Friday, 14 August 2020

"MAY MÀ ÔNG TA ĐỨT GÁNH GIỮA ĐƯỜNG" (Lý Trần)

 


“May mà ông ta đứt gánh giữa đường”

Lý Trần

14/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/14/may-ma-ong-ta-dut-ganh-giua-duong/

 

Trong một bữa tiệc cưới, mấy người suýt xoa nói: “Tiếc quá ông Lê Khả Phiêu (LKP) vì chống tham nhũng mà bị đứt gánh giữa đường”. Hai người ngồi cùng bàn đều là bạn của chủ tiệc, bảo: “Chắc các bác đều là bạn của anh Đ, tức là bạn chung nên chúng tôi cũng nói để các bác biết rằng, may là ông LKP bị đứt gánh giữa đường chứ không thì ông ấy ‘Thanh Hóa hóa‘ cả Hà Nội và cả nước! Các bác ở ngoài cứ tưởng ông ấy chống tham nhũng. Không có đâu. Ông này tham cả tiền bạc, quyền lực lẫn … gái”.

 

Sau tôi được chủ tiệc giới thiệu hai người bạn ấy làm việc ở Văn phòng Trung ương đảng CSVN. Đó là thời điểm vào những năm 1998-1999.

 

Ngày đó, người Thanh Hóa đổ về Hà Nội “đông như châu chấu” để tìm chỗ đậu trong guồng máy công dưới ảnh hưởng của chủ soái là đồng hương.

 

Xin kể một trường hợp cụ thể. Bên cạnh nhà tôi là một ông có chức sắc làm việc ở Bộ Y tế. Một hôm ông kể với giọng thanh minh: “Dạo này có một thằng hay ra vào nhà tôi. Hắn đang là hiệu trưởng ở trường trung cấp Y ở Bình Định, đang muốn chạy về Vụ Tổ chức của Bộ Y tế. Thằng này là người Quảng Xương, Thanh Hóa, khoe nó quen em trai bà Nguyễn Thị Hằng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nên rất hy vọng”.

 

Tôi hỏi sao ông ấy không giúp hắn? Ông bảo: “Tôi chỉ là chỗ quen biết trước và nhà ở gần trường Bồi dưỡng Cán bộ Y tế nên hắn hay đến chơi dò hỏi tin tức thôi. Không tháng nào hắn không ra Hà Nội. Với lại hắn là ‘hoa thanh quế’, không chơi được. Chắc ông còn nhớ, sau năm 1975, những ai tham gia chiến trường miền Nam đều được ĐCS trả công bằng cách bố trí vào một ghế nào đó trong hệ thống hiện hành. Thế là thằng này được bố trí về phụ trách trường trung cấp Y ở Bình Định. Về Hà Nội không được, nó chạy được chân trưởng phòng Tổ chức của Viện kiểm nghiệm Tp HCM. Không bao giờ bọn này thích về quê đâu”.

 

Và sau này tôi không bao giờ thấy ông kể về tay Thanh Hóa kia nữa.

 

Đúng vậy. Những năm sau chiến tranh, các cơ quan Nhà nước, trường đại học, cao đẳng, … phải ồ ạt nhận những người từng tham gia phục vụ chiến trường miền Nam. Như một hình thức trả công, ĐCS bố trí những người này vào các vị trí quản lý hay đảng, đoàn thanh niên, … Học hành dở dang rồi vào Nam và được đặc cách tốt nghiệp ĐH/CĐ, nhưng khi trở về lại được bố trí phụ trách quản lý, thậm chí cả chuyên môn, đặc biệt ở các cơ quan, trường học ở các tỉnh trước thuộc “ngụy quyền”. Cơ quan tôi cũng có gần chục ông như thế. Khi đến, lương họ, phụ cấp đã cao ngất ngưởng nên bao giờ họ cũng ngồi ghế “lãnh đạo” là chuyện dễ hiểu.

 

Chính việc đó đã góp phần kìm hãm dòng chảy vốn đã lờ đờ của xã hội.

 

Khi LKP “đứt gánh”, đàn chấu chấu Thanh Hóa bay tứ tung đi khắp nơi, nhưng cũng kịp để lại Hà Nội những con châu chấu bự: Nguyễn Thị Hằng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Phạm Minh Chính, … và một số lớn len lỏi vào nhiều cơ quan nhà nước.

 

Một nét chấm phá nữa cho bức chân dung của LKP. Ông D, người của VTV luôn tháp tùng ông LKP để làm tin, kể về sự “sốt ruột” của ông LKP. Tôi hỏi ông ấy sốt ruột về điều gì, D nói: “Ông ấy sốt ruột làm giàu. Ông ấy bảo ‘mình đi đánh nhau thì chúng nó ở nhà làm giàu, đưa con cháu đi học ở Liên xô, hưởng phú quý. Bây giờ phải đến lượt mình chứ.’ Ông luôn tỏ ra đố kị, căm ghét những đồng chí giàu sang của ông. Vì xuất thân ‘chân đất mắt toét’ và với lòng đố kị nên ông ta hay khoe những thứ được biếu xén, từ quả bưởi Tết, đến súc gỗ quý từ miền Nam, …”

 

Một anh cameraman kể: “Lần nào quay xong, ông cũng đòi xem trước xem có ‘đẹp’ không (từ của ông LKP). Một lần quay mặt ông tối hơn mọi khi, ông bắt quay lại và mắng: ‘Mặt tôi có tối thế đâu!’ Khổ quá mặt ông đã bao giờ sáng đâu!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/1-68.jpeg

Ảnh ông Lê Khả Phiêu cạnh cặp ngà voi trong nhà ông, trong bài “Thăm nhà cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu” của BBC Việt Ngữ hồi tháng 1/2009.

 

Chắc khi sang thế giới bên kia, ông sẽ khoe cái dinh thự có cặp ngà voi và trống đồng cổ với người “cùng họ” là … Lê Văn Nin một cách mãn nguyện, như một thành quả của cuộc đấu tranh của ông vì … “công bằng” cho bản thân. Và con trai ông, một tướng của QĐND … kịp có cổ phần tại FLC.

 

Dù sao ông đã vĩnh viễn về xứ phiêu diêu. RIP.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats