Friday, 20 September 2019

THƯƠNG THAY ĐÀ LẠT! (Trân Văn)




19/09/2019

Quang cảnh Đà Lạt với những dãy núi phía xa bao bọc khu vực trung tâm thành phố.

Trong khi càng ngày càng nhiều người Việt hoang mang vì mức độ ô nhiễm của môi trường sống càng ngày càng trầm trọng, ung thư và các chứng bệnh mãn tính do không khí, đất, nước, thực phẩm,… bị nhiễm độc càng ngày càng phổ biến, tước đoạt càng ngày càng nhiều sinh mạng của cả thân nhân lẫn thân hữu thì lại chẳng có bao nhiêu người chú ý đến câu chuyện về ông Nguyễn Thanh Tân, 42 tuổi, ngụ ở phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (1).

Đó cũng là lý do thủ phạm không những không bị trừng trị mà còn ung dung soạn – lập – triển khai những kế hoạch hủy diệt khác, xem hủy diệt là… công trạng!

***
Theo tờ Tuổi Trẻ thì trong mắt nhiều người, Nguyễn Thanh Tân là một kẻ “lập dị”. Tân – cư dân Đà Lạt, thuở nhỏ từng phụ cha mẹ làm vườn, trồng rau nhưng khi trưởng thành thì không muốn theo nghiệp nông dân. Cha mẹ Tân có tám đứa con và cả tám đều như thế. Đó là lý do mảnh vườn có diện tích 8.000 mét vuông được thế hế thứ hai của gia đình này cho người khác thuê…

Tân kiếm sống bằng việc làm nhân viên cho một doanh nghiệp chuyên thu mua rau, củ rồi bán cho các siêu thị. Theo thời gian, Tân nhận ra không chỉ rau, củ mà cả không khí, đất, nước,… cũng đang bị đầu độc bằng đủ loại hóa chất. Đà Lạt – nơi Tân sinh ra, lớn lên không chỉ là sinh quán mà còn là trú quán của Tân và gia đình đang tan nát vì hệ thống nhà kính…

Năm 2017, Tân quyết định lấy lại mảnh vườn mà gia đình đã cho người khác thuê. Tân bỏ cả tỉ đồng bồi thường cho người thuê để họ dỡ hệ thống nhà kính đã dựng trên đất của gia đình mình để trồng rau, củ theo kiểu cha mẹ của Tân từng làm. Mảnh vườn theo “kiểu truyền thống” của Tân giờ nằm lọt thỏm giữa rừng nhà kính, nhà màng nhưng Tân bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng anh mãn nguyện.

Tân nhấn mạnh: Nhà kính là “lồng đầy thuốc độc”. Tân đã mất bốn con vật cả chó lẫn mèo khi chúng chạy sang nhưng khu vườn khác chơi, bị ngộ độc, sùi bóp mép rồi chết... Tân không muốn sở hữu những “lồng” bơm đầy thuốc độc như thế. Do mất lồng, không được bón phân hóa học, không được xịt thuốc bảo vệ thực vật, vườn dâu sum suê mà người ta trồng trên mảnh đất thuê của gia đình Tân chết trụi…

Tuy nhiên khi dâu tàn, cỏ dại mọc lên thì chim bắt đầu quay về làm tổ, giun dế tái xuất hiện,… Đất đã có thể tự thải độc chất, tự hồi phục. Xen kẽ với cỏ là các loại rau tự nhiên mà người Việt vẫn ăn (tàu bay, cải trời, rau sam, dền cơm, rau lang, su su, bồ công anh, cỏ hột nút). Cứ như lời Tân kể thì dù “giá trên trời” nhưng lượng rau tự nhiên này “không đủ bán”.

Tờ Tuổi Trẻ mô tả, thoạt nhìn, khu vườn của Nguyễn Thanh Tân vẫn như một mảnh vườn hoang, trên đó có đủ loại cây củ quả xen kẽ với nhau: hoa hồng, đậu trắng, thù lù, atiso, cải cầu vồng, hoa cúc mắt nai, đậu Sachi… Tân vẫn không bón phân, không xịt thuốc, tiếp tục trồng luân canh theo mùa và chờ đất tiếp tục tự thải độc, tự hồi phục. Tân gọi mảnh vườn của anh là Smile Garden.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, Tân đang phối hợp với các bạn trẻ thực hiện “Dự án Trả lại mảng xanh cho Đà Lạt”. Chưa rõ dự án bao gồm những kế hoạch nào nhưng ít nhất, qua tờ Tuổi Trẻ, có thể biết, những người tham gia thực hiện dự án này đang tìm cách thực hiện ý tưởng tổ chức những phiên chợ bán “nông sản sạch”, khuyến khích nông dân không dùng phân hóa học, không xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Tân tâm sự rằng, nhiều người Đà Lạt và những người hay lui tới Đà Lạt thường than rằng, Đà Lạt càng ngày càng nóng, Đà Lạt ô nhiễm, đi mãi không tìm thấy màu xanh nhưng chỉ luyến tiếc mà không làm gì thì Đà Lạt không có cơ hội để thay đổi. Tân không kỳ vọng điều anh đã làm sẽ khiến nhiều người thay đổi nhưng Tân bảo, ít nhất điều đó đã thay đổi suy nghĩ của một người, giảm đi một “tội phạm” khiến Đà Lạt nóng hơn và tham gia vào việc gây ra những trận lụt mà chưa có ai từng nghĩ sẽ xảy ra ở Đà Lạt

***
Kẻ viết bài này tin rằng, có lẽ sẽ có không ít người giống như y: Mong Tân và “Dự án Trả lại mảng xanh cho Đà Lạt” thành công. Tuy nhiên ước vọng “trả lại mảng xanh cho Đà Lạt” và rộng hơn, trả lại môi trường sống an lành cho người Việt rất khó có cơ hội trở thành hiện thực.

Thượng tuần tháng trước, thiên hạ từng sửng sốt khi Đà Lạt chìm trong nước. Cách nay vài năm, chắc chắn không có ai, kể cả những kẻ giàu trí tưởng tượng nhất, dám nghĩ sẽ có ngày Đà Lạt – một thành phố tọa lạc ở cao nguyên lại có thể trở thành dễ ngập, ngập sâu và ngập lâu như vậy!

Báo chí Việt Nam đã thu thập ý kiến một số chuyên gia để lý giải vì sao Đà Lạt ngập nặng. Theo đó, dù mưa không lớn (vũ lượng vào ngày 8 tháng 8 – thời điểm các trận lũ đạt đỉnh chưa từng thấy ở Đà Lạt - chỉ có 23 mm/24 giờ) nhưng Đà Lạt vẫn chìm trong nước, lũ chảy cuồn cuộn, cuốn trôi, giật sập đủ thứ, sạt lở xảy ra nhiều nơi,… là vì sự phát triển ồ ạt của hệ thống nhà kính trồng rau và hoa (1).

Lúc đó, ông Lâm Ngọc Tuấn, một Tiến sĩ về môi trường, làm việc tại Đại học Đà Lạt, bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, nhà kính khiến hệ số thấm nước bằng không. Nước mưa không ngấm được vào đất sẽ đổ hết ra suối trong một thời gian ngắn làm nước đột ngột dâng cao, tạo thành lũ nên mưa không to vẫn gây lụt nặng. Nếu mưa to, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Lúc đó, ông Vũ Ngọc Long, cựu Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và khu vực phụ cận, cũng lưu ý, mọi người chỉ thấy sự phát triển của hệ thống nhà kính phá vỡ cảnh quan, ít ai thấy chúng khiến khí hậu, hệ sinh thái ở Đà Lạt thay đổi nhanh chóng, nghiêm trọng đến khủng khiếp và khó vãn hồi.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn các số liệu của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN PTNT) minh họa thêm, tính đến năm ngoái, ở Tây Nguyên, độ che phủ của rừng chỉ còn 46%, nội ô Đà Lạt thì chỉ còn 45%. Từ 2010 đến nay, riêng tỉnh Lâm Đồng đã mất thêm 90.000 héc ta rừng và điều đó liên quan mật thiết đến sự phát triển của hệ thống nhà kính.

Sở NN PTNT Lâm Đồng từng cho biết, Đà Lạt có 18.000 héc ta canh tác rau và hoa, trong đó 10.000 héc ta trồng trong nhà kính (2).

Phát triển nhà kính – gia tăng mức độ tàn khốc của thiên tai - không hề ngẫu nhiên. Đó là… qui hoạch của tỉnh Lâm Đồng: Đến 2020, diện tích canh tác rau phải… đạt 20.000 héc ta, trong đó 75% diện tích phải… ứng dụng công nghệ cao (nhà kính), còn canh tác hoa phải… đạt 2.800 héc ta và 90% diện tích phải… ứng dụng công nghệ cao (nhà kính)!

Đà Lạt không chỉ càng ngày càng dễ ngập, ngập sâu, ngập lâu, ngoài lụt nặng còn lũ, còn sạt lở nghiêm trọng, không khí, đất, nước ở Đà Lạt đã cũng như đang bị nhiễm độc vì qui hoạch, vì nghị quyết. Các thứ chất độc không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe của dân Đà Lạt mà còn theo nông sản phát tán khắp nơi.

Hậu quả đã nhãn tiền nhưng có ai trong số những kẻ soạn – lập – biểu quyết - ban hành các qui hoạch, nghị quyết ấy bị truy cứu trách nhiệm không? Không những là không mà những cá nhân ấy còn báo công, còn được ghi công, được lựa chọn, sắp đặt để có thể tiếp tục soạn – lập – biểu quyết - ban hành những qui hoạch, nghị quyết kiểu như thế trong nhiệm kỳ mới vì nhiều người Việt vẫn xem nghịch lý này có tính… mặc định!

-------------------
Chú thích







No comments:

Post a Comment

View My Stats