Diễm Thi -
RFA
20/09/2019
Lần đầu tuyên bố
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng
hôm 18/9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền
và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc cũng đồng thời yêu cầu Việt Nam lập tức dừng
các hoạt động mà họ gọi là vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh của vùng
nước này. Ông Cảnh Sảng nói với các phóng viên rằng: “Kể từ tháng 5 năm nay,
phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở
Wan'an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền
và lợi ích của Trung Quốc…”
Bãi Tư Chính là một bãi ngầm nằm cách Vũng Tàu khoảng
160 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước
luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Bãi này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc
600 hải lý. Đây cũng là nơi diễn ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc
trong suốt 3 tháng qua khi Trung Quốc liên tục điều tàu đến quấy nhiễu các hoạt
động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Theo Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, giới
nghiên cứu và những người quan tâm đến Biển Đông, đến an ninh khu vực Đông Nam
Á, châu Á-Thái Bình Dương cũng như tình hình Việt Nam, không ai lấy làm lạ với “tuyên
bố trắng trợn một cách ngông cuồng” của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Cảnh Sảng. Tuy nhiên, đây là lời cảnh cáo đầu tiên một cách trực tiếp và có địa
chỉ, tức là nhắm vào Việt Nam, bởi ngay cả năm 2014, khi ông Tập Cận Bình sang
thăm Việt Nam và nói chuyện trước Quốc hội, ông Tập cũng không dám nói chuyện
như ở những chỗ khác rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông từ thời cổ đại.
Ông Phúc nhận định:
“Hành động tuyên bố của Cảnh Sảng cho thấy đây là một
sức ép, một giọt nước cuối cùng. Tôi cũng thấy đó là một tin mừng vì lời tuyên
bố của Cảnh Sảng nó là đáp số của bài toán “đại cục”, của tình hữu nghị Việt
Trung, của “4 tốt 16 chữ vàng”.
Lời tuyên bố của ông Cảnh Sảng đã chứng tỏ cho những
ai còn mê ngủ, cho những ai còn ảo tưởng về tình hữu nghị giữa Việt Nam-Trung
Quốc và cái “tình đồng chí thủy chung” như Tập Cận Bình và nhiều đời lãnh đạo
Trung hoa cộng sản đã phát biểu trước đây”.
Phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ hai
nước từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ khoảng cuối những
năm 1990 và đầu 2000. Theo phương châm này, hai nước cam kết tuân thủ “Ổn định
lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện", và
“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập ở
Singapore cho rằng bản chất của vấn đề là Trung Quốc có ba yêu sách lớn đối với
Việt Nam cũng như đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và
bây giờ họ cứ thế mà thực hiện. Ông nêu cụ thể ba yêu sách:
“Thứ nhất, không bao giờ được áp dụng Công ước về
luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc trong câu chuyện với Trung Quốc.
Thứ hai, không một nước nào trong các nước có tuyên
bố chủ quyền, và cả các nước không có tuyên bố chủ quyền trong khối ASEAN được
phép tập trận với một nước bên ngoài khu vực ấy mà không tham khảo ý kiến của
Trung Quốc, hay không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN còn lại.
Thứ ba, không được hợp tác khai thác tài nguyên (tài
nguyên chứ không chỉ có dầu khí) ở trên vùng biển và vùng trời của toàn bộ Biển
Đông khi không có sự đồng ý, đồng thuận của các nước ASEAN còn lại và của Trung
Quốc.”
Với tư cách là một người dân trong nước, blogger
Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là hậu quả do đảng cộng sản Việt Nam gây ra hàng
chục năm qua, từ công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng cho đến mật ước Thành đô
1990 (mà tới giờ này vẫn trong vòng bí mật). Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mà dựa vào đó Trung Quốc cho rằng Việt
Nam đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Trung Quốc.
Thành Đô là nơi diễn ra cuộc họp bí mật quan trọng
giữa lãnh đạo hai nước vào năm 1990 để bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên cho đến
giờ, nội dung thông tin về những thỏa thuận, nếu có, giữa hai bên vẫn chưa được
chính phủ Việt Nam công bố.
Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng nói rằng viện trợ của
Trung Quốc cho Bắc Việt trong chiến tranh đã khiến Việt Nam ngày càng lệ thuộc
vào Trung Quốc. Ông nói thêm:
“Yếu tố thứ hai chính là vấn đề nợ. Chắc chắn phía cộng
sản Việt Nam có nợ phía cộng sản Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba chính là chính sách sai lầm của người
cộng sản Việt Nam sau này, cụ thể là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Đó là một
chính sách phản khoa học và nửa vời.
Yếu tố thứ tư là kế sách của binh pháp Tôn tử từ
ngàn xưa, đó là kế vô trung sinh hữu - biến không thành có”.
Trong tuyên bố mới của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Cảnh Sảng nói rằng vùng nước ở Bãi Tư Chính là thuộc quần đảo Trường Sa và
do đó đương nhiên thuộc về Trung Quốc.
Việt Nam phải làm gì?
Đã hai ngày trôi qua kể từ phát biểu của Phát ngôn
viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhưng phía chính quyền Việt Nam hiện
vẫn chưa có phát biểu chính thức nào về việc này. Học giả Đinh Kim Phúc nhận
xét:
“Trong vấn đề Biển Đông, chính phủ Việt Nam có thái
độ rất ngộ, đó là nói thì không làm mà làm thì không nói. Nó tạo ra sự nghi ngờ
của nhân dân trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Nhà nước. Tôi nghĩ rằng lời
phát biểu của Cảnh Sảng sẽ là động thái cuối cùng để cho cán bộ lãnh đạo cấp cao
của Việt Nam phải lên tiếng, để cho nhân dân thấy cái quyết tâm của Việt Nam
trong việc bảo vệ chủ quyền.”
Trong một động thái khác, buổi tọa đàm khoa học
“Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế” được Viện nghiên cứu chính sách
pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ
thuật Việt Nam (VUSTA) dự định tổ chức vào sáng ngày 22/9/2019 tại Hà Nội vừa bị
hoãn đến sau ngày 5/10/2019.
Công văn thông báo do Viện trưởng viện PLD Hoàng Ngọc
Giao ký hôm 20/9 cho biết viện đã nhận được công văn của Liên hiệp hội (cơ quan
chủ quản) yêu cầu lùi ngày tổ chức tọa đàm. Lý do được công bố là: “Theo chỉ đạo
của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp
các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách
Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019”
Là người được mời dự tọa đàm, ông Đinh Kim Phúc nhận
định với RFA về lý do có thể liên quan đến việc lùi ngày tổ chức:
“Tôi nghĩ có lẽ các cơ quan chức năng Việt Nam ngại
buổi tọa đàm này diễn ra trước ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa (1/10) thì sẽ mất đi tình hữu nghị, mất đi cái đại cục giữa Việt Nam và
Trung Quốc”
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận xét: “Tức
là hiện nay ĐCSVN hoàn toàn tê liệt, không còn sức phản kháng trước các
hành động ngang ngược của Trung Quốc.”
Báo chí trong nước đến lúc này chưa có thông tin
chính thức nào về những gì đang diễn ra Bãi Tư Chính những ngày gần đây và phát
biểu của ông Cảnh Sảng. Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp nêu một phản ứng của Việt
Nam hôm 28/8:
“Trước đây chưa bao giờ Việt Nam nói vùng đó không
phải vùng tranh chấp, và cũng chưa bao giờ nói vùng đó là vùng tranh chấp,
nhưng hôm 28/8 vừa rồi, Việt Nam nói rất rõ rằng ở đó không có vùng tranh chấp
mà đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”
Từ ngày 3/7 khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải
Dương 8 vào phía bắc bãi Tư Chính đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần đưa
ra tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước này.
Trung Quốc sẽ làm gì?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/9
cũng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính
trong khu vực quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và không thể tranh
cãi. Ông Đinh Kim Phúc nêu quan ngại rằng, việc giữ chủ quyền của Việt Nam
ở vùng Bãi Tư Chính nói riêng và trên vùng đặc quyền kinh tế tế Việt Nam nói
chung rất quan trọng, vì nếu mất một khu vực thì vấn đề trên biển của Việt Nam
sẽ mất tất cả, và đây là việc sống còn của Việt Nam.
Đây không chỉ về mặt kinh tế, về khai thác tài
nguyên ở trong lòng biển, mà nó còn là an ninh của Việt Nam. Do đó đây là sức
ép của Trung Quốc để xem Việt Nam trả lời và đối phó như thế nào.
“Riêng bản thân tôi thì tôi rất có lòng tin với việc
bảo vệ chủ quyền đất nước của các lực lượng chức năng, nhất là của quân đội hiện
nay nhưng “chiến tranh không phải trò đùa”. Và, trong gần
ba tháng qua, Trung Quốc chủ yếu gây sức ép để cho Việt Nam nhượng bộ
chứ Trung Quốc cũng không dám nổ súng và cũng không dám gây chiến tranh ở Biển
Đông.”
Với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nếu Việt Nam nhượng bộ thì
Trung Quốc sẽ đi tiếp, mà không nhượng bộ thì Trung Quốc cũng sẽ có những hành
động mạnh mẽ hơn. Trung Quốc cũng không ngại có những hành động mạnh mẽ ngay
trong tuần này và tuần tới, không cần phải đợi qua ngày Quốc khánh của họ.
Cũng theo ông Hà Hoàng Hợp, Trung Quốc đã đe dọa Việt
Nam từ tháng 5, khi liên doanh PVN - Rosneft thuê tàu Nhật khoan mở rộng ở lô
6.01 ở vùng bãi Tư Chính và yêu cầu Việt Nam phải rút khỏi khu vực này.
-------------------------------
XEM
TỔNG HỢP VỀ BÃI TƯ CHÍNH
21/09/19
No comments:
Post a Comment