Saturday, 22 August 2020

BỎ SỔ HỘ KHẨU - PHƯƠNG TIỆN KIỂM SOÁT và KHỐNG CHẾ NGƯỜI DÂN (Nguyễn Vũ Bình)

 


Bỏ sổ hộ khẩu - phương tiện kiểm soát và khống chế người dân

Nguyễn Vũ Bình

Thứ Bảy, 08/22/2020 - 13:10 — nguyenvubinh

https://www.rfavietnam.com/node/6445

 

  Ngày 10/8 vừa qua, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về Luật cưu trú, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có nói: “Cái gì thuận tiện cho dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”. Không chỉ vậy, bà Ngân còn nói: “Tôi từng bị mất sổ hộ khẩu, làm lại rất vất vả, khai tới khai lui”. Theo kế hoạch, khoảng 01/7/2021, Luật cư trú (sửa đổi) có hiêu lực. Nếu như tiến trình thay đổi thuận lợi, khi đó Việt Nam sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

 

     Trong chế độ toàn trị cộng sản, chúng ta biết rằng, để thống trị người dân, nhà cầm quyền cần có các chính sách và các phương tiện để thực hiện điều đó. Có hai chính sách 'khủng khiếp' nhất, chế độ cộng sản sử dụng để thống trị và kiểm soát người dân. Đó là chính sách kiểm soát về kinh tế, và chính sách kiểm soát về nhân khẩu. Việc kiểm soát người dân về kinh tế, ép buộc người dân vào các nhà máy, xí nghiệp, các hợp tác xã để kiểm soát người dân thông qua miếng ăn, dạ dày được thực thi thời bao cấp. Phương tiện điển hình cho chính sách này chính là cái “sổ gạo” mà các hộ gia đình, từ công nhân đến các xã viên hợp tác xã đều đã trải qua. Tầm quan trọng của chiếc sổ gạo đã được người dân dùng hình ảnh một người thất thần, rụng rời chân tay, mặt cắt không còn giọt máu để diễn tả tình trạng “mất sổ gạo” thời bao cấp. Nhưng chính sách kiểm soát về kinh tế này đã hết hiệu lực khi cơ chế kinh tế bao cấp thất bại và bị thay đổi bằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Sổ gạo cũng bị khai tử từ đó, và hoàn toàn không còn gây hại cho người dân được nữa.

 

     Nhưng chính sách kiểm soát về nhân khẩu thì khác. Nó đã không mất đi sau khi cơ chế bao cấp thất bại và bị thay đổi. Việc người dân cần có hộ khẩu, và chính sách khai báo tạm trú tạm vắng thời bao cấp chính là việc kiểm soát người dân thông qua nhân khẩu. Sổ hộ khẩu chính là phương tiện thực thi chính sách này. Tất cả những hoạt động, sinh hoạt của người dân đều phải có, và gắn liền với hộ khẩu. Từ việc sinh con đẻ cái, con cái đi học, xây dựng, mua bán nhà cửa, mua bán những vật dụng đắt tiền, chưa bệnh, … có thể nói toàn bộ các sinh hoạt của nhân dân đều phải liên quan tới sổ hộ khẩu. Chính sách nhân khẩu của chế độ cộng sản nhắm tới hai mục tiêu. Thứ nhất, kiểm soát sinh hoạt của người dân, đi đâu, làm gì thông qua hộ khẩu và khai báo tạm trú, tạm vắng. Thứ hai, tất cả các công việc đều liên quan tới hộ khẩu, nên nhà cầm quyền có thể kiểm soát và khống chế người dân thông qua hộ khẩu. Có thể nói rằng, những người dân trưởng thành, đi làm đi học đều có thể đã và đang trải qua những khốn khổ, vất vả với những công việc có liên quan tới hộ khẩu. Sau năm 1990, gọi là cột mốc chuyển đổi nền kinh tế, sổ gạo đã bị tiêu hủy, nhưng sổ hộ khẩu thì không mất đi, mặc dù tính chất khắc nghiệt của thời bao cấp đã giảm bớt. Đến nay sau hơn 30 năm đổi mới, theo thống kê vẫn còn 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ vẫn đang yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú (báo Tuổi trẻ online ngày 10/8/2020).

 

     Nhưng việc bỏ sổ hộ khẩu có đồng nghĩa với việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ bỏ việc kiểm soát, theo dõi người dân hay không? Chắc chắn là không. Đó chỉ là việc thay đổi cách thức theo dõi, kiểm soát người dân cho phù hợp với tình hình mới mà thôi. Chúng ta biết là việc sử dụng hộ khẩu đến nay ngay cả nhà cầm quyền cũng thấy bất hợp lý, không cần thiết nhưng tại sao phải tới hơn 30 năm mới đặt ra vấn đề thay đổi này. Lý do quan trọng nhất là cần phải chuẩn bị được đầy đủ hạ tầng, các phương tiện và con người để có thể tiếp tục theo dõi, kiểm soát người dân theo cách khác, tức là hệ thống Internet. Gần đây có thông tin việc gắn chip điện tử trên thẻ định danh công dân, đã có sự phản đối của người dân, dù còn manh nha. Không chỉ có chip gắn trên thẻ định danh công dân, mà chắc chắn còn có sự phân loại người dân thông qua mã số định danh để quản lý theo cách của nhà cầm quyền mong muốn, và chỉ có một bộ phận quản lý nào đó biết được cách thức phân loại này. Nhưng dù sao, việc xóa bỏ sổ hộ khẩu cũng là việc cần thiết và làm nhẹ người tất cả những ai đã từng bị hành hạ thông qua phương tiện tàn bạo để thống trị người dân này./.

 

Hà Nội, ngày 20/8/2020

N.V.B

    

nguyenvubinh's blog

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats