Friday, 7 August 2020

COVID-19 TÁI PHÁT : VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ TRONG MỘT CUỘC CHIẾN KÉP? (BBC Tiếng Việt)

 


Covid-19 tái phát: Việt Nam có thể làm gì trong một cuộc chiến kép?

BBC Tiếng Việt

7 tháng 8 năm 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53696621

 

Việt Nam đang đương đầu với đợt tái bùng phát dịch Covid-19 với cường độ được cho là khá mạnh ở cộng đồng và trong các tuyến đầu của ngành y tế là các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành.

 

Trong lúc nhà chức trách dự kiến đợt tái bùng phát có thể đạt đỉnh trong vòng 10 ngày, thì con số các ca lây nhiễm, các ca có mắc nặng và tử vong có thể tiếp tục tăng lên thêm, đồng thời cũng đang xuất hiện những quan ngại về việc liệu Việt Nam có thể đồng thời giải quyết được các vấn đề hệ lụy do đợt bùng phát mới gây ra hay không.

 

Hôm 06/8, một số nhà quan sát thời sự từ trong và ngoài Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cảm nhận và đánh giá của mình, mà trước tiên về khía cạnh cảm nhận tác động tâm lý - xã hội từ cộng đồng:

 

Lo lắng hơn đợt một?

 

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh (nhà nghiên cứu, giảng viên Đại học từ Hà Nội): Truyền thông cả chính thống và phi chính thống thời gian qua ở Việt Nam đã quá lạc quan nên dư luận khá sốc trong đợt Covid-19 mới. Nếu trong đợt đầu dư luận khá nhanh chóng được trấn an thì sự mất khống chế trong đợt hai đã làm dư luận hoang mang, lo lắng hơn đợt một rất nhiều.

 

Nhà báo tự do Song Chi (cựu Đạo diễn truyền hình từ Leeds, Anh quốc): Tôi cho là có khác biệt giữa đợt một xuất hiện Covid-19 và đợt tái bùng phát , đợt hai này mọi người sẽ có phần lo lắng hơn vì đợt trước Việt Nam không có ai tử vong, nay thì đã có 10 người, tính tới ngày 6/8, đồng thời con số người bị nhiễm tăng khá nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Và một số bác sĩ, chuyên gia cũng dự báo sẽ có thêm nhiều người tử vong nữa do tuổi cao, có sẵn tình trạng bệnh lý nền v.v…

 

Một số quan chức Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng kỳ này dập dịch sẽ khó hơn vì trước đây chủ yếu là từ người bên ngoài vào còn bây giờ do cả người bên ngoài lẫn trong nước, lịch trình đi lại phức tạp khó truy dấu vết hơn.

 

Và lần này thì Việt Nam lại không muốn đóng cửa hoàn toàn như lần trước nữa vì bài toán kinh tế.

 

Cũng khá đáng tiếc là lần trước Việt Nam đã kiểm soát dịch, chống dịch khá tốt so với một số quốc gia khác, nhưng lại để cho bùng phát trở lại, có lẽ một phần do chủ quan, mở cửa hoàn toàn trở lại hơi sớm mà không tuân thủ toàn bộ biện pháp phòng ngừa cẩn thận không phải chỉ trong người dân mà còn trong mọi cửa hàng, dịch vụ, quán xá, nhà hàng…

 

Ví dụ như ở Anh, ý thức về "health and safety" (sức khỏe và an toàn) trong mọi môi trường lao động, ngành nghề, công sở… đã được tạo thành nếp, thành thói quen và thành luật lệ rõ ràng, cẩn thận, nên khi phải tuân thủ để phòng ngừa dịch thì họ cứ thế mà tiến hành, còn Việt Nam thì chuyện đó còn khá là thờ ơ, và chưa có luật để phạt.

Rồi thì số người đến Việt Nam, đặc biệt gần đây có hiện tượng nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, số người Việt đi lao động xuất khẩu trở về từ những vùng dịch - ví dụ như 219 người trở về từ Guinea Xích đạo, trong đó có 129 người bị nhiễm COVID-19 cộng thêm bị đồng nhiễm sốt rét, bị tổn thương nhiều tạng… nên dịch lại bùng phát trở lại.

 

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ (nhà phân tích chính sách công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Thành phố Đà Nẵng, cụ thể là các bệnh viện địa phương, là nơi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần 2. Đặc điểm của đợt này theo quan sát của tôi là lây nhiễm cộng đồng, không xác định được F0.

 

Chủng virus lần này biến thể nên lây lan nhanh và nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong đối với những người cao tuổi có bệnh nền.

 

Thời gian khởi phát được cho là đầu tháng 7/2020, tuy nhiên đến ngày 25 mới công bố ca nhiễm đầu tiên, đến ngày 28 thì Thủ tướng đồng ý cho cách ly cả thành phố. Đây là thời gian trùng với kỳ nghỉ hè nên số khách du lịch đến Đà Nẵng rất đông, ước tính từ trong gần trọn tháng Bảy có gần 1,5 triệu lượt đến và đi nên khả năng phát tán ra các tỉnh thành rất rộng và nhanh. Hiện nay, đã có hơn 10 tỉnh thành có người lây nhiễm

Tôi thấy chính quyền địa phương bị động, nhưng được trung ương hỗ trợ nên đối phó nhanh dựa vào kinh nghiệm đợt một: phong toả địa bàn sinh sống của người bị lây nghiễm, cách ly thành phố, di chuyển bệnh nhân nặng từ các bệnh viện nghi là nguồn lây sang các địa điểm y tế khác. Các tỉnh đang thực hiện truy vết, khuyến cáo công dân khai báo y tế, tự cách ly và tổ chức test nhanh và xét nghiệm. Hiện nay, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang 'quá tải' số đối tượng cần xét nghiệm.

 

Khi biết tin về dịch bùng phát, khách du lịch cũng 'bất ngờ' lúc đầu, sau đó là dồn dập huỷ chuyến để rời Đà Nẵng trước lệnh phong toả. Chuyến bay 'giải cứu' số du khách kẹt được thực hiện vào ngày 4/8. Nói chung, theo tôi chính quyền các địa phương và người dân 'không quá' lo lắng, đối phó với dịch nhưng không 'căng thẳng' như đợt một.

 

Lo kinh tế thế nào?

 

BBC: Ảnh hưởng này về mặt kinh tế thì ra sao? Khả năng Việt Nam đối phó cùng một lúc về lo chống dịch và lo chống đói (kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư việc làm, thất nghiệp v.v...) thế nào?

 

Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Covid-19 đợt hai, theo tôi, có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế hơn rất nhiều, các ngành du lịch dịch vụ, hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, các ngành khác chậm hơn nhưng không có ngành nào không bị ảnh hưởng. Do nền kinh tế Việt Nam rất mở nên khi các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ở Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy thoái thì kinh tế Việt Nam sẽ suy thoái theo.

 

Thất nghiệp sẽ tăng nhanh, GDP sẽ giảm, Việt Nam vốn được đánh giá là quốc gia lạc quan hàng đầu thế giới nhưng nếu kinh tế không được cải thiện thì rất dễ từ thái cực này sang thái cực khác, gây bất ổn cho xã hội.

 

Bà Song Chi: Có câu nói là 'nhà giàu đứt tay ăn mày đổ ruột'. Các nước Mỹ, châu Âu bị dịch nặng hơn VN nhưng họ giàu, có tiền để hồi phục kinh tế tốt hơn. Việt Nam còn nghèo, kinh tế Việt Nam lại vốn dựa vào khâu xuất khẩu cho nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo điện tử Chính phủ từng thừa nhận đại dịch COVID - 19 ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Truyền thông nhà nước ghi nhận tính đến tháng 6 năm 2020, toàn Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).

 

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng đó, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế)."

 

Do đó, có thể thấy đối với Việt Nam và những nước đang phát triển khác, bài toán để làm sao vừa chống dịch tốt, hạn chế tối đa số người bị lây nhiễm và số người chết, đồng thời vẫn không để cho kinh tế bị tê liệt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người dân không bị ảnh hưởng quá nặng… là một bài toán không đơn giản và đòi hỏi hai điều là sự đồng bộ, đoàn kết từ trung ương tới các địa phương, ban ngành trong xã hội và mỗi người dân; và thứ hai là nhà nước phải có kế hoạch. Nhưng từng ngành nghề, địa phương, công ty… cũng phải có kế hoạch làm sao để giải bài toán này, cùng nhau vượt qua.

 

Ông Phạm Quý Thọ: Giữa hai đợt này có 'khoảng lặng' hơn 3 tháng các kịch bản ước tính tác động về kinh tế, như tỷ lệ tăng GDP không phù hợp. Nay đã có nghiên cứu đưa ra phương án 'khiêm tốn' hơn, như trường hợp xấu khi dịch chậm khống chế: GDP = 1,5%, trung bình 3% và cao có thể đến 4% trong năm 2020. Dự đoán thường có sai số và chẳng hề bị 'phán xét', nên chỉ tham khảo. Những ngành du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải, các doanh nghiệp gắn với chuỗi cung toàn cầu như dệt, may, da giầy… sẽ 'đói đơn hàng' và doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó khăn, từ đó làn sóng thất nghiệp sẽ tiếp tục ở mức cao trong các tháng còn lại của năm. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng hơn 4% mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính theo tôi chỉ để tham khảo. Đầu tư công là một 'đột phá' cho tăng trưởng đang tích cực thúc đẩy, nhưng phải chờ kết quả, hơn thế là hiệu quả. Xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tình hình thế giới chống dịch bệnh, nhưng chắc vẫn chưa sáng sủa trong năm nay.

 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những chính sách trợ giúp, cứu doanh nghiệp, trợ cấp cho người lao động, các đối tượng bị ảnh hưởng đã có từ đợt một, từ đó điều chỉnh bổ sung. Đặc biệt, theo tôi, cần chú ý đề ra và giám sát việc thực thi, cũng như các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi 'trục lợi'.

 

Giáo dục bị ảnh hưởng ra sao?

 

BBC: Về mặt xã hội, giáo dục có thể bị tác động, ảnh hưởng ra sao (ví dụ: các đợt thi tốt nghiệp phổ thông, sắp vào năm học mới...)? Hướng giải quyết theo quý vị nên thế nào?

 

Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Giáo dục ở Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, như chúng ta nhìn thấy hàng loạt trường tư vừa qua. Kinh tế đi xuống, tiền bố mẹ cho con đi học sẽ ít đi, nên ngay cả ở các trường đại học công lập số thí sinh thi vào cũng sẽ sụt giảm. GDP giảm, các khoản đầu tư cho giáo dục không còn như xưa, các quan chức giáo dục cần có chính sách phù hợp. Những điều cần làm đầu tiên có thể là nên bỏ những kỳ thi vô lý hay giảm các nghi lễ phiền phức như khai giảng… Theo tôi, cần triển khai 4.0 sớm trong giáo dục để ứng phó với Covid-19.

 

Bà Song Chi: Tôi thấy là trong lĩnh vực giáo dục, cần có sự phối hợp hành đông giữa nhà trường, thầy cô, quan chức địa phương, gia đình. Phải mở cửa trường học nhưng có kế hoạch mở như thế nào, trung học đại học mở trước, tiểu học mở sau hay mở cùng lúc? Mở toàn bộ hay uyển chuyển, linh động theo nhiều cách. Ví dụ kết hợp học một phần ở nhà một phần ở lớp, chẳng hạn một tuần đến trường 3 buổi thôi luân phiên giữa các lớp, giãn cách trong lớp, giảm số lượng học sinh bằng cách chia ca, tăng ca, có thể có các lớp học ngoài trời được không…Và luôn luôn đảm bảo điều kiện an toàn như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng có chất sát khuẩn, giãn cách xã hội v.v…

Thi tốt nghiệp phổ thông có nhiều ý kiến cho là bỏ. Nhưng cũng khó là các đại học sẽ có cơ sở để tuyển chọn. Nếu tạm thờ chưa tính được một cách thức, tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khác mà phải tiếp tục thi trong năm nay thì phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tối đa.

 

Mỗi trường, mỗi địa phương cần phải ngồi lại tính toán cách thức mở trường lại đồng thời hạn chế dịch như thế nào. Dù sao đi nữa, sức khỏe, mạng sống con người vẫn phải quan trọng hơn.

 

Ông Phạm Quý Thọ: Sự ảnh hưởng đến lĩnh vực xã hội là không tránh khỏi. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đã có phương án chia làm hai đợt theo mức độ lây lan của dịch bệnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Giao quyền nhiều hơn cho địa phương, các đơn vị, cơ sở đào tạo tổ chức thi, tuyển, chuẩn bị năm học mới, nhưng tăng cường giám sát, thanh kiểm tra… Các sự kiện văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí nên thực hiện như giai đoạn mootj vì tính chất lây lan cộng đồng.

 

Nội dung này được nêu rõ trong các Chỉ thị 16, 19 của Chính phủ rồi. Tình hình dịch thế này cũng không nên có một chỉ thị 'lạc quan hơn'.

 

Mời quý vị đón đọc phần II ý kiến của các nhà bình luận trong một bài viết sẽ được chúng tôi giới thiệu tiếp theo, trong đó các khách mời thử đi tìm câu hỏi vì sao Việt Nam có nhiều tỉnh thành, nhưng dịch lại bùng phát ở Đà Nẵng và giải pháp xử lý, kiểm soát, đặc biệt là biện pháp chính sách cần làm là gì.

 

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt về chủ đề có nội dung liên quan:

 

 

--------------------------------------------------------------

.

