Friday 6 September 2019

NGÀY TÀN của NHỮNG CON KHỦNG LONG MANG TÊN LOÀI NGƯỜI (Phạm Thanh Giao)





Vào đầu tháng 7 năm 2017 các nhà khảo cổ học đã tìm ra được gần như trọn vẹn bộ hài cốt khô đóng trong đá tảng của một loại khủng long còn sót lại sau trận hủy diệt sau cùng, lần tuyệt chủng thứ 5 trên trái đất, nó mang cái tên khoa học là Chenanisaurus Barbaricus. Loài khủng long này, đã từng tung hoành ngang dọc trên trái đất cùng thời điểm với 2 loại khủng long mà hầu hết chúng ta đã được xem ở những bộ phim khủng long của Hollywood, loại Tyrannosaurus Rex và Triceratops. Đây là những loại khủng long còn sót lại sau cùng trước khi bị xóa tên khỏi mặt đất vĩnh viễn vào khoảng 66-67 triệu năm trước khi con người xuất hiện.

Nhiều thập niên trước đó, các nhà khảo cổ tuy đã tìm thấy xương cốt của các loại khủng long này, nhưng thường chỉ là một vài phần nhỏ của cơ thể của chúng mà thôi, chẳng hạn như những chiếc răng to cả nửa thước và những bộ quai hàm lớn như chiếc xe ủi đất. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên người ta tìm ra được gần như trọn bộ hài cốt còn nguyên vẹn của giống khủng long này.

Gần đây, chúng ta thường nghe nói đến sự kiện Khí Hậu Biến Đổi (Climate Change). Có nhiều người trong chúng ta không hiểu việc Khí Hậu Biến Đổi xảy ra như thế nào, biến đổi ra sao và nhất là do đâu mà có. Đến ngay cả ông tổng thống và một số nhà lãnh đạo của cường quốc Hoa Kỳ còn KHÔNG BIẾT hoặc KHÔNG MUỐN BIẾT nữa nói chi.

*** Sự kiện KHÍ HẬU BIẾN ĐỔI được giải thích ra sao?

Trái đất mà con người chúng ta đang sống, theo các khoa học gia nghiên cứu cho thấy, đã có một khí hậu khá hoàn hảo, thích hợp cho đời sống của các loại thảo vật và động vật trong một thời gian rất dài trong nhiều triệu năm. Điều này có được là do một lớp không khí trong bầu khí quyển, có áp xuất thấp hơn, đặc hơn các loại khí thường, có khả năng cản bớt đi sự thiêu đốt của ánh sáng mặt trời. Nó cũng còn giống như một cái mền (chăn) dầy, giữ lại sự ấm áp, hạn chế nhiệt độ vây quanh trái đất thoát đi giống như những căn nhà kiếng (green house) người ta dùng để trồng trọt. Khí Carbon Dioxide (CO2) vô cùng quan trọng trong số các loại khí của ngôi nhà kiếng của trái đất này, nó dầy hơn 60% so với các loại khí khác ở chung quanh ta.

Mọi thứ chỉ có thể tốt đẹp và an toàn cho mọi loài sống trên quả địa cầu này khi nhiệt độ không trở nên quá nóng hoặc quá lạnh, trong đó lượng khí CO2 được giữ lại và thoát ra khỏi tầng khí quyển được cân bằng. Đặc biệt là trong khoảng 100 năm trở lại đây, các loại khí của luồng khí quyển bao bọc trái đất đã tích tụ ngày một nhiều hơn, khiến khí hậu thay đổi rất nhanh. Sự khác biệt nổi bật nhất hiện nay là nhiệt độ trung bình của khí quyển và nước biển đang tăng vượt bực làm trái đất nóng lên hơn, thường xuyên hơn và kéo dài ngày hơn so với quá khứ.

*** Con người chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tai hại của ngày hôm nay.

Sự thay đổi khí hậu của thời điểm hiện tại chính là do bàn tay con người gây ra. Loài người đã làm rối tung loạn xạ lên chu trình của khí Carbon Dioxide. Lượng CO2 trong khí quyển luôn được điều hòa một cách quân bằng trong suốt 650 NGÀN NĂM trước cuộc Cách Mạng Công Nghiệp của loài người vào thế kỷ thứ 20 vừa qua. Lượng khí CO2 thường dao động từ khoảng 180 đến 300 phần triệu (ppm). Tuy nhiên, ngày nay, nó đã vượt mức 400 ppm - mức cao nhất trong hơn 23 triệu năm qua, theo các khoa học gia nghiên cứu ước tính.

