Tuesday, 31 March 2020

CỘI RỄ CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 PHÁ HỦY RỪNG GIÀ, TẬN DIỆT THÚ HOANG (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 31/03/2020 - 16:28

Tháng 01/2020, siêu vi gây dịch Covid-19 làm rung chuyển Trung Quốc. Ít tuần sau đến lượt toàn thế giới. Nhiều người tìm căn nguyên trong việc Bắc Kinh giấu dịch khiến quốc tế bị động. Không ít người phê phán phương Tây chủ quan. Tuy nhiên giới khoa học về sinh thái chỉ ra cội rễ sâu xa của đại dịch chưa từng có. Đó là nền văn minh công nghiệp đương đại lấy khai thác triệt để thiên nhiên làm mục tiêu. 

Khi rừng già bị hủy hoại, thú hoang bị tận diệt, virus bành trướng tấn công con người là điều ‘‘không tránh khỏi’’. Mục ‘‘Theo dòng thời sự’’ của RFI xin tổng hợp nhận định của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực sinh thái học, về chủ đề ‘‘Cội rễ của đại dịch Covid-19’’.  

Vì sao phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang là cội nguồn dẫn đến đại dịch? 
Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm xung quanh sự xuất hiện của virus corona mới gây bệnh Covid-19, tên khoa học là SARS-CoV-2, đang khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh không tạo điều kiện cho giới khoa học quốc tế đến thành phố Vũ Hán, nơi dịch bùng phát, tiếp cận hiện trường. Không ít người đặt giả thiết loài virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về các virus nguy hiểm. Thậm chí có người còn cho virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học bí mật. Không đi vào các nhận định, suy luận khó kiểm chứng này, về đại dịch Covid-19, giới sinh thái nhìn chung đều thống nhất ở một điểm: virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 có nguồn gốc động vật hoang dã, cũng giống như khoảng một nửa số loài virus tấn công con người, từ gần một thế kỷ nay. 

Từ virus gây bệnh Sida (được cho là truyền từ loài vượn), đến Ebola ở Tây Phi (truyền qua dơi), hay virus H5N1 (truyền qua chim), hay bệnh sốt rét, sốt xuất huyết hay Zika tại châu Mỹ (truyền qua muỗi)… virus SARS xuất hiện tại châu Á năm 2002 (được truyền từ cầy hương)… Việc phá hủy rừng, để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang tiếp xúc với động vật nhà, với con người, khiến virus dễ dàng bành trướng. 


Trong một bài trả lởi phỏng vấn báo Libération, ông Serge Morand, giám đốc nghiên cứu CNRS, chuyên gia về sinh thái học y tế, nhấn mạnh đến tình trạng, kể từ những năm 1960 đến nay (tương đương với thời kỳ công nghiệp hoá mãnh liệt trên quy mô toàn cầu), ‘‘ngày càng có nhiều bệnh dịch trong năm hơn, dịch bệnh lan rộng hơn…’’, tỉ lệ các dịch bệnh được gọi là ở quy mô ‘lịch sử’’ nhiều hơn (bài '‘La crise du coronavirus est une crise écologique / Khủng hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái’’, ngày 26/03/2020). 

Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học. 

Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa dạng sinh học, nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng. 

Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một ngành công nghiệp, nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học. 

Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao thông hàng hoá và vận tải người. Sự phát triển về giao thông này vừa là nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất coi khai thác ‘‘tài nguyên’’ thiên nhiên hoang dã là mục tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác. 

Một vài con số minh hoạ: Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ bò nuôi, 25 tỉ gà nuôi, hàng tỉ con heo… Tất cả thường được nuôi bằng các loại hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương. Để có diện tích nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng khổng lồ đã bị hủy diệt… Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người… Vận tải hàng không, tăng gấp 12 lần giữa năm 1960 đến 2018, giao thông hàng hải cũng tương tự… Tất cả những yếu tố này quá đủ làm nguyên liệu cho "những trái bom’’ dịch bệnh, sẵn sàng phát nổ. 

Những con đường đưa các sinh vật ‘‘nguy hiểm’’ đến với thế giới con người
Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người (bài ‘‘ ‘Le Covid-19 était inévitable, et même prévisible’ du fait de notre impact écologique  / ‘‘ ‘Covid - 19 là không thể tránh khỏi thậm chí có thể báo trước’ do tác động sinh thái của xã hội con người ’’, ngày 17/03/2020). 

Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Viện IRD, nhấn mạnh đến việc khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị phá hủy, do con người hay do thiên tai, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi, trong quá trình này, trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể tìm được các vật trung gian phù hợp hơn, trở thành các phương tiện truyền bệnh hiệu quả hơn. Ông đặc biệt chú ý đến việc một số không gian sinh sống bị phá hủy dẫn đến sự diệt vong của một số giống loài tuy mang các bệnh truyền nhiễm, nhưng khả năng lây lan không cao, việc chúng bị hủy diệt khiến virus bành trướng, phát triển theo nhiều con đường bất thường. Đây là điều mà ông gọi là ‘‘hiệu ứng lan toả’’. 

Để virus từ một động vật hoang dã truyền được đến con người và trở thành yếu tố gây dịch bệnh, virus thường phải sự đột biến về gen, mới có thể xâm nhập vào tế bào người. Cụ thể về dịch Covid-19, theo giáo sư Serge Morand, virus corona mới xuất phát từ loại dơi (‘‘khả năng chắc chắn đến 98%’’), việc biến đổi về gen để thích ứng với cơ thể người xảy ra trong quá trình chúng sống ký sinh trên một động vật trung gian (có thể là qua loài tê tê hoặc một loài khác). Và loài vật trung gian này thường là một loại vật hoang dã có nhiều tiếp xúc với con người.   

Thuần hóa các động vật hoang: Một kênh truyền bệnh chính
Theo các nhà sinh thái học, việc thuần hóa các động vật hoang dã đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh truyền nhiễm hiện nay, như cúm, sởi, sởi Đức, bệnh đậu mùa hay quai bị… Loại người chúng ta cùng với chó, bò hay lợn, có nhiều căn bệnh chung hơn là so với giữa người với thỏ, bởi với ba loài trên, thời gian thuần hoá diễn ra vào khoảng 17.000 đến 10.000 năm trước, loài thỏ mới chỉ được thuần hóa từ 2.000 năm nay. Bệnh truyền nhiễm cũng đến từ loài chuột (sống cạnh loài người từ khoảng 10.000 năm). Loài chuột làm trung gian truyền các bệnh từ các loại gặm nhấm hoang dã sang người, loài chó truyền các bệnh từ chồn hay sói. Về phía các loài chim, vịt nhà là nơi trung gian truyền các virus gây cúm từ vịt hoang… Việc thuần hóa một số giống loài mới đây, ví dụ như nuôi chồn tại nhiều nước Đông Nam Á, để phục vụ cho ngành sản xuất ''cà phê chồn'', có thể là các kênh truyền bệnh mới. 

Triệt phá môi trường nuôi dưỡng các siêu vi có phải là giải pháp ? 
Một số người muốn tận diệt một số giống loài được coi là mang bệnh để huỷ bỏ hết nơi trú ẩn của virus, giúp loài người không còn bị dịch bệnh quấy rối. Giấc mơ này cũng tựa như việc tiêu huỷ hết rừng để không còn bị cháy rừng. Theo các nhà sinh thái học, thì cần phải làm điều ngược lại. Có một thực tế là số lượng bệnh truyền nhiễm càng tăng khi các giống loài càng bị tiêu diệt, siêu vi sẽ tản đi khắp nơi để tìm đường sống. Chuyên gia Serge Morand lưu ý là chính việc bảo vệ các môi trường tự nhiên, phong phú về hệ sinh thái, khiến các loài virus có thể gây bệnh, tuy hiện diện nhiều, nhưng chúng sống gắn liền và phụ thuộc vào một số địa bàn cụ thể, hay nói cách khác ăn ở yên lành tại đấy, không thể di chuyển dễ dàng sang nơi khác, để gây các dịch lớn. 


Về dịch bệnh và chăn nuôi, nhà sinh thái học Serge Morand tố cáo phương pháp dập dịch gia cầm bằng cách tiêu diệt ồ ạt các giống gia cầm địa phương, để thay thế bằng các giống công nghiệp, được cho là thích hợp với ‘‘chăn nuôi lớn’’, như trong dịch H5N1 tại Thái Lan (năm 2004), dịch cúm gia cầm H5N8 ở Hàn Quốc (năm 2016)... Chính Tổ Chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến khích cách làm này, trong khi bản thân FAO cũng thừa nhận kể từ đầu thế kỷ XX, nhân loại đã mất đi khoảng 30% giống gà, 20% giống heo…, vốn là sản phẩm của quá trình tiến hoá, lai tạo hàng trăm, hàng nghìn năm. Điều căn bản mà nhiều người không hiểu là, chính sự đa dạng về di truyền của các vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, biến thành đại dịch. Nhiều giống vật nuôi lâu đời, sống gắn với một địa bàn cụ thể, thường có khả năng kháng cự rất tốt với dịch bệnh. Tính đa dạng sinh học cũng cản trở virus tác oai, tác quái.
Nhìn chung, theo giáo sư Rodolphe Golza, trong kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), thuật ngữ địa chất học dùng để chỉ thời kỳ con người trở thành thế lực có khả năng làm biến đổi sâu sắc toàn bộ hành tinh, thì rất có nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới xuất hiện. Do sự huỷ hoại các không gian sống tự nhiên của các loài sinh vật hoang dã, do tính siêu kết nối của nhân loại hiện nay (như đã nêu), nhưng đặc biệt cũng do Biến đổi khí hậu, có khả năng tác động rất lớn đến thế giới sinh vật hoang dã (đặc biệt do sự thay đổi của nơi cư trú), đến quan hệ giữa con người với các động vật hoang dã. 

Học thiên nhiên để sống với thiên nhiên 
Bên cạnh việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chuyên gia sinh thái Serge Morand đề xuất phát triển mạnh các hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, trồng rừng thuận tự nhiên, chăn nuôi thuận tự nhiên…, để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, điều kiện để các loài virus nguy hiểm không dễ dàng trực tiếp đến với con người. Trên thực tế, vấn đề dịch bệnh từ các loài động vật hoang dã truyền sang người là một lĩnh vực còn đầy bí ẩn, cần phải có sự phối hợp nghiên cứu giữa giới y khoa, thú y, sinh thái học, cũng như những nhà nghiên cứu xã hội, chính trị, để có các chính sách phù hợp ‘‘tránh không cho các bệnh dịch biến thành khủng hoảng y tế". 


Để có một chiến lược phù hợp trong vấn đề mang tính sống còn này, xã hội con người cần thay đổi triệt để cách tiếp cận. Nhà nghiên cứu Aleksandar Rankovic, Viện tư vấn về Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDRRI), nhấn mạnh là cần thay thế lối suy nghĩ theo kiểu con người khai thác, thống trị thiên nhiên lâu nay, bằng một cách nghĩ thật sự khiêm nhường, để con người có cơ hội hiểu được sự kỳ diệu của tự nhiên, để biết học cách chung sống với tự nhiên (theo nhà sinh thái Rodolphe Golza, cùng đối mặt với khủng hoảng nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á, như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và kể cả Trung Quốc, đã có truyền thống đối phó với dịch bệnh thường xuyên, nên có một số phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn). 

Khủng hoảng Covid-19 là một khủng hoảng sinh thái, ‘‘khủng hoảng mang tính hệ thống’’, một cuộc đại khủng hoảng. Một bộ phận giới chính trị dường như đã bắt đầu thừa nhận điều này. Chỉ có các phối hợp tập thể trên quy mô toàn cầu mới có khả năng giúp nhân loại tìm được lối thoát cho cuộc đại khủng hoảng hiện nay. 


*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN









ĐẠI DỊCH COVID-19 LÀM ĐẢO LỘN CÁC NỀN DÂN CHỦ (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày: 31/03/2020 - 16:26

Đại dịch virus corona không chỉ làm hàng chục nghìn người chết, hơn 700 nghìn người nhiễm bệnh trong vòng vài tháng qua ở trên khắp hành tinh mà đang làm đảo lộn mọi giá trị, trật tự xã hội cả thế giới. Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng từ y tế, lan sang kinh tế rồi xã hội, chính trị.


Vậy nền dân chủ có liên quan gì đến khủng hoảng Covid-19 ?
Chắc chắn là có. Để lý giải câu hỏi này, nhật báo le Monde có bài « Dân chủ ở châu Âu đang bị thử thách ». Le Monde quan sát thấy, chỉ trong vòng vài tuần trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới, khắp châu Âu liên tiếp các lệnh hạn chế được ban hành : Cấm tụ họp, đi lại phải được phép trong giới hạn, sử dụng tàu lượn để theo dõi, truy tìm những người vi phạm, thu thập dữ liệu định vị cá nhân.

« Tình trạng khẩn cấp y tế  được nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tuyên bố đang đặt các quyền tự do cơ bản, cốt lõi của nền dân chủ, trước thử thách khắc nghiệt », tờ báo nhận định.

Các biện pháp cực đoan được sử dụng ở Trung Quốc như huy động công nghệ nhận diện để theo dõi người bị cách ly, giờ đây đang thu hút sự quan tâm ở lục địa châu Âu, vốn vẫn được coi là cái nôi của những giá trị dân chủ. Tờ báo nhận xét, trước một thảm họa các chính phủ phải hành động là điều đương nhiên. Nhưng « chưa bao giờ, trong thời bình, các biện pháp triệt tiêu quyền tự do mới hôm qua còn là điều không thể nghĩ tới, thì giờ được áp dụng trên đất châu Âu một cách nhanh chóng đến như vậy và lại được chấp nhận ».

Theo Le Monde, từ Tây Ban Nha, đến nước Ý, đối mặt với thảm cảnh bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, số người chết tăng lên từng ngày, không một ai phản đối sự hiện diện của quân đội, cảnh sát trong các khu phố hay việc các công ty dịch vụ điện thoại cung cấp dự liệu cho chính quyền về chuyện di chuyển của người dân.

Tương tự ở Anh Quốc, nước vốn tự hào về nền dân chủ nghị viện của mình, nhưng cuối cùng đến ngày 23/03 vừa qua cũng ra lệnh phong tỏa dân cư. Cho đến nay quyết định này hầu như chưa có ý kiến phản đối nào từ dư luận truyền thông cho đến đảng phái chính trị. Ở nhiều nơi, người ta bắt đầu cho sử dụng thiết bị bay để theo dõi những người dạo bộ trong công viên có tuân thủ quy định hay không.

Tại Phần Lan, từ hôm 25/03, chính phủ cho phong tỏa cả một vùng Uusima gần Helsinki. Khoảng 1,7 triệu dân cư trong vòng không được quyền rời khỏi địa phương trước ngày 19/4 vì bất kỳ lý do gì.

Tại Đức, lệnh phong tỏa gần như đã được áp dụng từ hôm 23/03 và đã được tán đồng rộng rãi. Dư luận Đức chỉ nhắc nhở rằng các hạn chế quyền tự do này chỉ chính đáng khi được áp dụng tạm thời.

Le Monde đưa ví dụ ở Hungary, vốn được coi là thành viên ngỗ nghịch của Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề dân chủ. Thủ tướng Viktor Orban muốn nhân cơ hội khủng hoảng y tế để luật hóa cho chính phủ được toàn quyền trong mọi lĩnh vực không giới hạn thời gian.

Trong bài xã luận Le Monde khẳng định : Không ai có thể phủ nhận thực tế « tình trạng khẩn cấp y tế » và sự cần thiết của những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn đại dịch… Đấu tranh chống một đại dịch đang phá hủy đời sống con người và đe dọa hành tinh là một ưu tiên tuyệt đối. Cần phải ủng hộ ngay những biện pháp y tế, cổ vũ thực thi các biện pháp đó và người vi phạm phải bị phạt. Đó là tôn trọng và hỗ trợ cho các nhân viên y tế đang mệt lả trên tuyến đầu chống dịch. Giữa sức khỏe và các quyền tự do, chúng ta không có gì phải lựa chọn. Là mối đe dọa sống còn, Covid-19 đang thách thức nền dân chủ.

« Nước Mỹ trước tiên » và khó khăn trước mặt
Vẫn trên góc độ tác động của đại dịch vào địa chính trị, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Cuộc khủng hoảng y tế đang phơi bày trục trặc vai trò thủ lĩnh của nước Mỹ ».
Theo bài báo, làn sóng djch Covid-19 đang tấn công ồ ạt vào Hoa Kỳ. Nước Mỹ sẽ phải tập trung toàn lực của mình trong những tuần tới để chống dịch. Cuộc khủng hoảng y tế này đang làm nổi rõ đường lối biệt lập mà chính quyền Donald Trump theo đuổi từ 3 năm qua, khiến nước Mỹ rời xa hơn vai trò điều hành trật tự thế giới mà nhờ đó Washington được hưởng lợi chính từ nhiều thập kỷ nay.

Bài báo điểm lại các phản ứng của chính quyền Trump từ đầu dịch đến giờ khi tình hình ngày càng trở nên trầm trọng với nước Mỹ. Có điều dễ thấy là tổng thống Mỹ luôn tỏ từ chối hành động chung trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Ngay ở trong nước, Washington cũng tỏ ra chậm trễ khiến các thống đốc bang phải tự hành động trước.

Nhưng theo Le Figaro, sau một thời gian dài cố giảm nhẹ quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch, tổng thống Donald Trump cuối cùng đã phải thay đổi, trước áp lực mối đe dọa của dịch virus corona đã trở nên quá lớn với nước Mỹ. Từ vài ngay qua, người ta đã thấy ông Trump trong cương vị của một tổng thống thời khủng hoảng.

Trong bài xã luận mang tiêu đề « trận chiến đơn độc », Le Figaro nhận xét : Nước Mỹ rộng lớn và cơ cấu liên bang phức tạp đang có nguy cơ khiến dịch lan tràn còn nhanh hơn cả ở những nơi khác. Tờ báo nhấn mạnh « chúng ta đều bình đẳng trước virus corona, là cường quốc kinh tế, quân sự đứng đầu thế giới nhưng nước Mỹ tỏ cho thấy cũng không chuẩn bị tốt hơn so với phần còn lại của thế giới ».

Thậm chí nước Mỹ còn có vẻ hơi yếu vì tổ chức xã hội bất bình đẳng sâu sắc. Hệ thống y tế tư nhân có giá nhất thế giới nhưng nước Mỹ lại có số lượng bệnh viện và bác sĩ tính trên đầu người còn thấp hơn nhiều nước  phát triển. Ngoài các bệnh viện tư và phòng thí nghiệm tiên tiến hiện đại, 1/3 dân Mỹ không dám đi khám chữa bệnh vì thiếu tiền.

Vì sao Pháp chậm làm xét nghiệm Covid-19 đại trà ?
Chuyển qua với nhật báo kinh tế Les Echos. Tiêu đề chính của tờ báo : « Xét nghiệm Covid-19 : Cuộc chạy đua với thời gian ».

Les Echos cho biết trước tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm Covid-19 trầm trọng, các hãng công nghiệp đang phải tăng công suất gấp đôi cho dù khả năng sản xuất là không đủ. Hiện tại, Pháp xếp gần chót bảng chỉ có thể làm được hơn 36 nghìn xét nghiệm mỗi ngày, chỉ hơn có Tây Ban Nha làm được mỗi ngày 30 nghìn xét nghiệm. Trong khi đó, nước Đức muốn tăng  khả năng năng làm từ 167 nghìn hiện nay lên 200 nghìn xét nghiệm mỗi ngày.

Chính phủ Pháp bắt đầu chủ trương chiến lược tầm soát bệnh đại trà diện rộng. Các phương pháp xét nghiệm máu sẽ được tiến hành.

Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ sinh học tại Pháp đang lao vào cuộc chạy đua sản xuất các thiết bị xét nghiệm. Nhưng Les Echos cho biết, vấn đề là tổ chức sản xuất. Cũng giống như thuốc men, khẩu trang, lĩnh vực công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị chẩn đoán bệnh cũng đã được toàn cầu hóa. Thế giới bị phong tỏa đang làm rối loạn chuỗi cung ứng, nhất là các nguyên vật liệu cơ bản giờ hầu như được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó các nhà máy của các hãng công nghiệp có khả năng chế tạo dụng cụ xét nghiệm thường nằm rải rác khắp thế giới.

Đại dịch Covid-19 : Trong cái rủi vẫn còn có cái may
Đại dịch virus corona đang tàn phá cuộc sống của loài người, đánh quỵ cả các cường quốc kinh tế chủ chốt của thế giới. Nhưng đại dịch cũng tạo ra những hệ quả bất ngờ, ít nhiều tích cực.

Đó là nội dung bài viết « Xung đột, ô nhiễm, tội phạm… những hệ quả bất ngờ của dịch » Covid-19 trên Les Echos. Tờ báo ghi nhận : siêu vi corona mới, vô cùng nhỏ bé nhưng độc hại kinh khủng. Từ nhiều tuần qua, người ta đã thấy nó hoành hành, gây ra làn sóng bệnh nhân ồ ạt đổ vào các bệnh viện trên khắp thế giới. Con virus đó khiến cho hơn 3 tỷ dân bị quản thúc tại gia, hàng nghìn nhà máy ngừng hoạt động và dường như nó đang quyết tâm kéo cả hành tinh vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.

Thế nhưng, trong cái rủi vẫn còn có cái may.  Sự xuất hiện Covid-19 đã tạo nên sự đảo lộn đáng ngạc nhiên. Điều mà không có nền ngoại giao, chính trị, công đoàn hay các cuộc biểu tình của dân chúng hay thậm chí cả các cuộc chiến trong nhiều thập kỷ qua có thể làm được. Nhưng virus corona làm được điều đó triệt để, hiệu quả và rất khoa học.
Les Echos điểm lại từ khi có dịch virus corona, ô nhiễm trên toàn cầu giảm một cách ngoạn mục, nhất là ở các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc, nay đến Mỹ, châu Âu. Hàng thập kỷ nay, có không biết bao nhiêu hội nghị quốc tế, cam kết, quyết định chính trị cũng không làm biến chuyển tình trạng ô nhiễm là bao. Vậy mà giờ đây vào thời dịch bệnh tràn lan, chất lượng không khí ở khắp nơi được cải thiện chưa từng có.

Các cuộc xung đột đẫm máu trên khắp thế giới cũng im tiếng súng, các tranh chấp địa chính trị ở nhũng điểm nóng cũng hạ nhiệt nhanh chóng. Về mặt kinh tế, trước cú sốc mạnh, khắp các quốc gia tư bản chủ nghĩa đã có những hành động chưa từng thấy là Nhà nước rút tiền ra ứng cứu thị trường và sản xuất kinh tế.

Về mặt xã hội, tình trạng tội phạm, trộm cắp giảm hẳn vì lệnh phong tỏa cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát. Biên giới các quốc gia đóng cửa, buôn lậu động vật hoang dã cho đến ma túy cũng phải dừng.  




BẢN TIN COVID-19 CHIỀU 31/03/2020 : PHÁP VƯỢT 3.000 NGƯỜI CHẾT, NGA THÊM 500 CA NHIỄM MỚI (Tuổi Trẻ Online)




Tuổi Trẻ Online
31/03/2020 13:54 GMT+7

Ngày 30-3 nước Pháp chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát: lần đầu tiên tổng số người chết vì COVID-19 vượt qua con số 3.000. Nga thêm 500 ca nhiễm mới.



ĐỒ HỌA : DỊCH BỆNH COVID-19, 13:30 NGÀY 31/03/2020


BẤM ĐƯỜNG LINK ĐỂ XEM SỐ THỐNG KÊ MỚI NHẤT


 Bản tin cập nhật lúc 18h10 ngày 31-3

Hong Kong phát hiện ổ dịch phòng karaoke 
Ngày 31-3, Hong Kong phát hiện thêm 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 714. 
Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong nói trong cuộc họp báo rằng 24/32 bệnh nhân mới đã đi du lịch nước ngoài gần đây, bao gồm 12 sinh viên. Trong 8 người còn lại không đi du lịch thì có 4 người đi hát karaoke chung vào ngày 24-3. 
Hôm 30-3, cũng có một người dương tính đến hát tại quán karaoke này cùng một nhóm người. Còn 2 người khác tại quán karaoke này đang nghi nhiễm, chưa xác nhận dương tính và sẽ được đưa đi cách ly.

Thụy Sĩ có hơn 300 ca tử vong vì COVID-19 
Số người chết vì COVID-19 ở Thụy Sĩ đã tăng lên 373 từ 295 người từ hôm qua, theo cơ quan y tế công cộng nước này. Số ca bệnh COVID-19 cũng tăng từ 15.575 lên 16.176. 

Belarus ghi nhận ca tử vong đầu tiên 
Hãng tin Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết một bệnh nhân COVID-19 đã qua đời, là ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh do virus corona ở nước này. Hiện Belarus có 152 ca bệnh COVID-19. 

Indonesia thêm 114 ca bệnh mới, tổng số 1.528 ca
Bộ Y tế Indonesia hôm nay 31-3 cho biết nước này đã có thêm 114 ca nhiễm corona, nâng tổng số người bệnh lên 1.528 trường hợp.
Cũng đã có thêm 14 người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của Indonesia là 136, mức cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Ngày 31-3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Hiện chưa rõ lệnh cấm kéo dài bao lâu.

Tây Ban Nha tăng hơn 9.000 ca nhiễm mới và gần 850 người chết trong 1 ngày
Theo số liệu mới công bố hôm nay 31-3 của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong vòng 24 tiếng vừa qua, nước này đã tăng thêm 9.222 ca nhiễm. Cụ thể, tổng số ca bệnh ngày 31-3 là 94.417 ca, tăng 9.222 ca so với 85.195 ca ngày trước đó.
Bên cạnh đó, số người chết vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua cũng đã tăng thêm 849 người. Theo đó, tổng số người chết tại Tây Ban Nha tính tới hôm nay 31-3 là 8.189, tăng 849 người so với 7.340 người của ngày trước đó.

Bé gái 12 tuổi chết vì COVID-19 tại Bỉ 
Hãng tin AFP hôm nay 31-3 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Bỉ xác nhận một bé gái 12 tuổi bị COVID-19 đã chết. Người phát ngôn chính phủ Bỉ, bác sĩ Emmanuel Andre, thừa nhận độ tuổi còn nhỏ của người bệnh vừa qua đời “là điều rất hiếm xảy ra”, đồng thời nói thêm cái chết của cô bé “làm chúng tôi sửng sốt”. 
Chưa rõ cô bé xấu số này có bị bệnh nền gì khác không. Đây cũng là trường hợp đầu tiên một em nhỏ chết vì COVID-19 tại Bỉ. Quốc gia này hiện có tổng cộng 705 người chết vì COVID-19 theo thống kê mới nhất.

Pháp vượt 3.000 người chết
Theo hãng tin Reuters, các trực thăng quân đội đã được huy động để chở những người bệnh nặng nhất từ khu vực phía đông tới các bệnh viện ở nước ngoài cứu chữa.
Vùng Grand Est là nơi đầu tiên của Pháp quá tải trước số lượng ca nhiễm tăng vọt. Các bệnh viện đều phải khẩn trương bổ sung giường bệnh để giải quyết tình trạng này.
Số người chết vì COVID-19 từ 1-3 ở Pháp đã tăng 16%, lên 3.024 ca. Trong khi đó, số ca phải nằm phòng hồi sức tích cực tăng hơn 10%, lên 5.107 ca, tăng sau 2 ngày giảm.
Thủ tướng Pháp đã cảnh báo với 67 triệu dân trong nước những tuần chống dịch căng thẳng nhất vẫn còn ở phía trước. Trong khi đó, các bác sĩ tại Paris ngày 30-3 cho biết bệnh viện của họ đã gần như không thể tiếp nhận được thêm người bệnh.
Pháp đã tăng số giường bệnh tại các phòng hồi sức tích cực từ 5.000 lên khoảng 10.000 kể từ khi khủng hoảng dịch bệnh bắt đầu và đang nỗ lực đạt tới 14.500 giường.
Các nhân viên y tế tin rằng những tác dụng từ lệnh phong tỏa toàn quốc đã được áp dụng từ 17-3 sẽ bắt đầu cảm nhận được vào cuối tuần này.

Iran có thêm 141 người chết vì COVID-19, hơn 3.700 người đang nguy kịch 
 Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianush Jahanpur, hôm nay 31-3 phát biểu trên đài truyền hình quốc gia cho biết nước này có thêm 141 người chết vì virus corona. Như vậy tổng số người chết vì COVID-19 của Iran tới nay là 2.898, tổng số ca nhiễm cũng tăng lên 44.606
Trong vòng 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận thêm 3.111 ca nhiễm mới. Theo ông Jahanpur, đáng lo ngại khi có tới 3.703 người bệnh COVID-19 của nước này đang trong tình trạng nguy kịch.

Hơn 93% người bệnh COVID-19 ở Hồ Bắc bình phục
Tính tới 31-3, theo Thời báo Hoàn Cầu, hơn 63.000 người bệnh COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã bình phục và được ra viện.
Theo nhóm chỉ đạo chống đại dịch của chính phủ trung ương Trung Quốc, tỉ lệ khỏi bệnh ở tỉnh này đã đạt hơn 93%.

Đức tăng thêm 4.615 ca nhiễm và 128 người chết trong 24 giờ 
Hãng tin Reuters dẫn số liệu của Viện Robert Koch (RKI) của Đức hôm nay 31-3 cho biết tổng số ca bệnh COVID-19 đã xác định của nước này tăng lên 61.913 người, trong đó tổng số người chết là 583. 
Như vậy, so với ngày trước đó (30-3), số ca nhiễm mới tăng thêm là 4.615, số ca chết tăng thêm là 128.
Theo hãng tin Reuters, thành phố Jena ở miền đông nước Đức đã học theo cách làm của Áo, vừa phát lệnh yêu cầu toàn dân phải đeo khẩu trang khi đi siêu thị hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng. 
 Trong hai tuần qua, nhiều bang của Đức cũng đã đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, cấm tụ tập đông người. Thành phố Jena có 119 ca nhiễm.

Hàn Quốc lại xuất hiện ổ dịch ở một nhà thờ 
Chính quyền Hàn Quốc hôm nay 31-3 thông báo ghi nhận tổng cộng 32 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới có liên quan tới một nhà thờ thuộc một nhánh của đạo Tin lành ở thủ đô Seoul. 
Theo hãng tin Yonhap, trong số đó, 25 người bệnh là tín đồ của nhà thờ trung tâm Manmin nằm ở phường Guro, phía tây nam Seoul. 7 người còn lại là các thành viên trong gia đình và bạn bè họ. Số ca bệnh COVID-19 được xác định tại nhà thờ này đã tăng lên nhanh kể từ khi ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày thứ tư tuần trước (25-3). 
Nhà chức trách đã truy lại những người có tiếp xúc gần với 487 tín đồ của nhánh tôn giáo này và những người quen của họ. Trong số này, 444 người có kết quả âm tính với virus corona, 11 người đang chờ kết quả. 
Theo giới chức thành phố, nhà thờ đã tổ chức các hoạt động online từ đầu tháng 3, nhưng một số tín đồ vẫn tổ chức tụ tập để quay phim và sản xuất các nội dung online.

Nga tăng 500 ca nhiễm mới trong một ngày
Theo hãng tin Reuters, trong hôm nay 31-3, số ca nhiễm virus corona ở Nga tăng thêm 500 người, đây cũng là mức tăng cao nhất theo ngày trong 7 ngày liên tiếp. Như vậy tổng số người bệnh của Nga hiện là 2.337, trong đó 18 người đã chết và 121 người đã khỏi bệnh.

6 nước châu Phi vẫn đang ‘miễn nhiễm’ corona 
Theo hãng tin AFP, tới giờ, trong số 54 quốc gia của châu Phi, vẫn còn 6 nước chưa công bố có ca nhiễm virus corona chủng mới nào. Đó là Nam Sudan, Burundi, Sao Tome và Principe, Malawi, Lesotho và Comoros. 
Chính quyền những nước này nói họ đã được Chúa che chở khỏi dịch bệnh, hoặc vì mạng lưới đi lại đường không quốc tế có rất ít chuyến bay tới họ. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại cho rằng có thể vì thiếu thốn điều kiện xét nghiệm ở đây nên tình hình dịch bệnh thực tế đã không được phản ánh đúng.

----------------------------
.
VOA Tiếng Việt
31/03/2020

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa cho phép sử dụng khẩn cấp bộ xét nghiệm của công ty Bodysphere, có thể phát hiện virus corona chỉ trong gần hai phút, công ty tư nhân này cho biết hôm 31/3.

Theo Reuters, FDA đã gấp rút phê duyệt các bộ xét nghiệm trên cơ sở khẩn cấp, và bộ xét nghiệm của phòng thí nghiệm Abbott đã được phê duyệt vào tuần trước có thể cho kết quả trong vòng vài phút.

Tổng thống Donald Trump với bộ xét nghiệm Covid-19 của Abbott cho kết quả trong 5 phút.

Bodysphere cho biết họ đang làm việc với chính phủ liên bang và tiểu bang để phân phối các bộ xét nghiệm.

Tin cho hay bộ xét nghiệm được thực hiện giống như xét nghiệm đường trong máu, nhưng được thiết kế chỉ dành cho các chuyên gia y tế sử dụng.

-------------------------------------
.
VOA Tiếng Việt
01/04/2020

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 ban hành chỉ thị thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày để kiềm hãm đà lây lan của dịch COVID-19.

Theo báo chí trong nước, Thủ tướng Phúc hôm nay ban hành Chỉ thị 16 thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày - khởi sự từ ngày 1 tháng Tư, hạn chế người dân rời khỏi nhà và cấm tụ họp hơn hai người ở nơi công cộng, đồng thời đòi hỏi mọi người nếu có lý do dể rời khỏi nhà thì phải giữ khoảng cách ít nhất là 2m với người khác.

Nhưng báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định rằng cách ly xã hội “không phải là phong tỏa hay là lệnh cấm”, mà là biện pháp để đảm bảo ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hồi gần đây.

Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích:
“Không có chuyện phong tỏa, cũng chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn người dân ra đường. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại.”

Các trường hợp ngoại lệ được miễn là các công xưởng, doanh nghiệp, dịch vụ sản xuất hay cung cấp hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt bình thường của người dân.

Tuy nhiên các cơ sở được phép mở cửa phải bảo đảm nhân viên phải tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về sức khỏe, đồng thời phải bảo vệ người lao động.

Với hơn 75.000 người đang bị cách ly, vào chiều thứ Ba 31/3, Việt Nam báo cáo 204 trường hợp nhiễm COVID-19, vẫn không có trường hợp tử vong nào, và 55 người đã được chữa khỏi bệnh vào chiều thứ ba 31//3.

Trước đó vào ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc loan báo tạm ngưng tất cả các chuyến bay tới Việt Nam trong hai tuần tới, trong nỗ lực nhằm kiềm chế dịch COVID-19.





NƯỚC MỸ KHÔNG VĨ ĐẠI   (Hồ Đắc Ngà)





Cảm nhận đầu tiên của tôi về nước Mỹ là Bill, người thầy đầu tiên của tôi ở Mỹ. Năm đầu tiên chương trình PhD, tôi gặp ông ở văn phòng và hỏi: "ông có đề tài nghiên cứu nào cho tôi phụ làm không?" Ông trả lời: "cậu có đề tài nghiên cứu nào cho tôi phụ làm không?" Một tháng sau, tôi quay lại văn phòng ông với một đề cương. Ông đọc qua rồi nói: "thú vị đấy nhưng tôi không biết gì về vấn đề này cả, cậu cứ làm đi, tôi sẽ cùng học với cậu để làm." Lúc đó ông ấy đã ngoài 60 và là một giáo sư nổi tiếng. Tôi biết nghiên cứu một cách độc lập từ năm thứ nhất là nhờ ông. Bài đó trở thành một trong 10 bài được đọc nhiều nhất năm 2014.

Cảm nhận gần đây nhất về nước Mỹ của tôi là Eric von Hippel (một trong những tượng đài của marketing, sáng lập ra lý thuyết User innovation, các bạn có thể Google để biết ông là ai). Sau khi bài mới nhất của tôi được đưa tin trên social media (tháng 5 mới xuất bản), ông email hỏi tôi gởi ông bản thảo. Sáng nay ông email và tỏ ý muốn có sự hợp tác với nhóm của ông vì chung chí hướng. Ông là một guru, tôi chỉ là một anh giáo mới vô nghề. Thế nhưng, tôi không ngạc nhiên. Người Mỹ là thế!

Hơn 12 năm ở Mỹ, tôi sống ở 3 bang khác nhau, đi đến hơn 30 bang. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói nước Mỹ vĩ đại. Tôi cũng chưa nghe ai nói nước Mỹ của họ "ngon" hơn Việt Nam của tôi.

Tự nhiên gần đây, có một số lời qua lại là nước Mỹ vĩ đại ... hay nước Mỹ không vĩ đại ... xuất hiện ở trong cộng đồng người ... Việt .

Chắc xuất phát từ câu nói của Trump: "make America great again".

Mà khổ, từ "great" trong tiếng Anh không có nghĩa là "vĩ đại" trong tiếng Việt. Muốn hiểu ngôn ngữ của người ta thì phải hiểu văn hoá, chính trị, kinh tế, lịch sử của họ. Chứ dùng tự điển Anh-Việt hay Google để dịch thì ... hehe!

Ví dụ: Có ai đó hỏi tôi "how are you?" (bạn khoẻ hông?) tôi hay trả lời là "I am great." Dịch ra "tôi vĩ đại" thì quá ư là ngộ nghĩnh. Nó chỉ có nghĩa là "tôi ổn".

Câu trên của Trump, tôi hiểu theo tiếng Việt là "làm cho nước Mỹ ổn trở lại".

Tại sao nước Mỹ không ổn? Nhiều lý do! Một trong số đó là anh Clinton và anh Obama đã chuyển toàn bộ nền sản xuất của Mỹ qua Tàu. Một đất nước không có nền sản xuất những sản phẩm thiết yếu thì không ổn tí nào. Anh Trump muốn đưa nền sản xuất về Mỹ để nước Mỹ ổn trở lại (great again).

Vụ dịch Corona này là một minh chứng cho cái không ổn đó. Tàu cấm xuất vật tư y tế qua Mỹ từ tháng 1. Các công ty Tàu thu mua vật tư y tế ở Mỹ gởi về Tàu từ tháng 1. Khi dịch bùng ra ở Mỹ, nước Mỹ thiếu vật tư và thiết bị y tế cần thiết. Người Mỹ phải may khẩu trang bằng tay, in các đồ bảo hộ từ máy in 3D dùng trong thiết kế.

Nhưng nước Mỹ đang trở mình. Các nhà máy bỏ hoang bắt đầu được đưa vào sử dụng. Các công ty và cá nhân đang làm hết sức để cứu người trước mắt, cũng như làm ra các loại thuốc và vaccine để loại bỏ (hoặc hạn chế) con corona này lâu dài.

Mình hy vọng, sau vụ này, nước Mỹ sẽ ổn trở lại. Còn các thể loại vĩ đại hay ngạo nghễ gì đó, tôi nghĩ, nước Mỹ không giành với ai đâu. Họ đang bận làm việc!








CẦN LÀM GÌ SAU ĐẠI DỊCH? (Bob Rae và Mel Cappe - The Globe and Mail)




Bob Rae và Mel Cappe  -  The Globe and Mail
DCVOnline dịch
Posted on March 31, 2020   

Chúng ta không thể chỉ nhặt lại những mảnh vỡ sau khi đại dịch bùng phát – mà con phải giữ chúng lại với nhau

Đại dịch COVID-19: ấn đề chúng của cả thế giới. Nguồn: OntheNet

Người Canada đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, ở bất cứ nơi nào chúng ta sống trong nước. Nó cũng chạm vào chúng ta như một thành viên của một cộng đồng toàn cầu đang bị hai đợt sóng thần, đại dịch sức khỏe và nguy cơ sụp đổ kinh tế, thách thức.

Cùng với hầu hết các chính phủ khác và các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ liên bang và tỉnh bang đã quyết tâm chiến đấu với bệnh dịch này và cứu mạng sống người dân là ưu tiên hàng đầu. Điều này có nghĩa là các chiến lược hiệu quả như sinh hoạt cách xa, ở nhà và nhấn mạnh về những bước mà tất cả mỗi người chúng ta phải thực hiện. Chúng ta cũng cần huy động sự giúp đỡ cho nhân viên bệnh viện, bác sĩ và y tá.

Những nỗ lực này chưa kết thúc — chúng ta vẫn chưa thể làm phẳng và đè bẹp đường cong. Nhưng đó không phải là lý do để dừng lại trong những nỗ lực quan trọng này. Cuộc chiến của chúng ta với virus sẽ quyết định thời gian của các phản ứng khác. Nghiên cứu và sư tinh tế sẽ giúp chúng ta. Xét nghiệm tìm kháng thể có thể cho thấy ai đã phát triển khả năng miễn dịch và ai không. Luôn luôn có thể có cách điều trị tốt hơn.

Chúng ta cũng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của những bác sĩ và y tá được đào tạo nước ngoài; có thể yêu cầu họ đến hỗ trợ những người hiện đang ở tuyến đầu điều trị bệnh nhân. Đây là một vấn đề lâu dài ở Canada. Cần có những phương án để đưa những người có kiến ​​thức từ các quốc gia khác đã làm việc trong các bệnh viện ở nơi khác đến để giúp đến giúp Canada khi chúng ta cần được giúp đỡ.

Một cuộc khủng hoảng y tế không có nghĩa là kinh tế sụp đổ. Mặc dù chúng ta phải chú ý vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, chúng ta cũng cần phải làm mọi thứ có thể để duy trì các mối quan hệ kinh tế và xã hội rất quan trọng. Chúng ta không thể nhặt lại các mảnh vỡ trong hai hoặc ba tháng. Chúng ta cần phải giữ các chúng lại với nhau.

Chính phủ liên bang hiện ở vị trí tài chính tốt nhất trong số các nước G7. Tỷ lệ nợ trên GDP tương đối thấp của chúng ta đã có được đang cho phép chúng ta đối phó với khủng hoảng. Bây giờ là thời gian để sử dụng nó. Thâm hụt ngân sách không phải là một vấn đề lớn như để cho nền kinh tế chìm trong suy thoái. Bây giờ chúng ta đều là người theo thuyết kinh tế của Keynes.

Công ty tốt đã đầu tư vào nhân viên của họ. Rất đúng khi chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp giữ cho mọi người vẫn làm việc và kết nối với công việc của họ. Bây giờ cũng cần phải chú ý đến các lĩnh vực văn hóa và phi lợi nhuận, cũng như các thành phố, trường đại học và bệnh viện.

Chúng ta nên tài trợ hoãn cho người thuê phải thanh toán tiền nhà ở. Những người vẫn mang nợ nhà và thuê nhà cần có tiền mặt ngay bây giờ. Chính phủ nên bán một công phiếu COVID-19 cho phép các cơ sở tài chính tài trợ cho các khoản vay mua nhà với lãi suất bằng zero. Đối với người thuê nhà, chính phủ có thể cho họ mượn cong khố phiếu này để thanh toán tiền thuê nhà, một lần nữa với lãi suất bằng zero. Cho hoãn trả tiền thuê nhà và nợ nhà hàng tháng có thể được chính phủ địa phương tài trợ trong thời gian ngắn. Nó không phải là chương trình miễn trả tiền  thuê nhà hoặc tiền nợ mua nhà.

Ở giai đoạn trung hạn và phục hồi, chính phủ nên tài trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở quy mô lớn hơn so với trước đây. Nhiều thành phố và tỉnh bang có các dự án đã sẵn sàng để được tài trợ. Điều quan trọng là phải giải ngân ngay vào cuối mùa xuân và mùa hè này.
Để phục hồi, chính phủ sẽ cần nhiều lời khuyên ngoài dịch vụ công chuyên nghiệp. hính phủ nên tạo ra một ủy ban tư vấn gồm giới lãnh đạo từ các lĩnh vực kinh doanh, học giả và thiện nguyện.

Cuộc khủng hoảng đã cho thấy những căng thẳng đẩy đi-kéo lại trong liên bang. Chính phủ các cấp đang bị ảnh hưởng vì những tổn thất lớn về doanh thu, nhưng, cũng như virrus, tác động này không giống nhau. Nền kinh tế tỉnh bang này mạnh hơn nền kinh tế của tỉnh bang khác. Không thể để cho những vấn đề này phát triển. Chúng cần được giải quyết. Vì vậy, sự bất bình đẳng liên tục ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng thổ dân cũng như người vô gia cư và những người khác bị thiệt thòi hiện đang thách thức chúng ta.

Thủ tướng đã nhận xét rất đúng rằng đây là một thách thức toàn cầu và Canada sẽ cần phải phủ nhận những phương pháp cô lập, chỉ nghĩ đến mình. Giống như cuộc khủng hoảng đã cho thấy những lỗ hổng của chính chúng ta, nó cũng làm như vậy ở bình diện quốc tế. Những người sống trong các trại tị nạn và khu ổ chuột đô thị trên khắp thế giới không có thể “sinh hoạt cách xa”. Chúng ta không thể khắc phục những vấn đề này một cách nhanh chóng, nhưng chúng ta cũng không nên trốn tránh trách nhiệm của mình vì một phần của cộng đồng thế giới sẽ cần sự lãnh đạo, tiếng nói và sự cam kết tài chính của chúng ta.

Những gì chúng ta đang phải đối phó sẽ đòi có những cuộc tranh luận sôi nổi và cởi mở về các lựa chọn chính sách công và vai trò của tất cả các tổ chức của chúng ta trong việc giúp bảo đảm cho một tương lai tốt hơn. Cuộc tranh luận này không phải là về những lời chỉ trích suông hay suy nghĩ tiêu cực; đó là nhận thức cao rằng chúng ta đang dò dẫm đi trong cùng chưa được khám phá. Những cách chúng ta đã làm trong quá khứ không nhất thiết phải là kim chỉ nam cho những gì chúng ta cần làm bây giờ. Chúng ta đang ở một thời điểm quyết định sẽ quyết định tương lai tập thể của chúng ta.

Chúng ta không thể để cho mình thất bại.

Con phố chính ở Pavia, vùng Bologna của Ý vào ngày 23/2/2020. Nguồn: G&M

Tác giả: Bob Rae là một cựu thủ tướng của Ontario. Mel Cappe là một cựu bí thư của Hội đồng Cơ mật. Cả hai hiện là giáo sư của Trường Munk về các vấn đề toàn cầu và chính sách công.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
----------------

Nguồn: 

Bob Rae and Mel Cappe
Contributed to The Globe and Mail
March 30, 2020






CÂU TỪ CỦA CƠ QUAN CÔNG QUYỀN, LÃNH ĐẠO KHIẾN DÂN LO SỢ, BẤT MÃN! (RFA)




31/03/2020

Không phải chỉ là câu chuyện ngôn từ mà trước tiên thuộc về trình độ. Theo nguyên lý của bất kỳ nền giáo dục tiên tiến nào, khi đã học hết phổ thông 12 năm và nhận bằng cấp Tú tài thì người học sinh phải thông thạo nói và viết tiếng mẹ đẻ đúng chuẩn Bộ Giáo dục quy định. Một cán bộ nhà nước có vị trí ban hành công văn này nọ tất nhiên sau trình độ phổ thông trung học còn phải học thêm các lớp đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu. Vậy mà viết một công văn không thông hoặc duyệt một công văn không biết đâu là lỗi chữ nghĩa làm sai lạc nội dung ảnh hưởng đến cả chủ trương chính sách là điều tuyệt nhiên không được phép, một điều kiện rất sơ đẳng của tổ chức bộ máy. Vì sao như vậy?

Giáo dục xuống cấp nghiêm trọng ở Việt Nam từ nhiều năm nay chắc chắn phải chịu phần trách nhiệm lớn, vì từ lâu lắm rồi, khoảng những thập niên trước 1975 đã có giai thoại truyền nhau trong các trường đại học ngành văn ở miền Bắc: sinh viên chỉ cần biết mấy chữ "yêu căm chiến lạc Dậu Pha Phèo" (yêu nước, căm thù, chiến đấu, lạc quan, chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo) thì dầu thi cử thế nào cũng đỗ.

Tuy nhiên, bên cạnh hậu quả nặng nề của giáo dục, một nguyên nhân còn lớn hơn nhiều và cũng rất đơn giản: mua chức mua quyền. Hiện tượng một vị lãnh đạo có cỡ trong thể chế hôm nay rất có oai quyền nhưng về nhận thức tư tưởng và xã hội, ngoài cái khẩu hiện "còn đảng còn mình" ra thì hoàn toàn không bằng một bác nông dân lớp 7 hay một bà buôn thúng bán bưng bên hè phố, là sự thực đã được xác nhận qua nhiều kiểm nghiệm thực tiễn.

Và đó cũng chính là một thảm kịch không còn xa xôi mà đã rất gần gũi của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bauxite Việt Nam

--------------------------------------------


Câu từ của cơ quan công quyền, lãnh đạo khiến dân lo sợ, bất mãn!
RFA
2020-03-30

Hai công văn do Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM ban hành trong ngày 26 và 27/03/2020.

Công văn về hỏa táng “bệnh nhân có thể tử vong”

Công văn số 2285 do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký và ban hành ngày 26/3 gây phẫn nộ gay gắt trong dư luận.

Nội dung của công văn này chú trọng vào công tác phòng chống dịch COVID-19 trong phạm vi của thành phố. Trong đó đã ghi “để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong”.

Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang lên tiếng với RFA vì sao công văn 2285 bị chỉ trích dữ dội:

“Thông thường không nghĩ gì khác thêm, sâu thêm và căn cứ vào câu chữ thì công chúng đều có quyền nghĩ rằng là trường hợp nhiều và khẩn cấp quá sẽ cho thiêu luôn những người sắp chết do cúm. Điều đấy rất là dở và trên mạng xã hội đã phát hiện ra, phản đối dữ dội thì theo như tôi nhớ là khoảng hơn nửa ngày hay một ngày gì đó Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã rút lại công văn đó.”

Nhà ngôn ngữ học-Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM tiếp lời với RFA:

“Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ.”

Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM vào ngày 27/3, qua công văn số 2319 thông báo thu hồi công văn số 2285, mà không có lý do giải thích vì sao.

Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 28/3, đã nhận trách nhiệm về việc ban hành văn bản số 2285 có nội dung hướng dẫn không rõ ràng.

Thông tin truyền thông gây hiểu lầm

Trong khi dư luận chưa kịp lắng dịu liên quan công văn vừa nêu, dân chúng lại tiếp tục đón nhận thông tin gây hoang mang từ báo chí trong lúc Chính phủ Việt Nam đang ra sức tuyên truyền ngăn chặn số ca nhiễm không tăng cao trong vòng 14 ngày tới. Điển hình, Báo mạng Tiền Phong, vào ngày 29/3 đăng tải bản tin có tựa đề “60 ca mắc COVID-1 ở Việt Nam đã âm tính, 1 ca rất nặng được rút ống thở’. Trong bản tin ghi rõ “Ba bệnh nhân rất nặng thì 1 bệnh nhân đã rút ống thở trong đêm 28/3”.

Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về nội dung bản tin đăng trên báo mạng Tiền phong hôm 29/3:

“Đúng là khi nghe truyền thông nói là một số ca nặng đã có ca rút ống thở. Cụm từ ‘được rút ống thở’ trong xã hội Việt Nam thì thông thường được hiểu là rút ống thở cho chết.”

Theo ghi nhận cá nhân, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng từ trước đến nay tình trạng nội dung không rõ ràng, từ ngữ sử dụng không chuẩn mực trong những văn bản của các cơ quan nhà nước vốn đã như thế và bây giờ do tình hình dịch bệnh nguy cấp nên được dư luận chú ý nhiều hơn và phản ánh mạnh mẽ hơn. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế.”

Nội dung bản tin đăng trên Báo mạng Tiền phong ngày 29/03/2020. Courtesy: Ảnh chụp màn hình tienphong.vn

Đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định cán bộ yếu kém ở khắp các cơ quan trong hệ thống công quyền:

“Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm người có trách nhiệm là có vấn đề. Nhìn ở đâu cũng thấy như vậy cả. Rất nhiều người không xứng đáng ngồi ở vị trí có quyền quyết định. Họ đọc một văn bản mà họ không hiểu. Họ viết một câu sai mà họ không thấy. Tôi nói một cách khách quan chứ chưa nói đến họ cố ý thì phần họ gây thiệt hại lớn hơn phần họ đóng góp.”

Đài RFA ghi nhận người dân Việt Nam cũng đang rất hoang mang trước thông tin bị phạt nếu ra đường không đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19; trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng 2, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế phòng virus corona.

Lỗi do cơ chế

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong một bài viết đăng trên trang facebook cá nhân vào ngày 28/3, cho rằng các ông bộ trưởng của Việt Nam bị con virus Trung Quốc “xé áo cho người xem lưng”.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ Bộ Y tế Việt Nam bị con virus làm đau đầu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn chỉ đích danh 4 ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong khi đối phó với dịch COVID-19 đã cho thấy họ hoàn toàn dựa vào cấp dưới, trình gì đọc đó mà không có năng lực của một người lãnh đạo cấp bộ trưởng.

Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là qua kinh nghiệm trong đối phó với dịch bệnh COVID-19 này.

Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ ông không nhìn thấy dấu hiệu lạc quan nào trong tương lai gần:

“Tôi nghĩ không hy vọng gì qua đó họ rút được kinh nghiệm về chất lượng cán bộ và để cơ cấu vào trong bộ máy nhà nước cho tương lại, tại Đại hội Đảng XIII sắp tới. Bởi vì không thể nào rút được kinh nghiệm, tìm được ở đâu ra (cán bộ giỏi) khi quy hoạch từ cấp dưới lên trên, chẳng hạn như cán bộ cấp huyện được cử đi học ở các trường chính trị để trở thành cán bộ nguồn thì họ cũng lựa những người không giỏi quá, chỉ vừa vừa thôi nhưng chủ yếu là phải ‘biết điều’; nghĩa là không cãi cự ai, không làm mất lòng ai, quà cáp thường xuyên, gặp lãnh đạo cấp trên thì khúm núm và nịnh bợ…Thế cho nên không thể đào đâu ra được cán bộ có năng lực để thay thế cho bộ máy mà tôi cho rằng không có năng lực hiện nay.”

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua bài viết của ông đã quả quyết rằng “Chừng nào còn tồn tại luật bất thành văn, rằng cứ Ủy viên Trung ương Đảng là đương nhiên làm bộ trưởng hay đứng đầu các tỉnh thành, thì chừng đó Việt Nam mãi còn tụt hậu”.

Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố lớn vào sáng ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi vận dụng tinh thần trong thời chiến là “Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của đất nước trong hiện tại.

Lời kêu gọi này vấp phải sự ta thán của không ít người Việt, vì cho rằng sự ví von của ông Thủ tướng hoàn toàn không phù hợp trong thời điểm dân tộc Việt tưởng niệm 45 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.







View My Stats