Covid-19: Thế giới vượt 19 triệu ca nhiễm và 700.000 ca tử vong

Mai Vân  -  RFI

Đăng ngày: 07/08/2020 - 16:29

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200807-covid-19-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-v%C6%B0%C6%A1%CC%A3t-19-tri%E1%BB%87u-ca-nhi%C3%AA%CC%83m-va%CC%80-700-000-ca-t%E1%BB%AD-vong

 

Theo AFP, tính đến hết ngày hôm qua, 06/08/2020, số người bị lây nhiễm virus corona trên thế giới đã vượt ngưỡng 19 triệu, trong lúc số ca tử vong cũng tăng vọt, lên đến hơn 700.000. Bị nặng nhất là châu Mỹ, nhưng tình hình châu Phi đang càng lúc càng nghiêm trọng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/5e53dca6-d8ba-11ea-9fa6-005056bf87d6/w:980/p:16x9/AP20219637190837.webp

Một nghĩa địa an táng người chết vì virus corona, ở Vila Formosa, Sao Paulo, Brazil. Ảnh chụp ngày 06/08/2020. AP - Andre Penner

 

Theo số liệu thống kê của hãng tin Pháp, số ca tử vong trên thế giới hầu như tăng gấp đôi từ ngày 26 tháng 5 đến nay, đã khiến cho 712.000 người thiệt mạng. Chỉ trong không đầy 3 tuần đã có thêm 100.000 người chết.

 

Riêng tại Hoa Kỳ, số người chết trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua lên hơn 2.000, cụ thể là 2.060 người. Đây là lần đầu tiên từ 3 tháng qua, số tử vong trong một ngày lên cao như vậy, đẩy tổng số tử vong tại Mỹ vượt mức 160.000 ca.

 

Trên bảng tổng kết tử vong vì Covids-19, Mỹ vẫn xếp thứ nhất, theo sau là Brazil với gần 100.000 ca. Đứng thứ ba là Mêhicô đã vượt ngưỡng 50.000 người chết vào hôm qua.

 

Cả Mỹ lẫn Brazil đều đứng nhất nhì thế giới về số ca nhiễm được xác nhận, với gần 5 triệu ca tại Mỹ và gần 3 triệu trường hợp tại Brazil. Đứng thứ ba là một nước châu Á: Ấn Độ với hơn 2 triệu ca theo ghi nhận chính thức, trong đó đã có 41.585 ca tử vong.

 

Số người nhiễm và tử vong tại châu Phi thấp hơn nhưng dịch bệnh có xu hướng ngày càng nặng hơn. Tính đến hôm qua, châu Phi đã vượt mức 1 triệu ca nhiễm, với số người chết lên đến hơn 21.000 người.

 

Trên lục địa này, Nam Phi là nước bị nặng nhất với hơn 500 ngàn ca nhiễm và hơn 9.600 trường hợp tử vong.

 

Vấn đề đối với châu Phi là các số liệu kể trên chỉ phản anh một phần thực tế do khả năng dò tìm virus còn hạn chế.

 

-------------------------------------

.

Mỹ: Tử vong vì COVID vượt quá 160.000

Reuters

08/08/2020

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%E1%BB%AD-vong-v%C3%AC-covid-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qu%C3%A1-160-000-/5535232.html

 

Hơn 160.000 người chết vì đại dịch virus corona tại Mỹ, chiếm gần một phần tư số tử vong trên thế giới, theo số liệu của Reuters ngày 7/8 trong lúc nước Mỹ đang tranh luận về việc liệu các trường học có nên mở cửa dạy trực tiếp trong vài tuần tới hay không.

 

Nước Mỹ ghi nhận 160.003 người chết và 4,91 triệu ca nhiễm, cao nhất trên thế giới.

 

Con số người chết vì virus corona đang tăng tại 23 tiểu bang và số ca nhiễm leo thang ở 20 bang, theo một cuộc phân tích dữ liệu của Reuters trong hai tuần qua so với hai tuần lễ trước nữa.

 

Cột mốc u ám hôm 7/8 đánh dấu việc gia tăng lên tới 10.000 người chết trong 9 ngày tại Mỹ.

 

Nhiều ca tử vong trong số này xảy ra tại California, Florida và Texas, 3 tiểu bang đứng đầu tổng số ca nhiễm. Trong khi số ca nhiễm mới dường như giảm bớt tại những tiểu bang này, các đợt bùng phát mới đang trỗi dậy từ đông sang tây.

 

Tới đầu tháng 12, gần 300.000 người Mỹ có thể chết vì COVID-19, các chuyên gia y tế Đại học Washington cảnh báo hôm 6/8 dù họ cho rằng 70.000 sinh mạng có thể được cứu nếu người Mỹ nghiêm chỉnh chú ý đến việc mang khẩu trang.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats