19/08/2020
http://www.danchimviet.info/co-vi-chu-te-bac-tin-bac-tap/08/2020/20399/
Hơn hai
tháng nữa cử tri Mỹ sẽ đi bầu, chọn thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ gồm tổng
thống, 435 dân biểu và 35 nghị sĩ quốc hội.
Giờ
này bốn năm trước, nước Mỹ ồn ào với những vận động tranh cử khi hai chính đảng
tổ chức đại hội để tiến cử ứng viên tổng thống. Năm nay mọi thứ lắng đọng vì bệnh dịch Covid-19 nên không có đại
hội đảng với nhiều nghìn người tham dự.
Năm 2016, bên Dân chủ với Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng, coi như cầm chắc tấm vé ứng viên tổng
thống, sau thất bại trước Barack Obama vào năm 2008.
Bên
Cộng hoà nổi lên Donald
Trump, chưa từng có kinh nghiệm chính trường ở bất cứ cấp nào, đã đánh bại gần
hai chục ứng viên khác trong
đó có nhiều
nghị sĩ, thống đốc là những chính trị gia dầy dạn kinh nghiệm.
Căn bản về chính sách,
Trump chủ trương “America First” và “Make America Great Again”. Nhiều ứng viên
Cộng hoà bị phê phán là cũng sẽ không làm gì hơn các lãnh đạo trước đây, vì thế
Trump được cử tri của đảng tiến cử trong các kỳ bầu sơ bộ.
Vận
động tranh cử 2016 của Trump gây ồn ào, sôi động
với những tuyên bố thẳng thừng, kích động kỳ thị mầu da sắc tộc, nhục mạ phụ nữ.
Rồi những tố cáo nhắm vào Trump vì những
hành vi sàm sỡ, có quan hệ tình
dục bất chính trong quá khứ làm xôn
xao lên những điều tra.
Còn Hillary Clinton bị moi móc vụ mấy chục nghìn email công vụ để trong máy tính
riêng biến mất và vụ kinh tài qua
Clinton Foundation.
Nhiều
người cho rằng Donald Trump là tỉ phú trên thương trường nhưng chỉ là tay mơ
trên chính trường nên không hy vọng gì. Nhưng Trump bất ngờ thắng cử.
Donald
Trump làm tổng thống, chính
sách giao thương với nhiều quốc gia được đem ra thương thảo lại, nhất là với
Trung Quốc vì theo ông Hoa Kỳ đã bị thiệt thòi trong mấy thập niên qua vì trao
đổi thương mại bất quân bình, đánh cắp tài sản trí tuệ và không có lợi cho Mỹ.
Trump ưu tiên quan tâm đến
người Mỹ bình dân ít học, muốn đưa hãng xưởng về lại Mỹ, ban hành các chính
sách nhằm cắt giảm số di dân đến Mỹ, hợp pháp hay nhập cư bất hợp pháp.
Đảng
Dân chủ trở thành đối lập,
tiếp tục phản đối chính sách của Trump suốt bốn năm qua. Cũng như Tổng thống Barack Obama đã bị Đảng Cộng
hoà chỉ trích trong suốt 8 năm cầm quyền trước đó. Obamacare, Hiệp định Đối tác Thương
mại xuyên Thái Bình Dương TPP và
quan hệ với Cuba là điển hình.
Tổng thống Trump đã đảo
ngược nhiều chính sách có từ thời Obama. Bỏ ngay TPP khi vừa nhận chức. Không vận động được sự đồng thuận của quốc hội,
Trump ký sắc lệnh hành
pháp cho thi hành, từ
ban hành chính sách di dân khi vừa nhận chức cho đến sắc lệnh về thêm thời hạn
trợ giúp thất nghiệp vào tuần qua.
Hơn ba năm qua đã có hàng loạt điều tra liên quan đến tổng thống, những cố vấn
hay giới chức trong nội các. Riêng Tổng thống Trump bị đàn hạch trước
quốc hội nhưng không bị kết tội.
