NỘI DUNG :
Thanh Phương
- RFI
Mai Vân - RFI
.
================================
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 09/04/2020 - 12:04
Ai
cũng biết Donald Trump không ưa gì các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các định
chế đa phương nói chung, nhưng không ai ngờ là ngay giữa lúc dịch Covid-19 đang
hoành hành trên khắp thế giới, tổng thống Mỹ lại nã đại pháo vào chính tổ chức
đang điều phối cuộc chiến toàn cầu chống virus corona. Nhưng thật ra khi đả
kích kịch liệt Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ông Trump muốn nhắm tới Trung Quốc.
Trên mạng
Twitter ngày 07/04/2020, tổng thống Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc WHO có những lập
trường « rất có lợi cho Trung Quốc », thậm chí ông
còn dọa là Mỹ sẽ ngưng đóng góp tài chính cho tổ chức này. Nếu ông Trump thực
hiện lời đe dọa đó thì hậu quả sẽ rất nặng nề, vì Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp
tài chính nhiều nhất cho WHO, hơn 400 triệu đôla năm ngoái, « gấp
mười lần đóng góp của Trung Quốc », như ngoại trưởng Mike Pompeo đã cố
tình nhấn mạnh.
Theo hãng tin AFP, từ nhiều ngày qua, những nhân vật
diều hâu trong đảng Cộng Hòa vẫn tố cáo WHO đã giúp Bắc Kinh « che giấu »
mức độ trầm trọng của dịch Covid-19, khi dịch bệnh này bùng phát tại Trung Quốc
vào cuối năm 2019. Ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhà
Trắng, đã lên án WHO đồng lõa với Trung Quốc trong chiến dịch che giấu thông
tin về dịch Covid-19.
Đối
với chính quyền Trump, chính sự thiếu minh bạch này đã khiến hàng ngàn người
thiệt mạng vì virus corona. Một số nhân vật như thượng nghị
sĩ Ted Cruz và Marco Rubio thậm chí còn đòi cách chức tổng giám đốc WHO Tedros
Adhanom Ghebreyesus. Giới thân cận với tổng thống Trump còn nhắc lại ông Tedros
từng là đảng viên đảng Cộng Sản Ethiopia, như thế đích thị ông là đồng minh của
Bắc Kinh !
Riêng tổng thống Trump vẫn còn cay cú về chuyện WHO
đã chỉ trích quyết định mà ông đưa ra vào cuối tháng 1 cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối
với toàn bộ những người đến từ Trung Quốc. Cho đến nay, ông Donald Trump vẫn tự
hào rằng chính nhờ biện pháp đó mà dịch Covid -19 không du nhập nước Mỹ sớm.
Nhưng những lý do nói trên có đáng để Washington mở mặt trận chống WHO vào lúc
mà thế giới hãy còn lâu mới khống chế được đại dịch toàn cầu này ?
Phản ứng lại những đòn tấn công của tổng thống
Trump, hôm qua, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi đừng
nên « chính trị hóa » con virus corona. Về phần tổng thư
ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ông cho rằng bây giờ « không
phải là lúc » để chỉ trích một tổ chức đóng vai trò « thiết
yếu » trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo hãng tin AFP, ngay cả trong phe bảo thủ, nhiều
người cho rằng không nên cắt đứt nguồn tài chính cho WHO ngay giữa cơn khủng hoảng
này. Nhưng đối với dân biểu Cộng Hòa Chris Smith, tổng thống Trump dọa ngưng
đóng góp tài chính là đúng, vì như thế sẽ gây áp lực buộc WHO phải chấp nhận
cho điều tra giai đoạn đầu của dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Bên phía những
người chống tổng thống Trump, họ nghi là chủ nhân Nhà Trắng đả kích WHO để mọi
người quên đi những sai lầm của bản thân ông, bởi vì ban đầu chính ông Trump đã
cố giảm nhẹ tầm mức của dịch bệnh, coi thường virus corona, thậm chí xem đây là
những « tin giả » do đảng Dân Chủ tung ra để phá ông.
Nhưng nhiều nhà quan sát được AFP trích dẫn nhìn nhận
đúng là WHO đã không tỏ ra xứng đáng với vai trò của tổ chức này. Chuyên gia J.
Stephen Morrison, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, ghi nhận
WHO đã hoan nghênh « một cách quá đáng » phản ứng của
Trung Quốc và nhất là đã chậm trễ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế
toàn cầu.
Suy cho cùng thì tấn công WHO là một cách để chính
quyền Trump tiếp tục cuộc chiến chống Trung Quốc, vào lúc mà hai cường quốc
kinh tế hàng đầu thế giới đang tạm ngưng cuộc khẩu chiến.
***
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
--------------------------------------------------
Mai Vân - RFI
Đăng ngày: 09/04/2020 - 15:24
Ngay
từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc cho đến ngày nay, ông Tedros
Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS không hề
lên tiếng chỉ trích bất kỳ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo nhật
báo Pháp Les Echos ngày 08/04/2020, sự thiếu vắng phản ứng nói trên
của WHO giải thích phần lớn sự chậm trễ trong việc xử lý đại dịch
Covid-19.
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông François
Godement, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Viện Montaigne (Pháp) cho
rằng thái độ phục tùng Bắc Kinh của lãnh đạo WHO đã làm cho hình
ảnh của định chế này sứt mẻ lâu dài.
*
Tổng
thống Mỹ (ngày 07/04/2020) đã chỉ trích WHO về cách xử lý kém cỏi hồ sơ
virus corona. Những chỉ trích này có cơ sở hay không?
François
Godement: Từ nhiều tuần lễ nay, cách xử lý của WHO quả
là đã bị chỉ trích nhiều lời chỉ trích, chứ không đợi đến lượt ông Donald
Trump.
Ngày nay, khi người ta nhìn lại diễn tiến tình hình
từ tháng 11/2019, nhiều điểm then chốt đã cho thấy rõ là WHO đã phản ứng
chậm trễ ở chỗ nào.
Đài Loan đã hoài công cảnh báo WHO vào cuối
tháng 12 về một dạng mới của virus corona xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều ngày
trước khi chính quyền Bắc Kinh gợi lên chuyện này.
Thế nhưng WHO vẫn không hề có phản ứng, mà phải
đợi đến ngày 12/02/2020 mới cử một phái bộ đến xem xét tại chỗ. Trong lúc
đó thì ngay ngày 24/01, vị tổng giám đốc đã công nhận, sau Trung Quốc, là virus
corona có thể lây từ người sang người. Tất cả những điều này đã làm chậm trễ
việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Và cuối cùng thì WHO phải đợi đến ngày 11/03 mới
tuyên bố việc virus lây lan là đại dịch toàn cầu. Có lẽ đây là điểm WHO có
thể ít bị chỉ trích, vì theo nguyên tắc của mình, định chế này chỉ có
thể thông báo một sự kiện khi sự kiện đó thật sự xẩy ra: trước đó thì WHO đã
gợi lên nguy cơ cao về đại dịch.
*
WHO
như vậy đã bị mất tư cách?
François
Godemen: Phải nhớ là về mặt kỹ thuật, WHO là một cỗ
máy hùng mạnh, với một chính sách phòng ngừa và hoạt động trên hiện trường
nhờ việc phân cấp quyền hành cho các văn phòng khu vực.
Nhưng về mặt chính trị, và người ta đã thấy rõ
điều này với dịch Covid-19, hình ảnh của tổ chức ngày nay đã bị sứt
mẻ lâu dài.
*
WHO
chủ yếu bị phê phán về những lập luận quá thiên về Trung
Quốc. Vì sao có tình trạng đó?
François
Godemen: Đúng vậy. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã và cũng
đang không phản bác bất kỳ phát biểu chính thức nào của Trung Quốc. Ngay cả
khi có những lời chứng bác bỏ các tuyên bố đó. WHO không hề có thông báo
gì về nguồn gốc thật sự của dịch bệnh, tất cả đều chỉ tập trung trên việc xử
lý khủng hoảng.
Tình trạng đó cũng có thể xuất phát từ việc
Trung Quốc đã không hoàn toàn mở cửa cho chuyên gia của WHO vào xem xét.
Về phần mình thì tổ chức có trụ sở ở Genève này
luôn luôn tránh công khai chỉ trích những quốc gia thành viên mà họ tùy thuộc.
Đối bác sĩ Tedros, được bầu lên nhờ Trung Quốc vào năm 2017, việc không chỉ
trích Bắc Kinh cho phép ông hy vọng được Trung Quốc hợp tác trên nhiều hồ sơ
khác.
*
Vấn
đề Đài Loan, mà Trung Quốc đã làm cho bị loại ra khỏi WHO, phải chăng đó là
thêm một bằng chứng cho thấy vấn đề cũng mang tính chất chính trị?
François
Godemen: Một phần lớn mối quan tâm của Trung Quốc đối với
các định chế của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ động cơ muốn cản đường Đài
Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh của họ.
Gần đây thì Bắc Kinh đã thành công trong việc cấm
những người mang hộ chiếu Đài Loan vào các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và
Genève. Điều này đủ để cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể đi đến đâu.
Đó chính là chính sách ngoại giao tẩy chay mà Bắc Kinh thực hiện trong một
chiến dịch trường kỳ.
(Nguồn: Les Echos)
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment