Monday, 2 September 2019

NGUYÊN NHÂN CHÍNH CỦA SỰ TỆ HẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ GÌ? LÀ AI? (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
02/09/2019

Trên trang BBC Việt ngữ, ngày 27/8/2019 có bài của ông Phạm Quí Thọ, mang tựa đề: Các nhóm thân hữu và tắc nghẽn thể chế đang gây hại cho Việt Nam.

Bài viết này trình bày khá thẳng thắn những vấn đề vốn được cho là “nhạy cảm” ở Việt Nam, khi chúng ta biết rằng, tác giả là một cựu viên chức cao cấp về chính sách công, với khả năng rất cao là một đảng viên Đảng Cộng sản, và tác giả cũng đang sống ở Việt Nam.
Ông Thọ phê phán rằng, bản chất sâu xa của những bất ổn trong thời gian qua chính là sự duy ý chí cho rằng Đảng Cộng sản có thể lãnh đạo kinh tế thị trường mà vẫn duy trì sự lãnh đạo độc tôn.

Sự phê phán này của ông Thọ đánh vào điều số bốn của Hiến pháp Việt Nam hiện tại là Đảng Cộng sản cai trị một mình, không có đảng đối lập. Tức là ông Thọ muốn đề cao một sự cạnh tranh đa nguyên đa đảng mà Đảng Cộng sản luôn từ chối.

Không có cách hiểu nào khác về lời phê bình rất thẳng thắn này.

Nhưng điểm quan trọng này của ông Thọ có thể bị mờ đi bởi phần lớn hơn được đưa ra phân tích là vấn đề các nhóm thân hữu, việc cải cách hành chánh không thực hiện được. Người đọc có thể bỏ qua, không để ý tới vấn đề đa nguyên chính trị thực chất mà tôi nêu ở phần trên.

Và như vậy, cũng có thể các viên chức đảng có quyền lực, khi xem bài của ông Thọ cũng sẽ không để ý.

Nếu như điều đó là ý muốn của tác giả thì cũng không có gì khó hiểu. Tác giả đang sống trong một chế độ mà quyền tư pháp của công dân không được bảo đảm, quyền sinh quyền sát nằm trong tay Đảng Cộng sản. Ông không có quyền tự do phát biểu như tại một quốc gia dân chủ.

Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy rằng khi phân tích về các “nhóm thân hữu”, “phe phái”, “lợi ích nhóm”, người ta có cảm tưởng rằng tác giả chỉ nói đến những tệ hai trong bộ máy hành chánh đang làm nghẽn sự “cải cách”.

Ngoài ra, tác giả lại đề cập tới các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ăn nên làm ra như Vingroup, Trường Hải,… đang là hy vọng cho đất nước, giống như các tập đoàn này là độc lập, miễn nhiễm đối với nền hành chánh hủ bại, tham nhũng, phe phái,… của bộ máy nhà nước.

Không thấy tác giả nói tới sự liên quan của các tập đoàn này với bộ máy nhà nước, có phải họ là “sân sau” của ai đó trong bộ máy quyền lực hay không? Họ được đề cập đến như những thiên thần cứu rỗi cho quốc gia, chứ không phải họ cũng chính là một phần của bộ máy nhũng lạm, của nhóm “thân hữu” mà tác giả dày công phân tích.

Khi tôi nêu vấn đề này lên ở đây là nêu dưới dạng câu hỏi, chứ không dám xác quyết rằng họ là như vậy. Và cũng phải ghi nhận rằng, tác giả cũng có viết rằng: “quá trình hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân có thể “không tự nhiên, ‘giàu lên nhờ đất’, phải lách luật hay tuân theo luật chơi quyền lực”.

Thế thì các tập đoàn ấy, sau khi trưởng thành một cách “không tự nhiên” đó có giữ những mối quan hệ “không tự nhiên” nữa hay không?

Cứ nhìn vào tập đoàn Vingroup, họ đang sở hữu những khu đất “vàng” trước kia là đất công, hay do quân đội quản lý, thì cũng phải hiểu rằng sự “không tự nhiên” ấy nó lớn như thế nào, và tôi không tin rằng họ đang có những mối quan hệ không còn “không tự nhiên” nữa.

Dĩ nhiên, trong lịch sử hình thành giới tư bản phương Tây ngày nay, người ta sẽ tìm được những đồng tiền tư bản có khi là do cướp bóc mà ra, cướp thuộc địa, cướp của thổ dân,… trong thời kỳ tư bản hoang dã. Nhưng thời ấy qua rồi. Sự vận hành của hệ thống tư bản phương Tây hiện nay không hoàn hảo, nhưng cũng đã “tự nhiên”, và điều quan trọng là nó không thể “không tự nhiên” trong môi trường pháp lý minh bạch, có sự phân chia quyền lực kiểm soát lẫn nhau.

Và đây chính là mấu chốt của vấn đề: Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn từ chối sự phân chia quyền lực, kiểm soát lẫn nhau.

Nếu không có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau ấy, thì cái lò của ông Trọng dù có lớn đến mấy cũng không thể nào chấm dứt được tham nhũng, cải cách được nền hành chính hủ bại, chấm dứt được những nhóm thân hữu, những sự phát triển “không tự nhiên” của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Có thể có những ý kiến nói rằng người ta hay đổ lỗi cho Đảng Cộng sản tất cả những tệ hại ngày nay, từ đường sá ngập lụt, nạn phá rừng, giáo dục tồi tệ, cho tới tham nhũng lẫn việc mất biển đảo vào tay Trung Quốc, và như vậy là không công bằng cho đảng này. Nhưng hãy nhìn kỹ mà xem, 44 năm nay đâu có ai cầm quyền ngoài những người cộng sản đâu, họ không chịu chia sẻ quyền lực cho ai cả, thì họ phải chịu hết mọi trách nhiệm chứ.

Ông Phạm Quí Thọ nói rằng các nhóm thân hữu và sự tắc nghẽn thể chế đang làm hại Việt Nam, tôi đồng ý, nhưng đó là chuyện kỹ thuật, chuyện nổi lên trên.

Nguyên nhân chính là: Đảng Cộng sản.






No comments:

Post a Comment

View My Stats