủ, đều có những phiên bản luật áp đặt giới hạn lên quyền tự do biểu đạt theo Nguyên tắc Xúc phạm này.

 

Dựa trên giá trị của dân chủ (On democratic grounds)

 

Không hài lòng với chỉ hai nguyên tắc trên, nhiều người muốn tạo ra thêm các giới hạn để kiểm soát quyền tự do biểu đạt dựa trên những giá trị, hay chính xác là phản-giá-trị mà chúng tạo ra.

Họ lập luận rằng nếu thể chế dân chủ được tạo ra dưới tiền đề là tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, thì mọi hành vi, biểu đạt có ý chỉ một cá nhân hay nhóm người nào đó thấp kém hơn do sắc tộc, tôn giáo, giới tính hay xu hướng tình dục đều nên bị cấm.

Tương tự, nếu xã hội tôn trọng quyền riêng tư, quyền an toàn… thì những hành vi biểu đạt đi ngược lại các giá trị đó cũng không nên được cho phép.

So với hai loại thước đo trên, đây là một lưới lọc chặt hơn nhiều. Những đạo luật áp đặt dựa trên tiêu chuẩn này không cần phải chứng minh nó gây hại trực tiếp đến ai (direct harm) hoặc gây ra sự xúc phạm không thể tránh khỏi cho người khác (unavoidable offense) – trong nhiều trường hợp việc đó hoặc rất khó chứng minh, hoặc trên thực tế không tồn tại “nạn nhân” nào theo hai nguyên tắc trên.

 

                                                              ***

 

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng một phần trong các thước đo kể trên để tạo ra giới hạn cho các hành vi tự do ngôn luận.

Điểm khác biệt giữa những thể chế dân chủ tự do so với những quốc gia khác không nằm ở việc họ “có cấm hay không”, mà là họ cấm như thế nào, dựa trên những cơ sở gì.

Một xã hội càng tôn trọng tự do, những quy định hạn chế lại càng phải dựa trên những quy tắc rõ ràng, hợp lý, được đa số chấp thuận.

Ngược lại, một xã hội kìm kẹp tự do lại luôn thích áp dụng những quy định nửa vời, mơ hồ để quăng chiếc lưới ra rộng nhất có thể, hòng nhốt chặt không cho bất kỳ một ý tưởng lạc lối nào thoát ra ngoài.

Một xã hội tôn trọng tự do luôn khuyến khích việc thảo luận về những giới hạn, và sẵn sàng thay đổi khi quan điểm của cộng đồng có biến chuyển. 

Một xã hội kìm kẹp tự do ngược lại luôn sợ hãi, né tránh và tìm cách dập tắt những cuộc thảo luận đó.

Xã hội cũng giống như cơ thể của con người. Trốn tránh những cơ hội thảo luận công khai cởi mở cũng giống như lo sợ không dám để bác sĩ chẩn bệnh.

Một xã hội như vậy không thể là một xã hội khỏe mạnh.

 

 

----------------------------------------------

.

.

Tự do ngôn luận – Kỳ 2: Liệu bạn có bao giờ thấy hai chữ “địt mẹ” trên mặt báo?

Y Chan

12/08/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/08/tu-do-ngon-luan-ky-2-lieu-ban-co-bao-gio-thay-hai-chu-dit-me-tren-mat-bao/

 

Lời tòa soạn: Ban biên tập Luật Khoa hoàn toàn hiểu tiêu đề và một số từ, ngữ trong bài viết này có thể gây sốc với nhiều độc giả. Luật Khoa lựa chọn cách giữ nguyên các từ, ngữ này theo đề xuất của tác giả, sau khi tham vấn ý kiến của một số độc giả. Lý do chúng tôi chọn phương án này là vì bài viết đang bàn đến tự do ngôn luận, và căn cứ vào nội dung bài viết, chúng tôi thấy không có lý do để tự kiểm duyệt. Bên cạnh đó, bài viết bàn cả về khía cạnh ngôn ngữ của các từ, ngữ này, và do đó, các từ, ngữ này nên được viết ra một cách rõ ràng để xem xét nó như một đối tượng ngôn ngữ thông thường. Chúng tôi biết rằng quyết định này sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người, và tôn trọng phán xét của quý vị độc giả.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/1920/08/dit-me-ngon-luan-1-1024x576.jpg

Rapper Nah Sơn, tác giả bài "ĐMCS" và ca sĩ Duy Mạnh. Ảnh: Nhiều nguồn. Dịch biểu ngữ: "Địt mẹ cái tự do ngôn luận của mày". Hình nền chụp tại một cuộc biểu tình ở Đại học New York (Mỹ) ngày 28/3/2017. Ảnh: thedustyrebel.com. Đồ họa: Luật Khoa

 

                                                        ***

 

Khi nhắc đến tự do ngôn luận, các ngôn từ và biểu đạt “tục tĩu” thường chiếm vị trí nổi bật trong những cuộc tranh cãi.

Rất nhiều người mặc định rằng những thứ tục tĩu đó không thể được xếp vào “tự do ngôn luận”, không thể được bảo vệ như cách người ta bảo vệ các phát ngôn “sạch sẽ” khác.

Sự thật tuy vậy thường phức tạp hơn những gì người ta mặc định.

 

.

Thế nào là tục tĩu?

 

Để nói về tục tĩu, tất nhiên phải định nghĩa nó. Nhưng một việc tưởng chừng như đơn giản đó hóa ra lại khá phức tạp.

Chúng ta thử xem số phận của chữ “fuck” trong tiếng Anh. 

Gần như người Việt nào cũng biết ý nghĩa của từ được cho là chửi thề này. Nhưng cho đến nay không có người Anh, người Mỹ nào có thể chắc chắn về nguồn gốc ý nghĩa của nó.

Người thì cho rằng nó có gốc Latin, kẻ đoán nó phải từ tiếng Đức, người nghĩ nó là tiếng Anh cổ, và có kẻ thì lần mò ra được họ hàng từ tận Scandinavia. 

Lý do không ai biết được gốc tích thật sự của một trong những từ phổ biến nhất trong tiếng Anh là vì nó hoàn toàn bị cấm trong suốt một thời gian dài. 

Tại chính nước Mỹ tự do, đến tận thập niên 1960, các ấn phẩm sách báo đều không được phép lưu hành nếu có chữ “fuck” trong đó. Tiểu thuyết nổi tiếng “Lady Chatterley’s Lover” của nhà văn D. H. Lawrence khi được in tại Mỹ vào năm 1959 đã bị nhà chức trách thu hồi vì có “fuck” xuất hiện. Chỉ sau khi nhà xuất bản khởi kiện và được tòa phán “tác phẩm không tục tĩu”, quyển tiểu thuyết mới đến được tay độc giả (số phận của quyển sách tại quê hương Anh quốc của tác giả cũng tương tự, bị cấm và chỉ được giải phóng khi tòa xử cho nhà xuất bản thắng kiện).

Còn quyển từ điển Oxford mà nhiều người quen thuộc được xuất bản lần đầu vào năm 1884, mãi đến gần 100 năm sau, năm 1972, các nhà biên soạn mới chịu đưa “fuck” vào trong mục từ, bất kể việc chữ này xuất hiện từ trước khi ấn bản đầu tiên của Oxford ra đời vài trăm năm.

So với “fuck”, các huynh đệ đồng môn của nó trong tiếng Việt như “đụ”, “đéo” và “địt” có danh có phận hơn.

Ngay từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản vào năm 1895, các từ này đã được đưa vào từ điển. 

Trong ấn bản đó, trừ “đụ” và “đéo” là mang nghĩa “giao cấu”, “địt” vẫn còn mang nghĩa “đít bắn hơi kêu ra tiếng” chứ chưa được xếp chung mâm “tục tĩu” như hai chữ trên.

Riêng từ “tục tĩu”, ngoài chữ “tục” với nghĩa dễ thấy (như trong “thông tục”), “tĩu” là từ có chung nguồn gốc với chữ của tiếng Quảng Đông, đọc cùng âm /diu/, có nghĩa gốc là “dương vật” (với bộ là cơ thể người còn là chỉ thứ đung đưa), trong ngôn ngữ hiện đại nó mang cùng nghĩa “giao cấu” như “đụ”. Chữ khi phát âm theo tiếng Phúc Kiến /diao/ cũng khá gần âm với “đéo”. 

Có thể suy ra các từ này đều có chung nguồn gốc, chỉ hành động giao cấu.

 

.

Tục tĩu có tội gì?

 

Vì sao những từ chỉ hành động giao cấu lại bị xem là xấu xa?

Trong quyển sách mang tựa đề vỏn vẹn một chữ “Fuck”, giáo sư luật Christopher Fairman thuộc Đại học Ohio đã tìm cách giải thích điều này.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/41MFEbWxhNL._SR600315_PIWhiteStripBottomLeft035_SCLZZZZZZZ_.jpg

Cuốn “Fuck: Word Taboo and Protecting our First Amendment Liberties”. Ảnh: Amazon.

