Miền Tây vừa đón tin vui có những trận “mưa vàng” đầu
mùa. Mưa trải khắp Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên
Giang… Nông dân nói, mùa mưa đã bắt đầu. Còn Viện KH thủy lợi miền Nam (nhà nước)
thì nói, chưa, chưa phải mùa mưa, vẫn còn đang trong đợt cao điểm hạn mặn
nghiêm trọng. Vậy là ý gì? Chuyên gia đồng bằng và nông dân nói, thì nhà nước vẫn
muốn khẳng định sự cần thiết của các công trình ngăn mặn. Nhưng nông dân lắc đầu:
Ngăn mặn mà không có nguồn nước ngọt nào dìa, thì ngăn làm chi cho tốn tiền
công trình quá sức?
HẢI QUAN XÀI GIỜ CÕI ÂM: CHƯƠNG TRÌNH LÚC 0 GIỜ.
Tivi hồi trước có “chương trình lúc 0 giờ”, kể chuyện
ma. Vậy mà chuyện ma xưa giờ thành chuyện thật: Hải Quan, cơ quan quản lý XNK
nhà nước xài “giờ cõi âm”. Trong lịch sử VN và trên thế giới, có ai dám làm
“Chương trình lúc 0 giờ” này?
Khi khổng khi không mà đúng 0 giờ, mở sổ đăng ký xuất
khẩu, chỉ 3 tiếng là gần đạt chỉ tiêu và 6 giờ sáng hôm sau là đăng ký đã kết
thúc. Kiểu đó, chỉ có những công ty biết tin theo cách riêng, 40 công ty, đăng
ký. Nhiều nhất, được gần 100.000 tấn là Intimex của ông phó chủ tịch Hiệp Hội
lương thực VN, kế đó gần 40.000 tấn là Vinafood 2. Sáng ra, Trung tâm lúa gạo
An Cư-Bà Đắc (Cái Bè) nổi tiếng của miền Tây bật ngửa vì hầu hết nhà máy, kho gạo
đều đầy cứng, sẵn sàng xuất và tất cả DN xuất khẩu gạo lớn miền Tây kêu trời vì
bị một cú quá sốc.
Theo ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty NNCNC Trung An
thì từ 24-3, quyết định dừng xuất khẩu gạo đột ngột đã khiến khoảng 300.000 tấn
gạo của cộng đồng doanh nghiệp “mắc kẹt” tại các cảng. “Mỗi ngày nằm chờ,
doanh nghiệp phải chịu mất thêm khoảng 50 tỉ đồng. Đến ngày 11-4-2020,
ngành gạo bị thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng. Đúng lý, 300.000 tấn gạo này phải nằm
trong số 400.000 tấn – hạn ngạch của tháng 4 vừa bị đánh úp lúc nửa đêm”. Nay xảy
ra vụ đột kích nửa đêm này, doanh nghiệp mất 600 tỷ đồng, đang ngáp ngáp, ắt chết
hẳn?
CÁC TỈNH TÂY NAM BỘ ĐỒNG LOẠT LÊN TIẾNG
Cần Thơ có 41 DN xuất gạo, chỉ có 4 DN gặp hên (?)
đăng ký một ít. Ngày 15 Tháng Tư, Sở Công Thương Cần Thơ gửi văn bản đề nghị Bộ
Công Thương, Bộ Tài Chính “cứu gạo đang nằm trên cảng của doanh nghiệp xuất gạo”.
Mỗi ngày chờ cứu xét, phát sinh phí lưu container, lưu bãi, tiền phạt chậm giao
hàng, vốn bị đọng, không có nguồn tiền trả cho nông dân đặt cọc tiền mua lúa vụ
tới, lãi suất và đáo hạn ngân hàng… trung bình mỗi DN phải chi từ 240- 350 triệu
đồng.
Tỉnh An Giang lần này, bức xúc quá cũng lên tiếng mạnh.
Hiện có hơn 48.000 tấn gạo của 16/18 doanh nghiệp không giao hàng được theo hợp
đồng đã ký và tới hạn. Trớ trêu là nếp và gạo loại Nhật (hạt tròn, của liên
doanh Angimex-Kitoku) cũng kẹt dù chẳng liên quan gì an ninh lương thực. Theo Sở
Công thương An Giang, các DN còn tồn 103.100 tấn gạo, nếp dù dã có hợp đồng
giao hàng quí 2/2020.
Một tỉnh miền Tây nữa, Long An, tỉnh có lượng gạo xuất
khẩu lớn, Sở công thương cho biết: có 7/24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh
đã khai báo hải quan kịp, tuy nhiên sản lượng khai báo chỉ được khoảng 8.500 tấn
gạo. Lượng gạo đã có hợp đồng xuất khẩu và đủ nguồn cung của tỉnh tới cuối năm
nay trên 204.571 tấn.
HƯ THỰC CHUYỆN “PHẢI CẤM XUẤT KHẨU VÌ AN NINH LƯƠNG THỰC”?
Càng ngày càng có thêm nhiều chuyện cụ thể chứng
minh rằng, trong điều hành xuất khẩu gạo, khăng khăng cấm xuất khẩu vì nguyên
nhân cao cả là “đảm bảo an ninh lương thực” chỉ là cái cớ, và hành xử thì rất
tù mù. Cấm ai và đặc cách ưu tiên cho ai mà dám tổ chức đăng ký giờ cõi âm kiểu
bất chấp này? Dự trữ QG kiểu gì mà trúng thầu rồi bỏ rồi mời thầu lần khác như
chuyện đùa (cơ quan chức năng Dự trữ lâu nay làm nhiệm vụ kiểu gì rồi than luật
cũng không chế tài gì đươc?). 28 doanh nghiệp trúng thầu cung gạo cho cơ quan
này tới 179.000 tấn thì đến nay chỉ mới giao được hơn 8.000 tấn, còn thì “xù”
không ký hợp đồng và nay tự dưng có tên trong số DN “giữa đêm đăng ký xuất khẩu”.
Vậy chuyện đấu thầu cung cấp gạo cho “Dự trữ quốc
gia”, phải chăng chỉ là giành cục gạch xí phần. Chỗ nào có “phần” là đều xông
pha đặt cục gạch với bất cứ giá nào? Rồi hết giờ âm, sáng bét ánh mặt trời, mới
rõ: Thật “tủi phận” cho Dự trữ quốc gia bị xếp thành “ưu tiên chót”. Xuất khẩu
kiểu ma quỷ đẩy tất cả sinh mệnh doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo làm ăn nghiêm
túc và nông dân miền Tây cực khổ quanh năm (90% lượng gạo xuất khẩu của QG là từ
các tỉnh miền Tây Nam Bộ) cuối cùng đến bên bờ vực phá sản? Chờ cứu xét lại, họ
đâm đơn bái tứ phương trong khi đều đều phải trả những chi phí cắt cổ mỗi ngày.
Vì đâu?
NẾU VIỆC CỨU XÉT VỤ “NỬA ĐÊM” CỨ KÉO DÀI?
Chuyện mới rợi mà doanh nghiệp kể là mấy hôm nay, Hải
Quan bắt đầu làm chuyện lạ so với trước đây là đem cân từng container (cont),
khui từng cont ra và soi để kiểm hóa. Chi phí là 1,95 triệu/cont, do DN chịu.
Ai bảo thưa kiện? Các cont vào kho ở Cảng rồi, hợp đồng giao đối tác các nước đến
hạn rồi, không xuất được thì bể uy tín, thì đền hợp đồng, coi như tan việc làm
ăn sắp tới? Căng thẳng đến vỡ tim mà chết, một doanh nghiệp than với tôi.
Nếu việc cứu xét đúng sai vụ đăng ký xuất khẩu nửa
đêm cứ kéo dài thì doanh nghiệp… đằng nào cũng chết. Cai chết trước mắt là gạo
phơi nắng phơi mưa ở cảng đủ thứ phí và chất lượng gạo xuống cấp. Họ sẽ chờ? Chờ
mãi? Mỗi ngày qua bức bối: Hết tiền, hết sức, cho biết sợ?
-----------------------------------
XEM THÊM
Chính phủ tự mang đá ghè chân, ôm rơm rặm bụng, chỉ
vì nghe tư vấn linh tinh của mấy nhóm lợi ích, hành xử vội vã. Chỉ trong một
đêm, bỗng nhiên chặn xuất khẩu, như hạ máy chém xuống cả ngành lúa gạo. Ngay
sau đó biết là sai rồi, lần hồi sửa sai, nhưng vẫn muốn giữ thể diện, nên phải
như thể ngập ngừng dò đá qua sông. Chân bước trong nước lạnh, mà trong lòng xót
xa biết là doanh nghiệp đang chảy máu từng ngày. Giá như ngay từ đầu không nghe
xui dại, hấp tấp sang sông, thì giờ đỡ mất công rón rén quay lại có phải là hay
không.
Nhân đây, tôi cũng muốn khẳng định ý tưởng chặn xuất
khẩu gạo để kho dự trữ mua được đủ gạo với giá rẻ - là một ý tưởng tồi. Nó phản
ánh cách nhìn cục bộ, tiểu thương, khôn lỏi. Vì tiền mua này quả là từ ngân
sách nhà nước, nhưng tiền đó đi ra để về tay doanh nghiệp, về tay người nông
dân, người sản xuất lúa gạo. Đây là một khoản chi tiêu không gì minh bạch và có
hiệu ứng tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô gọi là tạo ra số nhân chi tiêu. Dân mình
được hưởng, nông dân mình được hưởng. Và tiền ấy là của dân thành thị, dân toàn
quốc, nộp thuế tạo ra, sau đó được chuyển lại cho người dân miền Tây. Túi này
sang túi kia, tay này sang tay kia, người trong một nước, còn gì tốt hơn. So với
việc dùng tiền ODA trả cho tư vấn Nhật, tư vấn Tàu, tư vấn Mỹ, EU... đều hữu
ích tốt đẹp hơn nhiều. Còn so với chi tiêu cho máy bay, tàu bò, tàu điện trên
cao, tàu ngầm dưới đất, vật vã hơn chục năm nay, thì đại đa số tiền của quốc
gia chảy ra cho các nhà thầu nước ngoài, hoặc vào túi các nhóm lợi ích liên
quan ở trong nước. Tiền ấy cũng tạo ra số nhân chi tiêu, nhưng là số nhân cho nền
kinh tế khác, không phải nền kinh tế mình.
Hội nhập nhiều rồi, mở cửa lâu rồi, khu vực tư nhân
lớn mạnh rồi, ngành lúa gạo của ta vững chắc rồi, dân trí cao rồi, đất nước có
tiếng nói trên trường quốc tế rồi, thì làm chính sách cũng phải sáng suốt, đúng
tầm, không lại lợn lành thành lợn què, nhà cháy đổ thêm dầu, thành ra lực cản
cho phát triển vậy.
------
------
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo!
No comments:
Post a Comment