Wednesday, 1 April 2020

VỊ GIÁO SƯ NGƯỜI VIỆT & SÁNG CHẾ MÁY TRỢ THỞ CHO TRẺ SINH NON NỔI TIẾNG NHẬT BẢN (Hà Ly - Báo SKCĐ)




Hà Ly  -  Báo Sức Khỏe Cộng Đồng
23:17 30/03/2020

GS Trần Ngọc Phúc là người sáng chế chiếc máy thở cao tần số HFO đầu tiên dành cho trẻ sinh thiếu tháng tại Nhật Bản. Ông đã đồng ý mang công nghệ này về Việt Nam phục vụ việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

GS Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty Metran cùng với GS Trần Văn Thọ cho biết sẽ chuyển giao công nghệ máy trợ thở để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Không nhiều người biết ông Phúc chính là "cha đẻ" của chiếc máy thở nổi tiếng tại Nhật Bản, đóng góp nhiều thành tựu quan trọng đối với ngành y tế đất nước này.

Làm điều chưa ai làm

Năm 1968, chàng trai gốc Huế Trần Ngọc Phúc rời Việt Nam sang Nhật Bản du học ngành hóa công nghiệp tại Trường ĐH Tokai. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1974, chàng trai trẻ năm đó được nhận làm thực tập tại Công ty Senko Ika - chuyên phát minh và sản xuất dụng cụ y tế - thực tập. Trong thời gian thực tập tại đây, nhận thấy đam mê nghiên cứu chế tạo quá lớn ông quyết định ở lại Nhật Bản và làm điều chưa ai từng làm.

Máy thở cao tần số HFO do GS Trần Ngọc Phúc chế tạo

"Tôi luôn nghĩ nếu đã dấn thân cho khoa học thì phải nghiên cứu những thứ mà người ta chưa làm" - ông Phúc bày tỏ. Từ đó, con đường mà ông chọn là nghiên cứu máy hỗ trợ hô hấp, máy van tim… - những thiết bị y tế mà Nhật Bản lúc bấy giờ chưa sản xuất được.

Năm đó, để đủ điều kiện làm việc tại bộ phận nghiên cứu gây mê và hô hấp công ty Senko Ika, ông Phúc được cử đi học những kiến thức liên quan ở một trường đại học y rồi đi thực tập ở một số đại học y khác. Ông dành 10 năm cống hiến cho Senko Ika trước khi mở công ty riêng vào năm 1982.

Cùng năm, ông chính thức hoàn thành "máy thở cao tần số HFO" bản cuối cùng có tên là Hummingbird (HFO) để đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Chế tạo của ông Phúc được Viện Sức Khỏe Quốc gia Mỹ mời dự thi cùng với 7 hãng lớn trên toàn cầu khác. Vượt qua sự đánh giá vô cùng ngặt nghèo của 40 học giả đứng đầu trên thế giới về vấn đề lâm sàng sơ sinh, chiếc máy của vị giáo sư người Việt nhận được giải nhất, là máy tốt nhất trên thế giới thời điểm đó.

Đặc điểm nổi bật của JFLO trong máy có sẵn Battery (năng lượng) lại chỉ nặng 1,5kg (bằng 1/10 so với những thiết bị trợ thở thông thường trong Bệnh viện) rất thuận tiện cho việc cấp cứu trong xe cứu thương hay khi người bệnh di chuyển.

Ông Phúc giới thiệu về chiếc máy trợ thở với Nhật hoàng Akihito

Nhờ không bị phụ thuộc vào điện lưới AC, máy JFLO có khả năng hỗ trợ thở suốt 24 giờ, còn giúp bệnh nhân linh hoạt trong vệ sinh cá nhân một cách dễ dàng.

Chiếc máy cũng là trợ thủ đắc lực cho các y bác sĩ bởi nó giúp kiểm soát lượng CO2 rất tinh tế để đưa lượng không khí vào phổi phù hợp với từng thể trạng, độ tuổi bệnh nhân.

Đặc biệt, loại máy này chỉ có 1 nút điều chỉnh (tăng giảm lưu lượng không khí và nhiệt độ), rất dễ sử dụng, có tác dụng rút ngắn thời gian điều chỉnh máy cho nhân viên y tế.

Mang công nghệ về Việt Nam

Kể từ khi chiếc máy trợ thở này ra đời cho đến nay, nó đã được sử dụng ở 90% các bệnh viện, phòng khám trên toàn Nhật Bản. Đây chính bí quyết góp phần giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sinh non tại Nhật trong hơn một thập niên qua đồng thời giúp Nhật Bản có tỷ lệ các bé sinh non được cứu sống thuộc hàng cao nhất thế giới, lên tới 99,7%.

Năm 2007, máy HFO của Metran cứu sống em bé nhỏ nhất Nhật Bản (cho đến thời điểm này) chỉ nặng 265gram, chỉ bằng một chiếc điện thoại cầm tay cỡ nhỏ.

Hiện chiếc máy này được xuất khẩu tới trên 20 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cứu sống hàng chục ngàn em bé sinh non mỗi năm.

Nhiều năm qua, GS Phúc nỗ lực mang công nghệ chế tạo máy trợ thở về ứng dụng tại Việt Nam

Tháng 11/2018 ông vinh dự được Nhật Hoàng Akihito trao tặng Huân chương Mặt trời mọc. Ngoài ra ông còn được nhận rất nhiều các giải thưởng của các Bộ nghành khác của Nhật Bản.

Dù học tập và trưởng thành ở Nhật Bản nhưng GS Trần Ngọc Phúc vẫn nung nấu nỗi niềm với quê hương Việt Nam. Một cuộc khảo sát đánh giá tỷ lệ tử vong do lây nhiễm chéo tại Việt Nam hiện cao gấp 16 lần so với ở Mỹ, Nhật. Nguyên nhân phần lớn do các bệnh viện bị quá tải thường xuyên, giường bệnh, trang thiết bị không đủ dẫn đến bị nhiễm trùng bệnh viện. Có bệnh viện tỷ lệ viêm phổi liên quan đến thở máy là 30-40%.

Trước thực tế này, ông Phúc đã đem phương pháp “thở không xâm lấn, không nội khí quản của JFLO” về Việt Nam với kỳ vọng sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo (nhiễm trùng bệnh viện), giảm nguy cơ tử vong.

“Những năm qua tôi đã nỗ lực nghiên cứu để có thể sáng chế loại máy trợ thở dễ sử dụng, phù hợp với môi trường Việt Nam. Đây là một trong những tâm nguyện từ lâu tôi muốn thực hiện cho quê hương Việt Nam của người con xa xứ. Cái gì tốt nhất tôi đều muốn cống hiến cho quê hương Việt”, ông Phúc tâm sự.


Hà Ly (t/h)





No comments:

Post a Comment

View My Stats