Hầu hết sự gia tăng khí CO2 này là kết quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, khí đốt và dầu hỏa. Việc chăn nuôi gia súc lấy thịt, việc xử dụng phân bón tổng hợp và việc sản xuất công nghiệp, kỹ nghệ từ các nhà máy, sự khai thác tối đa các quặng mỏ, đã đóng vai trò chính yếu dẫn đến việc Khí Hậu Biến Đổi như hiện nay. Con người cũng đã tăng mức độ của các loại khí nhà kiếng khác như khí methane dùng như khí đốt, dùng để sưởi ấm và dùng như đèn thắp sáng ở khắp nơi.

*** Sự kiện Khí Hậu Biến Đổi khiến cho môi trường sống của các sinh vật trên trái đất sẽ phải đối mặt với khó khăn hơn bao giờ hết.

Những gì đang xảy ra với thời tiết và khí hậu trong hơn thập niên qua chắc chắn sẽ càng ngày càng trở nên khắc nghiệt và khốc liệt hơn. Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình đang tăng dần mỗi năm. Các sự kiện liên quan đến thời tiết như: mưa, lũ lụt, bão tuyết, bão tố, lốc xoáy, hạn hán và sóng nhiệt (heat waves) đang trở nên thường xuyên và kinh hoàng hơn.

Những vùng đất trước đây được loài người tận dụng để trồng cấy đang bị biến đổi trở thành những vùng sa mạc khô cằn. Nước biển ở các đại dương đang trở nên nóng hơn, có tính axit hơn vì nồng độ khí CO2 trong không khí cao hơn hòa tan vào nước biển, khiến cho lượng oxygen giảm hẳn vì nước càng ấm thì lượng oxygen trong nước càng ít đi. Thêm vào đó, mực nước biển ngày một dâng cao hơn khi những khối băng khổng lồ ở các vùng địa cực tan chảy, lại nữa, khi nước càng ấm lên thì dung tích nó lại càng nở ra và gia tăng hơn lên.

Tất cả những sự kiện trên sẽ dẫn đến việc cháy rừng ngày càng trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và tàn phá nhiều hơn. Chất lượng của không khí, chất lượng của nước chung quanh ta cứ theo đó mà giảm dần, kéo theo những hệ lụy dây chuyền hết sức tai hại.

*** Loài người đang phải đối mặt với những tác động tàn phá khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hậu quả của Khí Hậu Biến Đổi và sự gián đoạn các hệ sinh thái ảnh hưởng trên các tầng lớp của con người không giống nhau và không đồng đều. Người nghèo, người da màu và các nhóm dân chúng ở các quốc gia chậm phát triển và lạc hậu sẽ phải đối mặt với sự nhiễm độc, với các tác hại khó phục hồi cao hơn so với các quốc gia tân tiến vì thiếu khả năng và kỹ thuật để đương đầu.

Hơn một nửa dân số của thế giới là những người nghèo khổ đang sống quá thiếu thốn về thực phẩm và thuốc men, số người này dễ bị tổn thương hơn với những ảnh hưởng nguy hại gây ra do Khí Hậu Biến Đổi kể trên. Phụ nữ và trẻ em lại càng dễ bị tổn thương hơn nữa. Giới Y Khoa đã ước tính rằng, có tới gần 90% các loại bệnh tật liên quan đến Khí Hậu Biến Đổi có ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp trên trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy vậy, một khi nhiệt độ của trái đất cứ tiếp tục ấm hơn lên, thì già trẻ, lớn bé, nam phụ lão ấu, giàu nghèo bất kể, không ai có thể thoát khỏi những tác động tàn phá xảy ra.

Nhìn chung, ta có thể thấy khá rõ ràng là con người càng ngày càng phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, bất trắc về sinh hoạt, gián đoạn trong đời sống hàng ngày, dễ bị nhiễm bệnh về thể xác, ảnh hưởng tai hại về tâm thần hơn bao giờ hết. Các thứ bệnh tật và con số tử vong do các tác động của khí hậu như nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt ngày một gia tăng. Các đại nạn ngập lụt, cháy rừng, không khí và nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, sự thiếu hụt trầm trọng của đất trồng trọt cũng như nước tưới ngày một khan hiếm và cạn kiệt hơn, cùng một lúc đóng góp vào những khó khăn này khiến nó lại càng trở nên tồi tệ hơn lên.

Bên cạnh đó, sự mất mát tài nguyên thiên nhiên mỗi ngày một nhiều hơn ở khắp nơi, như các nguồn cá nước ngọt ở sông, ở ao hồ hay cá nước mặn trên các đại dương, cũng đóng góp không ít vào những thiệt hại gây ra bởi Khí Hậu Biến Đổi. Khí Hậu Biến Đổi còn gây ra nhiều chất gây dị ứng, gia tăng số lượng các loại sinh vật truyền bệnh như muỗi, ve và bọ chét, nhất là các loại vi khuẩn, virus và các thứ nấm truyền nhiễm ảnh hưởng trên mọi sinh vật nhất là con người.

Sự tan chảy băng vĩnh viễn được thấy hiện nay, thậm chí có thể làm sống lại các loại vi khuẩn đã có mặt trên quả đất cả hàng trăm ngàn năm trước mà nhân loại chưa từng bao giờ phải đối mặt, khiến con người không có khả năng miễn nhiễm cũng như khả năng chống trả. Thêm vào đó, đã có nhiều cuộc nghiên cứu của Y Khoa cho thấy những ảnh hưởng của nó về tâm lý, nhiệt độ tăng cao dẫn đến việc leo thang bạo lực giữa các cá nhân với nhau. Nhiệt độ tăng cao cũng làm suy yếu khả năng suy xét, nhận định của con người nói chung, đặc biệt là khi mức khí CO2 tăng trong không khí chúng ta hít thở cũng làm giảm đi khả năng nhận thức của trí óc con người.

Tác động của khí hậu và hệ sinh thái cũng dẫn đến sự mất ổn định xã hội trên toàn cầu. Con người nói chung đang mất dần các chức năng trong sinh hoạt hàng ngày. Sự khan hiếm hàng hóa cộng với các dịch vụ công cộng suy giảm và đình trệ sẽ trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của nhiều quốc gia nghèo đói trên thế giới. Những mất mát và thiếu hụt đó sẽ trực tiếp gây ra sự thiếu dinh dưỡng và chết đói đến dân chúng, buộc họ phải tìm mọi cách di cư đến những vùng đất khá hơn để tìm hi vọng sống còn. Từ đó, sự xung đột tị nạn sẽ xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, dẫn đến sự gia tăng về nghèo đói, gia tăng con số tội phạm và đủ mọi thứ xung đột ở xã hội, đưa đến việc tự thành lập các nhóm vũ trang, tự thành lập quân đội, tự tổ chức khủng bố, tạo ra chiến tranh, hủy hoại mọi trật tự của xã hội, dẫn đến sự bất lực của chính phủ.

*** Con người sẽ mất kiểm soát hoàn toàn về hệ thống khí hậu trên trái đất.

Cuộc sống của con người chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bầu khí quyển tiếp tục ấm lên, và cứ thế, đến một lúc nào đó, khí hậu sẽ hoàn toàn vượt quá tầm ảnh hưởng hoặc khả năng để thay đổi từ tay con người. Khí Hậu Biến Đổi đang đóng một vai trò hết sức quan trọng, cấp bách và có khả năng xóa sổ sự hiện hữu của loài người cao hơn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào trên thế giới.

Những cuộc tranh chấp về Ý Thức Hệ giữa các thể chế trong một xã hội,

Những cuộc tranh chấp về Mậu Dịch và Thương Mại giữa các quốc gia,

Những cuộc tranh chấp về Chủ Quyền Đất Đai và Biển Đảo giữa các nước với nhau,

Chắc chắn sẽ không đủ khả năng để tiêu diệt tòan thể nhân loại trước khi việc Khí Hậu Biến Đổi xóa sổ loài người trên mặt đất.

Những nhà nghiên cứu “lạc quan nhất” về Khí Hậu Biến Đổi cho rằng nếu con người chung tay đóng góp trong việc tái tạo môi trường sống trên quả đất thì vẫn còn chút hi vọng thay đổi được.

Trong khi đó, những nhà nghiên cứu “bi quan nhất” về Khí Hậu Biến Đổi cho rằng đây thời điểm mà loài người chính là những con khủng long bị tận diệt vào lần thứ sáu trên quả đất.

Có lẽ không ai viết đúng hơn bà Elizabeth Kolbert trong cuốn The Sixth Extinction – An Unnatural History (Cuộc tuyệt chủng lần thứ 6 trên trái đất – Sự kiện lịch sử bất thường), khi bà ta kết luận:

“Mỗi lần giống khủng long bị tuyệt chủng trước đây (đã xảy ra 5 lần), thì phải mất hàng nhiều triệu năm, nhưng giống khủng long tự hào là tài giỏi, thông minh và khôn ngoan nhất, mang tên con người, chỉ cần mất vài ngàn năm để tự hủy diệt.”

The Sixth Extinction – An Unnatural History






No comments:

Post a Comment

View My Stats