08:42 24/04/2020
Sự tương phản giữa người phụ nữ thế kỷ 18 đọc sách
và một cô cậu trẻ tuổi dán mắt vào điện thoại cho thấy những cách thức khác
nhau chúng ta kiến tạo bản sắc thông qua việc đọc.
===================
Frank Furedi là nhà xã hội học và nhà bình luận xã hội,
cựu giáo sư xã hội học tại Đại học Kent ở Canterbury, ông đã viết nhiều sách,
cuốn mới nhất là How Fear Works (2018). Ông hiện nghiên cứu về lịch sử
tư tưởng và tác động của khủng hoảng bản sắc. Bài viết dưới đây của ông do dịch
giả Ngân Xuyên chuyển ngữ.
====================
Hôm đó là thứ Bảy,
1/11/2014, tôi đang tìm sách ở hiệu sách Barnes and Noble trên Đại lộ thứ 5 ở
New York City thì chợt thấy một chồng sách được làm rất đẹp. Nhìn kĩ hơn tôi nhận
ra những sách đó là một phần của cái gọi là bộ sách cổ điển bọc da. Một nhân
viên cho tôi biết những mẫu đẹp này là để giúp “trang điểm cho bộ sưu tập sách
của bạn”.
Từ cuộc trao đổi đó, tôi
vẫn hay nhớ rằng với tư cách một biểu tượng chứng tỏ sự tinh tế văn hóa, sách
thực sự quan trọng. Và dù chúng ta đang sống trong thời đại số, ý nghĩa biểu tượng
của sách vẫn là một sự đánh giá văn hóa. Đấy là lý do mà thường khi phải trả lời
phỏng vấn tại nhà hay tại phòng làm việc ở trường, tôi thường đứng trước giá
sách và vờ như đang đọc một cuốn sách.
Đọc sách tinh tế
và đọc sách khoe mẽ
Kể từ khi phát minh ra thứ
chữ hình nêm ở Lưỡng Hà khoảng năm 3500 trước Công nguyên (TCN) và thứ chữ tượng
hình ở Ai Cập khoảng năm 3150 TCN, người đọc sách nghiêm túc đã được coi là có
văn hóa. Những tấm bảng đất sét trên có ghi các ký hiệu được coi là thứ đồ vật
quý và đôi khi là thiêng. Khả năng đoán giải các biểu tượng và ký hiệu được xem
là một việc làm phi thường.
Tử thư Ai Cập. Ảnh
tư liệu
Hệ chữ tượng hình Ai Cập
được cho là có sức mạnh ma thuật và cho đến tận ngày nay nhiều độc giả vẫn xem
sách là phương tiện trung gian để có được kinh nghiệm tâm linh. Vì sách có ý
nghĩa biểu tượng lớn như vậy nên việc mọi người đọc gì và đọc như thế nào được
coi là một nét bản sắc quan trọng của họ. Việc đọc sách luôn là một dấu ấn của
tính cách, đó là lý do tại sao mọi người trong suốt lịch sử đã đầu tư nguồn lực
văn hóa và cảm xúc đáng kể vào việc nuôi dưỡng bản sắc như những người yêu
sách.
Ở Lưỡng Hà cổ đại, nơi chỉ
một nhóm nhỏ các viên thư lại mới có thể giải mã các tấm bảng ghi thứ chữ hình
nêm, người diễn giải được các ký hiệu rất có uy tín. Chính ở thời điểm này
chúng ta có được những gợi ý sớm nhất về sức mạnh biểu tượng và đặc quyền mà
người đọc sách có. Bằng cách hạn chế việc tiếp cận đến kiến thức ma thuật của họ,
các viên thư lại đã ra sức bảo vệ quyền uy văn hóa của họ với tư cách là những
độc giả.
Vào thời La Mã, bắt đầu từ
thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, những cuốn sách được hạ từ trời xuống đất,
nơi chúng được xem là những hàng hóa xa xỉ đem lại cho những người chủ giàu có
của chúng uy tín văn hóa. Nhà triết học La Mã Seneca sống ở thế kỷ thứ nhất đã
công kích thói trưng bày nhiều sách để khoe khoang khi ông phàn nàn “nhiều người
không đi học ở trường dùng sách không phải như một công cụ học tập mà như vật
trang trí cho phòng khách”.
Nói về một nhà sưu tập những
cuộn sách giấy để phô trương, ông viết rằng “bạn có thể thấy toàn bộ tác phẩm của
các nhà hùng biện và các nhà sử học chất trên giá cao đến tận trần nhà, bởi vì
cũng như phòng tắm, phòng sách đã trở thành vật trang trí cho căn nhà giàu
có".
Sự căm ghét của Seneca đối
với kiểu nhà sưu tập sách có tính khoe khoang có thể do sự ác cảm của ông đối với
chứng “cuồng đọc” trước chỗ đông người lây lan mạnh ở Đế chế La Mã thời kỳ đầu.
Thời đó đã thấy nổi lên hiện tượng recitatio: Việc các tác giả và
các nhà thơ đọc thơ văn trước công chúng khiến các công dân giàu có coi đấy là
cơ hội chứng tỏ mình..
Sau sự sụp đổ của Đế chế
La Mã vào thế kỷ thứ năm, người Âu có sự giàu có vật chất nhưng thiếu sự thanh
lịch và tinh tế của những kẻ thượng lưu trong xã hội đã tạo ra những thư viện
tư để được tiếng là thanh lịch. Quả thật, đối với nhiều người việc có được một
thư viện sắp xếp tốt là một mục đích tự thân.
Tranh Trường học
Athens của Raphael.
Gần một nghìn năm sau,
cùng phong trào Phục Hưng, sự trỗi dậy của buôn bán và thương mại, việc sở hữu
sách càng lan rộng và sự phân biệt văn hóa bằng đọc sách mở rộng đến nhiều người
hơn. Geoffrey Chaucer trong bài thơ The Legend of Good Women viết
năm 1380 đã thí dụ trào lưu này khi nói ông giữ sách “vì sự tôn kính”.
Vào các thế kỷ 14 và 15,
kiểu độc giả kiêu căng, khoa trương nổi lên. Bài tiểu luận Philobiblon của
Richard de Bury viết năm 1345 nhưng công bố năm 1473 được coi là “bản luận văn
sớm nhất ở Anh về niềm vui đọc văn chương”. Nhưng Philobiblon nói
rất ít về kinh nghiệm đọc sách thực tế của Bury. Ông là nhà mê sách kiểu cổ điển
chỉ ham thu thập sách hơn là đọc.
Người viết tiểu sử ông là
William de Chambre nói rằng sách vây quanh mọi chỗ trong nhà ông và “phòng ngủ
nhà ông cũng đầy sách đến mức khó mà đi đứng được nếu không trèo lên chúng”. De
Bury chắc đã đoán trước được rằng cái thú sưu tập sách hám lợi của mình sẽ là mục
tiêu của sự phê phán, châm chích nên ông đã tự vệ cho mình khỏi sự thái quá bằng
cách viết trong đoạn Mở đầu của Philobiblon rằng “tình yêu mê
mẩn” với sách đã khiến ông “quên nghĩ đến mọi thứ khác trên đời”.
Mục đích viết Philobiblon là
để hậu thế hiểu ý định của ông và “ngăn chặn vĩnh viễn những cái miệng lưỡi
ngang ngạnh của những kẻ buôn chuyện”; ông hy vọng câu chuyện về niềm đam mê của
ông sẽ “làm cho tình yêu sách của chúng ta sạch khỏi sự thái quá”.
Nhưng nhà thần học nhân
văn Đức Sebastian Brant đã không nhận được thông điệp này. Bản văn châm biếm của
ông Ship of Fools (1494) vẽ ra 112 kiểu người điên khác nhau.
Và kẻ điên đầu tiên leo lên tàu là "điên sách", kẻ thu thập sách và đọc
chỉ để làm màu. Brant để gã nói:
Nếu trên con tàu này tôi là số một
Ấy là vì những lý do đặc biệt mà tôi được thế,
Vâng, ở đây tôi là người thứ nhất, anh thấy đấy
Bởi vì tôi thích cái tủ sách của tôi.
Những cuốn sách tuyệt vời tôi sở hữu không cùng,
Nhưng tôi chỉ hiểu được in ít;
Tôi quý những cuốn sách qua nhiều thời đại
Và giữ không cho ruồi đậu vào các trang.
Nơi chứa đựng nghệ thuật và khoa học
Tôi nói: Ở nhà tôi là người hạnh phúc nhất,
Có sách ở bên mình
Là tôi hài lòng hơn cả.
Sự châm biếm của Brant được
lan truyền rộng và nhanh chóng được dịch từ tiếng Đức sang tiếng Latin, tiếng
Pháp và tiếng Anh. Nhưng những kẻ yêu sách - hay nói cách khác là những kẻ điên
-sách - vẫn không nhụt chí. Đến thế kỷ 16 sự lý tưởng hóa thế tục “tình yêu
sách” đã được coi là phương tiện để tự khám phá mình và để có hiểu biết tâm
linh về các con đường của thế giới.
Sách như biểu tượng
thần linh, trí tuệ
Tính biểu tượng của việc
đọc có lẽ lớn hơn bản thân hành động đọc. Các cá nhân cố nắm bắt sự say mê sách
của mình thông qua những bức họa vẽ họ đang mải đọc. Những bức họa vẽ người đọc
sách và những bức chân dung người cầm sách trở nên phổ biến trong nghệ thuật Phục
Hưng. Các bản thảo thời này “tràn ngập những hình ảnh không chỉ của sách mà còn
của những người đọc sách” như Laura Amtower viết trong cuốn Engaging
Words: The Culture of Reading in the Middle Ages (2000).
Trong những thế kỷ tiếp
theo, chân dung nhà nghệ sĩ bị quyến rũ bởi đặc điểm thần linh và trí tuệ của
sách vẫn tiếp tục ôm lấy nó như một đặc tính nghệ sĩ quan trọng. Các bức họa về
nhà thơ nhân văn Dante luôn vẽ ông đang trong tư thế đọc.
Tranh Allegorical
Portrait of Dante. Ảnh: Wikimedia
Bức tranh có tên Allegorical
Portrait of Dante của họa sĩ thế kỷ 16 Agnolo Bronzino vẽ nhà thơ đang
mở bản in khổ lớn cuốn Paradiso. Nó vừa nói về sách vừa nói về
Dante. Xem cách đọc của Dante người xem nhớ lại địa vị của ông là một người đi
trước về văn hóa và tinh thần.
Thế kỷ 18, với sự mở rộng
việc đọc sách trong dân chúng, giới trí thức đã tìm mọi cách củng cố địa vị vượt
trội của mình bằng cách nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ và những độc giả thấp
kém hơn. Giờ đây, nhà phê bình văn học đã thay thế nhà châm biếm La Mã, ca ngợi
những độc giả thực thụ là “người có học thức” trong khi phía đối lập về mặt đạo
đức của họ được gọi là “vô học”.
“Đọc sách không phải là một
đức hạnh; nhưng biết đọc cho đúng là một nghệ thuật, và một nghệ thuật như thế
chỉ sinh ra khi người đọc có thể chiếm lĩnh được nó”, nhà tiểu thuyết Edith
Wharton khẳng định trong bài viết “The Vice of Reading”. Wharton viết rằng “người
đọc máy móc” thiếu “năng khiếu bẩm sinh” và “năng lực đọc” nên không bao giờ
chiếm lĩnh được nghệ thuật đọc.
Thiếu nữ thế kỷ 18
đọc sách khác gì cô gái dán mắt vào điện thoại thời nay?
Đến thế kỷ 20, việc đọc
được nâng lên thành một hình thức nghệ thuật, giới trí thức vạch một giới tuyến
trên cát. Một bên là cái gọi là độc giả vờ và bên kia là lớp tinh tú. Ngay nhà
tiểu thuyết Virginia Woolf cũng bị mắc vào điều này. Trong bài “The Common
Reader” (1925) bà mô tả độc giả trung bình như người “kém học thức” hơn nhà phê
bình, một cá nhân không được trời phú cho năng khiếu “hào phóng” như đối tác
sành sỏi của hắn.
Theo Woolf, độc giả thông
thường là người “vội vàng, thiếu chính xác, hời hợt” và tất nhiên “những sự thiếu
hụt của hắn như một nhà phê bình là quá hiển nhiên khỏi phải nói nữa”. Viễn cảnh
đã rõ: Độc giả tiếp tục bị phân loại và phán xét cho đến tận nay. Trong Pleasures
of Reading (2011) nhà phê bình văn học Alan Jacobs còn dám phân biệt
giữa những độc giả khoe khoang và “những người đọc” bậc thấp.
Trong thực tế, hành động
này đã trở nên có uy tín đến mức việc đọc cho trẻ em biểu thị năng lực của bố mẹ,
ít nhất thì cũng là ưu thế đạo đức và văn hóa của họ. Một ông bố bà mẹ đọc sách
cho con nơi công cộng là đã làm một tuyên bố với thế giới - và thật cao cả việc
các bậc phụ huynh hiện nay đang giành nhiều thời gian và nguồn lực để khuyến
khích trẻ thực sự cầm lấy quyển sách trong tay. Cho nên không có gì lạ khi thấy
một đứa trẻ chập chững ngồi trên chiếc ghế trẻ con ở trong xe hơi cầm một cuốn
sách nhỏ và ngó vào đó.
Không lâu nữa, những đứa
trẻ chập chững của thế kỷ 21 có thể sẽ từ bỏ cái sự phô trương việc đọc sách ở
nơi công cộng để chấp nhận thói quen đều đặn tìm kiếm trên smartphone. Nếu
Seneca hay Martial mà ở thời nay, chắc họ sẽ viết những bản văn châm biếm cái sự
phô bày việc đọc tin nhắn ở chỗ đông người và hiển thị văn bản ngay trước mặt.
Đọc sách thời đại số,
cũng như đọc những cuộn giấy thời cổ, là một diễn ngôn quan trọng cho biết
chúng ta là ai. Giống như các độc giả nơi công cộng ở Rome thời Martial, những
độc giả chăm chăm đọc tin nhắn và các hình thức truyền thông xã hội khác hiện
ra ở khắp nơi. Dù trong cả hai trường hợp sự diễn đọc đều không mệt mỏi cấu
trúc nên hình ảnh bản ngã của họ thì cái bản sắc mà họ muốn xác lập cũng rất
khác nhau.
Những người trẻ ngồi
trong quán bar kiểm tra các tin nhắn trên điện thoại không tạo nên diễn ngôn về
thị hiếu văn học tinh tế của họ. Họ chỉ báo hiệu rằng họ đang kết nối và rằng -
đây là điều quan trọng nhất - sự chú ý của họ là điều thường xuyên phải có.
Công nghệ thay đổi
thói quen đọc. Ảnh: istockphoto
Khi công nghệ số phát triển,
sự diễn đọc đã thay đổi. Sự tương phản giữa người phụ nữ thế kỷ 18 đọc sách và
một cô cậu trẻ tuổi dán mắt vào smarphone cho thấy những cách thức khác nhau
chúng ta kiến tạo bản sắc thông qua việc đọc. Hiện nay, người tiêu dùng sành sỏi
văn bản số đang cạnh tranh giành sự khẳng định về văn hóa với độc giả sách giấy,
nhưng sự diễn đọc nào là đáng giá nhất?
Đối với những người muốn
tuyên bố trí tuệ của họ cho thế giới biết thì sự lựa chọn đã rõ ràng: Các văn bản
số không phải là cái đánh dấu sự phân biệt văn hóa. Có lẽ vì thế nên bất chấp
việc sử dụng rộng rãi máy tính bảng, việc bán sách giấy gần đây vẫn tăng lên.
Khác với sách, máy tính bảng
không phải là công cụ chứng tỏ thị hiếu và sự tinh tế. Vì vậy các nhà thiết kế
nội thất đã dùng những giá sách để tạo ấn tượng thanh lịch và tinh tế cho căn
phòng. Các doanh nghiệp tích cực cải thiện vẻ ngoài tinh tế bằng cách cung cấp
những giá sách làm sẵn cho những người mua muốn tỏ ra có thị hiếu cao.
“Books by the Foot”, một
hãng bán hàng trực tuyến cam đoan đưa lại “một tủ sách phù hợp với cá tính của
bạn và không gian nhà bạn”, hứa hẹn cung cấp những cuốn sách “dựa trên màu sắc,
kiểu dáng, chủ đề, kích thước, chiều cao, và nhiều nữa để tạo ra một tủ sách
trông thật vĩ đại”. Một doanh nghiệp trực tuyến khác phát đạt về việc bán các tủ
sách theo yêu cầu khách hàng thì nói rằng, ngay cả vào thời đại số, tủ sách vẫn
là biểu tượng của văn hóa cao.
Những kẻ "điên
sách" vẫn đang ở cạnh chúng ta, nhưng may là nhiều độc giả không còn thích
việc diễn đọc. Họ vẫn đắm mình vào văn bản và vẫn thực sự yêu những câu chuyện
họ đọc. Bất luận phương tiện nào, điều quan trọng ở đây là khát vọng rất con
người muốn bước lên hành trình này. Không phải sự trình diễn cũng không phải
cách nhìn là quan trọng, mà là sự trải nghiệm hành trình vào cõi chưa biết.
----------------------------------------
Bài liên quan
Dù không thể tổ chức các
hoạt động như mọi năm, Ngày sách Việt Nam (21/4) vẫn không kém phần ý nghĩa khi
các nhà xuất bản có nhiều hoạt động online tri ân độc giả.
No comments:
Post a Comment