Thursday, 6 August 2020

NHÌN LẠI NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUA DỰ THẢO LUẬT HỘI (TK Tran)



Nhân việc thành lập “nghiệp đoàn độc lập“ nhìn lại những qui định về việc thành lập hội của nhà nước VN qua dự thảo luật Hội

TK Tran

Tác giả gửi tới Dân Luận

06/08/2020

https://www.danluan.org/tin-tuc/20200806/nhan-viec-thanh-lap-nghiep-doan-doc-lap-nhin-lai-nhung-qui-dinh-ve-viec-thanh-lap

 

Đầu tháng 7 vừa qua một thông báo cho biết 1 nghiệp đoàn độc lập nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân ra đời (1)(2). Chưa ai biết rõ những người cầm đầu là ai, thực chất của nghiệp đoàn này ra sao, song sự kiện này có lẽ sẽ mở đầu cho sự xuất hiện 1 loạt nghiệp đoàn độc lập khác, nằm trong khuôn khổ thỏa thuận của nhà nước VN với EU trong hiệp ước thương mại EVFTA(3).

 

Quan điểm của nhà nước VN đối với việc thành lập những Hội Đoàn tương tự như thế nào? VN chưa ban hành chính thức luật Hội. Từ năm 2006 khi dự thảo đầu tiên được „trình làng“, luật Hội được sửa chữa tới, sửa chữa lui, tới nay hơn chục lần, nhưng nhà nước vẫn chưa hài lòng.Tháng 10 năm 2016, chính phủ lại đề nghị Quốc Hội lui việc bàn thảo và chuẩn y luật Hội. Từ đó tới nay dự thảo vẫn chưa được sửa đổi hoặc bàn thảo lại.

Bài này kiểm điểm lại cái nhìn của nhà nước với Hội qua dự thảo luật cuối cùng để đánh giá cơ may của sự thành lập các nghiệp đoàn độc lập thực sự.

 

Dự thảo luật Hội, phiên bản 27.10.2016(4)

 

1.- Nguyên tắc quan trọng nhất của nhà nước là phải nắm chắc sự kiểm soát các Hội Đoàn:

 

Điều 7 Chương 1 viết rằng „nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lập Hội của công dân VN“, song không quên kèm thêm điều kiện „phải theo đúng qui định của Hiến pháp“, có nghĩa là phải công nhận sự lãnh đạo của đảng CS. Quan trọng hơn, cần lưu tâm nhiều hơn là điều 4 dự thảo Hội: „Hội….góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước…“. Có nghĩa là nhà nước không buông lỏng sự kiểm soát Hội Đoàn.

 

2.-Các phương thức của nhà nước để kiểm soát Hội Đoàn:

 

Rào cản hành chính: Giấy chứng nhận đăng ký, giấy công nhận điều lệ Hội, giấy công nhận người đứng đầu Hội

Không như ở các nước dân chủ, nơi mà nhà nước chỉ cần được thông báo về việc thành lập Hội, ở VN Hội Đoàn muốn được hoạt động thì trước hết phải được nhà nước cho phép thông qua việc cấp „Giấy chứng nhận đăng ký thành lập“, việc „công nhận điều lệ và người đứng đầu Hội“ (điều 4, điều 5). Không có những giấy phép này thì không được hoạt động.

 

Loại bỏ cá nhân sáng lập Hội đang nằm trong „tầm nhắm“ của nhà nước:

Điều 8 viết rằng những người bị kết án tù có thời hạn không được thành lập Hội. Không những thế, ngay cả những người „đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự“, có nghĩa là mới bị lên án, chưa có án chính thức, trên nguyên tắc còn vô tội cũng bị cấm thành lập Hội. Điều này cản trở việc lập Hội của những nhà hoạt động dân chủ đã 1 lần bị bắt hay đang bị nhà nước xét xử.

 

Điều 10 ấn định rằng tối thiểu phải có ít nhất là 7 người „sáng lập viên là người… có sức khỏe và uy tín…“. Thế nào là có sức khỏe? Liệu những bệnh phổ thông như cao huyết áp, nhiều mỡ trong máu có là trở ngại cho việc thành lập Hội? Thế nào là „uy tín“? Uy tín là là khái niệm rất trừu tượng và sẽ được định nghĩa theo cách nhìn có lợi cho vị thế của nhà nước. Người „vô danh tiểu tốt“ không được thành lập Hội? Làm sao để ấn định rằng người này có uy tín, người kia không có đủ uy tín? Và phải có ít nhất là 7 người có „uy tín“. Nhà nước có thể dựa vào những tiêu chí cực kỳ trừu tượng như trên để cấm đoán cá nhân A,B,C… nào đó có quyền lập hội.

 

Nhà nước giám sát và can thiệp vào hoạt động của Hội như thế nào?

Điều 14 qui định là trong thời hạn 30 ngày sau khi thành lập Hội, ban lãnh đạo Hội phải báo cáo và đề nghị cơ quan nhà nước công nhận điều lệ Hội và người đứng đầu Hội. Chỉ khi nào cơ quan nhà nước ra quyết định công nhận thì Hội mới được hoạt động

Điều 18 đòi hỏi là khi tổ chức đại hội Hội để bàn về các vấn đề nội bộ, ban lãnh đạo Hội phải báo cáo cho nhà nước về nội dung bàn thảo, chậm nhất là 30 ngày trước đại hội. Nếu nhà nước không chấp nhận nội dung bàn thảo thì không được tổ chức đại hội. Sau khi kết thúc đại hội, ban lãnh đạo Hội phải báo cáo kết quả đại hội và nhà nước quyết định công nhận hay không. Nếu Hội tổ chức họp đại hội trước khi được cho phép, hay báo cáo kết quả đại hội không đúng kỳ hạn thì sẽ bị đình chỉ hoạt động 6 tháng (điều 25). Thêm nữa, các điều khoản về sự chấp thuận hay không những báo cáo này cũng mơ hồ, để ngỏ cửa cho sự tùy tiện của quan chức cho phép.

 

Điều 20 nhắc lại là người đứng đầu Hội phải có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín trong lãnh vực hoạt động và có sức khỏe.

 

Điều 23 viết rằng nghĩa vụ của Hội là hàng năm phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội với cơ quan nhà nước. Theo điều 17 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (5) các cơ quan có thẩm quyền cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của các Hội, nhưng „các Hội phải chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra kiểm toán, thanh tra của nhà nước“.

 

Điều 25 có nội dung về việc giải tán, giải thể Hội. Hội bị giải thể khi làm phương hại tới chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích nhà nước…, tuyên truyền trái chính sách nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc. Các cơ quan nhà nước cấp giấy phép hoạt động đồng thời cũng là cơ quan có quyền tước giấy phép, giải tán Hội.

 

Viện cớ „làm phương hại tới an ninh quốc gia“ nhà nước có thể cấm đoán Hội Đoàn. Tuy nhiên cần biết là theo „Nguyên tắc Johannesburg về An ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin“ năm 1995 thì “, biện pháp hạn chế được biện minh dựa trên an ninh quốc gia là không chính đáng nếu mục đích chân chính hoặc hiệu quả rõ ràng là để bảo vệ lợi ích không liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm, ví dụ, để bảo vệ một chính phủ thối nát hay tiếp tay cho hành vi sai trái“ (nguyên tắc 2, khoản b)(6)

 

Điều 9 nghiêm cấm việc „ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của danh nhân, anh hùng dân tộc“, nếu vi phạm sẽ dẫn tới việc Hội bị giải tán (theo điều 25). Có nghĩa là nhà nước răn đe: việc bêu xấu chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ bị nghiêm trị.

 

Nhà nước loại bỏ „yếu tố nước ngoài“ trong việc thành lập Hội:

 

Nhà nước hạn chế nguồn thu nhập tài chánh để giới hạn khả năng hoạt động Hội

Điều 16 qui định là hội viên kể cả hội viên liên kết hay hội viên danh dự phải là người VN. Người nước ngoài không được gia nhập.

 

Điều 22 viết về tài chính của Hội: Hội chỉ được tiếp nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong nước. Nói rõ hơn ở điều 8: Hội không liên kết, gia nhập các hội

nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài.

