Nghịch
lý phát triển của Việt Nam
Nguyễn Quang
Dy -
Viet Studies
11/08/2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_NghichLyPhatTrienVN.html
“Cơ
đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình, ta không làm tốt thì tự
ta lật đổ ta”. (Trần Quốc Vượng,
Thường trực Ban Bí thư, 25/12/2019).
Phát triển là một nhu cầu
khách quan và tất yếu của xã hội loài người. Nhu cầu đó càng cấp bách tại các
nước đang phát triển như Việt Nam. Sau khi đổi mới “vòng một”, Việt Nam phát
triển với tốc độ cao vào loại “nhất nhì khu vực”. Theo báo chí tuyên truyền, Việt
Nam có nhiều thành tích đứng đầu, làm thế giới khâm phục. Phải chăng đó là bệnh
thành tích?
Việt Nam càng phát triển nhanh thì đất nước càng tụt hậu, mà vẫn chưa
công nghiệp hóa. Trong khi tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt và
môi trường bị xâm hại nặng nề thì Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “bẫy thu nhập
trung bình”. Trong khi một số đại gia đã trở thành tỷ phú thì đa số người dân
nghèo đi. Phải chăng đó là nghịch lý phát triển?
Theo chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan, Việt Nam theo “mô hình không chịu phát triển”. Nói cách
khác, phát triển ở Việt Nam không theo đúng quy luật. Đây là một vấn đề cần đặt
ra không chỉ cho các chuyên gia kinh tế hay các quan chức chính phủ, mà còn cho
toàn xã hội. Muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải đổi mới thể chế. Trong khi
chờ các chuyên gia kinh tế lý giải về nghịch lý phát triển của Việt Nam, hãy điểm
qua vài vấn đề nổi cộm.
Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”?
Công bằng mà nói, ông
Nguyễn Bá Thanh có công phát triển Đà Nẵng nhưng chủ yếu là “hạ tầng cứng”, chứ
chưa phải là “hạ tầng mềm”. Ông ấy có ý tưởng biến Đà Nẵng thành
“nơi đáng sống”. Nhưng dự án định biến Làng Vân thành một “Little Ma Cao” không
thành. Ông ấy có kế hoạch định kết nghĩa với thành phố Yokohama của Nhật để xây
dựng Đà Nẵng theo mô hình “thành phố xanh” (green city) như thành phố Cebu của
Philippines.
Đó là những “giấc mơ ”,
nhưng Đà Nẵng chưa trở thành “nơi đáng sống” thì ông Nguyễn Bá Thanh đã chết.
Sau khi lãnh chúa Bá Thanh qua đời thì Đà Nẵng biến thành chiến địa vì các phe
phái đấu đá quyết liệt để tranh giành quyền lực. Kết cục là cậu ấm Nguyễn Xuân
Anh mất chức bí thư và bị kỷ luật, trong khi người hùng Vũ Nhôm phải vào
lò.
Như “phúc bất trùng lai,
họa vô đơn chí”, người dân Đà Nẵng chưa thoát họa sứ quân do tranh giành quyền
lực thì nay thành phố lại biến thành tử địa vì Covid-19 bùng phát. Nhưng tại
sao lại là Đà Nẵng? Phải chăng “phong thủy” Đà Nẵng có vấn đề, làm chính trị bất
ổn và kinh doanh đổ bể? Du lịch Đà Nẵng vừa mở cửa lại thì bị
Covid-19 đóng sập cửa.
Theo thống kê, Hà Nội có
gần mười vạn người vào Đà Nẵng, chủ yếu đi du lịch (vì giá rẻ), nay đang phải
truy tìm để làm xét nghiệm và khoanh vùng. Đà Nẵng vừa nổi lên như “ngọn cờ đầu”
của ngành du lịch, thì nay chìm xuống như tội đồ của ngành y tế. Tuy Trung ương
kịp thời chi viện để cứu Đà Nẵng, nhưng nguy cơ khó lường nếu không dập được dịch.
Nhiều người chủ quan và
nôn nóng muốn mở cửa nhanh để phục hồi du lịch, mà không đề phòng nguy cơ
Covid-19 bùng phát “vòng hai” như “thập diện mai phục”. Đó là bài học đắt giá
vì để “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong khi người Việt cần thận trọng mở cửa từng
bước để tránh nguy cơ khó lường, họ đã quên “chống dịch như chống giặc”. Nguyên
nhân lây nhiễm cộng đồng có thể từ những người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp.
Sài Gòn là “hòn ngọc Viễn
Đông”?
Sau khi Singapore tách khỏi
liên bang Malaysia (8/1965) và trở thành độc lập, ông Lý Quang Diệu từng mong
Singapore được như Sài Gòn (lúc đó là “hòn ngọc Viễn Đông”). Nhưng chỉ sau 2-3
thập kỷ phát triển thần kỳ, Singapore đã vượt xa Sài Gòn. Theo số liệu năm
2020, GDP PPP của Singapore nay là 103.000 USD (chỉ thua Qartar và
Luxembourg).
Khi Phú Quốc muốn trở
thành “đặc khu kinh tế”, nhiều người ảo tưởng Phú Quốc sẽ phát triển như
Singapore. Tuy diện tích và dân số hai hòn đảo không khác nhau mấy, Phú Quốc
cũng có cơ hội phát triển,
nhưng thể chế và bối cảnh khác xa nhau. Khi ông Lý Quang Diệu được cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt mời làm “cố vấn”, ông ấy đã chia sẻ kinh nghiệm và góp ý,
nhưng thất vọng vì chẳng ai thực sự lắng nghe, nên ông ấy muốn quên đi chuyện
đó.
Tuy Sài Gòn phát triển
nhanh, nhưng chủ yếu là bất động sản (hạ tầng cứng) theo “mô hình Thủ Thiêm”,
gây ra hệ lụy tham nhũng và mâu thuẫn xã hội. Vụ Thủ Thiêm làm dư luận bức xúc,
nhưng cách xử lý Nguyễn Thành Cang chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong
khi Nguyễn Thành Cang chỉ bị “phê bình”, thì Lê Thanh Hải vẫn “bình an vô sự”.
Về hạ tầng, Sài Gòn càng
xây dựng nhiều (về phía Đông) thì nạn ngập lụt ngày càng tăng mỗi khi mưa lớn,
vì quy hoạch thoát nước kém. Trong khi các kênh rạch ở Bangkok vẫn giao thông
được, thì kênh rạch ở Sài Gòn hoặc bị biến mất hoặc bị ô nhiễm và tắc nghẽn nên
không giao thông được. Báo Pháp luật thành phố (9/8) có bài “Cách lái ô tô
thoát hiểm vượt qua đường ngập nước”. Dư luận chỉ chú ý đến đối phó
với hậu quả (là cái ngọn).
Muốn tháo gỡ ách tắc để
phát triển bền vững, dư luận cần chú ý đến nguyên nhân (là cái gốc). Ngập lụt
không chỉ do thiên tai (như biến đổi khí hậu), mà còn do nhân họa (như quy hoạch
đô thị ). Trước đây, chỉ có Hà Nội thường xuyên bị ngập lụt khi mưa to, nhưng
nay Sài Gòn cũng thường xuyên bị ngập lụt khi đổi mùa, như chuyện “bình thường
mới”.
Trong khi đại dịch vẫn
đang bủa vây, thành phố phải vừa chống dịch, vừa làm kinh tế để sống. Trong bối
cảnh đó, “kinh tế ngầm” có vai trò như “phao cứu sinh” (safety net) cho người
dân. Thủ Tướng khuyến khích “kinh tế ban đêm” là một ví dụ. Hành động “dẹp vỉa
hè” của ông Đoàn Ngọc Hải (Quận I) trước đây là một bài học về tư duy và hành xử
ấu trĩ.
“Hà Nội không vội được
đâu”?
Hệ thống tuyên truyền của
Hà Nội thường tự hào rằng trong gần 100 ngày Việt Nam không có trường hợp nào mắc
Covid-19 mà bị chêt, và không có ai lây nhiễm cộng đồng. Đó là một thành tích rất
ấn tượng, nhưng “cái gì phải đến sẽ đến”, nếu chủ quan và tự sướng với thành
tích mà nhà báo David Hutt gọi là “quá tốt để thành sự thật” (too good to be
true).
Khi dịch lại bùng phát ở
Đà Nẵng (vào cuối tháng bảy), nó lan nhanh ra cả nước (bao gồm Hà Nội và Sài
Gòn), với tốc độ chóng mặt. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, đó là chủng virus mới có thể
lây lan nhanh gấp ba lần so với trước đây. Với tâm thức chủ quan, hàng vạn người
Hà Nội đã hồn nhiên đi Đà Nẵng du lịch, mà quên rằng “Hà Nội không vội được
đâu”.
Trước khi dịch Covid-19
bùng phát (đầu năm nay), dư luận Hà Nội lo ngại ô nhiễm không khí vượt mức cảnh
báo. Nhiều người đã phải bán nhà mặt đất để chuyển lên ở căn hộ tại các chung
cư cao tầng, để tránh ô nhiễm. Nhưng mỗi khi mở cửa sổ thì chỉ mấy phút sau đèn
hiệu máy lọc không khí chuyển từ màu xanh sang da cam và đỏ (mức cảnh báo).
Cách đây 5 năm, Hà Nội định
chặt hạ 7,600 cây xanh như một quyết định điên rồ, làm dư luận trong nước và quốc
tế phản ứng mạnh, nên phải dừng lại, tuy hàng trăm cây to đã bị chặt hạ trên mấy
tuyến đường (như Nguyễn Chí Thanh). Một số cán bộ các sở có liên quan đã bị kỷ
luật để xoa dịu dư luận, nhưng vụ bê bối này đã để lại một vết đen cho Hà Nội.
Trong khi đó, Hà Nội nổi
tiếng thế giới vì tắc đường và tai nạn giao thông, trong khi hệ thống các cột
điện với dây điện cuốn nhằng nhịt như mạng nhện làm Bill Gates phải kinh ngạc.
Tại Hà Nội, người ta vẫn đào đường phố và lát lại vỉa hè vô tội vạ, như chuyện
“bình thường mới”, làm thành phố lúc nào cũng ngổn ngang như một công trường thời
chiến.
Trước đây, khi dự án “Thủy
cung Thăng Long” bị dư luận thủ đô phản đối, đã phải dừng lại. Nhưng sau này,
khi các nhóm lợi ích muốn mở rộng Hà Nội thì không ai có thể cản được. Tuy
thành phố có quy định không cho xây nhà cao tầng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ
Tây, nhưng một tòa chung cư cao tầng đã mọc lên sừng sững giữa Hồ Tây tại Quảng
An. Chỉ có thể lý giải thời thế đã thay đổi khi chủ nghĩa thân hữu trở thành trụ
cột.
Sau khi các tập đoàn thân
hữu chiếm hết đất vàng, đất bạc ở thành phố, họ đang vươn tới các rừng quốc gia
(như Tam Đảo) và các khu sinh thái (như Cần Giờ) để làm khu nghỉ dưỡng. Lịch sử
phát triển Việt Nam thời kỳ quá độ (hoang dã) của kinh tế thị trường sẽ ghi nhận
công lao của họ về “phát triển bất động sản bằng mọi giá”. Nhưng kinh nghiệm
Trung Quốc cho thấy “bong bóng bất động sản” và các “đô thị ma” là một quả bom
nổ chậm.
Thay lời kết
Chính phủ “kiến tạo và
liêm chính” cũng như Thủ đô Hà Nội “văn minh và thanh lịch” không thể để hệ thống
loa phường và các cột điện như mạng nhện vẫn tồn tại như biểu tượng của thế kỷ
trước, không thể để người ta chặt hạ cây xanh, đào bới đường phố và lát lại vỉa
hè vô tội vạ, không thể để ô nhiễm không khí vượt mức báo động vì quá nhiều xe
cơ giới, không thể để tắc đường và tai nạn giao thông làm chết nhiều người như
thời chiến.
Những câu chuyện đó không
chỉ về hạ tầng đô thị của một đất nước “không chịu phát triển” mà còn về dân
trí của một xã hội “không chịu đổi mới”. Nếu hệ thống lô cốt của Pháp từ thập
niên 1950 vẫn tồn tại như một di tích của “chủ nghĩa thực dân cũ”, thì đường sắt
trên cao Cát Linh-Hà Đông là một biểu tượng của “chủ nghĩa thực dân mới”. Dư luận
đang tranh cãi xem có nên lấy các trạm thu phí BOT làm biểu tượng của “chủ
nghĩa thân hữu”.
Nếu Việt Nam “chống dịch
như chống giặc” thì phải kiểm soát chặt biên giới, và không để tụ tập đông người
như hàng chục vạn học sinh thi tốt nghiệp (đầy rủi ro). Nếu Việt Nam kiểm soát được đại dịch thì không có
lý do gì không chịu đổi mới thể chế để phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền
tại Biển Đông. Trước bước ngoặt mới khó lường, Việt Nam phải phát triển
theo đúng quy luật và thoát Trung để ứng phó với thách thức và cơ hội mới.
NQD. 11/8/2020
No comments:
Post a Comment