Trump vẫn là Trump. Ăn nói bỗ bã. Có nói thành không, không nói thành
có, thường xuyên nói sai, nói dối trước công chúng. Những
ai không đồng quan điểm, không ủng hộ đường lối làm việc của Trump là ông cho
nghỉ việc, bị sỉ vả công khai dù là chính trị gia, phóng viên hay chủ doanh nghiệp.
Từ
tháng Ba năm nay, dịch Covid-19 bùng phát làm thay đổi sinh hoạt xã hội, chính trị nước Mỹ. Những
buổi họp báo của Tổng thống Trump thường kéo dài cả tiếng đồng hồ với nhiều
phát biểu linh tinh, trái ngược với những chứng cứ khoa học do các chuyên gia dịch
tễ đưa ra.
Phản
ứng của dân về cách chính quyền đối phó với nạn dịch Covid-19 và về các chính sách của
Trump ra
sao thì tuỳ vào quan điểm chính trị. Người theo Đảng Cộng hoà đa số vẫn ủng hộ Trump, người Đảng
Dân chủ phản đối mạnh mẽ và
mong ngày 3/11 chóng đến để đưa Trump ra khỏi Bạch Ốc.
Nhưng nước Mỹ không chỉ
có cử tri Cộng hoà và Dân chủ tham gia bầu chọn.
Theo thăm dò mới nhất của
Gallup, cử tri ghi danh theo Đảng Cộng hoà gần 30%, Dân chủ hơn 30%, còn lại
hơn một phần ba không theo đảng nào, là những cử tri “Independent” hay như ở
California họ là những người khi ghi danh đi bầu thì chọn “No Party Preference”
(NPP).
Vì vậy khối cử tri độc lập,
không theo đảng nào, sẽ là yếu tố quyết định ai thắng vì kết quả bầu cử trong
quá khứ cho thấy thắng thua thường ở mức 55% – 45%, cao lắm cũng chỉ đạt 60% –
40%. Có khi kết quả lại không như thế mà ứng viên thắng chức tổng thống bằng đa
số đại cử tri, lại thua số phiếu phổ thông, như Trump thắng Clinton năm 2016
hay W. Bush thắng Gore năm 2000.
Tranh cử năm nay Đảng Cộng
hoà có Donald Trump và Mike Pence.
Đảng Dân chủ có Joe Biden
và Kamala Harris. Nữ Thượng Nghị sĩ Kamala Harris từ California, 55 tuổi, là người có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn
Độ,
sinh quán Oakland, vùng Vịnh San Francisco. Bà đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống
từ đầu năm 2019 và cuối năm thì rút lui vì thiếu sự ủng hộ và không gây quĩ
thành công.
Phó Tổng thống Joe Biden, 77 tuổi, là người nhập cuộc sau, vì khi Đảng Dân
chủ thấy làn sóng ủng hộ Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders, một chính trị gia cực tả, lên nhanh quá và
phải tìm một ứng viên trung dung hơn, vì nếu Sanders được tiến cử thì khó thắng vì những chủ
trương theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, như các nước Bắc Âu. Theo khuôn mẫu
“socialist” dù là “democratic socialist” cũng khó được nhiều người Mỹ chấp nhận
vì công ty
cũng như dân phải chịu thuế
cao và bị nhiều luật lệ hạn chế. Biden không nghiêng quá về
cánh tả nên đã được cử tri Dân chủ ủng hộ để đánh bại
Sanders trong các kỳ bầu sơ bộ.
Biden
chọn Harris, một chính trị gia nghiêng về cánh tả hơn ông để mong có sự ủng hộ
của khối cử tri đã bỏ phiếu cho Sanders.
Bầu cử năm nay, quan tâm
hàng đầu của cử tri là việc đối phó với dịch Covid-19 chưa biết bao giờ mới qua
khỏi để đời sống kinh tế, xã hội Mỹ phục hồi; những bạo loạn và an ninh trật tự
xã hội có được bảo đảm khi đang có đòi hỏi giảm ngân sách hay dẹp bỏ cảnh sát.
Về đối ngoại, cử tri sẽ
chọn lựa chính sách đưa Hoa Kỳ trở lại chính trường thế giới của Đảng Dân chủ
hay sẽ tiếp tục chính sách “America First” của Trump, đòi hỏi đồng minh đóng
góp nhiều hơn
vào các chi phí bảo vệ an
ninh thế giới, không để Hoa Kỳ gánh nặng mãi. Với các nước đối nghịch như Trung Quốc, Nga thì
không nhượng bộ, phải cứng rắn trong đối đầu an ninh, trao đổi thương mại phải
quân bình.
Với Tổng thống Trump, những
điều không tốt đang xảy cho Hoa Kỳ là lỗi của Trung Quốc vì đã không minh bạch
công bố sự nguy hiểm của nạn dịch khi mới bùng phát từ Vũ Hán. Trump cho rằng
WHO đã thông đồng với Trung Quốc để cho dịch lây lan ra toàn thế giới nên đã
rút Mỹ ra khỏi tổ chức y tế thế giới.
Covid-19 đã gây tử vong
cho trên 700 nghìn người và lây nhiễm 20 triệu người toàn cầu. Riêng ở Mỹ đã có
trên 160 nghìn ca tử vong và 5 triệu người bị nhiễm.
Vì Covid-19 mà kinh tế
toàn cầu đình trệ, người dân khắp nơi không còn được tự do di chuyển, du lịch.
Mức thất nghiệp ở Mỹ đang
từ 3% vào đầu năm đã tăng lên hơn 10% với hàng
chục triệu người bỗng dưng không thể làm việc và phải sống nhờ vào trợ cấp tài
chánh từ những gói cứu nguy kinh tế của chính phủ.
Gần đến ngày bầu cử mà
không có đại hội của hai chính đảng. Các vận động tranh cử cho đến nay chỉ có quảng cáo trên ti-vi hay qua mạng truyền thông
xã hội.
Bốn
năm trước, vào thời
gian này
trên Facebook tràn ngập thông
tin liên quan đến tranh cử từ đủ mọi nguồn, chính thống cũng nhiều mà nguồn tin
xa lạ cũng tràn ngập.
Không
chỉ những nhóm ủng hộ ứng viên của phe mình đưa thông tin lên mạng để mong ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử
tri, nhiều
chính quyền nước ngoài cũng muốn tạo ảnh hưởng đến tâm lý người Mỹ, vì thế sau bầu cử 2016 đã có điều tra liên quan đến thông đồng giữa ban vận
động tranh cử của hai ứng viên Trump và Clinton với người nước ngoài, nhưng không tìm ra được bằng chứng.
Facebook đã bị cáo buộc để cho người nước ngoài thu thập dữ kiện và sử
dụng với mục đích ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Mạng truyền thông xã hội này đã phải thay đổi chính sách và có những
biện pháp loại bỏ thông tin không trung thực.
Năm
nay trên Facebook không còn nhiều
thông tin dòng chính liên quan đến tranh cử được phát tán. Các loại tin vịt tiếng
Anh (fake news) cũng ít thấy vì được sàng lọc. Ngay cả những thông tin do Trump đưa ra mà không
trung thực, như nói trẻ em không bị lây nhiễm, Facebook và Twitter cũng gỡ xuống.
Fake news tiếng Việt vẫn còn đủ loại, phần nhiều ủng
hộ Trump, khích động kỳ thị người
da đen, chống Trung Quốc và xuất phát từ những nguồn bên ngoài nước
Mỹ, nhất là sau dịch Covid-19 bùng phát và vụ việc người da đen George Floyd tử
vong vì cảnh sát ở tiểu bang
Minnesota, kéo
theo sự bùng lên khắp nơi của phong trào Black Lives Matter chống kỳ thị người da
đen và đòi giải tán lực lượng cảnh sát.
