Thứ Bảy, 04/18/2020 -
15:58 — songchi
Một số tờ báo có một nhận
xét thú vị rằng những quốc gia đối phó tốt với đại dịch coronavirus lần này có
một điểm chung: lãnh đạo là phụ nữ (“The secret weapon in the fight against
coronavirus: women”, The Guardian, “What do countries with the
best coronavirus responses have in common? Women leaders”, Forbes).
Quả thật, dưới sự lãnh đạo
của các nữ chính khách, các quốc gia như Đức, Đài Loan, New Zealand, Iceland,
Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy đã “chiến đấu” với đại dịch COVID-19 khá tốt, số
người bị nhiễm và số người chết tương đối thấp hơn nhiều quốc gia khác, người
dân tin vào phương pháp chống dịch của chính phủ nên không hoảng loạn, vẫn bình
tĩnh, đoàn kết cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn.
Nhưng trong bài này, người
viết ưu tiên nói về 2 người là bà Thái Anh Văn, Tổng thống của Đài Loan và bà Angela Merkel, Thủ tướng
của nước Đức. Và không phải chỉ về bản lĩnh cũng như kết quả chống dịch
của họ, mà là những điều thế giới có thể nghiệm ra từ họ.
Đài Loan, đảo quốc nhỏ bé
với dân số xấp xỉ 24 triệu người, từ lâu đã phải học cách tồn tại trước sức ép
và sự đe dọa ngày càng tăng của Trung Cộng khổng lồ và hung hăng. Bắc Kinh
không bao giờ chấp nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và đã làm mọi cách để
cô lập Đài Loan trên quốc tế. Trước lợi ích kinh tế to lớn trong việc làm ăn với
Trung Quốc, rất nhiều quốc gia không dám công nhận hoặc bang giao với Đài Loan.
Nhưng người dân Đài Loan và vị nữ Tổng thống của họ vẫn vững vàng, kiên quyết bảo
vệ nền độc lập và quyền tự do lựa chọn thể chế của họ.
Khi đại dịch xảy ra, Đài Loan
đã nhanh chóng có những biện pháp đối phó, và từ cuối tháng 12.2019, đã gửi
email cho Tổ chức Y tế thế giới WHO (World Health Organization) thông báo sự
nghi ngờ của mình về một loại virus mới cũng như yêu cầu cung cấp thêm thông
tin nhưng WHO đã tảng lờ. Từ lâu đảo quốc này đã không được vào WHO vì bị Bắc
Kinh ngăn nhưng dưới thời ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, một nhân vật bị cho
là thân Băc Kinh, WHO càng đối xử không công bằng với Đài Loan. Chính phủ Đài
Loan đã cáo buộc WHO “để họ một mình chống lại dịch Covid-19 mà không có quyền
tiếp cận các thông tin quan trọng, ̣đúng lúc”.
Mặc dù vậy, Đài Loan đã đối
phó với dịch bệnh thành công và sau đó còn giúp đỡ các nước khác. Hàng triệu khẩu
trang đã được chính phủ Đài Loan gửi tới Mỹ, châu Âu và nhiều nước theo tinh thần
“Taiwan can help” (“Taiwan Announces $35 Billion To Help Other Nations
During The Coronavirus Crisis”, Intelligent Living)
Khác hẳn với Trung Cộng,
đã gây ra đại dịch cho toàn cầu mà còn tìm cách chối tội, cho rằng con virus
này không phải xuất phát từ Trung Quốc, rồi lại khua chiêng đánh trống như thể
đang giúp đỡ thế giới nhưng thực chất là bán khẩu trang, mặt nạ, vật tư y tế…
cho các nước với giá không hề rẻ mà chất lượng thì tệ hại!
Đại dịch
COVID-19 đã cho thế giới thấy rõ hơn bộ mặt của Trung Cộng, và sự khác biệt của
hai nhân vật đứng đầu hai nước: Tập Cận Bình và Thái Anh Văn.
Sư khác nhau đó bắt nguồn
từ sự khác nhau giữa hai thể chế chính trị. Chế độ độc tài độc đảng của Trung
Quốc khiến cho chính khách, lãnh đạo quen với việc dối trá, bưng bít thông tin,
coi thường sự thật và coi rẻ sinh mạng con người. Bên cạnh đó tham vọng muốn
ngoi lên lãnh đạo toàn cầu của các thế hệ cầm quyền Bắc Kinh nói chung và Tập Cận
Bình nói riêng, khiến họ Tập làm gì cũng có mưu đồ chính trị sâu xa nhằm tranh
giành, khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc, gây chia rẽ giữa các nước Âu-Mỹ
và phá hoại các thể chế dân chủ trên thế giới. Và vì vậy, mọi việc làm của họ Tập
không thực sự xuất phát từ lòng tốt hay thiện chí.
Ngược lại, bà Thái Anh
Văn hiểu rất rõ vị thế bị cô lập của nước mình và nếu muốn thay đổi được điều
đó, muốn chứng tỏ với thế giới rằng Đài Loan xứng đáng là một quốc gia độc lập
với Trung Quốc thì phải chứng tỏ sự hơn hẳn của mô hình thể chế-tự do dân chủ,
văn minh, nhân bản hơn.
Với bà Angela Merkel, trong suốt 15 năm dài ở cương vị Thủ tướng,
đây không phải là lần đầu tiên bà lèo lái nước Đức vượt qua những cuộc khủng hoảng
và những giai đoạn khó khăn khác nhau. Nên không có gì ngạc nhiên khi bà cùng với
dân Đức, một lần nữa lại thành công trong cuộc chiến đấu chống đại dịch cúm Vũ
Hán và còn hỗ trợ các nước khác.
Với phong thái điềm tĩnh,
giản dị, không khoa trương ồn ào, không tìm cách làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng
của đại dịch ngay từ đầu, không đổ lỗi cho người tiền nhiệm, các đảng phái đối
lập hay truyền thông, bà Angela Merkel chỉ xuất hiện và nói với dân chúng khi cần
và cũng chỉ nói những điều thật cần thiết, không bao giờ cho mình là trung tâm
của mọi vấn đề, luôn luôn tham khảo và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các
nhà khoa học và lùi lại để nhường lời cho họ khi phải trả lời dân chúng những vấn
đề đi sâu vào chuyện môn v.v…
Bây giờ Đức cũng là một
trong những nước đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, từ từ “mở
cửa” trở lại, và trong việc này bà Angela Merkel cũng tham khảo ý kiến các học
giả để có kế hoạch dựa trên tình hình thực tế và cơ sở khoa học, sau đó thỏa
thuận với thống đốc 16 bang của Đức để có sự thống nhất. Kết quả là tất cả các
bang hoàn toàn thống nhất với chính phủ liên bang về chiến lược thận trọng này,
ngay cả những người từng chỉ trích bà Angela Merkel (“Relying on science and
politics, Merkel offers a cautious coronavirus reentry plan”, MSN)
So với Đức và một số quốc
gia khác, nước Mỹ cũng đang gánh tai họa COVID-19 khá nặng với con số người bị
nhiễm và con số người chết cao nhất thế giới (trừ con số của Tàu không thực sự
đáng tin cậy). Nước Mỹ những ngày này càng chia rẽ hơn bao giờ hết giữa những ý
kiến bênh vực, ủng hộ hay phản đối cách đối phó với dịch bệnh của Tổng thống Trump,
mà trước hết là từ chính những phát ngôn, cách hành xử của Tổng thống.
Ở đây, sự khác nhau giữa
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ Donald Trump lại
xuất phát từ tính cách, và kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng.
Do không có kinh nghiệm,
Trump đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch ngay từ đầu và
cũng không có kế hoạch chuẩn bị đối phó đầy đủ, đến khi đại dịch lan tràn khắp
nước Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ đã tìm cách đổ lỗi cho mọi thứ có thể, từ đảng Dân
chủ, cựu Tổng thống Obama, truyền thông, Trung Cộng, WHO… nhưng lại hoàn toàn
không muốn nhận trách nhiệm về mình. Thêm vào đó việc quan tâm đến cuộc bầu cử
sắp tới đã chi phối tất cả mọi lời nói, hành vị, việc làm của Tổng thống Donald
Trump.
Trump thường xuyên họp
báo, và trong mọi cuộc họp báo, ông luôn luôn phải là nhân vật trung tâm, khẳng
định mình đang làm tốt, và không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào. Thay vì
tìm cách đoàn kết người dân, đoàn kết giữa hai đảng, giữa chính phủ liên bang
và thống đốc các bang, Trump lại càng làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn khi liên tục
chỉ trích mọi thứ, đòi quyền quyết định tất cả, đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn
không dựa trên cơ sở nào cũng như khăng khăng đòi “mở cửa” trở lại bất chấp
tình hình dịch bệnh vẫn đang hết sức căng ở Mỹ, chỉ vì lo ngại nếu kinh tế Mỹ
sa sút hoặc thị trường chứng khoán chao đảo thì sẽ ảnh hưởng tới số phiếu bầu
cho mình...
Thái Anh Văn và Angela
Merkel, hai người phụ nữ, lãnh đạo hai quốc gia khác nhau về mọi mặt ở châu Á
và châu Âu, nhưng họ cho chúng ta thấy tầm vóc, bản lĩnh cần phải có ở người đứng
đầu một quốc gia trong cơn khủng hoảng, có lẽ bởi vì họ có những điểm chung: sự
kiên định, vững vàng, khả năng đối thoại với người khác và không bị chi phối bởi
những cảm xúc hay lợi ích chính trị cá nhân.
No comments:
Post a Comment