 

Tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia, từ ngôn ngữ học đến phân tâm học, Fairman cho rằng những từ tục tĩu là một dạng “từ cấm kỵ” (word taboo). Giống như mọi thứ cấm kỵ khác, nó có nguồn gốc từ việc bảo vệ con người khỏi sự nguy hiểm. 

Chúng ta không nhắc đến cái chết, đến bệnh tật, đến cứt đái, đến những bãi nôn mửa, đến các con vật đáng sợ, thậm chí né tránh nhắc đến thần linh đều là để bảo vệ mình khỏi các mối nguy từ đó.

Ví dụ như từ “bear” (gấu) của tiếng Anh. Nó có nguồn gốc từ tiếng Đức với nghĩa “con vật màu nâu” thay vì là một danh từ riêng chỉ loài gấu. Lối nói tránh này (euphemism) là cách các thợ săn ngày xưa tự bảo vệ mình khỏi nỗi sợ hãi đụng độ với con vật to lớn. Người Đức không cô đơn, khi người Ireland cũng gọi gấu bằng cái tên thân thương “con bê ngoan”, người xứ Wales thì gọi chúng là “heo mật”, người Nga là “bọn ăn mật”, còn người Lithuania đơn giản là “bọn thích liếm”.

Người Ukraine đúc kết nỗi sợ này bằng câu tục ngữ “Ai nhắc tới sói là sói chạy ngay vào nhà”. 

Lo sợ đắc tội với thần linh cũng là một phản ứng cấm kỵ giống vậy, như cách người Do Thái không gọi tên trực tiếp Chúa của mình, thậm chí cũng không viết rõ tên ra mà dùng lối viết tắt YHVH để tránh phạm tội báng bổ.

Các từ cấm kỵ là một ánh xạ của những hành động cấm kỵ.

Việc nhắc tới, hay nghe ai đó nhắc, tự khắc gợi lên trong đầu con người hình ảnh về những mối nguy, và tự động kích thích các phản ứng sợ hãi/ ghê tởm/ khinh ghét… để giúp chúng ta tránh các hiểm nguy đó mà không cần mất nhiều thời gian bình tĩnh suy xét.

Điều tương tự diễn ra với những từ tục tĩu. Nó đại diện cho những hành động cấm kỵ về tính dục từ thời xa xưa, như loạn dâm, loạn luân, ấu dâm… mà mỗi khi các từ “tĩu” như vậy được xướng lên, con người ngay lập tức có phản ứng tiêu cực với nó để tránh lặp lại các hành động được cho là nguy hiểm ấy.

Đó là cơ chế sinh tồn sót lại từ thời tiền sử. 

Nhưng nó có còn mang ý nghĩa “sống còn” như vậy vào thời nay?

Cũng như việc sợ hãi vô lý khi nhắc tới cái chết – một thứ vừa cấm kỵ vừa xúi quẩy, cứ như nhắc đến là sẽ có người lăn ra chết ngay lập tức – nỗi sợ hãi ghê tởm mơ hồ về những ngôn từ tục tĩu liệu có còn cần thiết với con người hiện đại?

 

.

Tục mà không tĩu thì có tội gì?

 

cả khi bảo lưu quyền được ghê sợ những từ tục tĩu, người ta cũng sẽ phải trả lời cho câu hỏi, khi những từ “tục” không còn mang nghĩa “tĩu”, tại sao mình vẫn còn phải sợ?

Trong quyển sách “Fuck”, giáo sư Fairman đã trình bày các dẫn chứng qua đó cho thấy theo thời gian, từ “fuck¹” với nghĩa giao cấu đã chuyển sang “fuck²” mang ý thể hiện cảm xúc tức thời mà người phát ngôn không hề có ý nghĩ gì về tính dục.

Trong tiếng Anh hiện đại, những trường hợp sử dụng chữ “fuck” với hàm ý cảm xúc (fuck²) chiếm tuyệt đại đa số so với ý nghĩa nguyên thủy về tính dục (fuck¹).

Như khi người ta nói món ăn này “fucking good”, nó chỉ đơn giản là “cực ngon” chứ không mang nghĩa “ngon tới mức muốn đi giao cấu”. 

Sự phát triển của ngôn ngữ nói chung và của những “tĩu ngữ” nói riêng là lý do chính khiến cho các lệnh cấm kiểu “văn tự ngục” như Đạo luật Comstock ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhanh chóng trở nên lỗi thời và bị loại bỏ.

Dưới ảnh hưởng của Đạo luật Comstock (mang tên của Anthony Comstock, một nhân vật dành trọn đời mình để đi thanh tẩy ngôn ngữ giang hồ), hàng trăm tấn sách vở báo chí đã bị tiêu hủy suốt vài chục năm. Trong số đó có cả những tác phẩm của Leo Tolstoy và Walt Whitman, cùng vô số những sách truyện hay công trình nghiên cứu khác, tất cả đều bị dẹp bỏ chỉ vì “dám” nhắc tới những từ tục tĩu, bất kể những từ đó được dùng như thế nào và các công trình hay tác phẩm đó nói về gì.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/tieu-su-ca-si-duy-manh-4010-1024x682.jpg

Ca sĩ Duy Mạnh nổi tiếng với việc công khai chửi thề. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

 

Những tĩu ngữ của tiếng Việt cũng trải qua quá trình biến chuyển tương tự. 

Trong tuyệt đại đa số trường hợp, cho dù là ngôn ngữ nói hay viết, khi nhắc đến “đụ”, “địt” hay “đéo”, người ta đều không chủ ý đề cập đến hành vi giao cấu, mà chỉ đơn giản dùng nó như một thứ phản ứng cảm xúc tức thời.

Ngoài những tĩu từ nguyên gốc trên, tiếng Việt hiện đại, ít nhất là của người trẻ, cũng đã phát triển thêm các biến thể khác như “đu”, “đù” hay “đíu”.

Cho dù vắt kiệt lực cũng thật khó để một người có thể liên tưởng đến hành vi giao cấu tính dục khi nghe ai đó nói “a đù, xe này đẹp bây” hay “tao đíu muốn nói chuyện với mày nữa”.

Một khi tục từ không còn mang tính tĩu, còn lý do gì để người ta phải ghê sợ, khinh ghét và nhất là cấm đoán, đòi trừng phạt những người sử dụng nó?

 

.

“Địt mẹ” rốt cục có tội gì?

 

Có rất nhiều bạn trẻ hâm mộ những người nổi tiếng hở một tiếng là “địt” và hai tiếng là “đụ”. Họ cho đó là “thô nhưng thật”, như thể những ai không “dám” nói ra những tĩu từ đó đều là giả dối.

Đó tất nhiên là một quan niệm sai lầm.

Có thể hình dung các từ tục tĩu cũng giống như phân. Ai cũng thải ra nó mỗi ngày, thậm chí vào bất kỳ thời khắc nào, cơ thể mỗi người đều có thể xem là một thùng phân di động.

Nhưng để thải ra phân, tuyệt đại đa số đều biết tìm đến đúng nơi đúng chỗ (cái toilet) nhằm đảm bảo vệ sinh thay vì ngồi đâu ỉa đó. 

Với những người đi đến đâu cũng để lại vài bãi, không có lý do gì để nghĩ rằng họ “thật hơn” những người khác. Họ chỉ có thể là những kẻ không biết kiểm soát cơ thể mình, không biết tôn trọng người xung quanh, hay chỉ đơn giản là có vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa mà không biết đi khám bác sĩ.

Việc phun phì phèo vô tội vạ những ngôn từ tục tĩu cũng là một dạng “đi ỉa tự do” giống vậy. 

Cũng như phân người, các từ tục tĩu không có tội tình gì. Vấn đề chỉ xuất hiện khi nó được thả không đúng chỗ.  

Phân thật ra lại là một thứ cực kỳ có ích, từ việc nghiên cứu phân tích nó để tìm ra tình trạng bệnh lý, hay ủ nó và tạo thành thức ăn cho cây.

Các tĩu từ, đặt đúng vị trí của nó, cũng hoàn toàn có thể là những thứ có ích. Ít nhất thì chúng có vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong lịch sử phát triển ngôn ngữ của nhân loại.

Cho tới trước khi viết bài này, người viết chưa bao giờ nói hay tạo ra những chữ “địt”, “đụ”, “đéo” trong bất kỳ trường hợp nào. Và nếu không viết về đề tài này, có lẽ người viết cũng không bao giờ có nhu cầu cần viết những tĩu ngữ này.

Tiêu đề gốc của bài viết được gắn trang trọng hai chữ “địt mẹ”. Nếu bài được chọn đăng, khả năng cao ban biên tập của Luật Khoa cũng sẽ không đồng ý với việc cho từ đó, cùng với các huynh đệ tỷ muội của nó, xuất hiện trong bài, huống hồ là treo ngay tiêu đề.

Và đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/1920/08/nah-son-1024x576.jpg

Nah Sơn (Nguyễn Vũ Sơn), ca sĩ – nhạc sĩ nhạc rap, người nổi tiếng gây tranh cãi với bài hát “ĐMCS” với điệp khúc “địt mẹ cộng sản”. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

 

Đến tận ngày hôm nay, khi đọc những tờ báo nước ngoài, bạn cũng sẽ rất ít khi thấy xuất hiện chữ “fuck”, mà thay vào đó là “the four-letter word” (từ bốn ký tự), “f**k” hay “f__k”, ngay cả khi tường thuật trực tiếp lại lời nói của nhân vật trong một sự kiện nào đó.

Nỗi sợ hãi mơ hồ về ngôn từ cấm kỵ vẫn còn ở những xã hội được cho là văn minh tự do nhất.

Một trong những lý do có vẻ chính đáng nhất được đưa ra là để bảo vệ trẻ em, giúp chúng khỏi bị “đầu độc” từ sớm.

Người viết không chắc những cách dùng né tránh, các uyển ngữ như trên là thật sự để bảo vệ những đứa trẻ, hay bảo vệ người lớn khỏi sự thật rằng những đứa trẻ không ngây thơ như họ tưởng tượng.

Câu chuyện của tác giả Dave Trott kể lại trong quyển “1+1=3” đáng để mọi người lớn tham khảo.

Một ngày đẹp trời, Trott được cô giáo ở trường báo lại rằng con trai anh thường xuyên ngồi đu người trên lan can thành cầu thang nằm trên tầng ba của tòa nhà. Các thầy cô nhắc nhở mọi cách nhưng đứa nhỏ vẫn tiếp tục lặp lại trò này. Cô giáo nhờ anh tìm cách dạy dỗ lại để tránh thảm họa xảy ra. 

Trott biết rằng có tìm cách cấm cản cậu nhóc cũng vô dụng. Chờ đến ngày cuối tuần, khi vợ đi ra ngoài mua sắm, anh rủ con trai “chơi trò lăn xuống bậc cầu thang”. 

Cậu nhóc khoái chí. Anh dẫn cậu lên phía đầu cầu thang ở nhà, hướng dẫn cách đưa hai tay ôm đầu, cuộn tròn như quả banh và bảo cậu lăn xuống.

Cậu bé làm theo, ngã lăn xuống cầu thang, và lồm cồm bò dậy than đau. Trott bảo đó là vì cậu làm chưa đúng cách, khuyến khích cậu làm lại. Cậu nhóc ngã lại, và tiếp tục xoa tay xoa chân. Trott khen cậu làm tốt, khuyến khích cậu lặp lại. Cậu bé tiếp tục ngã. 

Lần này đúng lúc người vợ về đến nhà và nổi đóa.

Trott giải thích rằng đây là cách tốt nhất để giúp con trai.

Cậu nhóc còn quá nhỏ để biết rằng nếu tiếp tục đu người trên lan can, khi ngã xuống hậu quả sẽ khôn lường. Đó cũng là lý do chính cậu sẽ không nghe lời khuyên bảo của người lớn.

Thay vì tiếp tục cấm đoán, anh tìm cách giúp cậu học cách té ngã tại nhà, nơi chỉ có một tầng cầu thang, lại được bọc thảm, và cho dù có chuyện gì anh cũng có mặt để đưa cậu bé đến bệnh viện.

Người vợ vẫn còn giận, nhưng cô hiểu logic của chồng.

Cậu con trai thì vẫn đang nhăn mặt xoa tay xoa chân. Giờ cậu đã biết là té cầu thang không phải chuyện thú vị gì.

Sau lần đó, nhà trường thông báo rằng cậu bé không còn ngồi đu thành lan can nữa.

Tác giả Christopher Fairman đã viết lời tựa dành tặng con gái của mình trong quyển “Fuck”, rằng “hy vọng cô bé sẽ ít nói từ đó mà hiểu về nó nhiều hơn”. 

Fairman qua đời không lâu sau khi hoàn thành quyển sách. 

Con gái của ông, cũng giống như con trai của Trott, có lẽ đã học được rất nhiều từ những người lớn không sợ cấm kỵ và không chịu cấm cản của mình.

 

                                                      ***

Đọc thêm:

·         4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ

·         Hoa Kỳ kiểm duyệt phim như thế nào

·         Mỹ: Dọa bắn tổng thống cũng là tự do ngôn luận

·         Ông chủ Playboy Hugh Hefner: Tay chơi bảo vệ tự do ngôn luận Mỹ

·         Tự do ngôn luận từ nhiều góc nhìn

·         Kiểm duyệt: Bàn tay che nắng hay che được cả trời?

·         Quản lý báo chí Mỹ: Không giấy phép, không kiểm duyệt, không thẻ nhà báo

·         Nhập gia tuỳ… lãnh tụ

·         “Piss on you, Trump!”: Sắc màu tự do

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats