Saturday, 30 November 2019

KÝ - RỒI SAO NỮA? (Thạch Đạt Lang)




30/11/2019

Sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc, dưới sức ép của lưỡng viện quốc hội cũng như để trả lời sự hăm dọa của Trung Quốc - không được ký 2 dự luật (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) và (Protect Hong Kong Act) - ông Donald Trump cuối cùng đã quyết định phê chuẩn 2 dự luật này trước khi đi nghỉ những ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở Mar-A-Lago.

Việc ký 2 dự luật Hong Kong Human Rights and Democracy Act và Protect Hong Kong Act được người dân Hongkong hoan hô, vui mừng

Quyết định đặt bút ký của ông Donald Trump khiến nhiều người ngạc nhiên. Đa số dư luận đều nhận định rằng ông sẽ dùng quyền phủ quyết bỏ túi (Pocket Veto) để tránh làm mất lòng ông Tập Cận Bình - ngâm dấm 2 dự luật trên trong 10 ngày, không ký, để cho 2 dự luật tự động trở thành đạo luật - vì đã được lưỡng viện quốc hội chuẩn thuận với hơn 99% ở hạ viện, 100% ở thượng viện.

Việc ký 2 dự luật trên không những được người dân Hongkong mà cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong nước hoan hô, vui mừng khá cuồng nhiệt, ca tụng ông trên mạng xã hội FB với những lời có cánh. Với người dân Hongkong, việc hoan nghênh chuyện ký 2 đạo luật rất dễ hiểu bởi nó xác nhận thêm một lần nữa chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Hongkong.

Tuy nhiên, với những người hiểu biết rõ về thể chế chính trị, hiến pháp của Mỹ thì việc ký hay không ký 2 dự luật trên chỉ là hình thức, nguyên tắc, khi 2 dự luật đã được Quốc hội thông qua gần như tuyệt đối.

Hơn ai hết, ông Tập Cận Bình và nội các, những nhà ngoại giao Trung Quốc đều hiểu rằng dù ông Trump không ký thì 2 dự luật vẫn được thông qua. Như vậy tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại 2 lần gọi đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đến để chuyển lời hăm dọa đến ông Donald Trump - không được phép ký ?

Câu trả lời thật đơn giản. Chỉ là những trò vờ vịt, biểu diễn sức mạnh giống như 2 đấu thủ trên võ đài đô vật Mỹ (Wrestling) mà khán giả dễ dàng nhận ra. Đấm, đá, quật, quăng, dẫm, đạp, kẹp cổ, bẻ chân, bẻ tay... chẳng thấy đối thủ nào đau dớn, rên la hay bị thương tật… sau trận đấu.

Donald Trump đã tự sướng, đưa lên mạng Twitter tấm hình của ông được chỉnh sửa từ một phần mềm, ráp đầu của ông vào thân hình võ sĩ của tài tử Silvester Stallone trong phim Rocky 3 với những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc như thép

Chính vì vậy nên sau khi ký, ông Donald Trump đã tự sướng, đưa lên mạng Twitter tấm hình của ông được chỉnh sửa từ một phần mềm, ráp đầu của ông vào thân hình võ sĩ của tài tử Silvester Stallone trong phim Rocky 3  với những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc như thép – như một câu trả lời những hăm dọa của Tập Cận Bình – dĩ nhiên chỉ để phô diễn cho những ai ái mộ, ủng hộ ông, riêng họ Tập thì đã nắm tẩy của ông từ lâu.

Thật ra Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền cho Hongkong đã có từ năm 1992, đạo luật vừa được ông Trump ký , S.1838 chỉ có thay đổi và thêm một số điểm. Đạo luật thứ hai Protect Hongkong Act là S.2170 thì hoàn toàn mới, cấm Tổng thống ký giấy phép xuất khẩu các loại đạn đặc biệt, kể cả các công cụ trang bị cho cảnh sát, lực lượng hổ trợ cảnh sát dùng trong việc đàn áp biểu tình như lựu đạn cay, còng số 8, đạn cao su…

Vấn đề quan trọng là 2 đạo luật trên sẽ được ông Trump và nội các thi hành ra sao ? Chắc chắn ông Donald Trump và nội các khi thi hành 2 đạo luật này sẽ diễn giải theo ý kiến riêng như thế nào để không bị thế giới chỉ trích, lên án, đồng thời không mất lòng ông Tập Cận Bình.

Hơn thế nữa, sau khi 2 đạo luật được chuẩn thuận, tòa Bạch Ốc cũng đưa ra 2 thông cáo của ông Trump.

Thông cáo thứ nhất nói rằng :
Ông Donald Trump ký 2 đạo luật đó là do lòng kính trọng của ông với chủ tịch Tập Cận Bình và người dân Hongkong. Hai đạo luật đó được ban hành với niềm hi vọng rằng, các nhà lãnh đạo cũng như đại diện của Hongkong sẽ giải quyết các bất đồng một cách ổn thỏa, êm đẹp để Hongkong được hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người.

Thông cáo thứ hai mới đáng "quan ngại" vì sự không rõ ràng. Thông báo này nói là một số điều khoản của đạo luật theo hiến pháp, có thể ảnh hưởng, giới hạn thẩm quyền của tổng thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ, tuy nhiên không ai rõ là ông Trump muốn nói đến điều khoản nào.

Nội các của tôi (ông Trump) sẽ thi hành từng điều khoản của đạo luật một cách cân nhắc, phù hợp với thẩm quyền hiến định của tổng thống trong chính sách đối ngoại.

Vậy là sao ? Hiểu một cách thông thường về thông cáo thứ hai, tổng thống Donald Trump có thể sẽ tùy nghi sử dụng quyền hành pháp của mình trong việc thi hành các điều khoản của đạo luật nói trên. Hoặc nói cách khác, ông Trump sẽ không để bị Quốc hội trói tay trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

Phải chăng đây là một tín hiệu (ngầm) của tổng thống Donald Trump muốn gửi tới người bạn tuyệt vời của ông là chủ tịch Tập Cận Bình rằng : "Chủ tịch yên chí ! Chính sách của Mỹ với Hongkong sẽ không có gì thay đổi khi nào tôi còn ngồi trong tòa Bạch Ốc".

Hòa đàm của giai đoạn 1 về cuộc thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa được kết thúc. Phía Trung Quốc tiếp tục kéo dài đàm phán, cù cưa, lần lừa trong mọi chuyện cho dù ông Tập Cận Bình đang gặp vô vàn khó khăn trong tình hình nội bộ Trung Quốc.

Liệu ông Tập Cận Bình có hiểu được tín hiệu (ngầm) mà ông Donald Trump gửi tới cho mình ? Thời gian sẽ trả lời.

Thạch Đạt Lang
(30/11/2019)




VÀI NÉT VỀ MICHAEL BLOOMBERG, NGƯỜI MUỐN LẬT ĐỔ DONALD TRUMP (Nguyễn Hải Hoành)




Nguyễn Hải Hoành
29/11/2019

Mới đây Michael Bloomberg đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong thành phần Đảng Dân chủ. Bloomberg cho biết trước đây ông từng nói sẽ không ra tranh cử, nhưng nay lại thay đổi quyết định bởi lẽ ông không nghĩ rằng các ứng viên Tổng thống đại diện đảng Dân chủ hiện nay có thể đánh bại được ông Trump.

Michael Bloomberg cùng những người Mỹ "gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây, ở tuổi 77, ông muốn trở thành Tổng thống nước Mỹ. - Ảnh minh họa

Vài nét tiểu sử

Michael Bloomberg sinh năm 1942 trong một gia đình Do Thái bình thường. Khi còn là sinh viên đại học, ông vừa đi học vừa tự kiếm sống bằng mọi cách, kể cả lao động chân tay. Từ hồi ấy ông đã say mê môn tin học và tỏ ra có năng khiếu xuất sắc trong lĩnh vực này.

Năm 1966, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Harvard, Bloomberg làm giao dịch viên chứng khoán cho Salomon Brothers, một công ty hàng đầu phố Wall. Chàng trai Bloomberg 24 tuổi làm việc mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 12 giờ.

Nhờ cần cù như thế và nhờ có đầu óc kinh doanh nhạy bén kèm theo tầm nhìn xa xuất chúng, sáu năm sau ông trở thành cổ đông của công ty này, và cứ thế dần dần tiếp quản hầu hết mọi thứ của công ty, từ cổ phiếu, nghiệp vụ giao dịch và bán hàng cho tới hệ thống thông tin.

Thế nhưng năm 1981, nội bộ Salomon Brothers xảy ra một cuộc đấu đá. Do tính nói thẳng hay làm người khác mất lòng mà Bloomberg bị hất ra khỏi công ty sau 15 năm cúc cung tận tụy làm việc.

Nhưng cú vấp ngã đau điếng này chẳng hề làm ông nản chí. Bloomberg sử dụng khoản tiền 10 triệu dollar công ty bồi thường để khởi đầu một sự nghiệp mới – lập công ty dịch vụ phần mềm tài chính lấy tên là Innovative Market Systems (năm 1986 đổi tên là Bloomberg L.P.).

Ý tưởng này xuất phát từ sự phân tích sáng suốt của Bloomberg, một người vừa nắm vững kiến thức chứng khoán, nghiệp vụ đầu tư lại cực giỏi về ứng dụng công nghệ máy tính. Ông thấy trước các công ty tài chính làm đầu tư, ngân hàng… sẽ cực kỳ cần sử dụng dịch vụ phần mềm máy tính để tăng hiệu suất công việc.

Quả vậy, năm 1982, công ty chứng khoán hàng đầu Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của Innovative Market Systems, họ nhận đặt 20 thiết bị đầu cuối và đầu tư 30 triệu USD mua 30% cổ phần của công ty.

Nhờ đó công ty của Bloomberg phát triển nhanh như thổi với tốc độ 40% mỗi năm. Số thiết bị đầu cuối từ 5000 năm 1987 tăng lên hơn 250 nghìn năm 2009.

Năm 1990 Michael Bloomberg (và Matthew Winkler) thành lập hãng thông tấn Bloomberg News để cung cấp báo cáo tin tức tài chính cho các thuê bao của Bloomberg Terminal. Tại thời điểm năm 2010, Bloomberg News có hơn 2.300 biên tập viên và phóng viên tại 72 quốc gia và 146 văn phòng tin tức trên toàn thế giới. Sau 22 năm ra đời, Bloomberg News đạt được thu nhập cao hơn cả Tập đoàn thông tấn Reuteus lớn nhất thế giới, có lịch sử 150 năm.

Tiếp đó Bloomberg lập đài phát thanh, đài truyền hình và website đều lấy tên mình. Kênh truyền hình Bloomberg phát suốt ngày đêm ; là nguồn cung cấp tin tức gốc có tín nhiệm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính-tiền tệ toàn thế giới.

Cùng với các thành tích đó, Michael Bloomberg trở thành người giàu nhất thành phố New York và giàu thứ 5 nước Mỹ với tài sản cá nhân lên tới 16 tỷ dollar (3/2009 ; năm 2019 là 55 tỷ). Chỉ trong hai năm ông nhảy từ bậc thứ 142 lên bậc thứ 17 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes (2019 là thứ 7). Thật là một kỳ tích !

Xin làm đầy tớ dân

Sau nhiều năm làm chủ một tập đoàn khổng lồ, năm 2001 Bloomberg từ chức CEO để ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York.

Với một quá khứ thành đạt hiếm có và đề cương tranh cử xuất sắc được lòng dân, lại biết khéo léo sử dụng hệ thống thông tin truyền thông rộng lớn của mình phục vụ tranh cử, Bloomberg đã trúng cử và từ 1/1/2001 trở thành thị trưởng nhiệm kỳ thứ 108 của thành phố New York.

Tháng 11/2005 ông tái đắc cử chức vụ này cho tới hết năm 2013.

Cần nói là do tự bỏ tiền túi (69 triệu đô-la) vào việc tranh cử, vì thế ông có thể đàng hoàng tuyên bố : sau khi trúng cử, chính sách của ông sẽ không chịu ảnh hưởng của những người quyên góp tiền cho tranh cử. Đúng vậy, thời gian nắm quyền, thị trưởng Bloomberg đã hành xử hoàn toàn vì dân chúng New York mà không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào ; chẳng ai có thể can thiệp vào các quyết định của ông.

Ở nước Mỹ, rời thương trường sang chính trường có nghĩa là phải chấp nhận sự hy sinh đáng kể về lợi ích kinh tế. Có người nói đùa : Bloomberg chán làm ông chủ rồi, nay muốn làm… đầy tớ.

Đúng vậy, làm quan ở Mỹ thực sự là làm đầy tớ dân, luôn bị đặt ở vị trí trên đe dưới búa rìu dư luận, bị giới truyền thông luôn theo dõi, soi mói bới lông tìm vết việc công việc tư ; ai không năng nổ tích cực, không thay đổi được tình trạng cũ, ai làm dở hoặc chỉ làm được ít việc, hoặc đời tư có bê bối gì là lập tức bị dân công khai chê bai, phê phán thâm chí chửi bới trên báo đài. Chưa kể lương bổng của quan chức nhà nước bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với làm kinh doanh bên ngoài. Chẳng hạn ông Bush con khi làm Tổng thống được lĩnh lương 400.000 đô la/năm, trước đó mỗi năm ông bỏ túi hàng triệu đô la nhờ kinh doanh dầu mỏ.

Thế mà Bloomberg đã làm tốt công việc thị trưởng thành phố lớn nhất (hơn 8 triệu dân) và phức tạp nhất nước Mỹ này suốt cả hai nhiệm kỳ.

Trước đây ông là đảng viên Đảng Dân chủ nhưng năm 2001 chuyển sang Đảng Cộng hòa ; năm 2007 ông rời Đảng Cộng hòa, năm 2018 lại gia nhập Đảng Dân chủ.

Bloomberg là con người tổng hợp nhiều tính cách : vừa là nhà chính trị vừa là đại gia truyền thông, đại gia tài chính tiền tệ, chuyên gia tin học… Rõ ràng, từng ấy thứ chung đúc lại trong một con người thì người đó nhất định phải có nhiều phẩm chất ưu tú xuất chúng.

Thị trưởng không có văn phòng làm việc riêng, không có thư ký riêng

Sau khi tuyên thệ nhậm chức thị trưởng ngày 01/01/2002, Bloomberg thề quyết mang phong cách làm việc hoàn toàn mới vào cơ quan công quyền của thành phố. Ai từng đến tòa Thị chính New York đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy thị trưởng thành phố khổng lồ này không có văn phòng làm việc của mình.

Ông cho cải tạo một hội trường lớn thành nơi làm việc chung toàn cơ quan của tòa thị chính, một văn phòng hoàn toàn mở với dân chúng. Bản thân Bloomberg ngồi một bàn một ghế giữa đám nhân viên của mình. Ông từng nói "Tường ngăn là vật chướng ngại, công việc của tôi là phá hết tường ngăn".

Tuần san Time bình luận : "Bloomberg đem lại cho thành phố New York hiệu suất và tính công khai trong suốt của công việc, đây là điều chưa từng có".

Cũng vậy, thị trưởng Bloomberg không có thư ký riêng. Bất cứ ai, từ dân thường tới nhà lãnh đạo, đều có thể tiếp xúc thẳng với ông mà không qua một trung gian nào. Tất nhiên vì thế ông bận rộn hơn vì chẳng có người giúp những việc có tính hành chính sự vụ.

Không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà thực sự công tác quản lý thành phố New York đã có tiến bộ trông thấy, chả thế mà ông tái đắc cử thị trưởng. Tỷ lệ phạm tội giảm dần, kinh tế các vùng được kích thích tăng trưởng, thâm hụt ngân sách giảm dần, chất lượng sống của người dân được cải thiện với những biện pháp như cấm hút thuốc lá tại nhà hàng và quán rượu, cấm làm ồn trên đường phố. Việc thiết lập các đường dây nóng tố giác tội phạm và tư vấn đã tăng được sự giao lưu giữa chính quyền với dân …

Thị trưởng đi làm bằng tàu điện ngầm

Ngay từ hôm đầu tiên nhậm chức, Bloomberg đi làm bằng tàu điện ngầm (subway). Người dân New York đã quen thấy ngài thị trưởng của mình không kiếm được chỗ ngồi (vì tàu quá đông), mỗi lần đi làm và về nhà đành phải đứng nửa giờ trên tàu. Mới đầu nhiều người cho rằng đây chẳng qua là ngài tân thị trưởng muốn chơi trội một thời gian thôi, nhưng khi thấy ông đi tàu điện hết năm này sang năm khác thì người ta thực sự kính nể con người ý chí sắt đá này.

Bloomberg tâm sự : đi tàu điện ngầm vừa tiết kiệm tiền vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, mặt khác lại có dịp tiếp xúc trực tiếp với quần chúng loại thu nhập thấp nhất (đa số người thu nhập trung bình trở lên đều đi xe riêng), chưa kể lại còn có điều kiện hiểu rõ công việc ngành giao thông thành phố, ngoài ra còn góp phần hóa giải nỗi lo của dân chúng về sự an toàn của tàu điện ngầm sau vụ khủng bố 11/9. Đúng là nhất cử đa tiện. Thật khó hiểu nhà tư bản giàu nứt đố đổ vách ấy lại có thể chịu gian khổ, chịu "mất thể diện lãnh đạo" như vậy.

Thị trưởng không lương

New York đông dân, sản lượng kinh tế cao hàng đầu trong số các thành phố ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 40.450 USD/năm (2001), vì thế thị trưởng New York có mức lương khá cao so với nhiều thành phố khác. Thế nhưng Bloomberg ngay từ đầu đã tuyên bố ông chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1 USD/năm – điều chưa từng có tại New York. Năm 2005 chính khách "gàn dở" này thắng cử chức thị trưởng nhiệm kỳ thứ hai.

Nước Mỹ có không ít người như thế, chẳng hạn ông Hindman, thị trưởng thành phố Columbia bang Missouri 5 nhiệm kỳ liền (từ 1995 tới nay) cũng không nhận lương và cả đời đi làm bằng xe đạp. Vợ chồng ông chỉ sống bằng lương hưu. Rõ ràng họ thực sự muốn làm việc vì dân, hoàn toàn chẳng vì danh lợi. Nhưng không vì thế mà họ làm việc kém hiệu quả.

Nhà từ thiện hào hiệp

Như mọi người Do Thái giàu có khác, Bloomberg rất tích cực làm từ thiện giúp đồng bào mình, đúng theo Kinh Thánh dạy.

Theo Biên niên sử Từ thiện, hàng năm Bloomberg đều đặn hiến tặng hoặc cam kết hiến tặng tiền cho công tác từ thiện với quy mô như sau : năm 2004 tặng 138 triệu, năm 2005 – 144 triệu, năm 2006 – 165 triệu và năm 2007 – 205 triệu đô-la.

Năm 2007, Michael Bloomberg trở thành nhà từ thiện lớn thứ 7 của nước Mỹ. Năm 2008, website Bloomberg công bố góp 500 triệu USD cùng với Bill Gates thực hiện dự án giúp chính phủ các nước đang phát triển kiểm soát thuốc lá. Như vậy tức là năm sau ông hiến nhiều hơn năm trước.

Nơi được Bloomberg quyên tặng tiền đều là các tổ chức giáo dục, y tế… Chẳng hạn ông từng góp hơn 300 triệu đô la cho Đại học Johns Hopkins, nơi ông từng học tập và sau đó thời gian 1996-2002 làm chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường.

Tháng 6/2010, hai tỷ phú giàu nhất thế giới là Gates và Buffett ra "Tuyên ngôn Cam kết hiến tặng", kêu gọi các nhà giàu Mỹ cùng hai ông cam kết trong quãng đời còn lại của mình hoặc sau khi chết sẽ hiến tặng xã hội ít nhất một nửa tài sản. Bloomberg là người đầu tiên hưởng ứng phong trào Cam kết hiến tặng (Giving Pledge campaign) này.

Michael Bloomberg cùng những người Mỹ "gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây ở tuổi 77 ông muốn trở thành Tổng thống nước Mỹ. Với tài sản nhiều hơn khoảng 17 lần đương kim Tổng thống Trump, liệu Bloomberg có được toại nguyện ?

Nguyễn Hải Hoành






QUAN ĐIỂM THÂN TRUNG QUỐC NGÁNG ĐƯỜNG VÀO NHÀ TRẮNG CỦA BLOOMBERG? (Josh Rogin - The Washington Post)




Phan Nguyên dịch
30/11/2019

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Khi chính phủ Trung Quốc ngày càng đàn áp trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài, người dân Mỹ đang thức tỉnh trước những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm suy yếu an ninh, thịnh vượng và tự do của Hoa Kỳ. Hồ sơ về Trung Quốc của ứng viên tổng thống mới Mike Bloomberg cho thấy ông không phải là người phù hợp để dẫn đất nước chúng ta đương đầu với thách thức lịch sử này.

Cựu thị trưởng New York và công ty Bloomberg LP của ông đã “đầu tư” rất nhiều vào Trung Quốc cũng như ý tưởng “thỏa hiệp” với chính phủ Trung Quốc – ngay cả khi điều đó có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước thực tế. Sự gần gũi của Bloomberg với lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn là một điều có ích cho doanh nghiệp của ông, nhưng nó cũng cho thấy một điểm yếu rất lớn của ông trong nỗ lực trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Bloomberg đưa ra quan điểm thỏa hiệp về cách vận hành của giới lãnh đạo Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 với chương trình Firing Line của đài PBS: “Đảng Cộng sản muốn duy trì quyền lực ở Trung Quốc và họ lắng nghe công chúng”, Bloomberg nói. “Tập Cận Bình không phải là một nhà độc tài. Ông ta phải thỏa mãn người dân của mình, nếu không ông ta sẽ không thể sống sót”.

Bloomberg lập luận rằng Bắc Kinh cam kết bảo vệ môi trường. Quỹ từ thiện của ông, Bloomberg Philanthropies, đã làm việc trong nhiều năm để giúp tài trợ cho các sáng kiến ​​năng lượng xanh của Trung Quốc thông qua hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Nhìn chung, các chính sách môi trường của Trung Quốc rất tệ hại, nhưng họ cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc khắc phục ô nhiễm đô thị.

Nhưng khi bị người dẫn chương trình Margaret Hoover hỏi liệu ông ta có thực sự tin rằng Tập là người biết phản ứng trước ý chí dân chủ của người dân hay không, Bloomberg đã càng nhấn mạnh quan điểm của mình.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn vào Nga và để xem Đảng Cộng sản (Liên Xô) đang ở đâu và họ không thấy nó ở đấy nữa. Và họ không muốn điều đó xảy ra với mình. Vì vậy, họ thực sự phản ứng nhanh”, ông nói.

Hãy tạm chưa bàn tới thực tế rằng Nga được lãnh đạo bởi một cựu sĩ quan KGB, người đã đưa Nga quay về với chủ nghĩa độc đoán kiểu Xô-viết. Quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc biết phản ứng với nguyện vọng của người dân đối nghịch với tình trạng đàn áp nghiêm trọng đang diễn ra ở Tân Cương, nơi có ít nhất một triệu người đang bị giữ trong các trại giam, và tình hình ở Hồng Kông, nơi chính quyền đang đối phó với hàng triệu người tuần hành đòi các quyền đã được hứa hẹn bằng cách cố thủ trong các trường đại học.

Không có gì bí ẩn quanh chuyện tại sao Bloomberg nhìn lãnh đạo Bắc Kinh qua lăng kính màu hồng. Tuần tới, ông sẽ chủ trì một hội nghị kinh tế quốc tế lớn tại Bắc Kinh với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và giới doanh nghiệp Trung Quốc. Bloomberg muốn hội nghị có ảnh hưởng lớn hơn cả Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.

Năm ngoái, Bloomberg đã phải chuyển hội nghị sang Singapore sau khi Bắc Kinh quyết định không đăng cai hội nghị này vào phút chót. Điều này được cho là vì căng thẳng gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhưng Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn vẫn tham dự.

Cá nhân Bloomberg đã vận động hành lang chống lại những gì ông coi là cuộc đối đầu kinh tế của Trump với Trung Quốc. Ông thường lập luận rằng chính sách của Trump về việc sử dụng thuế quan nhằm gây áp lực với Bắc Kinh là phản tác dụng và tin rằng “chúng ta cần phải tìm cách hợp tác” với Trung Quốc.

Vào năm 2013, Bloomberg LP đã vướng vào bê bối khi bị buộc tội loại bỏ những phóng sự của trang Bloomberg News tiết lộ các cáo buộc tham nhũng ở Trung Quốc liên quan trực tiếp đến các thành viên gia đình ông Tập Cận Bình. Bloomberg News phủ nhận việc kiểm duyệt những câu chuyện trên, nhưng New York Times đưa tin rằng các giám đốc điều hành sợ Bloomberg LP sẽ bị cấm cửa khỏi Trung Quốc. Một số phóng viên và biên tập viên đã từ chức để phản đối.

Ben Richardson, biên tập viên của trang tin Bloomberg châu Á, sau đó nói với đài NPR rằng lãnh đạo Bloomberg News đã nói với ông rằng những phóng sự về gia đình của các thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc là ngoài khuôn khổ cho phép.

Bloomberg LP không chỉ kiếm tiền ở Trung Quốc bằng cách bán thiết bị đầu cuối. Thông qua Chỉ số Trái phiếu Tổng hợp Toàn cầu Bloomberg Barclays, Bloomberg LP đang giúp tài trợ cho các công ty Trung Quốc bằng cách bơm hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Năm nay, chỉ số bắt đầu kế hoạch kéo dài 20 tháng để hỗ trợ cho 364 công ty Trung Quốc bằng cách mua khoảng 150 tỷ đô la các loại trái phiếu mà họ chào bán, bao gồm 159 công ty do chính phủ Trung Quốc trực tiếp kiểm soát. Bloomberg, cùng với các công ty khác trên Phố Wall, đang hỗ trợ hiệu quả cho các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc chống lại áp lực kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời khiến các nhà đầu tư Mỹ gặp rủi ro gia tăng.

Không có gì sai khi tổ chức một hội nghị ở Trung Quốc hoặc gần gũi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Quan điểm của Bloomberg là Hoa Kỳ nên bỏ qua hành vi xấu của chính phủ Trung Quốc, chung sống hòa thuận để làm ăn. Quan điểm này khá phổ biến ở Phố Wall. Nếu ông được bầu làm tổng thống, ông có thể rời các doanh nghiệp của mình như ông đã làm trong thời kỳ làm thị trưởng New York.

Nhưng nếu Bloomberg thực sự tin những gì ông nói, thì việc ông hiểu sai về bản chất và tham vọng của chính phủ Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông sẽ ủng hộ một chính sách ngây thơ về can dự với Trung Quốc cũng như những ảo tưởng đã từng được thử và thất bại.

Chưa nói đến thực tế rằng xoa dịu Trung Quốc là một thái độ chính trị tồi (và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2020). Donald Trump Jr. đã nhắc đến những bình luận của Bloomberg về Tập trên Twitter vào tuần trước, nói rằng “Ôi trời, tôi đoán ông ấy đang cố gắng thuyết phục NBA đổi ý?!?”[1]

Trong 12 tháng tới, chủ yếu do các hành động của chính phủ Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng ở Tân Cương và Hồng Kông có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Nhiều công ty Mỹ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt không công bằng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc trấn áp quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.

Hoa Kỳ cần một tổng thống nhìn thấy thách thức Trung Quốc một cách rõ ràng, người thừa nhận bản chất của chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tin rằng đối đầu với thách thức đó còn quan trọng hơn cả việc kiếm tiền và chung sống hòa thuận. Mike Bloomberg không phải là người phù hợp cho công việc đó.

*
*
[1] NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia) là tâm điểm của một tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào  tháng 10/2019, khi một quan chức NBA là Daryl Morey đăng một dòng tweet ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông. Trung Quốc phản ứng dữ dội khiến NBA ra thông báo nói rằng dòng tweet của Morey đã xúc phạm người hâm mộ và rằng quan điểm của Morey không đại diện cho quan điểm của NBA. Sau đó, phát biểu này đã  gây ra phản ứng mạnh từ phía nội bộ Hoa Kỳ, khi chính giới Hoa Kỳ chỉ trích NBA kiềm chế tự do ngôn luận và thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc, khiến NBA phải đưa ra tuyên bố thứ hai khẳng định NBA bảo vệ tự do ngôn luận  và các giá trị của Hoa Kỳ chống lại sự đàn áp của Trung Quốc (ND).

---------------------

Josh Rogin là nhà bình luận về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của tờ The Washington Post.


Nguồn:
November 13, 2019 at 8:00 a.m. EST





TRUNG QUỐC LỘ MẶT ĐỒNG HÓA, TẨY NÃO NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ Ở TÂN CƯƠNG (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng RFI / ĐIỂM BÁO
Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2019

Trung Quốc lộ mặt đồng hóa, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ; Cử tri Hồng Kông dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền ; Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp tội « vu khống » ; Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Liệu đây có phải là một chiến lược tốt cho đảng Dân Chủ ? Đây là một số chủ đề đáng lưu ý trong tháng 11/2019 của tạp chí Thế Giới Đó Đây.

Biểu tình tại Bandung, Indonesia ngày 21/12/2018 phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. REUTERS/Novrian Arbi

Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ) có thêm bằng chứng khẳng định hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi Giáo, nói tiếng Thổ, ở vùng tự trị Tân Cương, bị giam giữ trong các trại tập trung, mà Trung Quốc gọi là « trung tâm dạy nghề ».

Chỉ trong vòng hai tuần, hàng loạt tài liệu mật về chiến dịch trấn áp của chính quyền Bắc Kinh, được tổ chức quy mô nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, bị tiết lộ cho báo chí phương Tây : đợt đầu gồm 403 trang được New York Times đăng ngày 16/11/2019, đợt tiếp theo được Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế cho phép 17 tòa báo trên thế giới đăng từ hôm 24/11.

Trong một phóng sự ngày 25/11, đài France 24 đã gặp bà Guibahar Jelilova, một người Duy Ngô Nhĩ, hiện sống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị bắt vào tháng 05/2017, bà Jelilova phải sống trong trại 1 năm, 3 tháng và 10 ngày :

« Tôi kiệt sức trong thời gian bị giam giữ. Họ dẫn tôi vào một căn phòng có cửa thép dầy và nặng. Tiếng cửa kêu rất lớn mỗi khi họ mở. Căn phòng chỉ rộng khoảng 20 mét vuông, không có cửa sổ. Bên trong có khoảng 40 phụ nữ, một nửa trong số đó phải đứng, những người khác thì nằm sát nhau trên sàn. Chúng tôi phải mang xích ở cổ chân. Cứ mỗi tuần một lần, họ cho chúng tôi xem một đoạn video về Tập Cận Bình. Sau đó, họ bắt chúng tôi viết tự kiểm điểm. Họ muốn chắc rằng ý thức hệ của chúng tôi đã thay đổi và tiến bộ hơn ».

Thực ra, đã có rất nhiều lời chứng, các cuộc điều tra về chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Những tiết lộ mới chỉ khẳng định thực tế trên, theo nhận định với RFI của ông Thierry Kellner, giảng viên Đại học Tự do Bruxelles (Université Libre de Bruxelles, Bỉ) :

« Sau khi những tài liệu này bị lộ, chính quyền Bắc Kinh khó lòng phủ nhận được sự tồn tại của hệ thống trại giam, cũng như bản chất của chiến dịch trấn áp được áp dụng từ 2-3 năm nay. Những tài liệu đó khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ, cũng như một số cộng đồng thiểu số khác theo Hồi Giáo ở Tân Cương, bị theo dõi trên diện rộng. Để làm được việc này, Bắc Kinh đã sử dụng đại trà công nghệ mới « big data », nhằm theo dõi, lập danh sách và trấn áp toàn bộ dân cư.

Thực ra, những tiết lộ này, gồm những tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, chỉ củng cố thêm cho những phân tích trước đây của phương Tây dựa trên nhiều nghiên cứu tỉ mỉ trong năm 2018-2019. Dù Bắc Kinh khẳng định những tài liệu trên là giả, thì chúng cũng khiến chính quyền Trung Quốc khó lòng thuyết phục được một phần công luận phương Tây ».

Tân Cương : Vùng đất chiến lược trong dự án Con đường Tơ lụa mới

Chống khủng bố ở Tân Cương chỉ là cái cớ để chính quyền Bắc Kinh, theo dõi và đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ. Vẫn theo nhà nghiên cứu Thierry Kellner, một động cơ khác, không kém phần quan trọng, đó là vai trò của Tân Cương trong dự án Con đường Tơ lụa mới :

« Phải nói Tân Cương là một vùng chủ đạo, vô cùng quan trọng trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới. Chúng ta có thể nhận thấy mọi biện pháp an ninh được triển khai là nhằm bảo đảm kiểm soát tối đa vùng này và về lâu dài là đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, nếu căn cứ vào các biện pháp được triển khai ở Tân Cương. Chúng ta hiện có những bằng chứng rõ ràng chứng minh ngược lại những phát biểu của chính quyền Bắc Kinh về việc « trấn áp khủng bố », « bài Hồi Giáo cực đoan », mà thực chất là chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, dùng sức mạnh áp đặt quyền lực của Bắc Kinh ở vùng này ».

Hồng Kông : Cử tri dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền

Sau thất bại ê chề của chính quyền Hồng Kông trong cuộc bầu cử đại biểu cấp quận ngày 24/11/2019, hai hôm sau (26/11), trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo thành lập ủy ban đánh giá độc lập về tình hình Hồng Kông.

« Dĩ nhiên, chúng tôi dựa vào kinh nghiệm tương tự của những nước khác, đặc biệt là ở Anh Quốc, sau loạt bạo động ở Tottenham năm 2011. Dựa trên mô hình đó, chúng tôi thành lập một ủy ban đánh giá để xác định và phân tích những lý do dẫn đến giai đoạn bất ổn xã hội kéo dài này ở Hồng Kông, dù đó là lý do kinh tế-xã hội, thậm chí là chính trị, để có thể kiến nghị với chính phủ các biện pháp nên thi hành. Tôi chân thành hy vọng rằng những đánh giá đó sẽ giúp chúng ta có được những phương tiện để tiến lên phía trước ».

Nếu không có kết quả áp đảo của phe ủng hộ dân chủ, chưa chắc chính quyền Hồng Kông đã tỏ ra khiêm nhường nhận trách nhiệm « để mất quá nhiều thời gian » giải quyết tình trạng bất ổn và bạo lực. Trả lời đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde, ông Keneth Chan, nghị sĩ phe đối lập ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đánh giá chiến thắng ở 17 quận trên tổng số 18 của phe ủng hộ dân chủ được coi như là một cuộc trưng cầu dân ý để người dân bày tỏ bất bình đối với chính quyền đặc khu :

« Tôi nghĩ là người dân Hồng Kông trông đợi rất nhiều vào kết quả này. Họ chờ câu trả lời của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Bắc Kinh. Đối với họ, đây là cơ hội để làm giảm căng thẳng. Nếu chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không nắm bắt thời cơ này, thì tôi e rằng xung đột còn kéo dài. Vì trên thực tế, cuộc bầu cử vừa rồi như một cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và về bạo lực cảnh sát. Những người ủng hộ Bắc Kinh cũng sử dụng cuộc bầu cử này như là một cuộc trưng cầu dân ý để phản đối người biểu tình. Bây giờ, mọi người phải tôn trọng kết quả bầu cử. Lực lượng ủng hộ dân chủ kiểm soát 17 trên 18 quận ở Hồng Kông. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ mà chúng tôi gửi đến Bắc Kinh, thông qua bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cũng như đến toàn thế giới ».

Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp « vu khống »

Nhà nghiên cứu người Pháp Valérie Niquet, một chuyên gia về Trung Quốc và thường trả lời đài RFI, cùng với chuyên gia về truyền thông Stéphane Dubreuil, bị tập đoàn Hoa Vi kiện vì tội « vu khống »

Luật sư Laurent Merlet của tập đoàn Hoa Vi tại Pháp cho rằng hai chuyên gia này « đã đi quá xa » khi chỉ trích mối quan hệ được cho là tồn tại giữa Hoa Vi và đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng không đưa ra bằng chứng, trong một số chương trình truyền hình (trên đài France 5 ngày 07/02/2019 và trên đài TF1).

Ba đơn kiện đã được Hoa Vi đệ vào đầu năm 2019, nhưng sẽ chỉ được đưa ra xét xử vào khoảng năm 2021. Đây là lần đầu tiên, Hoa Vi kiện đích danh một cá nhân. Trả lời RFI, chuyên gia Valérie Niquet tỏ ra bất ngờ khi bị kiện :

« Rõ ràng là Hoa Vi ở Pháp cảm thấy là bị chỉ trích khi người ta nhắc đến những sự việc mà mọi người đều biết, như chủ tịch tập đoàn Hoa Vi ở Trung Quốc là đảng viên đảng Cộng Sản, từng tham gia Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, cũng như mối quan hệ vô cùng chặt chẽ giữa Nhà Nước, đảng và doanh nghiệp. Những thông tin này không hề nhằm tấn công vào danh tiếng của Hoa Vi, mà thực chất chỉ nhằm miêu tả tình hình của các doanh nghiệp ở Trung Quốc ».

Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Chiến lược tốt cho đảng Dân Chủ ?

Ông Donald Trump là vị tổng thống thứ tư của Mỹ chịu thủ tục luận tội phế truất : Bill Clinton (1998), Richard Nixon (1974), Andrew Johnson (1868). Sau khi 15 nhân vật có liên quan tham gia điều trần kín, 12 người trong số này đã tham gia các phiên điều trần công khai, được truyền hình trực tiếp, do Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện, mà đa số nằm trong tay đảng Dân Chủ, tổ chức vào giữa tháng 11/2019.

Tuy nhiên, dường như những phiên điều trần công khai này sẽ không gây tác động lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng. Luật gia Anne Deysine, giảng viên trường đại học Ouest-Nanterre, giải thích trong chương trình Những thách thức Quốc tế ngày 15/11 trên đài France Culture :

« Liệu cách làm này có thay đổi được gì không ? Chúng ta biết là trong thủ tục truất phế tổng thống Nixon, công luận đã biến chuyển. Nhưng ngày nay, người dân ít quan tâm hơn bởi vì Hoa Kỳ bị chia thành hai phe. Vì thế, những người phản đối ông Trump vẫn giữ ý kiến của họ. Còn những người ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng thì vẫn tiếp tục trung thành.

Có khoảng 13 triệu người theo dõi trực tiếp các phiên điều trần về luận tội tổng thống Trump trong khi đó, người dân Mỹ chăm chú theo dõi tiến trình truất phế vào thời Nixon. Hơn nữa, nếu xem điều trần trực tiếp, họ cũng theo dõi trên các kênh ưa thích của họ. Ví dụ những người có khuynh hướng cánh tả thì xem CNN, còn những người ủng hộ ông Trump thì xem Fox News ».

Dù có khoảng 47% ý kiến thăm dò ủng hộ « phế truất », nhưng chủ nhân Nhà Trắng hoàn toàn có thể tin tưởng vào lòng trung thành của cử tri Cộng Hòa, bất chấp cáo buộc về các mạng lưới « ngoại giao song song » gây tác hại cho hoạt động chính thức. Luật gia Anne Deysine giải thích :

« Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của nhà ngoại giao Kissinger, từng bí mật đến Trung Quốc để tìm cách thiết lập đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng thời đó, ngành ngoại giao, bộ Ngoại Giao và tổng thống, có chung tiếng nói và theo đuổi cùng mục đích. Điều chủ yếu trong vụ Trump-Zelensky thì lại làm suy yếu Ukraina, trong khi lợi ích ngoại giao của Mỹ là phải ủng hộ một đồng minh chống lại Nga sau khi Matxcơva sáp nhập Crimée và xâm chiếm vùng Donbass. Đó là những điều được nêu rất rõ trong các phiên điều trần ! Nhưng tôi cho rằng những người ủng hộ ông Trump không nghe thấy điều này ! »






BỊ HOA KỲ ÉP TRẢ 5 TỶ QUÂN PHÍ LỰC LƯỢNG VIỄN CHINH , NAM HÀN KÝ THỎA THUẬN QUỐC PHÒNG VỚI TRUNG QUỐC (Mai Phi-Long)




30/11/2019

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nam Hàn, vào Chủ nhật 17/11/2019, bộ trưởng quốc phòng nước này, Jeong Kyeong-doo, và đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, tại bên lề hội thảo an ninh khu vực diễn ra tại Bangkok, đồng ý thiết lập thêm những đường dây nóng quân sự và mở đường cho chuyến công du của bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm tới nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác song phương trong lãnh vực quốc phòng.  Vì sao Nam Hàn, một đồng minh trung thành nhất với Hoa Kỳ trong suốt hơn 7 thập niên vừa qua, lại với  tay đến Bắc Kinh, một cựu thù hậu thuẫn Bình Nhưỡng có cùng dã tâm thôn tính Hán Thành?  Chính chiêu bài chính trị tranh cử nội địa ngắn hạn được sử dụng để bắt chẹt một trong những đồng minh trung thành nhất và gây tổn hại lâu dài cho lợi ích chiến lược nền tảng của Hoa Kỳ ở Đông Á.

Hoa Kỳ ép trả 5 tỉ quân phí lực lượng viễn chinh đóng tại  Nam Hàn
Vào ngày thứ sáu 15/11/2019, trong chuyến công du đến Nam Hàn của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Mark Esper, chính thức yêu cầu Hán Thành tăng cường chi tiêu cho quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở nước này hơn gấp năm lần. Sau đó, ngày thứ ba 19/11/2019, các nhà thương thuyết của hai bên bắt đầu hai ngày đàm phán về chi phí đồn trú của quân đội Hoa Kỳ - nhưng cuộc họp đã kết thúc đột ngột chỉ sau 80 phút.  Việc tòa Bạch Ốc yêu cầu Seoul tăng lên 5 tỷ Mỹ kim một năm cho 28,500 quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Nam Hàn vào năm 2020 – Mức tăng gấp năm lần từ con số 923 triệu Mỹ kim trong năm nay (2019). Một sự tăng vọt gần 500 phần trăm mức quân phí cho năm tới là gần như điều không tưởng.  Cũng cần nhắc lại rằng Seoul vừa mới tăng số tiền trả cho quân đội Hoa Kỳ thêm 8% trong năm nay.  Sự việc trên có thể làm hài lòng những cử tri ủng hộ tổng thống Trump, nhưng lại làm suy yếu nghiêm trọng quan hệ đồng minh kéo dài 70 năm giữa hai nước - một tình đồng minh gắn bó bằng xương máu.  Qua đó, lại một lần nữa, cho thấy ông Trump sẵn sàng gạt bỏ mối quan hệ liên kết đối ngoại với một đồng minh lâu đời để đổi lấy lợi ích chính trị cá nhân trong nước.

Thực tế lịch sử cho thấy: quân đội Nam Hàn đã chiến đấu và cùng hy sinh với quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến Cao Ly 1950-1953 cũng như tại cuộc chiến Việt Nam, và Nam Hàn đã gửi lực lượng không tác chiến đến Iraq và Afghanistan nhằm ủng hộ Hoa Kỳ tại 2 cuộc chiến Vùng Vịnh.  Tuy nhiên, lúc này, người Nam Hàn bắt đầu thấm thía bài học Việt Nam Cộng Hòa trong quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.  

Công luận Nam Hàn bất bình
Các nhà phê bình ở Seoul chỉ trích Washington hành xử kiểu bắt chẹt, cho rằng  Hoa Kỳ muốn tạo tiền lệ cho các cuộc đàm phán về chi phí quân đội với Nhật Bản và NATO sắp tới. Tạp chí Foreign Policy gần đây loan tin Hoa Kỳ muốn Nhật Bản tăng cường chi phí hỗ trợ cho 54,000 binh sĩ viễn chinh Hoa Kỳ gấp bốn lần, lên tới con số 8 tỷ Mỹ kim.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Thống nhất Quốc gia Nam Hàn cho thấy 96% người dân Nam Hàn phản đối trả thêm nhiều tiền hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Bruce Klinger, chuyên viên phân tích tại tổ chức the Heritage Foundation, nhận định đòi hỏi trên không chỉ là một con số cắt cổ, nhưng kiểu hành xử của chính quyền Trump sẽ dẫn đến tình trạng chống Mỹ gia tăng:  “Nếu ta làm suy yếu các liên minh, việc đó đưa đến tiềm năng làm giảm sức mạnh răn đe cùng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, điều đó có lợi cho Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga, những quốc gia tìm được cơ hội bành trướng ảnh hưởng khi thế lực và việc hậu thuẫn đồng minh của Hoa Kỳ bị suy giảm.”

Giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Troy tại Seoul, Daniel Pinkston, còn nhận xét thẳng thừng hơn với tờ Telegraph của Anh quốc rằng:

“Đây là một sự tống tiền!  Nó còn hơn cảnh một tay trùm băng đảng đi quần chung quanh khu phố để đòi tiền bảo kê.  Con số tiền mà Mỹ đòi hỏi chẳng những bất khả về mặt chính trị cho Tokyo và Seoul nuốt mà còn đổ thêm dầu vào sự oán giận.”

Phản ứng ngược từ Nam Hàn
Người Nam Hàn bắt đầu lo lắng rằng: liệu những đòi hỏi thái quá của Tổng thống Trump chỉ là một cái cớ để rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Nam Hàn khi các cuộc đàm phán về chi phí sụp đổ.  Nếu đúng như vậy: đó là tình cảnh tệ hại nhất không chỉ cho Seoul mà cho cả Washington. 

Không quốc gia nào chấp nhận ngồi yên bó tay chịu chết mà sẽ thay đổi chính sách khi thời thế không thuận lợi.  Giống như các triều đại An Nam, đều vờ thần phục làm chư hầu đại quốc. 

Bây giờ, với Nam Hàn khi chìa bắt tay Trung Quốc, biết đâu lại có lợi trước mắt vì không chừng Bắc Kinh sẵn sàng cho ngược Nam Hàn 5 tỉ làm quà mừng bạn mới?  Rồi sau đó, nhiều khi xảy ra chuyện Tập dành nhau với Putin để cho Nhật 8 tỉ tưởng thưởng công qui phục?

Kể từ sau đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ áp dụng chiến lược lan tỏa khống chế toàn cầu thu hút đồng minh nhưng với chiến thuật mới: Đòi tiền “bảo tiêu” quá mức, Hoa Kỳ đẩy Nam Hàn ra xa khiến Seoul phải tiến gần đến Bắc Kinh.

Nhân danh phí tổn đánh đổi vị thế quyền lực bao trùm toàn cầu
Ngay từ lúc tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump lập luận rằng Hoa Kỳ đang trả quá nhiều cho sự bảo vệ của các quốc gia khác và nói rằng các đồng minh giàu có (như Nam Hàn và Nhật Bản) phải chịu thêm gánh nặng quân phí. Nhưng ông đã bỏ qua một yếu tố sinh tử quan trọng: quân đội Hoa Kỳ đóng ở Nam Hàn không chỉ bảo vệ xứ sở dân chủ tư bản này trước sự đe dọa hiếu chiến của Cộng sản Bắc Hàn, mà còn duy trì sự hiện diện mang tính răn đe của quân đội Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á.  Đặc biệt, giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự có thể  gây đe dọa sự ổn định khu vực. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga là một lời biện minh khác cho sự cần thiết việc quân đội Hoa Kỳ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên.

Việc Hoa Kỳ đóng quân ở ngoại quốc thực sự phục vụ lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ qua việc bảo vệ các quốc gia đồng minh có cùng nền dân chủ với thị trường tự do chống lại các chế độ cộng sản, độc tài và chuyên chế. Nên nhớ trật tự thế giới và sự tự do dân chủ hiện tại do Hoa Kỳ xây dựng và cổ xúy từ thế kỷ trước, và được củng cố bởi sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới từ bao lâu nay. 

Chiến lược đồn trú tại Nam Hàn nhằm kiềm chế và răn đe Nga-Trung Cộng-Bắc Hàn
Lịch sử cho thấy nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo lãnh đạo lực lượng Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh Cao Ly, Nam Hàn không chỉ bảo vệ và đẩy lui cuộc xâm lược từ Bắc Hàn, mà giờ đây trở thành một quốc gia kỹ nghệ phát triển trên một nền tảng dân chủ trưởng thành và thịnh vượng.  Phải nói rằng Nam Hàn là một thành tựu điển hình của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.  Nằm ở vị trí lẻ loi ở Đông Bắc Á, đối mặt với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga, Nam Hàn hiện là tiền tuyến của thế giới tự do dân chủ chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ mất vị thế quan trọng chiến lược trên lục địa châu Á nếu bỏ rơi Nam Hàn.  Vì Nam Hàn không thể một mình đương đầu quân sự với bất kỳ 3 đối thủ (Trung Quốc-Nga-Bắc Hàn) đều mạnh hơn họ nhiều và có vũ khí nguyên tử.

Chiến lược ngăn chặn quân sự Trung Quốc và Nga tại Đông Bắc Á là lý do giải thích tại sao gần đây Hoa Kỳ đưa quyết định chiến lược là di chuyển căn cứ quân sự chính từ Seoul đến thành phố cảng Pyeongtaek nằm phía tây, một trong những điểm gần nhất của Nam Hàn sang Trung Quốc, chỉ cách vài trăm dặm băng qua biển Hoàng Hải. Căn cứ mới này với diện tích cỡ Washington, D.C., và là căn cứ quân sự lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ - tiêu biểu mạnh mẽ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.  Ngoài các kiến trúc cho mục đích quân sự, căn cứ này cũng thiết kế nơi cư trú cho 45 ngàn quân nhân Hoa Kỳ và gia đình.  Năm ngoái, vừa khai trương một căn cứ được kiến trúc theo chuyển biến tương lai khi tan biến sự đe dọa từ Bắc Hàn hoặc giả hai miền thống nhất.  Điều mà chính quyền Trump lờ đi không nói là trên thực tế 90 phần trăm trong số 10.8 tỷ Mỹ kim chi cho việc xây dựng căn cứ cho quân đội Hoa Kỳ đồn trú là do Nam Hàn trả. Chưa hết, Nam Hàn đã mua số vũ khí Hoa Kỳ trị giá gần 7 tỷ Mỹ kim trong thập kỷ qua, trở thành khách hàng mua vũ khí lớn thứ ba của Mỹ sau Ả Rập Saudi và Úc. 

Rõ ràng, định hướng chiến lược của của các nhà quân sự Hoa Kỳ là kiềm tỏa sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc.  Đồng thời, ngăn chặn sự dòm ngó của quân đoàn miền Viễn Đông của Nga trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền nhiều hải đảo giữa Nga-Nhật-Nam Hàn. 

Đẩy chiến trường sang nước khác
Tuy nhiên, quan trọng nhất là khi chiến tranh xảy ra với Trung Quốc, thì quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn là mũi dùi và bãi chiến trường là Nam Hàn, là vùng Đông Bắc Á chứ không phải ở lục địa Hoa Kỳ.  Đúng ra là Hoa Kỳ phải trả tiền hậu hĩnh để dụ cho nước khác bị thành bãi chiến trường chịu sự hủy diệt, tàn phá chứ không đòi tiền treo giá cao ngất ngưỡng như thế.

Make America Great Again bằng chiến lược Co Cụm giao thế giới lại cho Nga- Hoa?
Bên Âu Châu và Trung Đông, thế giới đang chứng kiến cảnh Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria để cho Nga chiếm hữu những căn cứ quân sự nguyên vẹn/ Chỉ trích đồng minh Liên Âu, chê bai NATO/ Ủng hộ Nga thôn tính Crimea: cũng làm lợi cho Nga/.  Bên Á Châu, thì bắt chẹt quân phí Nam Hàn, Nhật Bản khiến Nam Hàn phải với, chìa tay cho Trung Quốc.
Tư tưởng sản sinh kế sách Co Cụm Vĩ Đại, sẵn sàng từ bỏ thế lực và ảnh hưởng quân sự trên trường thế giới đã xây dựng trong 2 thế kỷ để bàn giao ngoan ngoãn lại cho Nga-Tàu, để làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại như thế, quả thật là  “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu”.

Mai Phi-Long

-------------------------
Tham khảo:
.
South Korea is one of the most loyal U.S. allies. Now we’re being bullied by Trump.
.
China signs defence agreement with South Korea as US angers Seoul with demand for $5bn troop payment
.
SMA Negotiations: Why Trump's Demand of $5 Billion from South Korea Is Wrong





ĐAN MẠCH : TRUNG QUỐC LỢI DỤNG KHOA HỌC VÌ MỤC ĐÍCH QUÂN SỰ TẠI BẮC CỰC (Thùy Dương - RFI)




Thùy DươngRFI
Đăng ngày 30-11-2019

Tình báo Quốc phòng Đan Mạch hôm qua 29/11/2019 tiết lộ quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học để tiếp cận Bắc Cực và cảnh báo nguy cơ cuộc ganh đua địa chính trị ở khu vực này ngày càng được đẩy mạnh, gây bất ổn trong khu vực.

Quân đội Trung Quốc đang muốn tham gia các cuộc thám hiểm Bắc Cực. © Svebor Janjc

Trong một báo cáo thường niên đánh giá rủi ro, Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cho biết « một trò chơi quyền lực mới » giữa Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang được hình thành, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu Bắc Cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen lưu ý là các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc tại Bắc Cực không chỉ phục vụ khoa học mà nhắm tới « mục tiêu kép ». Quân Trung Quốc ngày càng muốn tham gia vào các cuộc thám hiểm Bắc Cực. Báo cáo nhấn mạnh rất có thể các cơ quan dân sự và quân sự của Trung Quốc sẽ hợp tác để khám phá Bắc Cực và hướng đến khả năng hoạt động tại khu vực này.

Trung Quốc, vốn tự cho là một nước « gần như thuộc Bắc Cực », có tham vọng giành được nhiều quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác tại vùng này và có thể tiến hành các giao dịch nhanh hơn thông qua tuyến đường biển phía Bắc. Reuters nhắc lại là hồi năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường biển ở Bắc Cực vào dự án gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhằm củng mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.

Tranh cãi ở Bắc Cực liên quan đến hiện tượng Trái đất bị hâm nóng và khả năng tiếp cận các nguồn khoáng sản đã nổ ra vào tháng 05/2019 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga có hành vi hung hăng tại khu vực này và nhấn mạnh cần theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Do Nga tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực, một số quốc gia khác ven biển Bắc Cực cũng đã đẩy mạnh khả năng quân sự của riêng họ trong khu vực. Báo cáo của Tình báo Quốc phòng Đan Mạch còn cho biết chiến lược mới về Bắc Cực của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 06/2019 cùng với ý kiến ​​từ các quan chức chính phủ và quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng tại Bắc Cực.

Mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Bắc Cực đã được thể hiện rõ hơn vào tháng 08 khi tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland của Đan Mạch. Ý tưởng của chủ nhân Nhà Trắng sau đó đã nhanh chóng bị chính phủ Đan Mạch và nhà chức trách Greenland bác bỏ.






NGƯỜI CAO TUỔI HONG KONG ĐỔ RA ĐƯỜNG BIỂU TÌNH ỦNG HỘ HỌC SINH (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
01/12/2019

Học sinh trung học cấp hai và người về hưu cùng nhau biểu tình ở Hong Kong vào thứ Bảy. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong số nhiều cuộc biểu tình cuối tuần được lên kế hoạch diễn ra khắp thành phố trong khi các nhà hoạt động dân chủ tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại điều mà họ nói là sự tàn bạo của cảnh sát và những vụ bắt giữ bất hợp pháp.

Một quan chức hàng đầu của Hong Kong cho biết chính phủ đang xem xét thành lập một ủy ban độc lập để thẩm xét việc xử lí cuộc khủng hoảng này mà trong đó các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực kể từ khi bùng lên hơn năm tháng trước.

Hong Kong tương đối yên ổn mấy ngày qua kể từ khi các cuộc bầu cử địa phương vào tuần trước mang về chiến thắng áp đảo cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ. Nhưng các nhà hoạt động dường như muốn duy trì động lực của phong trào biểu tình.

Người biểu tình tức giận về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào các quyền tự do đã được hứa hẹn khi Anh trao trả lại Hong Kong cho Bắc Kinh cai trị vào năm 1997.

Mặc dù các cuộc biểu tình được khơi mào bởi một dự luật dẫn độ mà sau đó đã bị hủy bỏ, những người biểu tình giờ đang đưa ra “ngũ đại tố cầu” (năm đòi hỏi lớn) bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu trong việc lựa chọn người lãnh đạo thành phố và một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực.

Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp và nói rằng họ cam kết tuân theo công thức “nhất quốc lưỡng chế” được áp dụng cho trung tâm tài chính Châu Á này vào năm 1997. Bắc Kinh quy trách các lực lượng nước ngoài kích động bất ổn.

Người dân tụ tập để tưởng niệm vào ngày thứ Bảy bên ngoài nhà ga đường sắt Prince Edward, nơi một số người dân tin rằng những người biểu tình đã bị cảnh sát giết chết ba tháng trước. Cảnh sát phủ nhận điều này.

Trong khu vực vịnh Cửu Long, vài trăm người biểu tình đứng cạnh nhau thành một hàng và nắm tay nhau.

Hôm thứ Bảy, tờ báo của Đảng Cộng sản ở thành phố Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc cho biết cảnh sát đã bắt giữ một công dân Belize vì cáo buộc thông đồng với những người ở Mỹ để can thiệp vào những việc ở Hong Kong.

Chính quyền thành phố Hong Kong đang cân nhắc thành lập một ủy ban độc lập để duyệt lại cách thức họ xử lí cuộc khủng hoảng, Matthew Cheung, Ti trưởng Ti Chính vụ, nói với các phóng viên khi được hỏi về một ủy ban thẩm xét độc lập.

Một số người chỉ trích trên mạng xã hội nói rằng một ủy ban như vậy chưa đáp ứng được đòi hỏi của họ về một cuộc điều tra độc lập.

Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet, cũng kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá trong một bài bình luận đăng trên báo The South China Morning Post vào ngày thứ Bảy.





View My Stats