Tuesday, 21 April 2020

COVID-19 ĐANG TÁI ĐỊNH HÌNH TRẬT TỰ TOÀN CẦU (Preston Lim - Macdonald-Laurier Institute)




Preston Lim  -  Macdonald-Laurier Institute  
DCVOnline dịch
Posted on April 21, 2020

Canada cần áp dụng chính sách “vườn nhỏ rào cao” trong thương mại quốc tế và gia tăng giữ vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.” –  Preston Lim

Chính sách quốc nội. Nguồn: MLI

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, giới hữu trách y tế và chính phủ trên khắp thế giới đang cố gắng hết sức để trở lại sự bình thường. Người Canada từ bờ biển Thái Bình đến bờ Đại Tây Dương đang ở nhà và sống biệt lập với xã hội, với hy vọng rằng cả nước sẽ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này trong vài tháng. Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề toàn cầu, việc trở lại sinh hoạt bình thường có thể không còn có thể xảy ra.

Canada sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và sẽ phải  đối phó với một trật tự quốc tế đã thay đổi – một trật tự thế giới mới có thể ít đi theo lợi ích của chúng ta. Đại dịch đã định hình lại trật tự toàn cầu theo ít nhất hai cách: bằng cách tăng gia tốc cả (1) sự tách rời kinh tế với Trung Hoa và (2) sự suy giảm vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Cách Canada phản ứng với cả hai khuynh hướng này sẽ ảnh hưởng đến vị trí của quốc gia trên trường quốc tế trong những năm tới.

Đầu tiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm thay đổi các chuẩn mực của thương mại quốc tế. Tách rời về mặt kinh tế không phải là một ý tưởng mới. Tổng thống Trump đã dành phần lớn nhiệm kỳ của ông để nói rằng nền kinh tế Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập cảng của Trung Hoa. Những hành động của Trump trong suốt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khoan nói đến những cuộc đụng chạm thương mại của chính quyền Trump  với các đồng minh như Canada, đã dẫn đến sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Với sự đồng thuận giữa hai đảng rằng Hoa Kỳ cần một “chiến lược cứng rắn hơn, thực tế hơn đối với Trung Hoa”, thì cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 sẽ không dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh. Nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục “cứng rắn hơn và thực tế hơn” bất cứ đảng nào cầm quyền ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy nhanh tốc độ tách rời hai nền kinh tế Mỹ-Trung và có thể khiến nhiều quốc gia hơn – gồm cả Canada – sẽ phải đánh giá lại nhưng liên hệ kinh tế của mình với Trung Hoa. Đại dịch đã chứng minh rằng Canada, giống như Hoa Kỳ, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ít nhất là đối với một số hàng hóa quan trọng. Ottawa đã phải vất vả để mua được vật dụng cho nhân viên y tế, khi các nước trên thế giới áp đặt những hạn chế đối với việc xuất cảng vật dụng an toàn cá nhân cho nhân viên y tế. Cụ thể, đại dịch đã tiết lộ các nền kinh tế phương Tây phụ thuộc vào Trung Hoa như thế nào đối với các nguồn cung cấp y tế, từ thuốc kháng sinh đến mặt nạ hô hấp. Như Terry Glavin gần đây đã ghi nhận, “trước khi dịch ở Vũ Hán bùng phát, một nửa số mặt nạ y tế trên thế giới xử dụng đã được sản xuất tại Trung Hoa.” Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Trung Hoa đã tích trữ những loại vật dụng quan trọng như vậy và chỉ mới tiếp tục xuất cảng trở lại. Trong tương lai, Canada phải ở vị trí không cần cầu xin và phỉnh phờ một chế độ độc tài để mua các nhu yếu phẩm y tế.

Xếp đặi lại chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm y tế ngoài Hoa lục. Nguồn MLI.

Canada không nên đáp ứng khuynh hướng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc kinh tế bằng cách tự cung tự cấp. Chẳng hạn, việc Canada nội địa hóa toàn bộ chuỗi cung ứng y tế của mình là điều không thực tế. Thay vào đó, Ottawa nên làm việc với các nước đồng minh dân chủ tự do và các công ty phương Tây để di chuyển chuỗi cung ứng y tế ra ngoài Trung Hoa nhiều hơn. Tất nhiên, Ottawa có thể quyết định theo đuổi một biện pháp tự lực hạn chế liên quan đến các lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Lĩnh vực kỹ thuật cao là một một ví dụ điển hình: trong những năm gần đây, các công ty Trung Hoa đã mua lấy các công ty kỹ thuật truyền thông và quân sự của Canada, do đó gây phương hại đến nền an ninh quốc gia của chúng ta. Ottawa nên duy trì một cách thận trọng đối với đề nghị mua lại các công ty kỹ thuật cao của Canada và bảo đảm tiếp tục có ở nội địa – mặc dù không nhất thiết phải thuộc chính phủ – sự kiểm soát các phân khúc chính của nền kinh tế.

Nói cách khác, chính phủ phải áp dụng “chiến lược “vườn nhỏ, rào cao”, nếu muốn đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21. Theo chiến lược như vậy, Ottawa sẽ theo đuổi một chính sách tổng thể về thương mại tự do, đồng thời xây dựng sự độc lập về kinh tế liên quan đến một “sân nhỏ” của các khu vực được cẩn thận xác định. Thương mại quốc tế đã cho phép Canada phát triển mạnh trong thế giới sau năm 1945, và Ottawa nên tiếp tục xây dựng các mối quan hệ thương mại mới và mở rộng các mối quan hệ hiện tại. Tuy nhiên, chính phủ cũng phải bảo đảm được quốc gia này vẫn giữ được khả năng sản xuất một tập hợp hàng hóa quốc phòng và tài nguyên chiến lược.

Thứ hai, đại dịch toàn cầu đang đẩy nhanh sự suy tàn của nước Mỹ như một nước giữ quyền lãnh đạo khối  tự do, và cho phép Trung Hoa cổ xúy lợi ích của mình. Giáo sư Paul Kennedy trong một vài thập kỷ đã lập luận rằng “sức mạnh của nước Mỹ đang suy yếu dần.” COVID-19 dường như đã đẩy nhanh khuynh hướng đó. Đại dịch đã lột trần tổng thống Trump cho thấy ông thiếu khả năng lãnh đạo cũng như các vấn đề mang tính hệ thống hơn với nền kinh tế và hệ thống y tế của Mỹ. Quyết định gần đây của ông Trump trong việt cắt Canada khỏi nguồn cung cấp y tế chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không còn đại diện cho các giá trị hợp tác toàn cầu trước đây đã bảo đảm vai trò lãnh đạo khối tự do của Mỹ. Chính quyền Trump khăng khăng đòi gọi COVID-19 là “virus Vũ Hán, virus Trung Hoa”, thậm chí còn ngăn cản sự hợp tác với các thành viên khác trong G7. Thay vì lãnh đạo cuộc chiến chống COVID-19, Tổng thống Trump chỉ xoay sở để cản trở những nỗ lực toàn cầu.

Người Canada không thể đơn giản hy vọng rằng các vấn đề của thế giới sẽ biến mất nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành được chức tổng thống Mỹ. Hy vọng không phải là một chiến lược. Cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn vài tháng nữa. Ngay cả khi Biden giành được chiến thắng, sẽ mất vài tháng – nếu không lâu hơn – để Hoa Kỳ lấy lại chỗ đứng trên trường quốc tế.

Trong khi đó, khi nước Mỹ thua lỗ là có lợi cho Trung Hoa. Khi Canada và các nền dân chủ tự do có cùng chí hướng đấu tranh để chống lại virus thì Trung Hoa đang tận dụng khoảng trống hiện tại trong lãnh đạo quốc tế để mở rộng ảnh hưởng. Sau khi tích trữ nhu yếu phẩm y tế trong nhiều tháng, chính phủ Trung Hoa hiện đang tặng mặt nạ và mặt nạ phòng độc cho các nước trên thế giới, trong nỗ lực trồng cây thiện chí –[như một chiến thuật thừa nước đục thả câu.] Các nước phương Tây, đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung do các hạn chế xuất cảng trước đó của Trung Hoa, không được trang bị tốt để chống lại viện trợ của Trung Hoa.

Trung Hoa cũng đã tìm cách định hình lại những luận điệu tuyên truyền về đại dịch bằng cách quảng cáo sức mạnh của mô hình cai trị của Hoa lục đồng thời thực hiện một chiến dịch tích cực đưa tin đánh lạc hướng. Giới ngoại giao và nhà chức trách Trung Hoa, đã mở chiến dịch đổ trách nhiệm đại dịch là lỗi của Mỹ, đã cáo buộc quân đội Hoa Kỳ đã đem COVID-19 đến Vũ Hán. Các phương tiện truyền thông Trung Hoa cũng đã lan truyền thông tin sai lệch cho rằng Ý mới là nguồn gốc của đại dịch.

Sức mạnh Trung Hoa ngày càng tăng lại càng quan trọng hơn nữa việc giới hoạch định chính sách Canada cần hỗ trợ các cơ chế, giá trị và diễn đàn khác nhau tạo nên trật tự quốc tế tự do. Canada, với tư cách là một cường quốc bậc trung, hiếm khi có thể thay đổi được hành vi của Trung Hoa qua những biện pháp song phương, và phải công nhận rằng chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để kiềm chế sự xâm lược của Trung Hoa.
Do đó, giới ngoại giao Canada nên tiếp tục tích cực hỗ trợ các tổ chức quốc tế. Ottawa phải bảo đảm khả năng tồn tại trong tương lai của cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới, vốn đang bị chỉ trích và tấn công trong những năm gần đây – trong một thế giới phân tách kinh tế, WTO có thể sẽ thấy nhiều hơn, chứ không ít hơn, các vụ tranh chấp thương mại. Ottawa cần liên tục lưu ý thế giới đối với các hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế của Trung Hoa và làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Trung Hoa chiếm cứ các cơ quan như Tổ chức Y tế Thế giới.

Canada không chỉ nên hướng ánh mắt sang các tổ chức quốc tế mà còn nên hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực để duy trì trật tự dựa trên quy tắc. Các nhóm đặc biệt của các quốc gia và các liên minh khu vực có thể sẽ hiệu quả như các tổ chức quốc tế. Với chiều sâu ảnh hưởng của Trung Hoa hiện nay, Ottawa có thể ngày càng thấy dễ dàng hơn trong việc xây dựng liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng, thay vì cạnh tranh với chính sách ngoại giao đồng đô la của Trung Hoa trong các diễn đàn như Đại hội đồng (ở Liên Hiệp Quốc).

Cụ thể, đã qua trễ rồi, Canada cần xoay trục sang châu Á. Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của các quốc gia đông dân nhất thế giới và một loạt các thách thức về an ninh và nhân khẩu học. Mặc dù chính phủ Trudeau đã tăng cường mối quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia khác nhau ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Canada chỉ đóng một vai trò an ninh tối thiểu trong khu vực. Quân đội Canada đã tiếp tục tập trung chính vào các thách thức địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông. Ottawa phải đóng góp tích cực vào kiến ​​trúc an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và tham gia lớn rộng hơn vào các cuộc trận, huấn luyện ở khu vực. Ottawa nên củng cố các quan hệ đối tác quốc phòng hiện có trong khu vực và/hoặc xây dựng các thỏa thuận hợp tác an ninh mới với các đồng minh và đối tác quan trọng, như Nam Hàn, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Úc.

Chính phủ cũng nên xem xét việc điều các tàu Hải quân Hoàng gia Canada đến Biển Đông thường xuyên hơn. Những hành động như vậy có thể có cả việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, lý tưởng nên được thực hiện cùng với các đối tác và đồng minh của chúng ta trong khu vực, không chỉ là Hoa Kỳ. Theo luật quốc tế, tàu của tất cả các quốc gia được quyền đi lại vô tư qua lãnh hải của các quốc gia khác, mà không cần thông báo trước. Trung Hoa, vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu các tàu nước ngoài cung cấp thông báo trước trước khi họ có thể di hành hàng hải không nhằm mục đích xâm lăng. Bằng cách đi thuyền trong phạm vi 12 hải lý của các đảo và các căn cứ mà Trung Hoa tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và bỏ qua các yêu cầu của Trung Hoa đòi thông báo trước, các tàu chiến Canada sẽ thách thức nột cách hiệu quả các yêu sách hàng hải quá mức của Bắc Kinh và vẫn tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế.

Tóm lại, các nhà hoạch định chính sách của Canada nên ứng phó với cả hai khuynh hướng – tách rời kinh tế và sự suy giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ – không phải bằng sự sợ hãi, mà bằng sự quyết tâm. Những thách thức mới đòi hỏi cách ứng xử mới: bài viết này đã gợi ý rằng Ottawa nên áp dụng chính sách “vườn nhỏ, rào cao” cho thương mại quốc tế và gia tăng vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách có thể không đồng ý  giải pháp nào là tốt nhất. Nhưng chỉ đơn giản ngồi đợi để trở lại bình thường sẽ vừa tẻ nhạt và lại nguy hiểm.

-------------------------
 Tác giả Preston Lim là một ứng viên Juris Doctor tại Trường Luật Yale.

© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

----------------

By Preston Lim
April 17, 2020






No comments:

Post a Comment

View My Stats