Tuần
qua, cơ quan phản gián Hoa Kỳ đưa ra thông tin cho biết một vài chính phủ nước
ngoài muốn tạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống 3/11 sắp tới. Theo báo cáo
của William Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Hoa Kỳ, đưa ra tuần trước
thì Chủ tịch Tập của Trung Quốc muốn Trump thất cử, Tổng thống Nga Putin muốn
Trump tái thắng cử. Iran cũng muốn tạo ảnh
hưởng vào bầu cử Mỹ.
Năm
nay vận động tranh cử coi
như không
có. Trong những tuần lễ tới, hai đại hội đảng sẽ được tiến hành qua mạng nên không có không khí
sôi nổi, ồn ào kéo dài gần cả tuần cho mỗi đảng.
Theo thăm dò do Real
Clear Politics đưa
ra hôm 5/8, Donald Trump đang thua Joe Biden, trên toàn quốc cũng như tại
địa phương của chừng chục tiểu bang nghiêng ngửa.
Toàn
quốc: Biden 48%, Trump 42%
Tại những tiểu bang nghiêng ngửa mà
Trump đã thắng năm 2016, kết
quả thăm
dò cũng không lạc quan cho ban
vận động của Trump:
Michigan:
Biden 49.3%, Trump 41.5%
Wisconsin:
Biden 48%, Trump 43%
Pennsylvania:
Biden 49.4%, Trump 43.4%
Arizona:
Biden 48.7%, Trump 45%
Florida:
Biden 50%, Trump 43.8%
North
Carolina: Biden 49.5%, Trump 45%
Ohio:
Biden 47%, Trump 44.7%
Năm 2016, Trump thắng
Clinton sít sao với chỉ hơn 10 nghìn phiếu (0.23%) ở tiểu bang
Michigan, 23 nghìn phiếu (0.77%) ở Wisconsin và 45 nghìn phiếu (0.72%) ở Pennsylvania. Nếu các tiểu bang khác không thay đổi và
Trump thua tại ba tiểu bang này không thôi thì sẽ thất cử vì số phiếu đại cử tri cho Trump chỉ còn 258/538. Năm
2016 Trump đạt 304/538.
Đó là thăm dò vào đầu
tháng 8. Từ nay đến ngày bầu cử tâm lý cử tri còn nhiều thay đổi theo tình hình, cho đến khi lá phiếu chính thức
được bỏ vào thùng.
Như tôi thường nói với bạn
bè: “Ngày bầu cử ý dân là ý trời / Còn ý poll chỉ là ý người” để nhắc nhở mọi
người tham gia bầu chọn. Vì nếu bàn tán, tranh luận, phân tích mà không đi bầu
thì vô ích.
Không như nhận định của một
số người cho rằng lá phiếu của cử tri gốc Việt có thể giữ Trump lại hay đưa
Trump ra khỏi Bạch Ốc, tôi thấy cử tri gốc Việt không có ảnh hưởng ở mức quốc
gia vì 1
triệu 300 nghìn người gốc Việt hiện sống tập trung ở California, Texas, Washington, Virginia, Georgia, Florida là những nơi đã xanh hoặc đỏ trong các kỳ bầu cử
trước và khó chuyển mầu.
Nhưng còn nhiều quyền lợi
ở cấp tiểu bang và địa phương, cần tham gia bầu cử để bảo vệ quyền lợi cho mình và cho cộng đồng nơi mình sinh sống.
Cô Vi chú Tế, Bác Tin bác
Tập có làm gì thì cử tri cũng bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và có quan
điểm gần gũi với mình nhất. Bầu
chọn lãnh đạo và dân cử các cấp ở Mỹ thì đâu có
lý do gì cử tri lại đi nghe những bình luận, phê phán, phân tích của người
không sống ở Mỹ, dù đó là Bác Tin ở
Nga hay Bác Tập bên Tầu.
Tự do chọn người đại diện
cho mình. Đó là quyền mà công dân những nước độc tài, cộng sản không có.
Bùi Văn Phú
[Tác giả dạy
đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco,
California]
No comments:
Post a Comment