 

Trong lãnh vực kinh tế nhà nước ve vãn khắp nơi trên thế giới để xin tiền viện trợ hay quyến dụ ngoại quốc đổ tiền vào VN đầu tư, song trong lãnh vực Hội tư nhân, nhà nước loại bỏ ảnh hưởng nước ngoài, đồng thời cũng để làm giảm thiểu nội lực tài chánh bằng cách qui định là các Hội Đoàn không được nhận hội viên là người nước ngoài, Hội bị nghiêm cấm nhận tài trợ dù là hợp pháp từ nước ngoài. Trong khi đó, chuyên gia LHQ khẳng định: khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính là một thành tố trọng yếu của tự do hiệp hội.

 

Cũng trong lãnh vực tài chính, dự luật không dự trù việc nâng đỡ tài chính qua việc giảm hay bãi bỏ thuế khóa cho các Hội. Không những thế, Hội phải chứng minh có đủ tài sản bảo đảm hoạt động của Hội (điều 11, mục c). Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi „Hội thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao“ (điều 7, mục 4). Ngược lại, một cách bất công, nhà nước lại dùng tiền thuế của nhân dân đóng góp để nuôi các hội đoàn là cánh tay nối dài của đảng CS. Chỉ riêng đoàn thanh niên CS cũng đã nuốt quãng 350 tỷ đồng hàng năm.Tổng cộng ngân sách nhà nước hàng năm chi cho các đoàn thể của nhà nước lên tới quãng 14000 tỷ đồng.

 

Dự luật cho phép cài cắm người của Đảng và nhà nước vào các Hội tư nhân

Điều 8, khoản 3 viết:“ cán bộ công chức và những người đang làm việc trong lực lượng vũ trang chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập Hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động Hội khi được cơ quan có thẩm quyền phân công“.

 

Điều khoản này nói lên không úp mở là nhà nước có khả năng PHÂN CÔNG người của nhà nước vào hoạt động trong các chức vụ quan trọng của Hội.

 

3. Luật Hội: khúc xương gà trong cổ họng nhà nước

 

Nhả ra không được, mà nuốt vào cũng không xong đang là tình trạng hiện nay của nhà nước đối với luật Hội. Điều này giải thích tại sao, sau gần 20 năm sửa soạn qua hàng chục lần sửa đổi, luật Hội vẫn chưa thể đem ra quốc hội để bàn bạc và chuẩn y, mặc dù sự quan tâm của dư luận quần chúng đã lên tới mức kỷ lục với hàng chục triệu kết quả khi tìm kiếm, so với những dự luật khác.

 

Một mặt nhà nước VN phải làm cho ra luật Hội. Lập Hội là nhu cầu căn bản cấp bách của người dân mà một nhà nước luôn mồm nói là „vì dân, do dân“ không thể tảng lờ mãi được. Luật Hội là tiền đề cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của người lao động như đòi hỏi của hiệp định EVFTA mà nhà nước VN đã đồng ý ký kết. Mặt khác nhà nước VN – trong cách nhìn của họ - không thể cho phép các hội đoàn tự do hoạt động đe dọa sự tồn tại của chế độ.

 

4.Trong chiều hướng nào luật Hội mới có thể ra đời?

 

Theo chiều hướng „thoáng“, cởi mở như trào lưu hội nhập thế giới đòi hỏi hay theo chiều hướng ngược lại: thắt chặt để củng cố bảo vệ chế độ?

 

So sánh dự luật mới nhất 27.10.2016 với Nghị định 45/2010 hay dự luật 25.09.2015

 

Nếu Nghị định 45/2010 (NĐ 2010) hay dự luật 25.09.2015 (2015) không đề cập tới vai trò của Đảng CS thì dự luật 27.10.2016 ghi rõ: Hội là tổ chức… góp phần thực hiện chủ trương của Đảng (điều 4).

 

Nếu dự luật 2015 không dự trù việc cài cắm người của nhà nước vào các Hội, thì dự luật 2016 có điều khoản về việc nhà nước „phân công“ cán bộ nắm các chức vụ chủ chốt trong các Hội, vứt bỏ nguyên tắc „tự chủ, tự quản“ của Hội.

 

Nếu NĐ 2010, dự luật 2015 cho phép Hội được nhận tài trợ từ trong và ngoài nước, Hội được gia nhập các tổ chức quốc tế (điều 24, 29), thì dự luật 2016 gạch bỏ những điều khoản này: cấm liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài (điều 8).

 

Nếu NĐ 2010, dự luật 2015 cho phép „doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài“ có thể trở thành hội viên của Hội (điều 15), thì dự luật cuối cùng buộc hội viên, dù là hội viên liên kết, phải là người Việt Nam (điều 16)

 

Nếu dự luật 2015 không đề cập tới điều kiện của người đứng đầu Hội, thì dự luật 2016 đòi hỏi người sáng lập viên phải có đủ sức khỏe và có… „uy tín“, một khái niệm rất mơ hồ, co dãn tùy ý.

 

Nói chung, so sánh Nghị định 45/2010 hay dự luật 25.09.2015 với dự luật mới nhất thì chiều hướng nhà nước nhắm tới đi ngược tiến trình dân chủ, tăng cường sức ép, kiềm chế các hoạt động Hội.

 

Những thay đổi dự luật nói trên cộng thêm nhiều điều khoản rào cản vẫn không làm hết hay giảm thiểu nỗi lo ngại của nhà nước, nên họ vẫn không muốn đem dự luật ra biểu quyết thi hành.

 

Tại sao?

 

Câu trả lời sẽ là:

 

5. Quyền tự do lập Hội đi đôi với quyền tự do đi lại, tự do họp hành, tự do ngôn luận, tự do thông tin

 

Những điều này có lẽ mới là những điều „khó nghĩ“ cho một thể chế độc tài toàn trị.

Không nói tới những hội không quan trọng cho chế độ như „Hội bảo vệ động vật hoang dã“, mà tính tới những hội có tầm vóc, ví dụ như „Hội bảo vệ những công nhân làm giầy“ hay „Hội đoàn kết dân tộc Kinh và Hmong“ chẳng hạn. Một khi chấp nhận Hội, thì phải chấp nhận cho họp đại hội, có nghĩa là cho hàng ngàn hội viên tự do đi lại tới đại hội, ngồi trong đại hội là tự do họp hành, phát biểu trong đại hội là tự do ngôn luận, in ấn những phát biểu trong đại hội là tự do báo chí, tự do thông tin về những vấn đề của người lao động hay các vấn đề liên quan tới dân tộc thiểu số.

 

Nhà nước khó lòng kiểm soát hết tất cả tầng lớp nhân dân trong hội đoàn, một khi hàng ngàn hội đoàn được tự do nói lên những vấn đề khẩn trương của người dân trong những ngành khác nhau. Nguy cơ lung lay chế độ là có thực. Có lẽ đó là nguyên do chính cho việc trì hoãn việc ban hành luật Hội.

 

                                                       ***

 

„Nghiệp đoàn độc lập“ được thành lập không có giấy phép lập Hội của nhà nước. Cho tới nay còn quá sớm để khẳng định rằng, đây là một hội đoàn thực sự độc lập, hay do chính nhà nước phân công cán bộ của họ lập ra? (theo điều 8, khoản 3 của dự luật)

 

Dự luật Hội hiện nay của Việt Nam cho thấy chủ đích của luật là nhằm kiểm soát, chi phối hoạt động của Hội theo đường hướng đảng CS vạch ra, chứ không nhằm mục đích nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động lợi ích cho tập thể.

 

Đất nước cần một Luật về Hội khác, có tính cách cởi mở hơn, tôn trọng quyền của người dân nhiều hơn. Chỉ trong những điều kiện đó, những hội đoàn, trong đó có cả những nghiệp đoàn độc lập thực sự, mới có cơ may công khai hoạt động hữu hiệu.

 

TKT

 

                                                          ***

Nguồn:

 

(1)https://baotiengdan.com/2020/07/01/nghiep-doan-doc-lap-viet-nam-ra-doi/

 

(2) http://quocphongthudo.vn/xem-tin-tuc/dau-tranh-chong-dien-bien-hoa-binh/can-loai-bo-cai-goi-la-%E2%80%9Cnghiep-doan-doc-lap-viet-nam%E2%80%9D-DNP28019999999991983DIZI5445.html

 

(3) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-evfta/12985/ban-tieng-viet-hiep-dinh-evfta-loi-noi-dau

 

(4) http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1110

 

(5) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx

 

(6) http://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/document/cac-nguyen-tac-johannesburg-ve-an-ninh-quoc-gia-tu-do-ngon-luan-va-tiep-can-thong-tin/

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats