Friday 10 April 2020

LHQ : VIIRUS CORONA CÓ THỂ ĐẨY THÊM NỬA TỶ NGƯỜI VÀO CẢNH ĐÓI NGHÈO (BBC Tiếng Việt)



NỘI DUNG :

BBC Tiếng Việc
.
Tuấn Thảo  -  RFI
.
Thanh Hà  -  RFI
.
================================================
.
BBC Tiếng Việc
09/04/2020

Kinh tế suy sụp do virus corona có thể làm tăng số người rơi vào tình trạng đói nghèo lên tới nửa tỷ người.

Lời cảnh báo đáng sợ này được đưa ra từ một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về cái giá về tài chính và nhân mạng trong đại dịch này.


Đây sẽ là lần đầu tiên tình trạng đói nghèo tăng trên toàn cầu kể từ 30 năm qua, theo nội dung bản phúc trình.

Các kết luận được đưa ra trước khi Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các bộ trưởng tài chính khối G20 họp vào tuần tới.

Nội dung nghiên cứu được soạn thảo bởi các chuyên gia từ Đại học King's College London và Đại học Quốc gia Australia (ANU).

"Cuộc khủng hoảng kinh tế có khả năng sẽ còn nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng y tế," Christopher Hoy từ ANU nói.

Bản phúc trình, theo đó ước tính sẽ có thêm từ 400 đến 600 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo trên toàn cầu, nói rằng tác động có thể có của virus này đang là một thách thức thực sự đối với Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ, muốn xóa bỏ tình trạng đói nghèo chậm nhất là vào năm 2030.

Tới lúc đại dịch qua đi, khoảng một nửa trong tổng 7,8 tỷ dân trên thế giới có thể sẽ phải sống trong cảnh đói nghèo.

Chừng 40% trong tổng số các trường hợp mới sẽ tập trung ở vùng Đông Á và Thái Bình Dương, với khoảng một phần ba ở vùng Hạ Sahara của châu Phi và Nam Á.

Trước đó, hồi đầu tuần, hơn 100 tổ chức toàn cầu đã kêu gọi xóa trách nhiệm trả nợ trong năm nay của các nước đang phát triển, điều sẽ giúp giải phóng được tới 25 tỷ đô la để hỗ trợ cho nền kinh tế của các nước đó.


--------------------------------------------------------------------------------
.
Tuấn Thảo  -  RFI
Đăng ngày: 10/04/2020 - 14:29

Tại Hoa Kỳ, đại đa số các viện bảo tàng đều đã phải đóng cửa trước đà lây lan của virus corona. Giới nhân viên tại các bảo tàng là những nạn nhân, cũng như hàng triệu người lao động trong nhiều ngành nghề khác đang bị mất việc. Tính trung bình, các viện bảo tàng Mỹ bị thất thu khoảng 33 triệu đô la cho mỗi ngày đóng cửa.

Kể từ cuối tháng 3, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA ở thành phố New York đã chấm dứt tất cả các hợp đồng của các nhân viên giáo dục có quy chế độc lập. Theo tạp chí chuyên đề Hyperallergic, ban giám đốc MoMA đã thông báo qua email rằng biện pháp sa thải này là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19. Tuy Viện bảo tàng MoMA đã tạm thời đóng cửa kể từ ngày 12/03, nhưng đa số các nhân viên vẫn tiếp tục làm việc, họ phụ trách việc nhận đăng ký qua email hay điện thoại và lên chương trình hướng dẫn tham quan cho những tháng tới. Tuy nhiên, các nhân viên này sẽ không được trả lương sau ngày 30/03, và sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào khác do mọi cam kết hợp đồng trong tương lai đều bị hủy bỏ. 
Cũng tại New York, Bảo tàng Mới về Nghệ thuật Đương đại (New Museum of Contemporary Art) kể từ khi phải đóng cửa, đã sa thải gần 1/3 số nhân viên (48 trong tổng số 150), chủ yếu là các nhân viên có hợp đồng ngắn hạn hay bán thời gian. Theo ban quản lý, các nhân viên này vẫn được trả lương cho đến ngày 15/04, và bảo tàng hy vọng sẽ tuyển dụng lại các nhân viên cũ khi điều kiện cho phép. Về phần mình, ông Adam Weinberg, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney ở New York cũng vừa thông báo sa thải 76 người, tức hơn một nửa số nhân viên.

Tình hình của các viện bảo tàng có uy tín tại các bang khác ở Mỹ cũng không sáng sủa gì hơn, nhất là các cơ sở không có nhiều ngân quỹ hoạt động và lệ thuộc khá nhiều vào việc bán vé cũng như các nguồn doanh thu đến từ việc bán hàng cho khách tham quan. Vào cuối tháng 3, bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Massachusetts (MASS MoCA) tuyên bố sa thải 120 trong số 165 người, tức là 3/4 số nhân viên ở tất cả các bộ phận. Đa phần các nhân viên ở đây làm việc tại quầy bán vé, nhân viên bán hàng quầy lưu niệm, nhân viên thính phòng dành cho các buổi hòa nhạc. Bảo tàng này buộc phải cắt giảm mạnh các chi phí hoạt động, do ngân sách tương đối khiêm tốn, khoảng 14 triệu đô la trong một năm.

Tương tự, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles (MOCA) với ngân sách hoạt động hàng năm là 20 triệu đô la, ngoài việc sa thải 97 nhân viên bán thời gian, còn yêu cầu các nhân viên có hợp đồng dài hạn, lấy ngày nghỉ phép hay nếu có thể làm việc ở nhà, nhưng trước mắt, họ chỉ được trả một phần lương tháng Tư. Viện bảo tàng Hammer tại Westwood cũng đã sa thải 150 sinh viên làm việc bán thời gian, chủ yếu là nhân viên phòng lễ tân, quầy bán vé và phòng triễn lãm. Cả hai bảo tàng này ở Los Angeles đều không nhận được sự hậu thuẫn tài chính của mạnh thường quân hay là trường đại học danh tiếng.

Dịch Covid-19 khiến cho tương lai của nhiều viện bảo tàng Mỹ càng trở nên bấp bênh, nhất là các cơ sở chủ yếu hoạt động nhờ nguồn vốn tư nhân hay nhờ chương trình quyên góp từ các nhà hảo tâm. Đó là trường hợp của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland cũng như Bảo tàng Nghệ thuật Carnegie ở thành phố Pittsburgh, do bị virus corona ảnh hưởng nặng nề, cho nên đều đang buộc phải sa thải nhân viên. 

Hiện giờ, chỉ có những bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ mới có đủ sức chịu đựng làn sóng chấn động của dịch Covid-19. Đó là trường hợp của Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York : Ban quản lý dự trù lấy tiền từ quỹ tài trợ để trả lương cho nhân viên. Bảo tàng Metropolitan có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách 100 triệu đô la trong những tháng tới, nhưng cũng nhưMoMA, Metropolitan không ngại ‘‘phá sản’’ sau mùa dịch do ngân sách tài trợ của hai bảo tàng này lên đến cả tỷ đô la.  

Tuy nhiên, theo ban giám đốc Metropolitan, phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời để viện bảo tàng này tìm lại ngân sách và mức hoạt động bình thường. Ngay cả các viện bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ nước Mỹ cũng không có đủ ‘‘tiền mặt’’ để trả lương cho toàn bộ nhân viên trong suốt mùa dịch.

Trước tình trạng khó khăn ấy, nhiều hiệp hội và cơ sở văn hóa đã lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của chính quyền liên bang. Một cách cụ thể, các viện bảo tàng hy vọng chính quyền liên bang sẽ tăng ngân sách đóng góp và như vậy giúp cho các bang có thêm luồng dưỡng khí để không khỏi ‘‘chết ngạt’’. 

Theo bà Laura L. Lott, giám đốc Liên hiệp các Bảo tàng Mỹ (American Alliance of Museums), các viện bảo tàng ở Hoa Kỳ hiện nay mất ít nhất 33 triệu đô la mỗi ngày, việc đóng cửa đã tác động trực tiếp đến cả trăm ngàn nhân viên trong ngành, kể cả các chuyên gia giám tuyển, thiết kế triển lãm, nhân viên hướng dẫn cũng như an ninh, chuyên viên tiếp khách tham quan, vì theo Cơ quan Liên bang IMLS, nước Mỹ hiện có khoảng 35.000 bảo tàng lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ.

-------------------------------
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 08/04/2020 - 12:14

« Trận thủy triều thất nghiệp sẽ dâng cao ». Thời kỳ đen tối đang chờ đợi những người lao động trên toàn cầu. Trong chưa đầy ba tháng, virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động trên thế giới và châu Á là nơi « bị nặng nhất ». Trên đây là kết luận của báo cáo mới nhất của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), vừa công bố hôm 07/04/2020.

Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc « khủng hoảng chưa từng thấy » từ sau Thế Chiến Thứ Hai và tác động « sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu ». Dưới hình thức này hay một hình thức khác, virus corona ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người làm công ăn lương trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người tới nay mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khắp 5 châu từ quý hai năm nay : xóa sổ 198 triệu lao động (tính theo mức 48 giờ làm việc mỗi tuần). Nhìn theo từng khu vực, báo cáo của ILO cho thấy châu Á - Thái Bình Dương bị tác hại nghiêm trọng nhất. Đây là nơi mà trong quý hai 2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm. Để so sánh, con số này ở châu Âu là 20 triệu. 

Chưa ai biết lúc nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là chỉ tính đến thời điểm này, thì tác hại của virus corona đã lớn hơn cả so với thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được công bố vào lúc các quốc gia trên thế giới dồn dập bơm tiền cứu nguy kinh tế. Nhật Bản hỗ trợ kinh tế tương đương 20 % GDP. Mỹ 2.000 tỷ đô la, Đức 1.000 tỷ euro… Đó là chưa kể những biện pháp thuộc loại « vũ khí hạng nặng » mà các ngân hàng trung ương của Liên Hiệp Châu Âu hay của Hoa Kỳ. 
Publicité

Chạy đua với thời gian cứu nguy kinh tế
Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để cứu mạng người, để tìm thuốc và vác-xin phòng chống virus corona, thế giới phải đóng vai trò của những người lính cứu hỏa để cứu vãn cỗ máy kinh tế. GDP của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020 theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Sau ba tuần lễ bị phong tỏa đã có tới 5,8 triệu người lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80 % thu nhập. 

Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật ». Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008. Nhìn sang Anh Quốc gần một triệu người lao động mất việc trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020 và con số này cao gấp 10 lần so với bình thường. 

Tại Hoa Kỳ, cũng trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020, Covid-19 đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, và số này phải ghi danh lãnh tiền thất nghiệp. Nhìn đến Trung Quốc điểm khởi đầu của dịch, thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và 3/2020 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5 %, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16 % còn chỉ số tiêu thụ nội địa thì giảm đi mất 1/5 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ngần ấy dấu hiệu đủ cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất địa cầu này không thể tươi sáng. 

Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế kêu gọi thế giới nhanh chóng hành động để ngăn chận nguy cơ khủng hoảng về y tế kéo theo một trận « đại họa » về xã hội. Trước mắt cộng đồng quốc tế hô hào « hợp tác và phối hợp » để tìm ra ngõ thoát, nhưng khi bắt tay vào việc dường như các bên vẫn khó san bằng được những bất đồng, tiêu biểu nhất là tranh cãi đang diễn ra giữa 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về một giải pháp vực dậy kinh tế của toàn khối thời hậu Covid-19.





No comments:

Post a Comment

View My Stats